Tôi đến khách sạn Victory trên đường Võ Văn Tần, quận 3 uống cà phê với hai người bạn. Lan man dẫn đến chuyện ông Chủ tịch nước phát biểu tại lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng. Ông bảo Thánh Gióng đánh giặc xong không đòi hỏi quyền lợi bổng lộc, chức tước mà gì bay thẳng về trời vui thú điền viên… Nghe kì kì.
Tôi bảo:
- Ông Triết này giỏi lắm, ông đã làm cho Bình Dương quê ông trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước thu hút được rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Rất tiếc, sau ông từ giã Bình Dương ra Hà Nội…
Ông bạn tôi bảo:
- Đâu phải anh, ông Triết trước khi ra Hà Nội hình như còn làm Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh chứ!
Người bạn thứ hai ậm ừ:
- Đúng rồi, từ Bình Dương ông Triết đi thẳng ra Hà Nội.
Tôi và hai người bạn cứ nói qua cãi lại bảo vệ ý kiến của mình. Cuối cùng bạn tôi dùng điện thoại di động vào mạng tra cứu . Hóa ra, ông Triết từng làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh những mấy năm…
Tôi kể câu chuyện vô duyên lãng xẹt này vì sáng nay, 15.10.2010, trên VietNamnet có bài viết Từ vụ giải cứu thợ mỏ Chi Lê nghĩ về phong cách lãnh đạo, của tác giả Nông Dân. Tác giả viết…” Nếu thử đến một vùng quê nào đó, chỉ cách trung tâm thành phố chừng vài chục km để hỏi một nông dân ở đó rằng Chủ tịch thành phố là ai, tôi tin già nửa dân chúng sẽ không biết …”
Nguyên nhân vì sao chắc chắn không ai là không biết. Câu trả lời có sẵn bằng các hình ảnh, các bài viết nhan nhản trên các báo giấy, báo mạng.
Các cán bộ trung ương xuống địa phương thị sát tình hình đương nhiên là một nhiệm vụ, một bổn phận. Vậy mà họ xuất hiện ở tỉnh nào thì tỉnh ấy cũng phải trương cho được dòng chữ to tướng đỏ rực ở nơi đón tiếp: Nhiệt liệt chào mừng đồng chí… về làm việc…
Tại sao lại phải nhiệt liệt như thế? Nếu các đồng chí cán bộ Trung ương quyết đặt ra câu hỏi này với địa phương, tôi cam đoan những dòng chữ nhiệt liệt kia sẽ biến mất. Thông thường người ta chỉ nhiệt liệt với thành tích, với cuộc viếng thăm ngoại giao hữu hảo của các quan khách cao cấp quốc tế. Chẳng có ai đi làm việc của mình được dân giao phó, mà buổi làm việc ấy chưa chắc đã đem lại kết quả gì, thì sao lại cứ phải nhiệt liệt, nhiệt liệt?
Mới đây, trên Blog của ông Trương Duy Nhất có bài và ảnh về nhân viên bảo vệ một khách sạn tỉnh lẻ miền Trung đứng chắn cửa một thang máy mở sẵn chờ Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Người bảo vệ này không cho khách bình dân bước vào. Tự hình ảnh này nói lên tất cả mà không cần bất kỳ lời bình luận nào.
Ngày 4.10.2010 tờ điện tử Dân trí, giật cái tít: Nghệ Tĩnh đang chìm trong lũ. Hình ảnh minh họa chụp ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh áo trắng bóc đóng thùng, tay áo cài khuy, quần xắn một gấu, tay cầm ô che. Xúm xít bên ông là bảy, tám cộng sự. Ông Bí thư đi chỉ đạo chống lũ, một hình ảnh tương phản, khó gợi lên một chút gì về sự tàn phá dữ dội của bão lũ.
Chủ một khách sạn Phú Quốc từ chối khách dự Hội thảo quốc tế đang ở khách sạn của mình, để lấy chỗ cho Phó Thủ tướng và đoàn tùy tùng của ông bất ngờ ghé qua mà không đặt chỗ trước.
Ngày 14.10.2010 các báo lề trái lề phải của xứ ta nhất loạt trịnh trọng đưa tin và ca ngợi hết lời cuộc giải cứu không tưởng 33 thợ mỏ Chi Lê bị kẹt 69 ngày dưới lòng đất sâu gần 700 mét. Nghĩa cử cao đẹp của cuộc giải cứu xứng đáng được báo giới nhiệt liệt liệt hưởng ứng. Cả đất nước Chi Lê, đứng đầu là vị Tổng thống kính mến đầy trách nhiệm của họ vào cuộc. Ông nói rằng: Những người thợ mỏ Chi Lê này đã dạy cho ông một bài học về tình người… Đó là một thông điệp chân thành gửi tới các nhà lãnh đạo toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta cũng đang giải cứu 9 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ trái phép và thông báo bắng mồm rằng đã thả họ. Hôm nay là ngày thứ 4 chúng ta chưa thể liên lạc với ngư dân. Cuộc giải cứu của chúng ta có thành công hay không chưa có ai dám khẳng định. Lạy trời phù hộ chúng ta cứu được những người đồng bào của mình. Trong muôn vàn nỗi đau về sự kiện những ngư dân miền Trung thường xuyên bị Trung quốc bắt vô cớ, đòi tiền chuộc trên vùng biển của chính nước mình, lần này sự chậm trễ là nỗi đau xót nhất.
Trở lại câu chuyện bên ly cà phê, nếu không có câu chuyện về Chủ tịch Triết có lẽ cả ba chúng tôi không thể biết mình lại ngu dốt đến độ không biết ông Triết từng là bí thư Thành ủy một thành phố mà mình đã sống mấy chục năm.
Tôi trong câu chuyện bên ly cà phê là người viết bài này. Một anh bạn là Phó Bí thư Đảng ủy một công ty Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh. Người thứ 3 là một kỹ sư, chủ một doanh nghiệp tư nhân thành đạt.
Ba chúng tôi dốt chính trị thì rõ rồi. Còn có nên xấu hổ về sự dốt chính trị của mình hay không thì tôi phải chờ sự phán xét của bạn đọc rồi mới xấu hổ cũng chưa….chậm trễ.
Sài Gòn, 15.10.2010
V.D.C