HỌC ĐỂ LÀM GÌ? Đó là một câu hỏi không mới, nó cũ kĩ như bản thân sự học vậy. Là câu hỏi thường trực của mọi thời học! Là vấn đề mang tính cốt lõi của đạo học đối với mỗi người học! Cũng cần khẳng định ngay rằng, khi lần đầu cắp sách đến trường và nhiều năm sau đó, các em học sinh đâu đã có chút khái niệm gì về vấn đề này, mà chỉ thụ động vâng theo sự chỉ bảo của người lớn, của cha mẹ mà thôi!
Chỉ khi thật sự lớn lên, nhiều em mới dần nhận thức ra điều đó. Cho nên câu cửa miệng của các bậc phụ huynh đối với con em là: “Không chịu khó học, lớn lên chỉ có đi ăn mày!”. Câu ấy và những câu tương tự đã hình thành dần trong bộ não của trẻ khái niệm “học để làm gì?”. Vâng, “học để lớn lên không phải đi ăn mày, ăn xin!”. Bởi “ăn mày, ăn xin” thì khổ như thế nào, các em nhìn thấy hằng ngày rồi!
Vậy, dù có cao đạo đến đâu, dù vô tình hay hữu ý, thì thực ra người lớn đã sớm định hướng cho con trẻ mục tiêu thực chất của sự học là gì rồi. Mục tiêu đó không sai, nhất là trong thời buổi thực dụng này. Nhưng sai ở chỗ, người ta cứ nói với các em: “Học để có kiến thức, để càng ngày càng có nhiều kiến thức”. Ý là học không vì tấm bằng. Cần thực học chứ không cần bằng cấp! Thương thay các em, nếu các em mà không có bằng cấp, thì các em vào đời sao đây?
Về điểm này, tôi xin kể một chuyện: Có lần, khi con gái tôi than vãn về kết quả học tập của cậu con trai, đã bí trước câu hỏi của nó: “Thế mẹ muốn con có điểm cao, hay muốn con có kiến thức?”. Chết chưa? Còn tuổi học trò mà lại không lấy điểm làm mục tiêu, thì làm sao mỗi năm lên lớp đây, làm sao thi đại học đây? Nhưng nếu bảo rằng mẹ muốn con luôn được điểm cao, thì có khi lại vô tình khuyến khích con học tủ, học vẹt, thậm chí gian lận trong thi cử?
Không chỉ nhà trường, gia đình, mà ngay những nhà tuyển dụng lao động cũng thường tuyên bố rất hayrằng “Chúng tôi cần người thực sự có kiến thức, chứ không cần người có bằng cấp!” Nhưng thực tế thì hồ sơ hàng đầu nộp cho cơ quan tuyển dụng, nhất định phải là cái bằng, theo đúng nghĩa đen! Càng nhiều bằng, càng thuận lợi khi xét tuyển. Kiến thức vẫn cứ phải đứng sau bằng cấp!
Thực tế thì vẫn có ngoại lệ: Mới rồi, báo Tiền Phong đưa tin, chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, được đề bạt làm tới chức Viện phó Viện KSND tỉnh! (TP thứ Ba, 1-03-2008: Đó là trường hợp của ông Trần Đình Sơn, Viện phó Viện KSND tỉnh Đăk Lăk). Tuy gọi là ngoại lệ, nhưng trường hợp như ông viện phó Sơn không phải là hiếm!
Nhưng nếu định hướng mục tiêu sự học là tấm bằng, thì sẽ lại dẫn đến một kết cục còn bi đát hơn! Thực tế đã có không ít trường hợp, học chỉ để đối phó với thi cử mà thôi. Vậy là tình trạng xin điểm, mua điểm không thể không xảy ra, không thể không phát triển. Còn bé thì cha mẹ mua điểm cho, lớn lên, tự mua lấy. Học tại chức, học hàm thụ bản thân nó không xấu; nhưng càng ngày nó càng tiêu cực, chính vì mục tiêu chính của thứ học này là để có bằng; bởi có bằng mới có cơ hội phấn đấu lên chức này chức nọ, lên ông nọ, bà kia! Thế là xã hội sinh ra nạn bằng giả, nạn thi thuê, nạn phao thi (có vị lãnh đạo thanh niên cũng từng mắc cái nạn này!) và nạn học giả - bằng thật!
Đã có nhiều phụ huynh (nhất là những vị có chức sắc) khi con em mình học kém, không thi được vào đại học, thì dùng cách này, cách khác, đưa trẻ vào cơ quan nhà nước, làm tạm một công việc gì đó, như nhân viên bảo vệ, nhân viên tạp vụ,... rồi cho đi học hàm thụ. Mấy năm sau, có bằng cấp, sẽ chạy ghế tiếp! Thế nên, một số cơ quan công quyền (đặc biệt ở cấp địa phương), chất lượng cán bộ rất đáng phàn nàn: Nhiều người rất kém cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn phép ứng xử làm ảnh hưởng lớn tới công cuộc cải cách hành chính của nhà nước! Để chứng minh nhận định này, xin dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc trên tienphong.vn (thứ bảy, 08-03-2008): “Thực tế, bộ máy cán bộ công chức của chúng ta hiện còn lớn, khoảng 1,7 triệu người (chưa kể 300.000 cán bộ công chức cơ sở). Tuy nhiên, theo đánh giá chung, đội ngũ này còn không ít hạn chế so với đòi hỏi của thời kỳ mới: Chỉ khoảng 30% trong số họ đáp ứng được yêu cầu, khoảng 40% tàm tạm, và khoảng 30% còn lại là chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Nhưng bằng cấp cũng chưa hoàn toàn nắm vai trò quyết định trong vấn đề công ăn việc làm của một người. Muốn thực sự trở thành thành viên của một số cơ quan ban, ngành người đó còn phải trải qua cuộc sát hạch gọi là thi công chức. Mặc dù công việc tổ chức một cuộc thi như thế không thể chặt chẽ, không thể có chất lượng bằng các cuộc thi tốt nghiệp mang tính quốc gia, nhưng, trượt cái này thì coi như tấm bằng của nhà nước cũng xếp xó! Lại thêm một kẽ hở nữa cho nạn tham nhũng hoành hành trên vai người lao động.
Từ những thực tế bằng cấp gắn với công việc và quyền chức như vậy, nên trong xã hội đã phát sinh một bệnh mới, mà giáo sư Văn Như Cương đặt tên là căn bệnh bằng cấp: “Vừa rồi trong báo cáo của Hội đồng Chức danh Giáo sư có đưa ra một con số đáng ngạc nhiên: 70% luận văn tiến sĩ là của các nhà quản lí, 30% còn lại là của các nhà nghiên cứu khoa học. Vâng, tôi đã từng biết có ông giám đốc sở, ông phó chủ tịch tỉnh, ông hay bà bộ trưởng hoặc thứ trưởng... bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nhưng tôi không ngờ cái tỉ lệ các ông bà quản lí lại cao đến như vậy... Bắt buộc một tiến sĩ khoa học phải làm một nhà quản lí là điều bất đắc dĩ, còn bắt nhà quản lí phải là một tiến sĩ khoa học thì lại càng khó hiểu hơn, nhất là khi luận văn của ông ta không thuộc về khoa học quản lí. Thực ra thì chẳng ai bắt buộc ông quản lí phải làm bằng tiến sĩ, nhưng thực tế thì ai cũng biết nếu có bằng cấp cao hơn thì dễ được cất nhắc hơn, thăng quan tiến chức nhanh hơn. Có lẽ đã đến lúc cần “nói không với bệnh bằng cấp” cũng giống như là “nói không với bệnh thành tích” vậy.” (Lại nói về luận văn tiến sĩ - Văn Như Cương - tiasang.com.vn 31-01-2008). Báo Lao Động điện tử Thứ Tư, 22.9.2010 | 08:03 (GMT + 7) nhận định Tình trạng sử dụng bằng giả và các gian lận khác trong thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ, đạo văn, đạo dịch ngày càng tràn lan và viện dẫn ý kiến người trong nghề: Nhà giáo Nguyễn Hữu Trù - nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GDĐT bức xúc khi rờ đâu cũng thấy bằng giả. Tiếp đó, bài báo còn cho biết: Tỉnh Gia Lai phát hiện gần 1.000 cán bộ sử dụng bằng giả để thăng tiến.... Càng ngạc nhiên hơn khi tác giả bài báo còn viện dẫn lời Nữ GS-TS Hoàng Xuân Sính: Có những bài luận văn thạc sĩ của không ít người là bài của tôi. Một cậu học trò của tôi tốt nghiệp khoa triết của trường tổng hợp không tìm được việc làm đã sống khấm khá bằng nghề làm luận văn tiến sĩ..., thời gian gần đây tôi nghe tin cậu ấy đã được làm viện trưởng một viện kinh tế (!?). Báo Người cao tuổi số 40 (757) ra ngày 19-5-2010 cũng đăng bài Phó Chủ tịch huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên: Thi trượt vẫn được... cấp bằng. Không chỉ thế thôi, khi bị phát hiện với đầy đủ chứng cớ không thể chối cãi, bà quan huyện này vẫn được UBKT Tỉnh uỷ Hưng Yên bao che.
Nạn BẰNG GIẢ không phải chỉ nước ta mới có, đúng vậy, vấn đề là ở CÁCH GIẢI QUYẾT NẠN NÀY như thế nào, nghiêm hay không nghiêm. Ví như chuyện sau đây ở Hàn Quốc mà báo vnexpress ngày 1 tháng 4 năm 2008 đã đưa tin: Nàng Lọ Lem của giới nghệ thuật Hàn Quốc bị kết án 18 tháng tù vì đã làm giả bằng tiến sĩ và thạc sĩ của Mỹ(*), là một cách làm đáng để chúng ta học tập?
Kiến thức và bằng cấp cái nào cần hơn? Câu trả lời dễ nhất có lẽ là cần cả hai! Nhưng nếu lại hỏi: cái nào cần trước, thì nhiều khi cũng khó khẳng định. Vậy đấy! Định hướng mục tiêu của sự học như thế nào cho đúng. Mong rằng các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ cũng như các em học sinh, hãy thực sự quan tâm!
-------------------
(*):
http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2008/04/3BA00D64/