Nhà văn hoá Hữu Ngọc tuổi 90 cúi mặt sát xuống tập tài liệu dầy cộp trên bàn làm việc, ở khoảng cách gần đến mức đôi mắt cận 25 đi-ốp của ông như sắp biến thành đôi cá nhỏ ngập sâu trong biển kiến thức hàng ngày. Cuốn sách in ronéo khổ lớn, có lẽ không dưới 2 ki lô mở ra trên bàn làm việc của ông. Ông dừng đọc, tiếp tôi mà thần trí như còn lương vương về những gì đang đọc.
Biết tính ông, tôi trao đổi nhanh về mấy việc cần thiết, rồi tạo một khoảng lặng chờ đợi khi hướng mắt về tập tài liệu. Tức thì, ông đập tay xuống cuốn sách dầy, phấn hứng giải đáp câu hỏi chưa thành lời của tôi:
--Ông có biết cuốn này là gì không? Đó là công trình bản luận án Tiến sĩ kiến trúc mang tên Từ góc nhìn thành phố - Hà Nội 1873-2006, luận án được bảo vệ thành công tại trường Đại học Paris VIII. Dĩ nhiên phải là công phu nghiên cứu, kết hợp với công sưu tầm thực địa rất nhiều nơi trên thế giới, phải tham gia không biết bao nhiêu cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, trong đó có 4 năm liên tục nghiên cứu thực địa tại Việt Nam…
Không nén lâu được sự tò mò, tôi mạn phép ngắt lời ông: “ Bác ơi! Nhưng tác giả? phải chăng là một người Pháp? “ Tôi vừa thoáng thấy cái tên Christiane Pédelahore.
Ông Hữu Ngọc cười hóm hỉnh:
-- Với tôi thì tác giả này không xa lạ gì, tôi từng…bế cậu bé Christiane
này trên tay!
Qua lời kể ông Hữu Ngọc, tôi hình dung ra những năm đầu khi hòa bình lập lại trên nửa nước (1954), quan hệ Việt Pháp được nối lại, có đôi vợ chồng nhà giáo người Pháp Pédelahore tình nguyện sang Việt Nam dạy tiếng Pháp. “Hai ông bà khá thân với tôi, họ sống ở một căn hộ trong sứ quán Pháp, chú bé thường chơi dưới bóng cây trong vườn. Có hôm tôi vào chơi nhà họ, ông bà đi dạy học chưa về, chú bé đã đòi tôi kể chuyện cổ tích Việt Nam cho chú nghe…Rồì Christiane lớn lên, theo đuổi nghề kiến trúc. Tôi làm báo đối ngoại nên vẫn biết tin những thành công của anh, nổi tiếng về những công trình nghiên cứu kiến trúc các thành phố phương Nam, đặc biệt là kiến trúc Việt Nam và châu Á.”
Bẵng đi một thời gian dài, một hôm ông Hữu Ngọc đang cắm cúi trên bàn làm việc, thì một người Âu vẻ mặt lanh lợi thông minh, dáng điệu lịch sự và tự tin, gõ cửa phòng rồi bước vào. Hữu Ngọc chưa kịp đứng dậy đón thì người đó đã bước thẳng đến bàn viết của ông, đặt trước mặt ông cuốn sách này, bắt chặt tay ông và nói tiếng Việt khá sõi “Chú ơi ! Cháu xin tặng chú kết quả 30 năm lao động của cháu!” Định thần lại, Hữu Ngọc mới nhớ ra vài nét quen thuộc trên bộ mặt người đó, lại được xác định bởi cái tên Pédelahore trên bìa sách. Trời ơi! Thì ra chú bé Christiane ngày nào! Chỉ kịp hàn huyên vài phút, Christane đã vội chia tay, vì e trễ giờ ra sân bay, về Pháp.
Công trình khởi đầu từ năm 1979, tập bản thảo chưa xuất bản đó liệu có bao nhiêu phần trăm tình yêu mảnh đất cậu từng chạy nhẩy, lớn lên cùng những chuyện cổ tích Việt Nam? Đó là lời cảm ơn thiết thực nhất của cậu với một người dường như sinh ra đã là người đại diện cho văn hoá Việt Nam: nhà văn hoá Hữu Ngọc!
Động cơ gì khiến Christiane Pédelahore chọn đề tài nghiên cứu Hà Nội? Hữu Ngọc tự hỏi, đọc công trình của anh và ông tìm được câu trả lời: Điểm xuất phát có lẽ là từ thiếu thời, anh đã say mê chú ý đến nền văn hoá có tính chất không gian, mang tính sinh hoạt hàng ngày. Lớn lên, đi sâu vào chuyên ngành kiến trúc học, anh không đồng tình với khuynh hướng style intertionale (phong cách quốc tế) một trào lưu xuất hiện dưới danh nghĩa chủ nghĩa hiện đại (modernisme) vào khoảng những năm 20 thế kỷ trước. Trào lưu này về mặt kiến trúc, tìm một phong cách thuần tuý kỹ thuật, dựa vào nguyên liệu sắt và bê tông để tạo một phong cách phi dân tộc, đồng nhất hoá kiến trúc chung cho toàn thế giới. Sự cào bằng tính đa dạng văn hoá ấy đã bị sự phản ứng của kiến trúc hậu hiện đại (postmodernisme) mà Christiane cũng chung khuynh hướng. Kiến trúc sư Christiane cho là hai yếu tố không gian và xã hội luôn quyện với nhau, phải phân tích và tổng hợp chúng thì mới có thể nhận xét, phê phán kiến trúc của một thành phố. Theo anh, từ những năm 90, Hà Nội đã bước vào giai đoạn phát triển và thay đổi mạnh mẽ về phương diện bố trí không gian và mở rộng ranh giới đô thị… --Tóm lại – ông Hữu Ngọc ngừng một chút rồi nhấn mạnh - Từ góc nhìn thành phố - Hà Nội 1873-2006 là một công trình nghiên cứu công phu, phong phú có tầm cỡ quốc tế mà tất cả những ai muốn tìm hiểu kiến trúc Thăng Long – Hà Nội cần tham khảo…Điều hấp dẫn nhất đối với tôi là những phát hiện và suy nghĩ của anh về một số yếu tố địa lý, xã hội và văn hoá khiến cho dân Hà Nội chính cống như tôi cũng bất ngờ.
Ông Hữu Ngọc giở nhanh đến một trang được gấp đánh dấu “ Tôi chỉ đơn cử nhận xét của Pédelahore về ảnh hưởng của các đầm, hồ đối với diện mạo Thăng Long - Hà Nội từ khởi thuỷ cho đến ngày nay”- ông dịch vo mà vẫn lưu loát về cả sự gợi mở đôi nét (có thể chăng?) của kiến trúc tương lai thành phố: “Đối với những ai chịu khó lắng nghe thì những đầm hồ Hà Nội luôn không ngừng truyền cho họ bức thông điệp sâu sắc sau đây: Chúng tôi (đầm và hồ) là xương cốt của thành phố này! Chúng tôi là âm bản của thân thể thành phố này! là nền tảng ngầm của cái tinh hoa nhất mà ai cũng có thể cảm thấy và nắm được - đối với người dân sở tại hay khách tham quan - đầm hồ là động cơ bị gây mê nhưng luôn sống động cho một công trình tái kiến thiết về không gian và xã hội có thể lại được thực hiện trong tương lai.”
Câu chuyện từ đầu có vẻ khô khan với khoa kiến trúc xa lạ với tôi, bỗng như sinh động hẳn lên, nó đụng đến một cảm thức tiềm ẩn mà chỉ khi đi xa khỏi Hà Nội tôi mới rõ. Thí dụ lần đầu vào thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vài ngày sau tôi đã thèm nhớ bóng nước trên mặt hồ quen thuộc của Hà Nội mà đi xuyên nội thành hay ra vùng ven ngoại tôi luôn luôn gặp…Quả là có một Hà Nội lung linh trong bóng nước sông Hồng với khoảng ba mươi gưong hồ lớn nhỏ: hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Thiền Quang, Bẩy Mẫu, Ba mẫu, Linh Quang, Linh Đàm, Thủ Lệ, Thành Công, Giảng Võ, Văn Chương, Thanh Nhàn…Mỗi gương hồ như đều gắn với một sự tích, một huyền thoại. Mỗi tấm gương ấy đã nhân lên, soi bóng vẻ đẹp “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, rồi những tán phượng la đà nhúng cả những ngọn lá xuống mặt hồ Gươm, rồi sấu, bồ đề, bằng lăng, muồng, nhội, hoa sữa soi mình…Những gương hồ đang bị xâm lấn trong cơn sốt đô thị hoá, nhưng những cái còn lại ở trung tâm đã được cải tạo một phần. Hồ Ngọc Khánh khi mới xây khu tập thể Ngọc Khánh …ngày nào còn nhếch nhác, đường đất bùn lầy. Nay nhờ con đường trục Nguyễn Chí Thanh tôn lên, nhờ dẫy nhà đẹp bao quanh, Ngọc Khánh đã trở thành con hồ xinh xắn có hàng liễu rủ thướt tha, nơi đi dạo dưỡng sinh cho các cụ, nơi hò hẹn bên quán cà phê cho những chàng trai cô gái…Con đường mới mở ven hồ Tây, vòng phía Tây Nam hồ, từ Trích Sài, Võng Thị xuyên qua khu đất cũ của một khách sạn để ra đến đầu đường Thụy Khuê, trả lại cho người Hà Nội nửa vành đai thơ mộng nhất của cảnh quan hồ Tây…
Khi tôi điểm vài ý nghĩ như trên vào câu chuyện thì nhà văn hoá Hữu Ngọc liên hệ ngay đến một “thiên đường” bồng bềnh trên mặt nước là thủ đô
Stockholm của Thụy Điển nổi trên sông, nơi ngã ba hồ Malaren đổ nước vào biển Ban-tích với khu vực chính gồm 14 hòn đảo nối liền nhau bằng năm chục chiếc cầu, không chỉ để đi lại mà còn để trang trí như những chiếc trâm ngọc gài trên đầu cô công chúa, ban đêm. Có cả một khu đảo nhỏ mang tên Quần đảo chi chít nhà nghỉ và thuyền du lịch với không biết bao nhiêu cánh buồm như bầy bướm những ngày nắng đẹp…nơi hơn một lần ông Chủ tịch Quỹ Thụy Điển-Việt Nam phát triển văn hoá Hữu Ngọc đã ghé thăm.
Còn tôi thì chỉ có thể hoài nhớ hồi cư ngụ trên căn gác nhỏ phố Nguyễn Siêu, những đêm mưa mùa đông dầm dề, cứ ngỡ ngôi đình vuông cụ Nguyễn Siêu ngồi dạy học vẫn còn đó với tiếng “chi hồ giả dã” của học trò cụ ngày xưa, xen tiếng ếch uôm oam bên bờ con sông Tô Lịch chảy qua chính lòng phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch ngày nay. Phố Hàng Buồm nơi cung cấp những lá buồm cho sông Tô thì ngay bên cạnh. Từ đây, chỉ mấy bước đi lững thững, cụ Nguyễn Siêu đã có thể ra ngắm hồ Gươm và nẩy ý tưởng xây Đài Nghiên, Tháp Bút, biểu tượng cho văn hoá Thăng Long với tráng khí Tả Thiên Thanh, rạch trời xanh mà viết!
Cũng ở số nhà 19 Hàng Buồm ấy mới hôm nào chúng tôi mở Hội thảo Bóng nước Thăng Long – Hà Nội trong văn học, đề tài nhánh của chủ đề nghiên cứu kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà nội do Hội nhà văn Hà Nội đề xuất.
Nhà văn hoá Hữu Ngọc mà nhà văn Trần Đăng Khoa tôn vinh là “ông khủng long” của ngành văn hoá vẫn còn say với công trình của Christiane, lần này, ông diễn giải mà không cần nhìn văn bản, tôi hiểu là có ít nhiều điều chỉnh từ nền kiến văn sâu rộng sẵn có của ông: Kiến trúc sư Christiane đặt lãnh thổ Hà Nội vào trung tâm của cái nôi dân tộc Việt nam, đồng bằng sông Hồng mà thời đồ đá mới chỉ là một vịnh nước sâu. Huyền thoại Lạc Long Quân- Âu Cơ với 50 người con xuống bể, 50 người con lên núi biểu tượng cho việc chinh phục những đầm lầy qua “cuộc hôn phối giữa đất và nước “ mấy nghìn năm tạo nên thảm đồng lúa mênh mông của nền văn minh lúa nước. Còn đây là nguyên văn ông dịch thoát ý “… Con người, bằng những công trình thuỷ lợi, đã nhào nặn đất trồng và đất ở, luôn tìm cách làm cho thăng bằng và giải quyết cuộc xung đột muôn thuở giữa đất và nước. Hà nội là nơi tổng hợp những yếu tố lỏng và đặc, và cũng là nơi những tầng lớp địa chất tiếp tục xếp lên nhau và hình thành nên một hình dáng địa lý tự nhiên trước khi có xây dựng kiến trúc…”
Tôi được biết, theo một nhà quản lý quy hoạch đô thị của ta thì tổng diện tích mặt nước các hồ đầm Hà Nội cũ (chưa tính Hà Tây mới nhập) là hơn 2.000 ha, riêng về hồ, thống kê 1994 còn hơn 40 cái, nay còn chưa đến 30. Quá trình đô thị hoá ào ạt khoảng hai thập kỷ qua đã san lấp đến quá nửa diện tích mặt nước nói trên…
Nói đến văn học viết về bóng nước, mọi người đều nhớ ngay đến tiểu thuyết Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên, tập bút ký Gương mặt Hồ Tây của Trần Lê Văn - Ngô quân Miện – Quang Dũng, và gần đây tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh. Để dựng lại cảnh quan Thăng Long thời Trần- Hồ, Nguyễn Xuân Khánh buộc phải tìm hiểu bản đồ thời Lê Thánh Tôn, đọc Thánh Tông di thảo, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục…để người đọc hình dung bóng nước Thăng Long ngày ấy lung linh sáng lạn đến đâu. Đây là miêu tả của tác giả tiểu thuyết Hồ Quý Ly:
Thời nhà Trần, ở phía Nam kinh thành Thăng Long có một khu hồ lớn gọi là Đại Hồ (từ vùng cửa Nam hiện nay xuống tới Bạch Mai, đã bị san lấp gần hết dấu tích, nơi có lúc còn gọi là Thái Hồ). Đại Hồ còn to hơn cả Tây Hồ. Thực ra, đó là một hệ thống những hồ ăn thông với nhau gồm nhiều nhánh, ở giữa lại có những đảo đất cao trồi lên. Tuỳ theo hình thể hoặc địa danh từng nơi, có đoạn gọi là hồ Phượng Hoàng, có đoạn là hồ Bích Câu, có đoạn gọi là Đầm Vạc, Đầm Sậy...Thời đó hồ khá nổi danh, vì trong khu vực ấy có Quốc Tử Giám ở vùng trên và Tư Thiên Giám ở vùng giữa. Vùng dưới Tư Thiên Giám, khu hồ rộng phình ra, quanh năm hơi nước bốc lên, mặt hồ lúc nào cũng phủ hơi sương...
Các nhà văn của chúng ta đều thấy vị trí quan trọng những đầm hồ Thăng Long Hà Nội trong cảnh quan chung, mỗi người một mảng, nhưng phần nhiều dựa trên trực cảm, mỹ học và tâm linh.
Trong buổi thảo luận ấy, nhà thơ Trần Lê Văn một trong ba tác giả Gương mặt hồ Tây say sưa khi đụng đến đề tài ông yêu thích. Ông nói vui: Sông hồ Hà nội ngày xưa dầy đặc đến mức ngày nay Hà nội có bao nhiêu xe máy thì sông hồ Hà nội ngày ấy có bấy nhiêu thuyền bè. Rừng đầy thú dữ quanh hồ, có thể bắt được cả voi( đường Dụ tượng ) Ông nhắc đến một Hà nội chưa xa lắm với tuổi ông ( Chày Yên Thái nện trong sương loảng choảng/ Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co (Nguyễn Huy Lượng)
Gương mặt hồ Tây không biết đã tái bản lần thứ mấy, nhưng lần đầu in là năm 1983, nhà thơ Quang Dũng lúc đó còn mạnh mẽ lắm. Chúng tôi thường gọi đùa ba ông là ba nhà thơ-ký của thời đại (víết thơ viết ký), tình bạn của ba ông là sự nhuần nhuyễn giữa tình yêu văn học và tình yêu nhân học để có được sự tương thân, tương kính lâu bền. Tình bạn lần này hội tụ cả trên trang sách. Nhà thơ Trần Lê Văn khi làm thơ thì có văn, khi viết văn lại đẫm chất thơ. Ông đã kết hợp sức tưởng tựong nhà văn với sự uyên bác để dựng lại chuyện cả ngàn năm cũ khi vua Lý Thái Tổ quyết định rời đô:
Thuyền vua ngược sông Nhị vào ngày thu ấy là phải cặp bến ở khu bắc Đại La. Rất có thể con thuyền ấy, đoàn thuyền ấy đi vào theo sông Tô và đỗ ngay ở chân thành. Tâm trạng nhà vua mới bồi hồi làm sao! Y như con cá đang ở trong ngòi thoắt bơi ra biển cả. Cá lớn lắm rồi, ngòi nhỏ chứa sao được nữa! Nói đúng hơn thì đây là cá đã đến lúc hóa rồng, phải vượt Vũ môn. Vua đưa mắt nhìn khắp bốn phương như muốn thu cả vũ trụ bao la vào tròng mắt. Bầu trời cao xanh không giới hạn. Mặt đất cũng trải ra, trải mãi ra, không có gì ngăn che tầm mắt. Và ngay đây, ngay trước mắt, hồ nước cũng trải ra, lay động sắc trời. Không gian rộng lớn biết bao! Rộng lớn mà không chống chếnh, đã có sông gần lại có núi xa. Kìa, ở phương Đoài thăm thẳm, uy nghi một khối Ba Vì. Vua xúc động đến ngây ngất trong một ý nghĩ vừa mới đến choán lấy đầu óc ông: từ nay ta làm chủ một kinh đô mới. Trời đất và người đều thuận giúp ta. Kinh đô mới sẽ đẹp và vững như lời ta ghi vào tờ chiếu lộng lẫy dáng mây rồng. Ông nhìn bầu trời mặt nước cuồn cụộn mây mùa thu. Là mây mà lại là rồng, cái vượng khí ấy của núi sông cứ bốc lên trong ánh sáng cuả ngày đầu tiên trên đô mới.Và cái tên của đô mới chợt đến với nhà vua như một tứ thơ: Thăng Long (Rồng Bay Lên)... (Trên nẻo đường thành nhà Lý)
Đó là một trang văn hào sảng, đầy cảm hứng !
Quang Dũng vừa đi viết lại vừa vẽ tranh. Quang Dũng đi truy tìm tung tích con chim sâm cầm hồ Tây, có nhiều đoạn ông viết thật hóm: Đó là một cụ thiện xạ ở ngay vùng Tả Thanh Oai đã có bắn rất nhiều sâm cầm và có thể còn có một con sâm cầm ngâm rượu thuốc khả dĩ ...nghiên cứu được.” “… gặp sâm cầm được có mấy phút thì chim đã “hy sinh” ngay và được bầy lên đĩa...
Chẳng cứ các nhà văn ở Hà Nội, nhà văn trẻ Nguyễn Tham Thiện Kế vùng đất Tổ cũng đan sâu tâm tình với hồ Tây trong một mảng văn: Một tọa độ mà các yếu tố văn hoá, lịch sử tan hoà vào cảnh sắc, xóa nhòa các lằn ranh khái niệm trong lớp sương mù huyền hoặc nghìn năm, cô kết thành năng lượng tinh thần để cho Hồ Tây có một linh hồn. Hợp lưu của lớp lớp tao nhân mặc khách. Nơi gặp gỡ của chúng sinh phiêu dạt. Đến rồi đi, ai đó cũng được một chút gì của hồ Tây in dấu tâm hồn, khắc ghi da thịt. Kẻ thì đa mang day dứt, kẻ nợ ân tình…
Thật là một cơ duyên đẹp khi bản luận án kiến trúc Từ góc nhìn thành phố Hà Nội 1873-2006 của Tiến sĩ Christiane Delahore đã đụng đến cội rễ, đến chiều sâu địa vực và tâm linh của Thăng Long nghìn tuổi, mà những nhà văn tâm huyết với Hà Nội luôn đề cập đến!
V.L.