Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỐT TIỀN

Nguyễn Vĩnh
Thứ sáu ngày 8 tháng 10 năm 2010 5:32 AM

Vài tuần trước tôi có mấy chuyến đi. Chuyến đầu xe chạy một vệt từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang, thăm ATK rồi quay về nhà theo ngả Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên. Chuyến sau đi về mạn Uông Bí, Quảng Ninh rồi ghé Chí Linh, Côn Sơn, Kiếp Bạc trở lại Hà Nội qua Nam Sách, Hải Dương, Hưng Yên. Ngoài những ghi nhận tích cực cảm kích mà một chuyến “về nguồn” đọng lại mãi thì cảnh đền chùa cúng bái tràn lan hiện nay lại gây một ấn tượng không đẹp mà tôi ghi lại đây để cùng bạn bè chia sẻ. 
Đến đâu cũng thấy dân mình đi lại cúng bái chùa chiền đền phủ miếu mạo khiếp quá, đông đúc quá. Đến mức mà ngồi nhà thì khó mà tưởng tượng ra nổi. Đúng cảnh “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Chỉ tội nghiệp là đông mà không đẹp, đông mà không văn minh thanh lịch chút nào. Còn lắm sự lôi thôi nhếch nhác nữa - từ người đến quang cảnh… Vui ít buồn nhiều.
Lẽ thường tấp nập đông đảo dân tình đi chơi thì phải mừng? Bởi một bộ phận dân cư khá giả lên thì mới có được hiện tượng này, làm cho du lịch nội địa khởi sắc, du khách tiêu tiền thì bà con nghèo các vùng danh thắng có được thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên quan sát kỹ thì điều mừng vui chóng vánh vụt qua. Thấy chua chát nữa là nó để lại không ít nỗi niềm bức xúc và lo nghĩ. Đấy là hiện tượng phổ biến các nơi là cứ có chùa chiền phủ đệ được coi là linh thiêng là lễ bái túa ra, dịch vụ chạy theo phục vụ thượng đế quá ư nhốn nháo, nên mặc sức chặt chém khách. Và bày vẽ, lãng phí không xiết đâu mà kể. Chẳng mấy còn nét văn hóa thanh tao của ông cha ta xưa, của người Việt mình nữa.
Tôi chỉ nói riêng về hiện tượng đốt vàng đốt mã ngày nay mới ghê gớm làm sao.
Ở một ngôi đền khá nguy nga bên con sông Lô đầy chiến công oai hùng năm xưa, mấy anh em cùng đi trong đoàn của tôi hôm ấy thực sự kinh ngạc thấy ngoài sân đền bày cả “quả núi” những đồ vàng mã. Mấy chục con ngựa và voi kích cỡ rất to, màu mè rực rỡ. Chắc chắn hàng xấp tiền thật thì mới sắm nổi cả đống hàng giả để đốt này. Hỏi ra đây chỉ là đồ mã chỉ của một gia đình đi cúng tạ cho con cháu chết nạn và cũng là để giải hạn luôn cho gia đình họ. Một ngày một tuần một tháng rồi sẽ còn bao nhiêu đám lễ tạ, giải hạn như thế này nữa? Thật là những tiêu xài quá phí phạm. 
Chúng tôi còn thấy ở những đám cúng bái cho người đã khuất khác có cả đống áo quần và giương hòm, những lọng cờ kiệu rước thuyền mảng… Thậm chí có đám đặt cả đồ mã là xe máy tay ga đắt tiền, xe hơi mác xịn “mẹc” (Mercedes), hoặc BMW cùng với biệt thự 3 tầng đồ sộ cúng xong là đốt hóa cho con cháu chết trẻ, với ý nghĩ dương sao âm vậy, gửi xuống dưới âm đó để người thân mình dùng...
Buổi trưa ở đền Kiếp Bạc tôi còn nghe một người tuổi trung niên kể với giọng phẫn uất là anh vừa bị bọn đầu nậu lễ bái “lột” mất 4 triệu tiền đồ lễ. Số là nhà doanh nhân này cùng mấy bạn buôn bán làm ăn với nhau đi lễ đền cầu lộc. Đỗ xe chưa kịp định thần thì đám người ào tới, các chú ơi cháu có đầy đủ đồ lễ, cứ việc theo cháu là tới “đủ các cửa”, đi lấy một mình không chu tất được đâu các chú… Ngọt lời, anh chẳng kịp mặc cả thống nhất tiền nong đồ cúng, dịch vụ, thế là mấy người cứ xô đẩy cùng bước theo đám đầu nậu kia, xì xụp hết ban này bệ kia…, rồi kết quả qua mọi cửa, thoát khỏi cổng hậu cung ra đến bên ngoài ngôi đền thiêng Trần Hưng Đạo Đại vương kia, bọn người buôn thần bán thánh hét “bốn triệu rưỡi thôi chú ạ”. Anh bạn nghe tá hỏa, định cãi không trả mức tiền ngất trời như vậy. Nhưng phàn nàn bớt xớ lúc này là vô ích (vì đã mắc lỡm không mặc cả từ đầu), anh cay đắng móc hầu bao trước lũ “ác nhân” mượn tín ngưỡng niềm tin của ông khách hàng trông có máu mặt đi lễ bằng xe hơi đắt tiền này, ông mà hớ hênh thì chúng tao cứ việc bóp nặn.
Đấy là chưa nói tới các hoạt động xin thẻ sắp thẻ, bói toán lấy lộc cầu may công khai ngồi cả dẫy ở khắp các phủ đền ngày nay. Đôi chỗ còn mượn cớ được tụ tập lễ hội để chọi gà ăn tiền ăn hồ, hùn hạp trò cờ bạc mà phần lớn là kiểu cờ gian bạc bịp. Lạ nhất là thanh niên và tuổi choai choai bây giờ đi lễ rất đông.
Rồi đáng kinh khiếp nữa là tình trạng “quá tải” ở các nơi phủ đền, chùa chiền nổi tiếng làm cho môi trường lâm nguy. Nói gọn là cảnh xô bồ chợ búa chen lấn san sát tới nơi thờ cúng, và người ta vứt bỏ rác rưởi lung tung, chưa kể phóng uế bừa bãi bẩn thỉu đến hãi hùng. Chỉ cần khách thập phương chịu khó đi vào tới sân sau, ngó qua ngay bên ngoài bức tường chùa hoặc đền thờ là thấy các đống rác như núi không kịp chôn vùi hoặc tải đi kịp, mặc cho ruồi nhặng bu đầy... Bạn không tin cứ đi viếng chơi thử mà xem.
Ở đây câu chuyện tín ngưỡng niềm tin của người dân ta không bàn. Vì nó nhạy cảm và rất tế nhị. Đây là quyền của mọi công dân tôn thờ kính ngưỡng điều linh thiêng, hướng về hình tượng người anh hùng hoặc vị thánh, bà chúa mà trong tâm người ta đinh ninh sẽ che chở ban phát tài lộc cho họ…
Cái bàn được cũng như rất cần được gióng tiếng chuông báo động là sự tiêu pha tốn kém vô cùng mà người ta trông thấy được cho các việc cúng bái thờ phụng tràn lan ấy. Bởi vì ở đây cái sự tiêu xài chi trả bằng đồng tiền này nó mang ý nghĩa xã hội. Chính là nó động chạm đến chi tiêu tiền của, tức tiêu phí mất những giá trị lao động được tích lũy chung của con người, của xã hội. Tất nhiên rồi nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội nói chung mà bất cứ người dân nào đang cùng chung sống cũng có liên đới tới.
Lướt qua một thực trạng buồn như vậy, bất cứ ai còn tỉnh táo với các suy nghĩ có lý bình thường nhất cũng phải đồng tình thốt lên, đốt tiền, thật là phí phạm quá sức. Chư a kể ngoài tiền của còn mất bao thời gian công sức của nhiều con người đi theo cùng với các hình thức cúng bái đã bị biến tướng trên đây.
Lạ nhất là các cơ quan văn hóa thông tin của địa phương, các thiết chế nhà nước về văn hóa - trong đó có các quy định thông tri chỉ thị nếu nghe qua là thấy đều khá chặt chẽ và tồn tại ở khắp các tỉnh thành quận huyện, thậm chí được cụ thể bảng biểu căng dán khắp các nơi đó -, nhưng không hiểu sao trong hành động “điều tiết” hoặc “chế tài” hầu như là không thấy? Hoặc giả bây giờ tất cả bộ máy đó đã bất lực hoặc đầu hàng trước thực trạng trái tai gai mắt này.   
Nguyễn Vĩnh