Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

RỒI SẼ CÓ NGÀY MAI HÀ NỘI…

Hà Văn Thùy
Thứ tư ngày 6 tháng 10 năm 2010 10:11 PM
 
Không ngờ nhiều người hiểu khác nhau đến vậy về câu ca quen thuộc “Chẳng thơm…”
Để mua vui, tôi xin góp đôi lời.
1. Trả lại công bằng cho một loài hoa.
Không hiểu vì sao người ta gọi hoa nhài là hoa con đĩ? Phải chăng vì nó thơm hơn về ban đêm? Đêm là khi mọi hoạt động ồn ã ban ngày đã lắng xuống, những cái mùi nặng nề uế tạp cũng chìm đi. Không gian trở nên tĩnh lặng. Đấy là khi các hương hoa cất lên tiếng nói của mình. Sen thanh cao, hồng quý phái… Nhưng dễ gì mỗi làng có một hồ sen? Hoa hồng là chúa loai hoa nhưng chỉ tốt tươi trong sự chăm sóc đặc biệt. Còn cây nhài dễ trồng nên sống lăn lóc trong dân gian. Và đêm đến, nhài vô tư tỏa hương… Với những câu như: Chị vợ khôn lấy anh chồng dại, như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu. Và Xin đừng sớm thắm chiều phai/ thoang thoảng hoa nhài nó lại thơm lâu không thể nói là dân gian khinh bỉ hoa nhài, mà ngược lại. Không những thế, hoa nhài còn được ướp trà, là thức uống thanh lịch. Chè đường phèn, hạt sen, long nhãn ướp hương nhài là món ăn mỹ vị. Không dùng hoa nhài cúng Phât không phải vì phẩm hạnh của hoa mà chỉ vì nương theo cái thành kiến trưởng giả bệnh hoạn, chỉ có ở Việt Nam. Người Thái, người Lào kết tràng hoa nhài quàng lên cổ khách quý và xâu hoa nhài thành chuỗi buộc vào cổ tay bạn bè… Không thể chấp nhận một thành kiến bất công, vô lối như vậy với một loài hoa có màu trắng tinh khôi và hương thơm sâu xa, lâu bền, giúp lòng người vơi nhẹ, Thơm là bản chất tự nhiên của hoa. Hoa không biết đĩ. Chỉ có đầu óc suy đồi của những kẻ bệnh hoạn ám cho hoa. Nhưng dân gian lòng lành không chịu vậy: Một lần nữa trân quý hoa trong câu ca: Chẳng thơm…Trong câu ca dao dùng thể tỷ, hai mênh đề là bình đẳng, do vậy, hương hoa nhài tương ứng với thanh lịch Tràng An!
2. Về chữ Tràng An
Tôi không nghĩ Tràng An trong câu ca là Trường Yên, một địa (vô) danh ở Ninh Bình. Tôi hiểu Tràng An là thủ đô của Trung Hoa cổ. Sau hơn nghìn năm vượt Hoàng Hà vào xâm chiếm đất của Bách Việt, quân du mục Mông Cổ và hậu duệ của họ, người Hoa Hạ, vì sợ những cuộc tấn công đánh trả của người Việt và cũng sợ nước lụt Hoàng Hà, vẫn đóng đô ở mạn bắc sông. Đến đời Chu mới dời đô xuống vùng Tây An. Và đất Tràng An trở thành nơi đô hội của các triều từ Chu tới Tần, Hán rồi Đường. Thời Đường, Trung Quốc cực thịnh. Trường An là ngọn hải đăng văn hóa phương Đông. Từ danh từ riêng của thủ đô một nước, Tràng An trở thành danh từ chung chỉ mọi kinh đô, giống như Paris thế kỷ XIX.. Ở thời Lý, nước ta vừa dựng nền tự chủ được ít năm, nên Tràng An vẫn là mẫu mực của một kinh đô văn hóa thanh lịch. Và người dân Việt lấy tên Tràng An vận vào thủ đô của mình để vừa tự hào vì mình cũng có Tràng An và cũng là nhắc nhau trân quý cái Tràng An ấy.
3. Về Thăng Long thanh lịch
Lịch sử của người Việt được bắt đầu từ thềm Biển Đông mà 70.000 năm trước là đồng bằng Hainanland. Từ đây người Việt cổ lan tỏa ra khắp thế giới, không chỉ khai phá đất Trung Hoa mà còn qua Trung Á để góp máu sinh ra tổ tiên người châu Âu, vượt eo Bê rinh chiếm lĩnh châu Mỹ. Chắc chắn rằng, tại đây, cây kê, cây lúa đầu tiên, con gà con chó đầu tiên của nhân loại được phát minh… Khoảng 15000 năm trước, băng hà tan, nước biển dâng, tổ tiên chúng ta dịch chuyển về phía tây, tập trung nơi núi non Hòa Bình, Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên. Khoảng 5000 năm trước, khi nước rút dần, tổ tiên ta trở lại khai thác đồng bằng sông Hồng, sông Mã. Từ Bạch Hạc về Cổ Loa là một bước tiến có tầm chiến lược. Sáu trăm năm sau, do đất bồi, do người tụ cư một cách tự nhiên mà địa bàn Đại La hiện ra với thế rồng chầu hổ phục, nhà phong thủy bậc thầy Cao Biển chọn làm nơi định đô. Từ “dân ấp dân lân” nhờ tao loạn mà được nước, Đinh Tiên Hoàng, vừa thiếu gốc văn hóa, vừa thiếu cái tầm của nhà kinh bang tế thế đã không dám tiếp tục trên đô cũ của Cao Biền mà đưa kinh đô vào vùng đất tù hãm. Chỉ đến Lý Công Uẩn với sự trưởng thành văn hóa cùng đởm lực của bậc đế vương đã dời đô về nơi đô hội nhất nước.
Ngay cả trước khi Cao Biền tới thì vùng đất bên Sông Cái đã là đất văn vật. Khi được chọn làm kinh đô, Thăng Long góp được sức người, sức của từ thiên hạ tới. Các làng nghề, các phường buôn từ Tứ trấn kéo về lập nghiệp rồi các thuyền buôn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Java… sang. Thăng Long đã hút về mình những tinh túy của các đô thị như Phố Hiến, Vân Đồn. Người đông đúc, kinh tế sung túc khiến Thăng Long trở thành nơi phú quý. Và một khi đã phú quý thì lễ nghĩa nảy sinh.
Trong một quốc gia yên lành, thủ đô của nó là động lực dẫn dắt đất nước. Nếu quốc gia là tròng mắt thì kinh đô chính là con ngươi. Không chỉ về kinh tế, chính trị mà về văn hóa, thủ đô cũng trở thành mẫu mực. Người dân trong nước ngưỡng vọng về chốn kinh kỳ và góp công sức cùng trí tuệ làm giàu làm đẹp thủ đô. Tôi không biết câu ca “Chẳng thơm…” có từ bao giờ nhưng chắc rằng, không phải người dân Thăng Long đặt ra câu ấy để vênh vang. Lẽ dễ hiểu là những người nông nổi không thể làm ra câu ca như vậy. Người Thăng Long thanh lịch không ai tự vỗ ngực khen mình thô vụng thế. Có lẽ, câu ca được sinh ra từ người Tứ trấn. Cố nhiên, những người dân dã này đã quen với hoa nhài. Rồi khi gặp giọng Thăng Long cùng sự lịch lãm của người kẻ chợ, với lòng chân thành, họ khen. Nghe khen, có người thản nhiên: “Khen dân kinh kỳ thanh lịch khác nào khen phò mã tốt áo!” Nhưng rồi cũng có người thâm trầm hơn, sâu xa hơn nói thành chương: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”…
4. Sự thăng trầm của Thăng Long thanh lịch
Là kinh đô của quốc gia văn hiến, sự thanh lịch của Thăng Long được bồi dần như lớp lớp phù sa. Có lẽ đã từng có một thời sự thanh lịch ấy bị đứt gẫy khi Gia Long dời đô vào Huế. Không nhiều thư tịch nói về sự kiện này, ta chỉ thấy phảng phất cái không khí cô liêu, trống vắng trong thơ Thăng Long thành hoài cổ. Nhưng có lẽ, cả khi đó, do sức sống nội tại của mình, bản sắc văn hóa Thăng Long vẫn được bảo tồn. Sau đó, chính là do người Pháp lấy Hà Nội làm thủ phủ của Bắc Kỳ, đất Thăng Long vừa giữ được nét văn vật xưa lại hội nhập nhanh với văn hóa phương Tây. Nhờ thế, Hà Nội thành đô thị phương Đông mang dáng dấp của một Paris.
Nhưng tới giữa thập niên 50 của thế kỷ XX, Thăng Long thanh lịch chia hai: Một phần cuốn gói đi Nam.
Phần ở lại vẫy cờ hoa tưng bừng đón chào cách mạng, mong một cuộc đổi đời. Được đổi đời trước hết là những nhà công thương. Những người lam làm, nhịn xẻn, khôn ngoan – động lực làm nên sự phồn vinh của Thăng Long -  tích lũy vốn vài ba đời, trong sự cạnh tranh khốc liệt với tư bản Pháp để có được những hãng buôn, những xưởng máy. Tất cả được “tước đoạt lại”, được “cải tạo” để trở thành vô sản! Người Hà Hội có học được thời cuộc đóng lên trán cái dấu đen ô nhục “trí thức tiểu tư sản!”  Những chủ nhân trí tuệ của Thủ đô bị giáng xuống công dân hạng hai, hạng ba, đứng bên lề xã hội nhìn những cán bộ công nông, những “ông đội”, đồng chí của Chí Phèo, vừa làm cách mạng ruộng đất long trời lở đất tàn phá nông thôn Việt nghìn đời, về tiếp quản Thủ đô. Đáng lẽ, là người nhập cư, phải khiêm nhường học hỏi sự thanh lịch Thăng Long để trở nên con người văn hóa, thì họ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” khắp các công sở, trường học, doanh nghiệp. Là “con người mới xã hội chủ nghĩa”, là ông chủ toàn năng của Thủ đô,  họ được độc quyền yêu nước, độc quyền “lập trường cách mạng”, độc quyền chân lý… Để sống còn, sự thanh lịch Tràng An phải cúi đầu chắp tay trong phận con đòi. Để được dùng, để có chỗ đứng trong xã hội, biết bao người Hà Nội phải “đầu hàng giai cấp”, “công nông hóa”, tự đánh mất mình! Rồi chiến tranh tan tác, rồi thời gian dài quan liêu bao cấp khiến Hà Nội bần cùng. Đến khi đổi mới, mở cửa thì hàng triệu ngưới từ các làng xóm “tiến về Hà Nội” tràn ngập phố phường. Cái tử số thanh lịch vốn mong manh, bị tàn phá, bị hủy diệt còn sót lại dường như tan biến trong cái mẫu số quê mùa lớn đến vô cùng. Sau những năm “mở cửa,” một phần Hà Nội xưa hồi sinh nảy chồi xanh lá thì tai họa khủng khiếp nhất giáng xuống: mở rộng thủ đô! Hà Nội bị đẩy tới cùng quá trình quê mùa hóa!
Trong khi đó, phần thanh lịch Hà Nội chia sẻ với Sài Gòn từng ngày đơm hoa kết trái. Những học giả, nhà văn Hà Nội di cư góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Sài Gòn 1954-1975. Và cho đến nay, do “it xã hội chủ nghĩa hơn” nên con trẻ Sài Gòn dường như lễ phép hơn, và người Sài Gòn vượt qua Hà Nội về thanh lịch…
5. Một ngày mai…
Có người than phiền rằng, Hà Nội như cái nhà trọ, người tứ xứ đến kiếm tiền rồi mang về xây nhà ở quê.  Họ là thợ xây, là phu hồ rời quê hương ra thành phố kiếm sống. Đồng tiền họ kiếm được là chính đáng. Hà Nội “hoành tráng” như hôm nay một phần cũng nhờ họ. Xin đừng trách họ! Cũng có những công dân thủ đô đời thứ nhất, đem tiền tham nhũng về quê xây từ đường và mộ tổ. Cũng xin đừng trách, vì họ thực hành chữ hiếu của con người. Và họ cũng giúp cho khoảng cách biệt giầu nghèo giữa thành thị và nông thôn hẹp lại. Nhưng bạn tin đi, họ và con cái họ không về quê mà sẽ “sống chết với thủ đô!” Bạn cũng tin rằng trong khi không thiếu kẻ ăn chơi phá tán của cải có được dễ dàng do tham nhũng, chụp giật thì cũng không thiếu người, nhờ cái gốc thiện lương từ tổ tiên, nhờ lắng hồn núi sông nghìn năm, tự tu dưỡng thành người tử tế, cho con cái học hành nên người. Rồi bằng tiền của, bằng vị thế, bằng kinh nghiệm, bằng sự dấn thân, họ trở thành trí thức và lớp doanh nhân mới của Hà Nội. Đồng thời, cũng nhờ hồn thiêng sông núi mà những người Hà Nội xưa, dù trải qua ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh vẫn giữ được tư chất của mình, vươn dậy như con phương hoàng trong truyền thuyết để tạo ra lớp người Thăng Long thanh lịch mới.
Và tới ngày thực sự tự do, dân chủ, người Hà Nội tự bầu ra vị thị trưởng của mình. Vị thị trưởng do dân bầu hoàn toàn tuân theo tâm nguyện, ý chí người dân. Lúc đó Thăng Long sẽ thanh lịch trở lại.
Tròng mắt không thể thiếu con ngươi. Đất nước văn hiến không thể không có một thủ đô thanh lịch. Xây dựng một thủ đô thanh lịch là lẽ sống còn của con dân Việt.
Sài Gòn, những ngày nghìn năm Thăng Long 
HVT