Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: Tuyên truyền cổ động hay phát triển nền văn học Việt Nam đúng nghĩa?

Trần Đình Thu
Thứ bẩy ngày 9 tháng 10 năm 2010 5:59 PM

Thưa nhà văn Trần Nhương, vừa qua trên trannhuong.com đăng tải bài phản hồi của nhà thơ Trần Trương về loạt bài viết của tôi góp ý cho Hội nhà văn Việt Nam. Tôi chân thành cảm ơn quý web về việc đó. Do loạt bài còn tiếp tục nên tôi tạm thời chưa trả lời nhà thơ Trần Trương, tuy nhiên tôi xin gửi đến quý web những kỳ quan trọng nhất trong loạt bài của tôi để quý web có thể thông tin đa chiều hơn. Chân thành cảm ơn. 
 
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: Tuyên truyền cổ động hay phát triển nền văn học Việt Nam đúng nghĩa? 
Có lẽ không ai phản đối tôi trong việc phân tách rõ ràng hai khái niệm “tuyên truyền cổ động” và “phát triển nền văn học Việt Nam đúng nghĩa”, vì nó quá rõ ràng. Một đằng là làm ra những tác phẩm phong trào quần chúng để động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu làm việc nhằm xây dựng tổ quốc hay chiến đấu bảo vệ tổ quốc…, một đằng là sáng tác ra những tác phẩm hướng đến việc giải quyết những vấn đề của con người trong tư cách là những cá thể sinh tồn.
Tôi khẳng định, đối với nhà văn, hai nhiệm vụ này đều cần thiết như nhau nhưng tùy theo từng giai đoạn mà nặng về bên nào. Thời chiến tranh, nhà văn tạm ngưng viết những tác phẩm văn học đúng nghĩa để lao vào viết tuyên truyền cổ động phục vụ đất nước là đúng. Như giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Bắc.
Nhưng tác phẩm tuyên truyền cổ động là tác phẩm CẬN VĂN HỌC. Nhà văn mải miết viết những thứ đó thì nhân dân bị “mất mùa văn chương”. Được mùa cách mạng mất mùa văn chương – nói như câu thơ nôm na của một nhà thơ. Thời chiến tranh, chúng ta chấp nhận “mất mùa văn chương” chứ thời bình không hà cớ gì chúng ta lại chịu cảnh như vậy.
Thế nhưng hiện nay Hội nhà văn Việt Nam dường như duy trì song song hai nhiệm vụ. Thậm chí dường như càng ngày càng nghiêng nặng về nhiệm vụ tuyên truyền cổ động.
Tôi nghĩ ở đây lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam không phải không biết mà có sự nhầm lẫn trong xác định nhiệm vụ. Tôi cho rằng trong thời bình, nhiệm vụ tuyên truyền cổ động là thuộc hai cơ quan khác ngoài Hội nhà văn Việt Nam. Về mặt quản lý nhà nước thì có Bộ văn hóa, về mặt Đảng thì có Ban tuyên giáo trung ương. Khi cần thiết, hai cơ quan này sẽ trực tiếp trao đổi bàn bạc với các nhà văn. Các nhà văn khi ấy sẽ làm nhiệm vụ của những “công dân cầm bút”, hưởng ứng những phong trào do hai cơ quan này phát động.
Còn Hội nhà văn Việt Nam, phải rút lui khỏi nhiệm vụ tuyên truyền cổ động, quay trở lại nhiệm vụ phát triển một nền văn học đúng nghĩa, trong đó, lấy CON NGƯỜI NƯỚC VIỆT chứ không phải là CÔNG DÂN VIỆT NAM làm đối tượng trung tâm để phản ánh. Có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ “xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như bản điều lệ đề ra.