Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỈ NIỆM VỀ NHÀ VĂN BĂNG SƠN

Phùng Hoàng Anh
Chủ nhật ngày 10 tháng 10 năm 2010 11:46 AM

                              Tạp bút
      Hàng ngày, hàng giờ,chúng ta khó có thể đếm hết,nhớ hết những cuộc gặp gỡ,những người ta quen, có thể là một người bạn,một người thân,một người xa lạ, nhưng sau mỗi lần gặp ấy đều để lại trong ta bao kí ức,ấn tượng về nhau,có thể là một nụ cười như “ nụ cười Nguyễn Khoa Điềm” mà nhà thơ Dương Kiều Minh đã nhận xét sau cuộc hội ngộ với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm,hoặc một lời nói,một việc làm khiến ta nhớ mãi.
        Hồi tháng Ba năm 2003,nhà thơ Phan Văn Đà tổ chức Chợ quê Ẩm thực tại nhà vườn Nửa Vầng trăng đóng trên địa bàn thôn Muồng Cháu,xã Vân Hoà ,huyện Ba Vì,tỉnh Hà Tây,nay là Hà Nội,trong số những khách mời hôm ấy có nhà tuỳ bút Băng Sơn và nhà thơ Thanh Hào cùng về dự.Hôm đó tôi cũng có mặt,và được ngồi dự sinh hoạt cùng nhà tuỳ bút Băng Sơn và tác giả bài thơ Cái trống trường em cùng vợ chồng ông giám đốc kiêm thi sĩ Phan Văn Đà.
    Sau khi buổi lễ diễn ra,có khai mạc,có ca nhạc,có phát biểu của đại diện ngành du lịch,đáng chú ý là phần phát biểu của nhà tuỳ bút am tường về ẩm thực, đó là nhà văn  Băng Sơn…Tan buổi tiệc tôi đưa nhà văn Băng Sơn và nhà thơ Thanh Hào sang khu du lịch sinh thái văn hoá Thác Đa để hai ông còn dự một cuộc hội thảo tiếp theo.Trước khi chia tay,tôi lấy máy ảnh ra chụp hai ông chung một kiểu,đứng bên cạnh ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái tại khu du lịch Thác Đa.Chụp xong hai ông cảm ơn tôi và nói lời chia tay,nhà văn nhắc tôi gửi ảnh chụp cho ông theo địa chỉ in trên danh thiếp mà ông vừa đưa cho tôi : “ nhà văn Băng Sơn ” dòng trên giữa danh thiếp,dòng dưới ông in địa chỉ: 66 Lê Văn Hưu , và số điện thoại 8263374.In trên nền giấy trắng,mực màu tím.Tôi thấy đây là tấm danh thiếp rất giản dị mà trang nhã,không phô trương hình thức như chính chủ nhân của tấm danh thiếp.Còn nhà thơ Thanh Hào không in danh thiếp thì ghi cho tôi mấy dòng địa chỉ theo đường thư và số điện thoại của ông vào cuốn lịch túi của tôi,nay tôi vẫn còn giữ mấy dòng lưu bút của nhà thơ Thanh Hào.
         Ít ngày sau ,tôi qua hiệu ảnh và rửa nhân bản gửi mỗi ông một tấm kèm theo một bức thư với những lời hỏi thăm sức khoẻ và công việc sáng tác của hai ông.Tôi qua bưu điện Vạn Thắng – Ba Vì,gần chợ Mơ và bỏ hai bức thư kèm ảnh đó vào hòm thư.
          Vài ngày sau tôi vào trường Vân Hoà thì nhận được thư của nhà văn Băng Sơn gửi đến ,tôi mừng lắm!Mở phong thư ra thì thấy một tờ giấy khổ A4,đây là bức thư mà nhà văn Băng Sơn đánh máy chữ gửi chữ gửi cho tôi,mở đầu thư nhà văn viết:
   “Hà Nội ngày 14.09.2003
 Thân gửi anh Phùng Hoàng Anh
Nhận được thư và ảnh anh gửi cho,mừng lắm,hôm nay trả lời ngay đây ( xin lỗi,tay tôi run,viết chữ khó đọc,đành viết bằng máy chữ ).Chúc anh thành công trong nghề “trồng người” và nhiếp ảnh.”
                Nhà văn thông tin cho tôi biết về quá trình sáng tác của ông:
“Tôi viết khá nhiều trong 50 năm nay,mà nhiều nhất là khoảng 15 năm gần đây,có tác phẩm in trên nhiều báo và đã ra được gần 40 tập sách.”
           Sau đó ông giải thích cho tôi về Hà Nội có tứ trấn,để tôi rõ thêm về vùng đất nơi tôi sinh ra và lớn lên,vùng xứ Đoài mây trắng đã đi vào thơ Quang Dũng:
 Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm…Trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây.Cách giải thích của ông làm tôi nghĩ đến một nhà văn nhưng rất am tường sử nước nhà,giải thích đâu ra đó,ngắn gọn mà dễ hiểu.
Cuối thư,một lần nữa ông lại viết:
      “ Cảm ơn anh gửi tấm ảnh.Vui lắm.Mong sẽ còn nhận được thư anh,và nếu có thể,tôi xin trả lời để có quan hệ với anh.Chúc anh và toàn gia quyến mạnh khoẻ hạnh phúc”
        Phần dưới cùng bức thư ông ghi lại địa chỉ, số điện thoại,và chữ ký bằng tay.
Sau khi nhận được thư của nhà văn Băng Sơn,tôi lại viết thư trả lời thư trên.Tôi gọi nhà văn là Bác,trong thư thường hỏi thăm sức khoẻ và tình hình sáng tác của nhà văn.
      Ba tháng sau,trước ngày sinh nhật của nhà văn chín ngày (ông sinh ngày 18.12.1932 ),ông gửi cho tôi bức thư thứ hai và cũng là bức thư cuối cùng tính đến ngày ông ra đi về cõi vĩnh hằng.
   Thư đề: 
  “ Hà Nội 09/ 12/2003
 Thân gửi anh Phùng Hoàng Anh
Tôi đã nhận được thư anh từ tuần trước,nhưng vì bận quá nên hôm nay mới trả lời anh được,mong anh thông cảm cho nhé.
Tôi trân trọng tình cảm anh dành cho tôi và chúc anh đã thành công trên con đường giáo dục thì cũng sẽ thành công trên con đường báo chí và văn học là con đường đầy gian nan và cần một lòng kiên trì thật mạnh mẽ ”.
                  Sau những lời Bác cháu hỏi thăm nhau,nhà văn  thông tin thêm về quê quán,sự nghiệp sáng tác.Mở đầu nhà văn viết:
 
 “ Còn về phần tôi,cũng không có gì nhiều lắm,nhưng cũng xin nói để anh biết thêm chút ít…
Quê cha tôi nguyên gốc Hà Nam,quê mẹ tôi nguyên gốc làng Sét ( nay là huyện Thanh Trì- Hà Nội ) nhưng tôi lại được sinh ra ở thị trấn Cẩm Giàng ( Hải Dương ,cách Hà Nội 40 ki lô mét đường xe lửa) .Tôi học tiểu học ở Cẩm Giàng,nơi có nhà của nhà văn Thạch Lam,học Trung học ở Hà Nội.Tôi bắt đầu làm thơ năm 1949 có bài thơ đầu tiên đăng năm đó: 1949.Tiếp theo đó tôi chuyên làm thơ,đã có vài nghìn bài,và đã đăng báo khoảng dăm trăm bài.Sau đó,từ 1975 tôi đi làm báo chuyên nghiệp,và từ khoảng năm 1980 tôi mới bắt đầu viết văn xuôi một cách chuyên nghiệp .
Đến nay tôi đã in được gần 40 tập sách,chuyên về Tuỳ bút và Đoản văn với nhiều đề tài khác nhau,như về Hà Nội,về văn hoá ẩm thực,nhất là về Văn hoá và các vùng Đất nước.
Tôi đang là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội,Hội viên Hội Văn hoá dân gian Hà Nội”
Cuối thư ông giải thích bút danh mà ông thường dùng:
“ Tên Băng Sơn là bút danh,thực ra nó chỉ là lạ một chút để khỏi trùng tên với bất cứ ai,chứ không nhằm một ý nghĩa cụ thể nào.Làm nghề này mà trùng tên thì phiền lắm.Thế thôi.Còn ai hiểu thế nào,tiếng Hán Việt,xin tuỳ.”
         Tôi thường xuyên điện thoại hỏi thăm  nhà văn Băng Sơn mỗi khi được đọc một bài báo của ông,hay một chương trình Đài truyền hình Hà Nội quay chân dung về ông,hoặc một đề tài nào đó mà nhà Đài mời ông tham gia.
        Cho đến ngày 19 tháng 10 năm 2004,vợ tôi sinh con.Sau khi sinh con,tôi cũng đã dự kiến đặt tên con.Tôi điện thoại cho ông và hỏi ông góp ý cho cách đặt tên con gái sao cho có ý nghĩa một chút,vì tôi rất kính trọng những người có “chữ nghĩa”. Lúc đầu nhà văn từ chối,và nói rằng :  -  Để các cụ bên nội ,bên ngoại đặt tên cho cháu!
 Tôi thưa: - Ai đặt cũng được,miễn là cái tên ấy nó hàm nghĩa một chút!
Sau nhà văn hỏi tôi : - Quê gốc Hoàng Anh ở đâu?
Tôi đáp : - Thôn Phương Khê,xã Phú Phương ,huyện Ba Vì ạ !
Ông hỏi tiếp: - Quê ngoại của bé ở đâu?
Tôi lại đáp : Phường Xuân Khanh,thị xã Sơn Tây ạ !
Ông suy nghĩ một lát rồi trả lời :
-  Có thể đặt tên cháu là Phương Khanh! Bởi cái tên hàm chứa quê hương của cả cha và mẹ được ghép lại!
Vài ngày sau tôi ra uỷ ban nhân dân phường khai sinh cho con,chị thư kí văn phòng góp ý thêm cho cái tên của con tôi,chị bảo:
- Đã là nữ giới thì phải đệm chữ “Thị” vào cho nó đủ!
Tôi đồng ý cách chị góp ý,và con gái tôi có tên đầy đủ là Phùng Thị Phương Khanh,một cái tên rất dài và nhiều kí tự ( tôi đếm tổng 19 chữ cái cấu thành ).Bây giờ ông đã đi xa,tôi muốn kể lại ra đây coi như một kỉ niệm chia sẻ với độc giả về những tình cảm thiêng liêng ấy. Tính tôi hay coi trọng nguồn gốc,cái gì cũng có sự ra đời, bắt đầu của nó.
     Hôm tôi ra chơi thăm nhà thơ Quốc Toản ,nhà ngụ tại phố Đốc Ngữ ,thị xã Sơn Tây.Trong câu chuyện,anh có nhắc tới một kỉ niệm thiêng liêng giữa anh với nhà thơ Vũ Bão.Chẳng là anh được nhà thơ Vũ Bão tặng một chiếc áo sơ mi,anh bảo mình sẽ cất giữ nó như vật kỉ niệm mỗi khi nhớ về Vũ Bão!Vâng chúng ta trân trọng nhau trước hết là vì tình,thứ nữa là những vật dụng nho nhỏ chúng ta tặng nhau nhân một sự kiện nào đó.Tôi cũng có một vài lần được nhà văn Hà Nguyên Huyến tặng lúc thì cái áo,lúc thì bánh xà phòng Ca may nhân chuyến đi công tác về.Giá trị vật chất thì rất bé ,mà giá trị tinh thần mới là to lớn.Tôi luôn luôn trân trọng tình cảm ấy.
        Gặp gỡ nhà văn Băng Sơn từ năm 2003,nhưng ba năm sau tôi mới có dịp đến thăm gia đình ông.Hôm ấy là ngày rằm tháng Giêng năm Bính Tuất ( 2006 ),từ sáng sớm tôi đi xe máy xuôi Hà Nội theo đường Láng – Hoà Lạc, nay gọi là trục đại lộ Thăng Long,vào những con phố của nội thành,tôi tìm đến nhà ông,số nhà 66 phố Lê Văn Hưu,một con phố gắn với tên tuổi của một sử gia nước Việt lừng danh.Tôi dừng xe trước con phố nơi ông ở,hôm ấy ngày rằm tháng Giêng,người Hà Nội chen nhau vào hàng hoa ,quả mua về để thắp hương tổ tiên.Ngày mà dân gian ta rất coi trọng : Đi lễ cả năm không bằng lễ rằm tháng Giêng.Tôi bước lên cầu thang tới gác hai thì vợ nhà văn Băng Sơn ra đón tôi.Bà Mai Phương tiếp tôi vì hôm nay nhà văn Băng Sơn cùng nhà thơ Vân Long đi dự Ngày Thơ Việt Nam ở Văn miếu Quốc Tử Giám.Bà Mai Phương ở nhà cũng đã chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn cúng tổ tiên nhân ngày rằm,khoảng 11 giờ thì nhà văn Băng Sơn về.Nghe tiếng ông từ dưới nhà nói vọng lên cầu thang,tôi ra đón ông.Ông bước lên cầu thang ,vừa đi vừa nghỉ bởi ông bị bệnh phế quản,đi lại phải nhẹ nhàng,tránh thở mạnh.Bước vào nhà ông hỏi thăm sức khoẻ toàn gia quyến của tôi,sau ông kể chuyện đi dự ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu cho cả nhà nghe.Quà mang về là mấy tập sách cả thơ và văn do các bạn văn tặng ông!
    Khoảng 12 giờ,đến giờ cơm trưa,nhà văn mời tôi ở lại dùng bữa!Trong bữa cơm thân mật ấy có hai vợ chồng nhà văn cùng con gái nhà văn và cô cháu ngoại ( là con gái chị Chi ).Trong mâm cơm có đủ xôi,chè nếp cái hoa vàng,thịt gà và rất nhiều món khác mà tôi không nhớ được bà Mai Phương và con gái của nhà văn bày biện rất bắt mắt.Nhân năm ấy là Xuân Bính Tuất nên trong bữa ăn,chủ đề mà nhà văn kể chuyện là loài chó.Ông nói : - Loài chó  rất có nghĩa,không bao giờ chê chủ nghèo khó.Dù có đánh mắng nó,nó vẫn vẫy đuôi mừng chủ đi xa về.Tôi thấy ông rất cưng chiều chú chó cảnh nhà ông,nó cũng được ngồi gần chủ,thỉnh thoảng ông lại cho chú một miếng mồi.Sợ tôi có ý nghĩ khác,ông nói: - Hoàng Anh cứ tự nhiên dùng nhé,được cái mình rất quý loài chó!Trong bữa ăn,tôi quan sát và cảm nhận được ông thực là một người sành ẩm thực,như những gì ông đã viết về ẩm thực Việt Nam.
          Dùng bữa cơm trưa xong,tôi cùng ông bà ra ngồi uống nước,tôi nhìn thấy những quyển báo Tết in bài của nhà văn xếp chồng cao ngất ngay bên giá sách.Tôi rất khâm phục sức viết đều đặn của ông.Tết nào tôi cũng háo hức chờ đón từng số báo xuân ra để được đọc những bài tuỳ bút của ông viết.Tôi đem chuyện báo Tết in rất nhiều bài của nhà văn Băng Sơn cho nhà thơ Thế Mạc nghe,nhà thơ Thế Mạc nói: - Nhà văn Băng Sơn viết báo giống như người bốc thuốc bắc,có ô,có ngăn chứa từng thể loại khi gửi cho các báo sao cho bài hợp gu.Năm nào cũng vậy,ông viết cho số báo Tết từ trước đó mấy tháng.Đó là lời nhận xét của nhà thơ Thế Mạc ở Sơn Tây về bạn văn của mình.Nhà thơ Thế Mạc cũng có thời gian gần gũi với Băng Sơn,Vân Long,Nguyễn Hà…
      Trước khi về tôi có mừng tuổi nhà văn bằng một tờ đồng bạc có mệnh giá nho nhỏ,nhà văn nhất định từ chối không nhận tiền mừng tuổi của tôi,bà Mai Phương rất tình cảm và chu đáo ,bà đã chuẩn bị sẵn cho con gái tôi một hộp bánh ngon như bà nội cho cháu gái của mình.Tôi vô cùng cảm động.Còn nhà văn Băng Sơn thì lấy trên giá sách một quyển sách mới xuất bản có tựa “ Tình yêu từ Hà Nội ’’ do NXB Văn hoá thông tin ấn hành quý IV năm 2005,ông lấy chiếc bút dạ,mực màu đen và ký tặng tôi: “ Thân mến tặng bạn trẻ Phùng Hoàng Anh!” ở dưới là chữ ký quen thuộc của nhà văn Băng Sơn,dòng cuối ông ghi: “ Hà Nội,Nguyên Tiêu 2006 ”.Chia tay ông bà ra về,lòng tôi thấy xúc động vô cùng,ông bà đón tiếp tôi như người ruột thịt trong nhà.
       Sau bữa ấy,tôi và nhà văn chỉ thăm hỏi nhau qua điện thoại về tình hình sức khoẻ và gia đình,và những bài báo ông viết.Lần gặp thứ hai, trước Tết Kỷ Sửu ít ngày,Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội tổ chức gặp mặt và chúc thọ các hội viên cao tuổi trước khi xuân về tại 19 Hàng Buồm - Trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.Hôm ấy nhà văn Băng Sơn có đến dự,ông mang theo một cuốn  sách mới tái bản có tựa “ Thú ăn chơi của người Hà Nội” dày 1148 trang do NXB  Văn hoá Thông tin ấn hành với số lượng 800 cuốn,với lời đề tặng rất trang trọng “ Thân tặng Nhà giáo Phùng Hoàng Anh! Hà Nội – Xuân Kỷ Sửu 2009”,dưới cùng là chữ ký của nhà văn.Tôi vui sướng vô cùng,tôi nhận từ ông hai bức thư,hai lần được ngồi ăn cơm cùng ông,hai cuốn sách ông tặng trước lúc đi xa,sẽ mãi mãi là những kỉ niệm đẹp về nhà văn Băng Sơn.
                 Lúc ông còn tại thế,ông chờ đợi cái ngày Thăng Long Hà Nội tròn một nghìn năm tuổi,vậy mà ông không đợi được.Hôm nhà thơ Thế Mạc mất ngày 31.12.2009,tôi phải trông nom thân mẫu bị ung thư phổi ở Bệnh Viện K Tam Hiệp không về viếng được,tôi có điện cho ông hay tin dữ ấy.Ông bảo: - Mình yếu qua không về được,cho mình gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới gia đình bác Mạc nhé!
     Vậy mà trong vòng 9 tháng của năm 2010,tôi đã mất đi một người thân đó là Mẹ tôi.Mẹ ra đi vào ngày 30 Tết năm Canh Dần chỉ còn  gần hai chục tiếng đồng hồ nữa là bước sang năm mới.Và hai người mà tôi đã gặp và thông tin qua lại với nhau về văn chương, đó là nhà thơ Thế Mạc và nhà văn Băng Sơn,một ông không chờ được ngày sinh nhật thứ 76 của mình ( Thế Mạc sinh 1.1.1934 mất 31.12.2009 ) và một người không đợi được cái ngày thủ đô tròn 1000 năm tuổi,nơi ông sống và viết rất nhiều về thủ đô thân yêu của chúng ta,khi nhà văn sắp tới tuổi 79 ( Băng Sơn sinh 18.12.1932 mất 3.9.2010 ).
Hôm nay,khi tôi viết xong bài này thì cả hai ông đã gặp nhau ở thế giới bên kia rồi!Cả hai ông đã trở về với Đất mẹ,nhưng tình cảm của hai ông dành cho tôi,tôi mãi mãi trân trọng như kỉ niệm đẹp của đời mình.
                                                                                             Hà Nội,Thu 2010
                                                                                             
                                 Phùng Hoàng Anh
    ĐC : số nhà 28, tổ 40,phường Xuân Khanh,thị xã Sơn Tây,TP Hà Nội
    ĐT : 0985246051
     Mail :
aphunghoang@yahoo.com