Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÁ THƯ CỦA MỘT NGƯỜI CHƯA QUEN

Phạm Văn Màu
Thứ năm ngày 7 tháng 10 năm 2010 5:29 AM
Ngày 6-10-2010
Thu gửi chúTrần Nhương !
Lần đầu tiên bắt gặp Web: Trannhuong.com, thông thường, đối với web khác, cháu chỉ xem để biết tin tức, sự kiện hoặc tra cứu những gì mình cần tìm. Tuy nhiên cháu có một sự đồng cảm sâu sắc với chú về thư gửi ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, kiến nghị cắt giảm bớt những điểm bắn pháo hoa. Cháu đặc biệt quan tâm đến ý tưởng này của chú
 Chú Trần Nhương, có lẽ chủ trương tiến hành đại lễ chào mừng 1000 Thăng Long Hà Nội là chủ trương lớn được quán triệt từ cấp Trung ương triển khai đồng loạt đến từng địa phương, để ghi nhớ sự kiện lịch sử truyền thống trọng đại của Việt Nam trong quá trình dựng nước, vì vậy mà các báo, đài, cũng không nói đến việc chi tiêu đó có lãng phí hay không.
 Về ý nghĩa giáo dục như vậy là tốt, thể hiện được truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam “ưống nước nhớ nguồn”, những gì chúng ta có được hôm nay là cả một thành quả to lớn lưu truyền qua bao thế hệ, trong đó có sự kiện đặc biệt là vua Lý Công Uẩn cho dời đô về Thăng Long với “sắc lệnh” nổi tiếng “Chiếu dời đô” đặt nền mống trường tồn cho dân tộc Việt Nam xây và dựng.
Đất nước ta trải qua gần hơn 35 năm giải phóng, đã chuyển mình, những thành tựu Đảng và Nhà nước ta đạt được quả là to lớn. Nhưng chú ơi! Đất nước ta còn nghèo lắm, người dân ta còn khổ lắm. Cháu cũng là một công chức làm trong bộ máy hành chính của tỉnh hơn 15 năm nhìn lại thấy mình vẫn là mình, vẫn phải lo toan với bao nhiêu vất vả của đời thường để lo cho cái ăn, cái mặc. Dù vậy cháu vẫn còn “sung sướng” hơn biết bao bạn bè, người thân, những người em từng quen biết, phải sống trong cảnh nghèo khó. Cháu có một người anh ngày Tết không miếng thịt, miếng bánh; ngày thường phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chân tay nứt nẻ....
Cháu không hình dung được toàn bộ kinh phí bỏ ra “Đại lễ” này là bao nhiêu, đặc biệt là cháu cũng không biết được kho pháo hoa ở Mỹ Đình là bao nhiêu tiền, nhưng ở tỉnh của cháu mỗi lần đốt pháo hoa vào dịp Tết, tính sơ sơ cũng không dưới 10 tỷ đồng.
Toàn bộ kịch bản “đốt pháo hoa” ở Hà Nội sắp tới cháu hình dung nó “lớn lao”, nó “vĩ đại” hơn gấp nhiều lần việc đốt pháp hoa ở tỉnh của cháu, bây giờ nó bị nỗ, bị cháy, bị chết người, vậy mà cháu còn nghe tin là sẽ nhập ngay từ nước ngoài về trong vòng 3 ngày để đốt cho bằng được, để khỏi phải bị vỡ “kế hoạch”.
Những mãnh đời đau khổ, những cuộc sống lầm thang xuất hiện hàng ngày trên báo chí, trên những phương tiện thông tin truyền thông, để kêu gọi các nhà hảo tâm, hãy giúp đỡ, hãy “lá lành đùm lá rách”, vậy mà bây giờ chúng ta lại đem ra đốt “tiền” mà cháu biết chắc chắn rằng số tiền đó không nhỏ, số tiền đó có thể giúp cho hàng trăm gia đình (cháu không muôn nói nhiều hơn), hàng ngàn số phận không may trên cõi đời có thể có được những tháng ngày ấm no, hạnh phúc.
Sao Đảng và Nhà nước ta không nghĩ tới, hay nghĩ nhưng xem đo là “chính sách đối ngoại” hay là cho bạn bè quốc tế biết, muốn khẳng định rằng Việt Nam bây giờ là như thế ? để sau Đại lễ này Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tệ ngợi khen ? được giúp đỡ nhiều hơn, được đầu tư nhiều hơn ? Nếu đúng vậy thì cái nhìn của cháu thật là thiển cận (!).
Chú Nhương, đề nghị của chú yêu cầu công bố kinh phí sau đại lễ để thỏa mãn cầu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”  thật là chí lý, nhưng không biết ước nguyện của chú có được thực hiện không, có đến nơi đến chốn không? Cháu cũng đang chờ đợi!
Từ những gì cháu hiểu, cháu biết, cháu cho rằng việc tổ chức Đại lễ là quan trọng, nhưng có nhất thiết phải kéo dài đến 10 ngày như vậy không ? Có nhất thiết phải bắn pháo hoa tới 29 điểm trên thủ đô không? Hay chúng ta chỉ cần tập trung làm lễ một hoặc hai nơi nào đó, rồi cũng đốt pháo hoa giới hạn, tổ chức hội thảo, tọa đàm, ôn lại truyền thống... đồng thời tổ chức cho phương tiện truyền thông phát tin, như vậy có phải là chúng ta cũng đã thể hiện được sự đền ơn đáp nghĩa với ông bà, với “tổ tông” ta rồi và hơn nữa là chúng ta sẽ tiết kiệm một số tiền “khổng lồ” rồi phải không chú ? Cháu không cần nói tiền tiết kiệm để làm gì, vì chúng ta còn không biết bao nhiều chỗ phải có tiền: đầu tư xây dựng đất nước, tiền lương cho công chức, tiền thực hiện chính sách xã hội, tiền cho giáo dục – y tế, tiền để xây cầu nông thôn, tiền để đem nước sạch cho người nghèo....
Vậy mà tiền đem đốt đi và bằng mọi giá phải đốt cho được tiền ! Cháu xót xa quá chú ơi.
Khi nghĩ đến những số phận hẩm hiu, những cuộc đời khổ cực của không ít người dân Việt Nam mình, cháu ứa nước mắt! Nhưng biết nói với ai đây?
Bắt gặp những thông tin của chú, cháu xin giải tỏa ít lời,
Điều nữa là nếu chú chỉ kiến nghị với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là chưa đủ, vì đó đâu phải là chỉ chủ trương của ông Chủ tịch phải vậy không chú.
Cháu muốn nói nhiều hơn nhưng không biết nói gì thêm nữa. Cháu xin dừng bút.
Chúc chú luôn khỏe để có những ý kiết tuyệt vời.
Cháu tên Phạm Văn Màu
Địa chỉ:
maustkg@yahoo.com.vn