Ở đầu phố Nhà Chung, giáp với phố Quang Trung, tôi phát hiện ra một quán cơm rất ngon. Thỉnh thoảng, từ thư viện Quốc gia có trưa tôi tản bộ ra đó. Khu này có nhiều văn phòng cơ quan, nên buổi trưa rất đông khách. Bàn ăn của thực khách ngồi tràn ra vỉa hè…
Mấy lần, trưa hè nắng gắt, tôi phát hiện có bà cụ đầu đội cùm cụp nón mê, ngồi thu lu ở gốc cây xà cừ. Dáng điệu của cụ mỏi mệt lắm, ra chiều chờ đợi một cái gì đó. Tôi quan sát. Cụ ngồi đó chờ… Chờ gì? Khi đó, chốc chốc cụ lại lén nhìn ra chỗ bàn ăn. Và, khi người ta vừa ăn xong, đứng lên, thức ăn vẫn còn chừa lại, cụ liền vào hốt tất cả vào bịch ni-lon… Chắc cụ lấy về nuôi lợn chăng? Tôi nghĩ thế. Nhưng không, cụ lặng lẽ mang ra gốc cây khuất… ngồi ăn! Tội nghiệp, cụ đi ăn xin, phải ăn đồ thừa ở quán vậy. Vài lần khác, tôi đều bắt gặp cụ làm vậy. Tò mò, tôi ra chỗ cụ. Biếu cụ mấy đồng lẻ, rồi hỏi… Trên khuôn mặt nhăn nheo, mỏi mệt, giọt nước mắt lăn dài… Giọng cụ nghẹn lại, mãi sau mới nói được. Thì ra tôi đã động đến nỗi đau của cụ.
Số là, cụ sinh được 3 người con: Hai trai và đứa con gái ở giữa. Ông bà đã xây dựng gia đình cho chúng, có chồng, vợ hết. Sau khi cụ ông nhà qua đời, cụ bà ở lại với thằng út. Nhưng, rồi vợ thằng út nói nọ nói kia, rằng “bà là phải sang ở nhà bác cả, vì bác ấy là trưởng phải có trách nhiệm”! Tui nghĩ, như vậy cũng phải nên khăn gói sang nhà thằng lớn ở. Được vài ngày, tui nghe con vợ thằng lớn nói, “bà sang đây làm gì, chú út ở lại nhà của bà thì chú ấy phải có trách nhiệm với bà chứ”. Chán quá, tui nói lại với hai thằng con trai, nhưng hai thằng đều “sợ vợ”, nghe lời vợ hết ráo! Thế là tui khăn gói sang nhà đứa con gái. Nhưng, đứa con rể thì nói xa nói gần “bà là phải ở nhà con giai, ở nhà con gái… thiên hạ cười cho!”. Chúng cứ đùn đẩy như vậy, tôi biết ở đâu? Sao cái thân già này không chịu chết đi cho, sao không đi theo ông ấy? Sinh 3 đứa con, chúng không chịu cho tui ở. Tui chết đi, đỡ phiền… Thế là, một ngày, ra bến xe định đi thật xa, bặt vô âm tín, chết đâu cũng được chả phiền tới chúng làm gì…
Tội nghiệp, cụ đã bao giờ đi quá xa cái làng của mình đâu, lần này “tay bị tay gậy” cụ lần ra tận Thủ đô thế này. Trông dáng điệu, tôi biết cụ không phải là dân “ăn mày chuyên nghiệp”!
Gần đây, tôi lại đọc được bài báo, viết về một trung tâm dưỡng lão nọ. Có những cụ già, được con cháu đưa đến với trung tâm như cho… rảnh nợ. Dù bận làm ăn, nhưng cả năm chả thấy người con đó quay lại thăm cha mẹ mình!
Buổi trưa nay, tôi không ra đó ăn trưa như nhiều bữa trước, không biết cụ có còn chầu chực để xin phần cơm thừa không. Ngồi nhà miên man nghĩ vẩn vơ về cụ… Cũng là một kiếp người, cụ cũng có con, có cáu. Cụ là bà, là mẹ của những đứa con. Bao đời nay, những bà mẹ vĩ đại, nước mắt chảy vào trong!
Ngoài kia, Hà Nội nhộn nhịp với lễ hội ngàn năm.
Đặng Viết Trường
48A- Lý Thường Kiệt- Hà Nội
MB: 0913.474.744/ CQ: 03.4936.0062