Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÀY NGUYỄN VINH PHÚC VỚI 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh
Thứ ba ngày 5 tháng 10 năm 2010 9:22 PM
 
Những năm 60 của thế kỷ trước, lứa chúng tôi là con em cán bộ kháng chiến chống Pháp, tốt nghiệp cấp 2, lên cấp 3, có “tiêu chuẩn ưu tiên” được vào học ở Trường Phổ thông cấp 3A là một trong những trường cấp 3 Công lập lớn nhất Hà Nội ngày ấy. Nhưng vì hồ sơ nộp chậm nên hầu hết đều chuyền về học ở trường Phổ thông 3B, (học buổi chiều, cùng ngôi trường 47 Lý Thường Kiệt Hà Nội).
Sự không may này lại hóa ra là một diễm phúc lớn đối với cuộc đời của mỗi chúng tôi. Trường 3B hầu hết giáo viên là công chức “lưu dung” - những trí thức của Hà Nội “thời Pháp thuộc”, họ không theo Chúa vào Nam mà ở lại góp phần xây dựng Miền Bắc XHCN. Những nhà giáo cự phách như: Đặng Đình Cốc dạy Vật Lý, Uyển Diễm dạy Văn, Nguyễn Văn Quỳnh dạy Toán…riêng thày Nguyễn Vinh Phúc dạy tất cả các môn Văn, Sử, Địa… giữa thời “bao cấp” khó khăn khổ sở là vậy mà hình ảnh thày Uyển Diễm mặc quần Tây có dây đeo, cổ thắt nơ; thày Đặng Đình Cốc đội mũ phớt, đi xe đạp pơ-zô có khóa cổ, booc-ba-ga sau xe buộc chiếc cặp da to còn chưa cũ; Thày Nguyễn Vinh Phúc thì đội mũ phớt dạ, mắc áo ký giả, đi xe xô-lếch đen bóng, đèo cô con gái “rượu” mặc quần xanh, áo sơ mi cổ thìa trắng tinh, tay xách hộp đàn Vi-ô-lông… những hình ảnh sang trọng, nét quý phái, thanh lịch của người Tràng An ấy cứ in đậm mãi trong tâm khảm chúng tôi cho đến tận ngày nay.
Lại còn chuyện gây “chấn động” ngành Giáo dục Hà Nội vào những năm 70, là khi bộ Giáo dục thi tuyển cán bộ, giáo viên đi làm chuyên gia Giáo dục cho các nước thuộc Châu Phi nói tiếng Pháp; Tất cả các thày của Trường 3B tham dự cuộc tuyển chọn rất khắt khe này đều “đỗ” cao. Trình độ sư phạm và nhất là trình độ tiếng Pháp vượt trội so với các thày trường khác. Khi nghe thày Nguyễn Vinh Phúc kể lại, chúng tôi vô cùng tự hào về các thày của trường mình. Lứa học trò chúng tôi có nhiều người thành danh, như NSND. Nguyễn Trọng Khôi, GS,TS. Chung Á, GS.BS Tôn Thất Bách, nhà Nông học Nguyễn Lân Hùng…người còn, kẻ mất, nay cũng đã ở vào tuổi xấp xỉ “Cổ lai hy”, vậy mà mỗi khi đứng trước các thày vẫn thấy mình vô cùng nhỏ bé.
Chúng tôi kính trọng và biết ơn thày Nguyễn Vinh Phúc. Và Thày cũng rất nhớ chúng tôi. Có lần thầy nói, Thày dạy hàng ngàn học trò, nhưng nhớ nhất, ấn tượng nhất vẫn là lứa học trò những năm 60 chúng tôi. Chúng tôi tự hào và biết ơn tình cảm đặc biệt của thày dành cho chúng tôi.
Thày Nguyễn Vinh Phúc không những là một nhà sư phạm uy tín mà còn là một nhà Hà Nội học uyên bác. Thày chuyên nghiên cứu về Hà Nội. Nhà Hà Nội học là cách gọi trân trọng của người Hà Nội dành cho Thày - mà có lẽ chỉ dành để vinh danh riêng thày mà thôi.
Tới nay, Thày Nguyễn Vinh Phúc đã in 13 tập sách về Hà Nội: Hà Nội, Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Hà Nội qua những năm tháng; Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử; Hanoi passé et présent, Hanoi past and present; Sites, histoire et légendes d’Hanoi; Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội, Hà Nội - cõi đất con người.
Thày cũng đứng chủ biên 6 bộ sách: Đường Hà Nội; Hỏi đáp 1.000 năm Thăng Long; Du lịch Hà Nội; Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra ông còn viết hàng trăm bài báo khác. Đặc biệt, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Thày Nguyễn Vinh Phúc đã xuất bản tác phẩm “1000 năm Thăng Long Hà Nội”. Đây là một trong những cuốn sách đã đem lại cho Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc Giải thưởng “Vì tình yêu Hà Nội” (giải thưởng Bùi Xuân Phái).
Tác phẩm “1000 năm Thăng Long Hà Nội” được Thày Phúc bắt đầu viết từ năm 1998, với ý định ban đầu là ra mắt vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2008, Hà Nội mở rộng ra địa phận Hà Tây, tác giả đã bổ sung thêm những tư liệu và ảnh về mảnh đất trăm nghề. Cuốn sách dày hơn 1.000 trang, với hơn 900 chuyên mục đề cập phần lớn các vấn đề thuộc về địa lý, hành chính cư dân, lịch sử, kinh tế, văn hóa... của Thăng Long - Hà Nội.
Phần ảnh tư liệu của tác giả Nguyễn Vinh Phúc sưu tập từ nhiều nguồn, chủ yếu từ kho lưu trữ của Pháp. Qua ba lần tái bản, tác phẩm “1000 năm Thăng Long Hà Nội” có số lượng in hơn 8000 bản. Tác phẩm đã mang lại doanh thu cho Nhà xuất bản Trẻ hàng tỷ đồng và đang tiếp tục là một trong những đầu sách bán chạy nhất của Nhà xuất bản thời gian vừa qua.
Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ và tác giả Nguyễn Vinh Phúc đã thực hiện ấn bản đặc biệt được in bìa cứng với chất liệu giấy đặc biệt, không bóng và rất nhẹ. Ấn bản đặc biệt này dày hơn 200 trang, có thêm phần phụ lục và ảnh tư liệu quý mới sưu tầm bổ sung. Đặc biệt, trên mỗi bản sách đều có chữ ký tay trực tiếp của tác giả Nguyễn Vinh Phúc ngay trang đầu tiên và được đánh số từ 1010 (năm nhà Lý dời đô) đến 2010.
Về việc thày Nguyễn Vinh Phúc ký tay trực tiếp có nhiều chi tiết rất thú vị. Ban đầu, Thày Phúc đã ký 1050 chữ ký bằng mực đen và gửi vào TP. Hồ Chí Minh. Nhưng Nhà xuất bản lại muốn chữ ký phải bằng mực màu xanh, nên thày phải bay vào TP. Hồ Chí Minh để ký lại. Tổng cộng hai lần Thày đã ký 2100 chữ ký. Nhiều cuốn sách có con số đặc biệt đã được đặt mua, thí dụ như số 1102 (độc nhất vô nhị) hoặc những con số có ý nghĩa đặc biệt đối với độc giả như năm sinh, năm kỷ niệm sự kiện nào đó...
Nhà xuất bản Trẻ giữ lại các bản sách có số 1010, 2010, 1890, 1288, 1930, 1954, 1975… để bán đấu giá. Đây là những con số đặc biệt có ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc. Nhà xuất bản Trẻ cũng giữ lại ấn bản có số 1981- năm thành lập Nhà xuất bản, và tặng tác giả Nguyễn Vinh Phúc ấn bản số 1927 là năm sinh của ông.
Tác phẩm “1000 năm Thăng Long Hà Nội” thể hiện tình cảm, tâm huyết, sự đam mê của Nhà giáo, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc - Người đã dành gần trọn cuộc đời để tìm hiểu, khám phá về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh

Ảnh : Tác phẩm “1000 năm Thăng Long Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc