Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỐN CỤ ĐI DẠ HỘI NGÀN NĂM THĂNG LONG

Thái Hiền
Thứ sáu ngày 8 tháng 10 năm 2010 10:51 PM
 
Sáng thứ Bảy ngày 02/10/2010, ngày thứ 2 của dịp Đại lễ Thăng Long.
Đang ăn sáng thì vợ thông báo: Vợ chồng nhà Hà, Nam đang trên đường qua đây, gọi điện nếu có nhà thì vào chơi.
Ừ nhỉ, mình cũng đang có ý địng rủ ai đó đi đâu đó trong dịp này. Chẳng gì cũng là những ngày đáng nhớ của Hà Nội. Toàn những người Hà thành xịn mà chẳng  tham gia vào những lễ hội này thì còn làm gì.
       …Ôi sao mà thiêng thế? Mình đang định rủ các bạn đi đâu đó, thôi vào nhà uống cà phê, lên kế hoạch đi chơi cho nó máu. Phải nói nhà này và nhà đó hoàn cảnh cũng giống nhau. Ngấp nghé về hưu cả, con thì lớn rồi, cháu thì chưa có, đang như thời son trẻ, chẳng bận gì và cũng không có gì thúc bách cả, đi chơi lúc nào mà chẳng được.
Bốn người mỗi người mỗi ý. Người thì thích đến thăm bảo tàng tranh, người thì thích xem kỉ vật Hoàng Thành. Ông bạn Nam thì cứ muốn làm một vòng quanh bờ hồ Hoàn kiếm để hưởng không khí ngày hội xem thế nào.Tôi đề nghị tốt nhất là chúng mình nên lướt qua mạng, hỏi “giáo sư” google xem thế nào.
Mở google, tìm chuyên mục “Đi đâu trong dịp Đại lễ?”.
Đây rồi: Lịch thăm quan 10 ngày đại lễ:
Ngày 01/10….
Ngày 02/10:
08h00: Khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 và 18 Hoàng Diệu, Ba Đình.
08h00: Khánh thành rạp Công nhân Hà Nội, 42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.
09h00: Lễ ra mắt Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm.
19h30: Khai mạc Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long- Hà Nội tại khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn, Hoài Đức.
19h30: Lễ hội Rồng do Bộ VHTT&DL và Đại sứ quán Tây Ban Nha phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức tại Quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
20h00: Biểu diễn các ca khúc chọn lọc sáng tác mới chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Tôi đưa ra máy ý kiến phân tích :
 1. Các lễ khai mạc Rạp Công nhân và Tủ sách Thăng Long thì đã qua rồi, khỏi bàn nữa.
 2. Hoàng Thành Thăng long thì mình chả lạ gì, với lại kỉ vật còn tiếp tục ở đó mãi về sau, đi lúc nào mà chẳng được.
 3. Ca nhạc tại Nhà hát Lớn thì cũng hay nhưng mà những bài hát về Hà nội thì cũng nghe nhiều rồi; vả lại hôm nay chưa nghe thì lúc nào có điều kiện nghe cũng chẳng sao. Nhà hát lớn thì vẫn như xưa, ta cũng vào khối lần rồi.Hôm nay chắc đông lắm.
 4. Đi dạo quanh Hồ Hoàn kiếm cũng là ý tưởng hay nhưng cách đây 2 hôm vợ chồng mình đã thử lượn ra đấy, phải mất gần 2 tiếng mới đi được nửa vòng hồ, cuối cùng phải tìm cách ra khỏi khu vực trung tâm, toát mồ hôi mới ra được bờ sông để về nhà. Tất nhiên là đèn hoa sặc sỡ hơn ngày thường nhưng cũng chả có mấy lúc nhìn được vì chỉ thiếu tập trung một chút là đâm vào người đằng trước hoặc bị người sau lao vào mình. Không khí thì ngột ngạt, toàn mùi xăng dầu. Âm thanh thì thôi rồi, chẳng còn nghe thấy cái gì nữa, vợ ngồi đằng sau quát vào tai mà chẳng nghe được nữa là.
 Theo mình có lẽ các cụ nên làm một chuyến đi xa một chút, nó vừa thoáng, lại có chỗ để ô tô, đó là sân vận động Mỹ đình; và ở đây lại có Lễ hội Rồng có sự tham gia của gần 20 nghệ sỹ đến từ Tây Ban Nha thì chỉ dịp này thôi chứ có phải lúc nào cũng có đâu.  Tiện thể sau đó ta quá bộ đi thêm vài cây số nữa tới Thiên đường Bảo Sơn để biết thêm một địa chỉ du ngoạn mới của Hà nội thì cũng hay đấy, mình cũng chỉ nghe thôi chứ đã đến lần nào đâu. Nghe ra hướng này có vẻ hấp dẫn, mọi người đều thống nhất là chọn hướng Mỹ Đình.
Câu chuyện rôm rả xung quanh những danh lam thắng cảnh thủ đô, lễ hội quốc gia, quốc tế… cũng đến hai tiếng đồng hồ. Chai rượu vơi đi hơn một nửa, thêm vài chai bia nữa, thế là một buổi sáng thứ Bảy đã trôi qua cũng vui đáo để.
Hội nghị bốn cụ đã đến hồi kết. Kế hoạch cuối cùng là: 6h30 chiều vợ chồng nhà này đón vợ chồng nhà kia ở đường Trường chinh, chạy thẳng tới sân Mỹ đình. Trước khi chia tay còn bổ xung thêm: chỉ nên ăn tạm chút gì đó trước khi đi, để bụng lúc về ăn ở một nơi nào có món đặc biệt cho nó đủ mùi vị của ngày hội...
Rượu vốt ka cũng có tác dụng thật, giấc ngủ trưa sao mà say sưa thế, tôi tỉnh dậy đã là 4 giờ chiều. Lại vào mạng đọc một chút, vẫn không quên kiểm tra lại những thông tin liên quan đến mấy sự kiện ở Thiên đường Bảo Sơn và sân vận động Mỹ đình. Tốt rồi, chẳng có gì  thay đổi cả. Chuẩn bị lên đường đi dạ hội.
Vợ có vẻ phấn khởi, được diện bộ váy màu thiên thanh mới mua ở New Zealand chưa có dịp nào mặc. Tôi thì đơn giản thôi nhưng cũng oách hơn mọi ngày là xức thêm chút nước hoa cho phấn chấn và tự tin hơn. Chẳng gì cũng là ngày lễ.
Như đã hẹn, đúng 6giờ 25 đã thấy cô Hà gọi điện: “Bọn em đang đứng ở bên phải đường, em mặc bộ váy đỏ ấy nhé”. Úi giời, váy đỏ cơ đấy. Nhà này thì lại chơi váy xanh cơ, đúng là quê ra tỉnh rồi.
Chỉ vài phút sau, chiếc xe Camry 2.4 màu xanh quyến rũ mới được rửa sớm nay đã có mặt tại đầu ngõ 195 Trường Chinh. Bốn cụ sồn sồn u sáu mươi cả, cũng chưa đến nỗi nào, hớn hở trên xe bon bon thẳng tiến tới sân vận động Mỹ đình; Đủ chuyện rôm rả nhưng trọng tâm vẫn là chuyên đề liên quan đến lái xe, giao thông ở Hà Nội, công an, biển chỉ đường… suốt dọc đường cho tới khi quảng trường sân vận động đã hiện ra trước mắt.
Có vẻ trật tự đây. Khác với quảng trường sân vận động Mỹ đình những ngày có trân bóng đá Quốc tế, hôm nay mọi người có vẻ thư thái hơn, trật tự hơn và hình như cũng vắng hơn. Tôi thầm nghĩ, thế này mới là Hà Nội chứ! Cũng phải có lúc đàng hoàng, tử tế chứ có phải lúc nào cũng vội vã, hấp tấp, nhốn nháo đâu. Đây rồi, những vạch kẻ chéo trắng toát kia là chỗ đỗ xe.
Có đến vài chục chiếc xe con và cả taxi đã đến trước chúng tôi. Không sao, tôi nhẹ nhàng lái xe vào vị trí rất khéo; như thường lệ, chờ người trông xe ra lấy vé hoặc thu tiền trước là xong. Nhưng chẳng có ai hỏi cả, xung quanh cũng chỉ toàn những người giống chúng tôi, lại còn một đám trẻ con líu ríu đứng trước, sau xe đang chờ đón cái gì đó. Tôi nói ông bạn xuống hỏi xem đây có phải chỗ trông xe không, nếu không thì gửi ở đâu. Ông bạn nhanh nhẹn xuống xe, lách đám trẻ con đi vào đám đông. Dễ đến 5 phút không thấy ông bạn đâu, Hà - vợ Nam sốt ruột cũng xuống xe, rồi đến vợ tôi cũng xuống.
Kính xe đóng, không nghe thấy họ nói gì nhưng trông nét mặt có vẻ ngơ ngác lắm. Tôi hạ kính xe, hắng giọng - sao mà lâu thế? hỏi mấy đứa con nít thì nó biết gì? ra hỏi mấy tay lái xe taxi  hoặc bảo vệ hay công an gì đó ngưòi ta mới biết chứ. Cả Hà và vợ tôi cũng đi hỏi. Một lúc sau, cả ba người đều quay lại với sự thất vọng ra mặt, rút cuộc chẳng có ai biết gì cả. Mọi người ở đây cũng đang chờ đợi gì đó thôi. Tìm mãi mới được tay bảo vệ sân vận động đứng ở hàng rào chắn, hỏi nó thì nó bảo các bác, muốn gửi ở đâu thì gửi, loanh quanh ở nhà dân gì đó…còn ai có vé mời thì đưa xe vào bãi bên trong hàng rào chắn.
Ô hay sao trong thông báo nói không bán vé, vào tự do cơ mà. Chẳng lẽ họ lừa tụi mình à. Tôi cảm thấy không ổn rồi. Càng ngày càng nhiều xe và người đến bao quanh xe chúng tôi. Theo kinh nghiệm lái xe, ở những chỗ đông thế này là không hay đâu. Nhanh chóng tìm cách đưa xe ra xa hơn một chút, hỏi thăm, nghe ngóng cho chắc ăn, nếu có vấn đề gì, muốn rút cũng dễ.
Chúng tôi lên xe, vất vả lắm mới ra được vòng ngoài. Càng ngày càng nhiều người đổ về gần kín cả quảng trường. May quá, nếu không ra ngay, chốc nữa vượt ra được dòng người này thì ốm- tôi nói. Chạy xa thêm trăm mét nữa cho chắc ăn, tôi dừng lại mở cửa ra ngoài xem sao.
Một số người xung quanh có lẽ cũng chọn giải pháp giống tôi đang nhốn nháo hỏi lẫn nhau mà chẳng ai biết hơn ai. Sau một hồi tìm hiểu thông tin, mới vỡ lẽ: chỉ có 400 vé mời VIP vào xem, còn mọi người không có vé thì cứ việc đứng ngoài vòng chắn bằng dây của công an mà … “chơi” là chính. Thật chẳng ra cái thể thống gì cả.
Tôi bắt đầu thất vọng về cung cách tổ chức ở đây. Tại sao họ không nói rõ trong thông báo nhỉ - tôi phàn nàn.  Đứng thêm một lúc, đã 20giờ15 rồi mà vẫn chẳng có chuyện gì xảy ra, chỉ thấy người là người. Cả nhóm thống nhất là chuyển sang phương án hai: đi Thiên đường Bảo Sơn, may ra còn kịp. Vả lại Thiên đường Bảo sơn cũng chỉ cách Mỹ đình vài cây số, đi đường cao tốc thì chả mấy mà đến. Chúng tôi lại lên xe với tâm lý cũng bớt bức bối vì lại có một hy vọng mới đó là Thiên đường Bảo Sơn.
Chiếc xe lại lao nhanh trên đường ra Đại lộ Ngàn năm. Các cụ lại bắt đầu nói chuyện hài hước vui vẻ, coi như quên luôn câu chuyện ở Mỹ đình. Trên đường, con gái gọi điện hỏi bố mẹ có ở nhà không để vợ chồng nó về chơi, được biết bốn cụ đang ở Mỹ đình nó phục lắm - các cụ máu quá đấy. Chả thế à - chúng tao còn sắp tới cả Thiên đường Bảo Sơn ấy chứ. Đường  mới, mỗi bên có đến sáu làn xe - chạy đã thật. Hơn nữa vì sắp khánh thành nên đèn giăng sáng trưng như quảng trường Ba đình ấy. Chỉ vài phút sau là tôi đã nhận ra cổng Thiên đường Bảo Sơn ở phía bên kia giải phân cách.
Nói là bên kia nhưng cũng cách xa hàng trăm mét, vì sau giải phân cách lớn giữa hai phía, có sáu làn xe của phía bên kia. Sau sáu làn xe có barie, ngoài barie có đường phụ, ngoài đường phụ lại có hàng rào chắn. Ngoài hàng rào chắn lại có đường nhỏ (hình như thế… vì xa và tối, tôi không nhận rõ nó là đường gì, chỉ thấy nhiều ánh chiếu của đèn xe máy và ô tô).
Tôi giật mình, giảm tốc độ để quan sát xem có đường nào sang được bên kia không. Quả thật từ lúc lên xe ra đại lộ tới giờ, có thấy biển chỉ dẫn nào tới Thiên đường bảo Sơn đâu? Mà cũng chẳng thấy một đường nhánh, đường rẽ nào cả.
Cho xe tạt vào lề phải, đi chầm chậm để quan sát thêm. Một lúc thấy phía trước có đến hàng chục chiếc xe cũng đang chạy chầm chậm như chờ đợi gì đó. Phía sau lại thấy một loạt xe cũng chững lại cho tới lúc mấy chiếc xe con phía trước, trong đó có cả xe taxi dừng hẳn. Chúng tôi cũng dừng lại, kéo theo hàng vài chục chiếc khác cũng dừng lại theo. Đủ loại xe, chủ yếu là xe du lịch, khá nhiều xe taxi và rất nhiều xe máy. Mọi người hỏi nhau có biết lối nào rẽ sang phía bên kia không. Chẳng ai biết. Vậy  chắc chắn là phải đi tiếp rồi, vì đường một chiều không thể quay lại được.
Đoàn xe lại từ từ rồng rắn nối tiếp nhau đi. Sẽ vui đây - tôi nhận xét. Trong đám này chắc hẳn có đến 70% số xe cùng có mục tiêu giống chúng ta đó là Thiên đường bảo Sơn. Số còn lại chắc là chỉ vì tò mò đôi chút muốn thăm quan Đại lộ Ngàn năm một chút rồi quay về thôi chứ chẳng mấy xe có ý định đi Hoà lạc vào giờ này đâu. Cứ nhìn cung cách của họ thì biết.
Dọc đường khá nhiều tốp xe máy thi nhau khênh xe qua barie vượt giải phân cách để qua bên kia. Thi thoảng, lại có chiếc xe máy liều mạng quay đầu chạy ngược chiều. Nam nói: có lẽ bọn này sắp hết xăng, không chịu nổi khoảng cách, phải liều mình như chẳng có để thoát thân đây. Ô tô thì bố bảo chẳng dám đi ngược chiều-tôi nói. Chỉ có tiến thôi, đằng nào cũng thế rồi.
Thỉnh thoảng lại thấy vài chiếc xe ô tô dừng lại ngơ ngáo hỏi nhau. Thật là một ca vui hiếm thấy. Mỗi người một câu hài hước phỏng đoán về các xe đang đi cùng chiều. cũng vui đáo để. Đà này có lẽ phải tới tận Hoà lạc chứ chẳng chơi - cả bọn cười ra nước mắt.
Cái gì đến, ắt phải đến. Cuối cùng rồi cũng tới ngã ba Hoà lạc thật. Thấy chưa, tôi nói là phải tới Hoà lạc mà lỵ - Hà buông một câu đầy kinh nghiệm. May quá, phúc bảy mươi đời nhà chúng mình- tôi nói: may là nó mới chỉ làm đến Hoà lạc thôi chứ nó mà lại kéo đến Ba vì thì thật khốn nạn.
Tôi quay xe thật chậm ở chỗ ngoặt để thưởng thức cái nỗi sung sướng của kẻ lầm đường lạc lối khi đã tìm được “chân lý” và ánh sáng lối ra. Thế mà còn gọi là may-vợ tôi phản đối. Chẳng thế à – tôi nói: Trong mọi tình huống, tốt nhất nên tìm ra một lý do nào đó gọi là may mắn để ít nhất là tự an ủi mình. Bác nói đúng quá- Nam hưởng ứng: quả thật thiên hạ vẫn kháo nhau Hoà lạc là ngã ba sung sướng là thế đấy. Chứ còn gì- tôi phù hoạ: chẳng thế mà các cụ mong mãi để tới được chỗ quay này suốt dọc con đường nghìn năm!
Ai đó đã nói: “nếu thấy sai, đơn giản chỉ việc đằng sau quay là xong”. Trong trường hợp này cũng chẳng đúng. Biết là thế nhưng có phải muốn quay là được ngay đâu, còn phải tìm thời cơ và liệu nó có cho quay không cơ chứ.
Sau chúng tôi, hàng đoàn xe kéo dài cũng đang từ từ …đằng sau quay như thể chúng tôi cùng một đoàn ấy. Chắc họ cũng đang rất sung sướng, thưởng thức khoảnh khắc lịch sử này- Hà bình luận. Cả bọn lại được bữa cười không sao kìm được.
Bây giờ thì chỉ có tiến. Thiên đường ở phía trước rồi. Giờ này ở Bảo Sơn chắc cũng còn  có thể xem cái gì đó và kiếm chỗ nào ăn cho bõ công đi cả một con đường Ngàn năm. Đường về có vẻ nhanh hơn, chẳng có gì ngăn cản nữa. Phía bên kia, những cảnh khênh xe máy qua barie thì vẫn tiếp tục diễn ra trước mắt chúng tôi qua từng chặng. Cả những chiếc xe con đang ngập ngừng dò dẫm từng bước thật khó hiểu, giống hết chúng tôi lúc trước... Thôi cứ yên tâm mà đến Ngã ba sung sướng rồi quay lại cho lẹ các chú em ạ - tôi lẩm bẩm.
 Chẳng mấy chốc, xe đã lại về gần tới Mỹ đình. Kia rồi cổng Thiên đường chỉ còn cách mấy trăm mét nữa. Cho xe đi chậm lại, quan sát thật kỹ chỗ rẽ xuống. Qua cổng rồi,  chắc là chỗ rẽ ở gần đây thôi - Nam động viên. Cả bốn cụ lại hào hứng, tám con mắt theo rõi quan sát xem có chỗ nào rẽ không. Vẫn chưa có, đi tiếp 1 km, 2 km rồi 3 km vẫn không có chỗ rẽ.  Sự sốt ruột lại bắt đầu. Bên phải đường (phía Thiên đường Bảo sơn, ngoài hàng rào chắn), hàng đoàn xe từ Thiên đường  lao ra cùng chiều với chúng tôi có vẻ cũng đang  muốn vào đường cao tốc. Sắp về tới Mỹ đình rồi còn gì, xa xa đèn chiếu từ sân Mỹ đình quét sáng một góc trời.
Kia rồi có một vài xe đang bò lên đường cao tốc từ bên phải đường. Tới gần, té ra đó là chỗ rào chắn bị đổ (hoặc có thể ai đó phá tạm tìm lối thoát ra). Một số xe vượt rào lao vào Đại lộ.
Làm gì có đường xuống - tôi nói. Đây chẳng qua là mấy ông liều thôi, còn phần lớn họ cũng đang đi men theo con đường nhỏ dọc theo ngoài hàng rào về phía Hà nội. Mà có chỗ rẽ xuống thì mình cũng chỉ có thể đi về Hà nội tiếp thôi chứ làm sao đi ngược chiều để vào Thiên đường Bảo sơn được. Mà vào đó liệu có gì không mà thấy nhiều xe lao ra nhanh như ma đuổi thế. Bây giờ kể cả muốn sang Sân Mỹ đình cũng bó tay. Chỉ còn cách duy nhất là trở về vạch xuất phát ban đầu: Bùng binh Mỹ Đình!
 Thế là mất cả chì lẫn chài. Lại một trận cười ra nước mắt. Bốn cụ lại “bon bon” về tới bùng binh. Hay là thử quay lại sân Mỹ đình xem có gì không - Nam đề xuất. Thôi xin cụ, tôi sợ ta lại phải lần nữa tới ngã ba sung sướng mới có chỗ quay, có mà đến sớm mai mới tới được Mỹ đình, còn Thiên đường thì đừng bao giờ mơ đến nhé- tôi nói.
Tốt nhất là ta nên tìm chỗ nào có hàng cháo ngồi nghỉ, ăn cho ấm bụng đã, chiều nay mới ăn nhẹ đang đói đây - hai bà vợ đề nghị. OK, đi tìm hàng cháo. Vòng vo một hồi lâu qua rất nhiều cửa ải cuối cùng cũng đến được hàng cháo gà ở vỉa hè đường Trường chinh.
 Bốn cụ váy áo khá sang trọng từ chiếc Camry bước xuống, gọi bốn bát cháo gà. Lúc đó đồng hồ đã chỉ 10giờ đêm. Vậy là sau hơn ba tiếng đồng hồ đi “dạ hội” trên Đại lộ Nghìn năm và đánh vật với đám đông, bốn cụ lại trở về vạch xuất phát ban đầu.
 Kể cũng lạ, đường như thế mà chẳng thấy có biển báo gì cả, có phải một người đâu, cả một đoàn hàng trăm xe bị lạc, chứ có phải riêng chúng tôi đâu. Không biết những xe kia thế nào chứ, bốn cụ đây cũng toàn là hạng “quốc gia”, “quốc tế” cả chứ có phải ngu ngơ gì đâu. Nước ngoài đi cũng nhiều, đường cao tốc thì còn lạ gì. Đây đã từng lái xe xuyên Châu Âu còn chẳng lạc nữa là.
Thôi có cháo ăn thế cũng là may rồi. Chỉ thương cho khối kẻ bây giờ vẫn đang loay hoay trên đường tìm đến thiên đường chẳng biết lúc nào mới ngộ ra mà về được.
Lúc này ngồi ăn bát cháo ở vỉa hè, mùi thơm và hơi nóng của cháo bốc nghi ngút sao mà thấy hạnh phúc thế. Có lẽ do cười nhiều nên ai cũng đói. Bữa ăn đêm này tỏ ra có ý nghĩa và hay nhất trong đêm dạ hội. Mà có lẽ đây cũng là bát cháo nhiều kỉ niệm nhất, đáng nhớ nhất trên đời. Liệu có thể đưa vào kỷ lục Guinet về ăn “bát cháo” phải “chạy” hết con đường Ngàn năm hay không??? 
             Hà Nội ngày 04/10/2010