Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÃY CỨU LẤY RỪNG & CÂU HỎI “LÂM TẶC” LÀ AI?

Phạm Gia Văn
Thứ năm ngày 7 tháng 10 năm 2010 5:23 AM

Ảnh minh hoạ cho nạn lũ qua ra gỗ lậu (Trong ảnh: Hàng ngàn người dân của các xã thuộc huyện Đại Lộc, đổ về đây vớt gỗ và củi – bù lại cho những mất mát trước đó - Nguồn: SGTT)

Đọc tin trên báo mạng của nhà nước sáng nay thấy có tin: Nước tràn đập thuỷ điện Hố Hô, hơn 1.000m3 gỗ lậu lộ diện (http://www.tamnhin.net/Phapluat/4749/Nuoc-tran-dap-thuy-dien-Ho-Ho-hon-1000m3--go-lau-lo-dien.html)

Đập thuỷ điện Hố Hô (Hà tĩnh): Các chiến sĩ Trung đội cơ động 841 vớt gỗ cứu đập (hình trái). Người dân đem chiến lợi phẩm về nhà. (hình phải) - Nguồn: Tamnhin.net


Tưởng tin mới nhưng chẳng phải. Vì vấn nạn này đã nghe thấy từ lâu! Chẳng hạn những thông tin gỗ lậu từ trận lũ năm ngoái như: “Sau lũ, nhiều người dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đổ ra sông vớt gỗ trôi từ thượng nguồn về. Và không chỉ lần này, đã nhiều năm nay, cứ sau bão lũ, tài nguyên rừng lại trôi hết về xuôi, để lại những câu hỏi chất chứa về nạn chặt phá rừng và hậu quả mà chính con người gây ra... ” (Vớt gỗ và phá rừng - http://www.tin247.com/vot_go_va_pha_rung-1-21493179.html)

“Lũ đã để lại những bãi gỗ khổng lồ ở Quảng Nam và Kontum, trong đó có gỗ xẻ, những cây to mấy người ôm được cưa cắt gọn gàng. Cục trưởng Cục Kiểm lâm khẳng định có cả gỗ khai thác trái phép” (Lũ qua ra gỗ lậu - http://tintuc.timnhanh.com/xa-hoi/20091006/35A9A2AF/Lu-qua-ra-go-lau.htm)...

 

Sau cơn bão số 9 (2009) nước lũ đưa về từ rừng thượng nguồn nhiều thân gỗ lớnđược cắt xén cẩn thận. Trong ảnh: gỗ rừng được người dân  xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) vớt từ sông Vu Gia - Ảnh: Đ.Nam

Dù nhận thức thấp kém đến đâu, khi được hỏi, chả ai là không biết giá trị của rừng đối với cuộc sống con người. “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù” thì ai cũng thấy. Chả phải mới đây, mà từ ngàn xưa, rừng đã giúp cho con người gỗ lạt dựng cửa làm nhà, giúp con người sống còn. Nhỏ như nắm lá cành củi nấu ăn, lớn như điều hoà khí hậu, tạo ra oxy, điều hòa nước. Là nơi cư trú của muôn loài động thực vật và tàng trữ các nguồn gen qúy hiếm. Nhờ đại ngàn mà gió bão cũng đỡ sức tàn phá. Nhờ thảm thực vật của rừng mà đất đai cũng đỡ bị xói mòn...

Tình trạng mất rừng đã đưa đến những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống như lũ lụt, sa mạc hóa… thì đến đứa trẻ con đang ngồi trên ghế nhà trường cũng biết. Nhưng kinh tế phát triển qúa nóng (hay nói cách khác con người ham hố làm giàu qúa nhanh) đã khiến tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt.

Là nhà nước, không ở đâu lại đi khuyến khích chuyện phá rừng cả. Ở Việt Nam, từ năm 1998, thủ tướng chính phủ Việt Nam ban hành quyết định số 661 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng. Ba Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông Thôn, Kế họach-Đầu tư và Tài Chính... đã có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị quyết đó...

Thế nhưng công tác chung tay bảo vệ và giúp phát triển nguồn tài nguyên rừng vẫn chưa được tất cả mọi người trong xã hội ý thức tham gia đầy đủ; thậm chí có người (chức quyền) vì lợi nhuận còn làm ngơ hay tiếp tay phá hủy những mảng xanh quí giá là những tán rừng nguyên sinh có độ tuổi hàng triệu năm như loạt phóng sự đầy tính thời sự bởi Đỗ Doãn Hoàng của báo Lao Động đã đăng tải suốt mấy năm qua. Thủ tướng chính phủ cũng đã đề ra và được Quốc hội thông qua chương trình 5 triệu héc ta rừng trồng mới (gọi tắt là Chương trình 661). Nhưng sau hơn chục năm triển khai, mục tiêu luôn bị thay đổi nên mới chỉ trồng được 2 triệu hécta thôi (ý kiến của Đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân với đài RFA ngày 18/6/2010). Ông Xuân là kỹ sư Thủy Lợi, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát ở Tây Ninh, địa bàn được đánh giá là có thành tích bảo vệ rừng đặc dụng và phòng hộ tương đối tốt. Nhưng ông cũng cho biết: “hiện có vấn nạn đối với rừng gọi ‘rừng kinh tế’. Một số diện tích rừng được cho là có thể làm kinh tế được, rừng bị cho là rừng nghèo, rừng kiệt bị chặt phá đi để trồng cây cao su, và cây nguyên liệu giấy như cây keo tai tượng. Đây là một vấn nạn xét theo mấy phương diện: rừng nghèo nhưng là rừng tự nhiên chỉ nghèo gỗ thôi chứ đa dạng sinh học và phòng hộ vẫn còn tốt.

Nếu phá đi trồng cây khác, độ che phủ sẽ không bằng khiến gây lũ lụt cho hạ nguồn, và mất đi đa dạng sinh học. Ngoài ra, dù rừng nghèo nhưng dân vẫn có thể vào để lấy củi, hái nấm, thuốc nam, và một số mây tre lá thiết yếu cho cuộc sống của họ. Như thế phá rừng để trồng cao su khiến người dân địa phương mất đi nguồn lợi đáng kể. Có ý kiến nói phát triển cao su sẽ tạo ra lao động cho địa phương; nhưng thực tế tỷ lệ không nhiều. Một hécta cao su chỉ giải quyết được cho một lao động” (trích nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/to-what-extent-vietnam-s-re-forestration-plans-become-efficient-GMinh-08162010154220.html).

Một vấn nạn khác mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cung cấp đó là những hệ luỵ hàng ngàn hécta rừng nguyên sinh ở vườn quốc gia Hoàng Liên cũng như rừng phòng hộ ở cả vùng Đông Bắc và Tây Bắc của tổ quốc bị đốn hạ, bị cháy (do đốt để phi tang?) là có yếu tố của khai thác khoáng sản (có phép và trái phép) bừa bãi. Đặc biệt các công trình Thủy điện mọc lên như nấm những năm qua! (Loạt bài như: Khóc rừng trên “nóc nhà” Đông Dương -http://www.laodong.com.vn/Home/Khoc-rung-tren-noc-nha-Dong-Duong/20103/175878.laodong hay Hồi âm từ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường về phóng sự Phá rừng triệu năm tuổi- http://my.opera.com/dodoanhoang/blog/show.dml/4374867). Đã đẩy nhanh tốc độ triệt phá rừng nguyên sinh lên đến mức báo động.

 

“… Rừng khẩu hiệu đẹp như nhãn thuốc / Dạy dân mình cách uống cách yêu / Để đẻ đàn con vuông tròn khối óc / Dẫu là cơn mộng ngủ tiêu điều” (Trong hình: Những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi ở đỉnh Hoàng Liên bị thiêu rụi không rõ nguyên nhân... - Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng *)

Nhân chuyện các công trình thủy điện tàn phá môi trường, gây nên thảm trạng lũ chồng, nguyên nhân của hàng trăm cái chết tức tưởi đau thương của người dân Tuy Hoà và Quảng Ngãi năm ngoái tôi cũng đã gửi cả quê choa lẫn BVN của bác Huệ Chi đăng một entry nghe hơi sốc là: Thuỷ Điện ở ta có biết ăn thịt người? (http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=1798)

Nhân đọc được ý kiến của ông PTT Hoàng Trung Hải phát biểu với báo giới để bao che cho việc phát triển thủy điện bừa bãi như sau: “Các thủy điện miền Trung vừa qua lũ đã phải cảnh báo sẽ có hạn hán. Nếu không có hồ thì lấy nước đâu cho tưới tiêu mùa khô? Không có hồ chứa VN sẽ không có nước cho nông nghiệp, cho sinh hoạt. Nếu không làm thủy điện, ta vẫn phải xây hồ chứa...

Trước đây chưa có nhà máy không có lũ lớn thế vì thời đó lượng mưa không nhiều như gần đây. Vừa rồi người chết nhiều không phải ở khu vực ảnh hưởng của xả lũ thủy điện vì chúng ta đã biết trước và cho sơ tán kịp thời. Chết người nhiều ở những chỗ ta chưa lường trước được. Đó là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, ta chưa tính toán hết”.

Cái điệp khúc đổ hết lỗi cho thiên tai (biến đổi khí hậu,...) nghe đã qúa nhiều và thiếu sức thuyết phục nên tôi đã dùng ngay ý kiến bên hành lang kỳ họp QH của ông Nguyễn Đình Xuân (đại biểu thuộc Ủy ban Khoa học-Công nghệ Quốc hội) để minh chứng về chuyện Thuỷ điện góp phần tàn phá rừng đầu nguồn cho khách quan: “... khi ta lấy 1.000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì chúng ta còn mất thêm 1 đến 2.000 ha đất rừng hay nông nghiệp ở thượng nguồn vì người dân không có chỗ thì họ lại lên trên đó. Như vậy rừng còn quá ít... theo tính toán ban đầu có thể với diện tích rừng như vậy thì phải 1.000 năm mới có một trận lũ như vậy, nhưng do rừng bị tàn phá quá nhanh và quá nhiều nên hồ thuỷ điện đó chỉ chịu được lũ 10 năm thôi. Như vậy tất cả các quy hoạch, tính toán ban đầu đã bị phá vỡ”.

 

Nhà máy Thuỷ Điện Sông Ba Hạ ở Phú Yên - Nguồn://thuydiensonla.com/

Một vấn nạn nhức nhối bấy lâu nay chưa tháo gỡ được đó là nạn “Lâm tặc”! Vậy “Lâm tặc” là ai? Nếu đó không phải là những người dân địa phương đói khát hay những công chức thoái hóa biến chất ở khắp mọi cấp... đã đắc lực tiếp tay cho những kẻ trục lợi muốn làm giàu nhanh bằng mọi thủ đoạn nhằm tàn phá rừng? Nếu không có các vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng ngàn hécta rừng nguyên sinh. Nếu như không có các trận lũ quét cuốn trôi làm lộ diện hàng ngàn mét khối (m³) gỗ đã trôi xuống hạ lưu và các hồ chứa như mấy năm qua thì ai mà biết bọn lâm tặc đã đốn gỗ vô tội vạ tới mức nào. Câu hỏi đặt ra thế lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ và màng lưới an ninh nhân dân vô cùng hùng hậu của ta đang ở đâu mà để kẻ gian ngang nhiên triệt hạ rừng đại ngàn như thế? Có người thẳng thắn bảo kiểm lâm và công an chỉ có thể ngăn được những toán “Lâm tặc” cỡ vừa và nhỏ chứ những toán “Lâm tặc” cỡ bự có tổ chức chặt chẽ, có móc nối với quan tham tầm cỡ thì cũng đành bótay.com. Đúng sai của những ý kiến đó, người viết những dòng này cũng không có điều kiện kiểm chứng. Nhưng qua cảm nhận về thiên tai tàn phá hàng năm ở các tỉnh miền Trung nói riêng và trên cả nước nói chung thì cũng khó mà phản bác được luận điểm này.

“Nếu so sánh nơi bị mất rừng và nơi không bị mất thì vấn đề số lượng người (kiểm lâm) không quan trọng. Vấn đề là con người. Nếu có chế độ đãi ngộ tốt, có thái độ kiên quyết đối với hành vi phá rừng thì sẽ bảo vệ được rừng. Tại Tây Ninh, tôi có thể đoan chắc trong thời gian qua không có héc ta rừng nào bị mất, chúng tôi còn thu hồi những diện tích mà dân chiếm trái phép để trồng rừng lại. Cho nên vấn đề là thái độ của chính quyền địa phương có kiên quyết làm đúng không, có áp dụng đúng pháp luật không, có xảy ra tiêu cực hay không, có bao che cho người vi phạm hay không”. Đó là ý kiến của ông  ĐBQH Nguyễn Đình Xuân, thiết nghĩ cũng đã phần nào lý giải cho sự bất cập của nạn chặt phá rừng không ai khác mà chính là phụ thuộc vào “thái độ của chính quyền” tại các địa phương có rừng hiện hữu cũng như các “chủ trương lớn” của đảng và nhà nước (tầng vĩ mô) về phát triển kinh tế ở các địa bàn rừng núi chứ không thể đổ tại các nguyên nhân khách quan được.

Những tháng năm bom đạn chiến tranh, ai cũng ngỡ rừng ở Việt Nam bị tàn lụi. Nào ngờ, những thống kê mới đây cho thấy, rừng tự nhiên của ta (những năm hòa bình hiện tại) chỉ còn chừng 10% (so với trên 50% của thật niên 60, 70 thời bom đạn của thế kỷ trước).

Để kết cho entry này, tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của ông Vũ Văn Triệu (Đại diện của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN, văn phòng Hà Nội) cho rằng: “Có những phương án giao đất giao rừng cho người dân, cho cộng đồng cần phải thực hiện tốt, mới có thể bảo vệ rừng. Ngay cả quân đội và công an trực 24/24 cũng không thể bảo vệ được. Không có gì tốt hơn bằng dân giác ngộ cùng tham gia làm...”.

Đồng thời xin bổ sung để nhấn mạnh thêm, chỉ khi nào người dân cảm thấy đất rừng, cây rừng chính là tài sản riêng của bản thân từng gia đình người dân (chứ không phải là sở hữu chung chung của toàn dân...mơ hồ như hiện nay). Chỉ khi người dân được hưởng lợi từ rừng với phương châm ‘khai thác bền vững’ và ‘minh bạch’ để có thể xóa được đói nghèo trên chính quê hương xứ sở của mình thì lúc đó “Lâm tặc” mới không còn đất để hoành hành giống như nạn FULRO đã tự giải giáp với các toán du kích cuối cùng của phong trào này hạ vũ khí cho Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hiệp Quốc (UNTAC) tại Campuchia vào năm 1992 (http://vi.wikipedia.org/wiki/FULRO). Thử nghĩ xem, khi người dân vùng sâu vùng xa qúa nghèo, con cái họ bị thất học hay phải tới trường như loài khỉ (đu cáp treo qua sông)... trong khi giới quan quyền (vốn cũng từ nhân dân) thì no đủ phè phỡn thì việc người dân (dù tự giác hay tự phát) làm giặc như Fulro thời trước hay làm “Lâm tặc” như hiện tại để có miếng ăn, bảo tồn mạng sống có lẽ cũng là lẽ thường tình...

Cứu rừng đại ngàn là phương sách tốt nhất cứu môi trường sống qúi giá không chỉ cho người VN ta mà cho cả màu xanh, sự sống của mọi người trên hành tinh này.

Gocomay (http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=4804)

________

(*) P/S: Xem them bài phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng ở đây: http://www.moitruong.com.vn/forum/showthread.php?t=539