Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẦY GIÁO CỦA CHÚNG TÔI

Hoàng Quốc Hải
Thứ năm ngày 6 tháng 6 năm 2024 9:24 AM


Nhóm học sinh Ngô Quyền khóa (1957-1960) chúng tôi, năm 1990, nhân kỉ niệm 70 năm thành lập trường, qui tụ lại được khoảng năm, sáu chục người sinh sống tại Hà Nội. Rồi từ đó, hằng năm chúng tôi tổ chức họp mặt vào đầu xuân. Lúc đầu chỉ qui tụ bạn bè. Sau tìm hiểu thấy có một vài thầy dậy chúng tôi khóa đó cũng đang sinh sống tại Hà Nội, nên những buổi họp mặt, chúng tôi mời các thầy tham dự. Những năm đầu có vài ba thầy dạy toán, lý, lịch sử tới dự. Tình cảm thầy trò thật là đằm thắm. Vì nhiều lý do khác nhau, số các thầy tham dự với chúng tôi cứ thưa vắng dần. Trong đó có nguyên nhân sức khỏe và tuổi tác. Nhưng thật kì lạ, người cho chúng tôi theo bám được tới ngày nay, tới giờ phút này thì chỉ có thầy Trần Học Hải dậy môn lịch sử.

Cách đây khoảng một tuần, bỗng nhiên nhớ thầy, chúng tôi gọi điện cho nhau cùng tới thăm thầy. Hẹn nhau đúng 9 giờ sáng. Khi đi, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, phu nhân của tôi vừa ốm dậy bảo:” Cho em đi thăm thầy với ! ”.

Sự có mặt của lũ học trò tuổi vào hàng U 90 cả rồi. Nhưng thầy chúng tôi cũng suýt soát 100 (98).

Sau vài phút trò chuyện, thầy đọc luôn bài thơ năm nào thầy đến thăm chúng tôi vào dịp sau tết nguyên đán:

Tới nhà Hồng Hải ngắm đào phai

Xuân vẫn y nguyên giấc mộng dài...

Như mọi gia đình ở Hà Nội, ngày tết coi trọng sự trang hoàng bài trí cho căn nhà ấm cúng, thân thiện. Vì vậy ngày tết gia đình tôi thường dùng một cành đào cắm lọ, một bình hoa lay ơn, thược dược, và chân chim, một bình hoa thủy tiên. Trước hay chơi đào Nhật Tân. Sau chuyển sang chơi đào phai, kiểu đào truyền thống. Từ khi chuyển sang đào phai thì phu nhân tôi hết sức hào hứng, thường nàng đảm nhiệm chuyện này. Hình như đào phai có vẻ thân thiện hơn, hài hòa hơn, vì nó hợp với tâm thức mọi người. Và cành đào phai nhà tôi thường chiếm một góc nhà, cành lá vươn dài, ngon cao chạm trần, cánh hoa tươi tắn chứ không nhầu nhĩ như đào bích. Thấp thoáng phía sau cành đào là bức tranh dân gian “Lý ngư vọng nguyệt”có chiều dài ngang ngửa chiều cao của cành đào. Bức tranh được nghệ nhân vẽ cách đây 3/4 thế kỷ, mầu đã chín là một điểm nhấn ấn tượng nhất của phòng khách. Ngoài tết, thường khoảng mùng mười, Thầy qua nhà tôi, vẫn thấy đào còn khoe sắc, thầy vui lắm. Thi hứng nổi lên, thầy đòi giấy bút, viết liền một mạch thành bài thất ngôn bát cú, tặng chúng tôi. Hồi ấy thầy cũng gần 80 tuổi, nay xấp xỉ trăm tuổi mà thầy vẫn còn nhớ.

Những năm về trước thầy còn khỏe, mỗi lần tôi gọi điện xin đến thăm thầy, thường được trả lời:”Để tôi đến cậu.” Thế rồi chỉ 30 phút sau, thầy đã dựng xe đạp trước cửa nhà. Thầy ở đầu Láng Thượng, tôi ở cuối Láng Thượng.

Bữa đến thăm thầy hôm rồi có vợ chồng tôi, Nguyễn Minh Thông giáo sư tiến sĩ y học quân y, hàm Thiếu tướng. Tống Ngọc Báu kỹ sư. Báu có khiếu năng làm thơ. Anh có một số bài thơ khá hay, nhưng không công bố. Đã có nhà thơ ‘’mượn’’ mấy bài thơ hay nhát của anh in vào tập của mình, trở thành những bài nổi nhất trong tập. Báu có ông nội uyên thâm Hán học, nên Báu được thừa hưởng cổ văn, trong đó có thơ Đường.

Dường như thầy nhớ cậu học trò này có sở thích Đường thi, thầy đọc luôn bài TỰ QUÂN CHI XUẤT HĨ của Trương Cửu Linh, lại đọc nguyên văn phần chữ Hán rồi thầy mới đọc bản dịch. Sự minh mẫn của thầy khiến chúng tôi kinh ngạc. Nguyên văn bài thơ:

TỰ QUÂN CHI XUẤT HĨ


Tự quân chi xuất hĩ

Bất phục lý tàn ky

Tự quân như nguyệt mãn


Dạ dạ giảm thanh huy

( Ngô Tất Tố dịch thơ)

Từ ngày chàng bước chân đi

Cái khung dệt cửi chưa hề dúng tay

Nhớ chàng như mảnh trăng đầy

Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm

Thầy là giáo viên dậy môn lịch sử, nhưng thầy đọc rất rộng, và có trí nhớ kì lạ. Và thầy cũng yêu thơ ca một cách kì lạ. Có lần hai thầy trò đã làm một đối chiếu giữa đỉnh cao thơ ca Pháp thời Phục hưng với thơ thịnh Đường. Và thầy trò chúng tôi tìm xem những nguyên nhân nào để nghệ thuật thơ ca phát triển đạt tới đỉnh cao như vậy, và thi nhân, thi hào nở rộ như vậy ?

Gia đình thầy nhiều đời sống tại Thăng Long-Hà Nội. Gốc gác thầy tại làng cổ Bát Tràng. Cụ thân sinh ra thầy là một bác sỹ. Hồi kháng chiến chống Pháp, cụ chạy ra hậu phương hội nhập với cách mạng. Chúng tôi có nhiều kỉ niệm với thầy. Vì thầy thuộc dạng “cá biệt”. Trước hết không bao giờ đeo đồng hồ nơi cổ tay. Cũng không dùng loại đồng hồ bỏ túi. Nhưng cứ hễ thầy gấp cuốn giáo án, bỏ vào cặp xong thì bác trực nhật đánh kẻng ra chơi. Tới mức, thấy thầy gấp giáo án thì chúng tôi nhấp nhổm ra khỏi lớp. Nói rằng sổ soạn bài. Nhưng chẳng bao giờ thầy ngó vào cuốn sổ mở ngỏ đó.

Một điểm khác tôi sớm nhận ra, trong mỗi tiết học có 45 phút, thầy chỉ giảng 30 phút nội khóa, con 15 phút thầy mở rộng, và dặn học trò đây là thầy mở rộng cho các em tham khảo, nhớ được thì nhớ, không cần ghi. Nhưng tôi nghiệm ra, 15 phút đó quan trọng vô cùng. Ví dụ giảng về triều nhà Nguyễn, các sử gia phủ đầu “Gia Long cõng rắn cắn gà nhà”. Đương nhiên, thầy phải giảng theo sách giáo khoa. Nhưng 15 phút đó thầy giảng về đất đai sông núi nước ta, chỉ đến nhà Nguyễn mới có cơ đồ như ngày nay. Vì sáp nhập cả Vương quốc Champa vào Đại Việt, cũng chỉ tới Bình Thuận là hết đất. Còn từ Đồng Nai đến Cà Mâu, là do công lao chinh phục và khai phá từ nhà Nguyễn. Rồi việc thuần hóa chua mặn từ An Giang đến Hà Tiên là nhờ công trình kênh đào Nguyễn Như Tiếp ( tức Thoại Ngọc Hầu) v. v... Như vậy, nếu học sinh tinh ý sẽ thấy nhà Nguyễn có công chứ không có tội.

Việc viết lịch sử một cách tùy tiện, không hiểu bắt nguồn từ đâu. Chính tôi được nghe rất nhiều lần cán bộ tuyên giáo nói về lịch sử xâm lược của thực dân Pháp đối với nước ta, thì đội quân Cố đạo mở đường. Ví như cha Alexandre de Rhodes đã vào Việt Nam truyền giáo từ trước rồi dẫn quân Pháp vào sau. Tôi vẫn đinh ninh như vậy. Nhưng khi trở thành nhà văn, có nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ. Vấn đề hoàn toàn ngược lại, chính chúng ta phải biết ơn các nhà truyền giáo đã nghiên cứu và thực hiện thành công cho ta một thứ chữ đã latin hóa. Trong khi đó cũng các Cha này đã nghiên cứu cho cả Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Li, Ba- tư (Iran)... nhưng không có nơi nào thành công, ngoài Việt Nam. Việc các thừa sai của Chúa, nghiên cứu ngôn ngữ để tạo thành chữ viết cho dân bản địa, là họ tạo ra công cụ để dễ tiếp cận dân chúng, thuận tiên hơn cho việc truyền giáo chứ không phải họ là kẻ mở đường cho đội quân xâm lược.

Sự thật là năm 1651 cha Alexandre de Rhodes hoàn thành cuốn từ điển Annam-La tinh-Bồ Đào Nha. Trong lời tựa tác giả viết:” Dùng tài liệu ở cuốn Tự vị Bồ Đào Nha-Annam của cố Antoine Barbore”.

Nếu tính từ khi cuốn Từ điển này của cố Alexandre de Rhodes hoàn thành năm 1651 tới khi Hiệp ước Patenôte do triều đình nhà Nguyễn kí với Pháp năm 1884 thì cách nhau tới 233 năm. Và nếu tính từ ngày Cha Alexandre de Rhodes mất ( 5-11-1660) thì đúng 224 năm sau Pháp mới đô hộ Việt Nam. Vậy một người đã chết từ hơn 200 năm, sao còn sống lại được, để dẫn đường cho đội quân xâm lược Pháp vào nước ta. Rõ ràng, các nhà viết sử nước ta sau 1954 quá dại dột để trở thành kẻ xuyên tạc lịch sử.

Trở lại chuyện thầy Trần Học Hải của chúng tôi. Thầy có phương pháp dậy và kiểm tra bài khá đặc biệt. Tôi rất thích cách giảng dậy này, do đó tôi thích nghi nhanh, và cũng do đó thầy trò có kỉ niệm gắn bó. Thầy giảng không bó khuôn vào sách giáo khoa. Mặc dù thầy vẫn phải trung thành với chương trình bắt buộc. Tôi yêu tính phóng khoáng không gì ràng buộc của thầy. Vở ghi bài giảng của thầy, tôi chỉ gạch đầu dòng ghi vài ý chính phần mở rộng. Còn phần trong sách giáo khoa, thú thực, tôi chỉ đọc chậm một lần, nhớ những chi tiết chính là thuộc bài rồi. Vì vậy trong giờ thầy giảng, tôi chú ý theo dõi 15p mở rộng mà thầy bảo không cần ghi. Chính lời dặn đó khiến tôi tò mò một cách nghiêm túc. Qủa nhiên những phút mở rộng đó, đem lại cho tôi nhiều điều mới mẻ về khoa học lịch sử, hơn những điều mờ nhạt chép trong sách giáo khoa lịch sử. Sau này mới thấm thía. Rằng thầy đã truyền cho chúng tôi tính chân thực lịch sử, mà chỉ những nhà giáo có kiến văn rộng, có tuệ giác và hơn hết có lòng dũng cảm mới làm được điều giản dị đó.

Nhớ có lần thầy trả bài kiểm tra, tôi được điểm 5, anh bạn ngồi cạnh được điểm 3. Anh liền xem bài làm của tôi. Đoạn, anh cầm cả hai bài đứng lên:”Thưa thầy, bạn Hoàng Quốc Hải không thuộc bài, bạn ấy viết lung tung, thầy lại cho điểm 5, còn bài em làm y hệt sách giáo khoa, thầy lại cho em có 3 điểm”.

-Anh ngồi xuống, tôi biết rồi. Bây giờ phiền anh vui lòng trả lời các câu hỏi sau đây:

-Thưa thầy vâng ạ.

- Anh cho tôi biết, người ta chăn tằm bằng gì?

-Thưa thầy lá dâu ạ.

-Đúng. Nhưng mục đích việc chăn tằm để làm gì?

-Thưa thầy để lấy kén ạ.

-Đúng. Kén ấy để làm gì?

-Thưa thầy để ươm thành tơ ạ.

-Đúng. Tơ ấy để làm gì?

-Thưa thầy để dệt thành vải lụa ạ.

-Đúng. Lụa ấy để làm gì?

-Thưa thầy để may áo quần ạ.

-Cám ơn anh đã trả lời hết sức đúng các câu hỏi. Bây giờ anh nghe tôi giải thích về số điểm chênh lệch giữa anh và anh Hải. Bài làm của anh rất đúng với sách giáo khoa. Nhưng rất đáng tiếc, trong trường hợp này, tôi tựa như người chăn tằm, sau khi tằm chín, tôi lai thu về thuần những lá dâu. Đó là trường hợp bài của anh. Còn bài của anh Hải, tựa như anh ấy đã tiêu hóa hết lá dâu, và chí ít anh ấy cũng trả lại tôi bằng kén hoặc tơ tằm. Thế đấy anh bạn ạ. Anh phải thẩm thấu bài giảng, rồi viết lại bằng kiến thức của chính mình. Còn như anh bảo, nó rất giống với bài trong sách giáo khoa, thì chúng ta đã có sách rồi, cần gì phải có thêm một bản chép tay nữa anh bạn ?

Chính những điều thầy dậy tưởng như đơn giản, nó theo tôi vào nghiệp văn. Tức là nhà văn phải sáng tạo từ cuộc sống để thành văn chương, chứ văn chương không phải chép ra từ cuộc sống.

Nhớ hồi tôi in cuốn tiểu thuyết lịch sử “Bão táp cung đình” đem tặng thầy. Đọc xong, thầy đến tận nhà. Tôi vẫn chờ đón điều thầy nhắc nhở, nên tâm trạng hồi hộp. Sau khi thầy rít xong điếu thuốc lào cuốn từ mảnh báo cũ như sâu kèn. Thầy nhất định không cho tôi qua nhà hàng xóm mượn điếu cầy. Nhả khói xong, thầy nhìn tôi với vẻ hài lòng:”Cậu viết thế được đấy. Nhà văn là phải có chính kiến. Viết văn không chỉ cần sự thông minh, sáng suốt, tức là tri thức. Nhưng vẫn cần phải có ở nhà văn một phẩm chất nữa, ấy là sự dũng cảm vượt qua các rào cản và cả sự sợ hãi, để giữ lấy cái cốt lõi của văn chương, tức là tính tư tưởng. Tư tưởng của một tác phẩm văn học, chính là hồn

cốt của văn chương, nếu thiếu nó, sẽ không phải là văn chương nữa. Và nó sẽ chết yểu.

Trầm ngâm một lát, thầy nói tiếp - Cứ thế này mà viết, nếu cậu bị bắt, tôi sẽ đi thăm nuôi cậu”.

Tôi hết sức cảm động về những lời dậy gan ruột của thầy. Tôi nghĩ, đây mới là buổi chính khóa, thầy dậy khi tôi đã trưởng thành.

Lại nhớ, năm ấy cũng vào dịp tháng giêng, sau tết nguyên đán, Nguyễn Minh Thông triệu tập anh em họp mặt, Minh Thông phân công tôi đi đón thầy, vì trước đó Thông đã mời thầy. Chúng tôi bầu Nguyễn Minh Thông làm “Anh phụ trách “ cho cả nhóm. Bữa ấy họp mặt tại quán bánh tôm Hồ Tây. Lần này thấy có cả Vũ Mão cũng đến dự. Vì từ ngày sự cố đám tang Trung tướng Trần Độ, Vũ Mão được Tổng bí thư Đỗ Mười cử đọc điếu văn, gia đình đáp từ:” Không chấp nhận”. Dường như những người dự tang lễ tướng Trần Độ đều nhiệt liệt vỗ tay.

Thấy vậy, Vũ Mão lủi nhanh ra khỏi đám tang.

Nhân chuyện này, nhà văn Hoàng Tiến viết bài :”Tiếng vỗ tay trong đám tang”. Bài báo khá nổi tiếng vì sức lan tỏa của nó thật khủng khiếp.

Cũng từ đó, không thấy Vũ Mão có mặt sinh hoạt cùng các bạn trong nhóm cựu học sinh Ngô Quyền nữa. Hồi phổ thông, tôi với Vũ Mão cùng học 10 C. (Khóa chúng tôi có 4 lớp 10, khoảng 200 học sinh) Vũ Mão vốn từ Khu học xá Quế Lâm trở về. Anh hoạt động chính trị rất nổi tiếng. Từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Sau về hoạt động tại Văn phòng Quốc hội, giữ nhiều chức vụ quan trọng. Bữa ấy, Vũ Mão xuất hiện hơi bất ngờ. Vì từ lâu anh vắng mặt. Anh em xì xào:” Nó mới về hưu”.

Vũ Mão đến quì trước thầy Trần Học Hải. Anh nói lí nhí điều gì đó với thầy.

Thầy bảo:”Những bài anh viết từ khi về hưu, tôi có đọc cả. Nhưng điều quan trọng, thầy buột ra một câu tiếng Pháp:” Vous devenir vous même”. Tức là điều quan trọng, anh phải là chính anh. Từ sau buổi họp mặt đó, Vũ Mão lại tham gia sinh hoạt bình thường với bạn bè.

Trong chúng tôi không một ai có điều tiếng gì với Vũ Mão. Anh là người dễ hòa đồng. Anh có khiếu năng nghệ thuật như viết nhạc, làm thơ, ca hát... Tuy không mặt nào nổi trội hoặc ghi được dấu ấn nghệ thuật. Nhưng đó lại là phương tiện để anh vào với công chúng trên bước đường làm chính khách. Và trên lĩnh vực này, trong cả trăm bạn bè cùng khóa với nhau, anh thành đạt nhất.

Nhớ có lần chỉ có hai thầy trò uống trà trong phòng khách nhà tôi, thầy kể những năm tháng khó khăn khi dậy học ở Hải Phòng. Chỉ vì thầy đọc một cuốn sách bằng tiếng Pháp viết về nhà cách mạng Trosky. Có một đồng nghiệp phát hiện ra, vì mỗi lần đọc xong, thầy để sách dưới gối. Đồng nghiệp tò mò lật gối thấy cuốn sách, mà thời ấy với sách ấy được cho là sách“phản động”, liền báo cáo tổ chức. Việc ấy gây rất nhiều phiền hà, suýt thầy phải ra khỏi ngành.

Câu chuyện dần dà, lại đưa về thời gian Pháp chiếm đóng Hà Nội. Thầy theo học Ban lịch sử. Nhân kì thi tốt nghiệp Đại học lại trùng với dịp Pháp bắt lính. Về luật, họ không được phép vào trường bắt sinh viên. Họ cũng không được phép vào Thư viện bắt người. Vì vậy, sinh viên trốn lính thường ở lì trong trường, hoặc ẩn náu trong các phòng đọc của thư viện. Nhưng sinh viên không được phép ở lại thư viện. Đây là nói Thư viện quốc gia phố Tràng Thi, bởi nhiều đầu sách tham khảo, thư viên nhà trường không đáp ứng. Biết vậy, bọn lính núp rình phía ngoài tường nhà thư viện, các sinh viên ra khỏi cổng vài bước, đám lính phục kích liền ùa ra bắt đưa lên xe bịt kín, tống luôn vào nhà tù Hỏa Lò chờ xét sau.

Thầy kể:- Ngồi trong nhà giam, buồn vì cuộc thi dang dở, đang chuẩn bị cho phần thi vấn đáp thì bị bắt. Tôi nghĩ, mình thử viết thư xin với giám đốc nhà Hỏa Lò ra thi tiếp, liệu nó có cho phép không? Ý nghĩ có vẻ viển vông. Cũng phải nói, chúng tôi bị bắt, họ nói tạm giữ chờ xét sau, nên việc đối xử vơi chúng tôi khác với các người tù đã có án. Sau khi dò xét, tôi biết giám đốc nhà tù là một viên sĩ quan, tên Léon Tostou. Tôi bèn viết một lá đơn xin phép ra thi tiếp, và hứa thi xong sẽ quay lại nhà tù. Trong thư nói rõ địa điểm và thời gian thi. Thật tình, tôi không hy vọng viên giám đốc nhà tù lại cho phép tù nhân làm một điều chưa từng có ghi trong bất cứ một điều luật nào,

dù rằng đó là một quốc gia dân chủ, chứ chưa nói với một chính quyền xâm lược lại đang xảy ra chuyện bắt lính. Và việc mình bị bắt, bị nhốt giam thế này có khác gì là một sự khủng bố.

Nhưng thật bất ngờ, bảy giờ sáng hôm sau, lính đến gõ cửa phòng giam, mời lên gặp giám ngục. Trên đường đi, tôi nghĩ, có thể nó đưa mình lên trại huấn luyện tân binh.

Với thái độ lạnh lùng, nhưng lịch lãm vừa phải..Viên giám ngục mở lời trước:

-Nhân danh nền Cộng hòa Pháp, tôi chấp nhận đề nghị của ông.

Vừa nghe tới đó, tim tôi đập như nó sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi có cảm giác như chuyện “Vừng ơi mở cửa ra” trong Nghìn lẻ một đêm.

-Nhưng với điều kiện, viên giám ngục nói tiếp – Ông được phép về phòng thi, kể cả sau khi thi, ông được phép đi mua sắm hoặc ăn hàng, dưới sự giám sát của hai người lính này. Ông ta chỉ vào hai người lính da đen đang bồng súng chờ lệnh. Ông phải tuân thủ kỉ luật, nếu có dấu hiệu chạy trốn, hai người lính lập tức đưa ông về nhà giam. Nếu ông thực sự chạy trốn, hai người lính này sẽ bắn ông mà họ không phạm pháp.

Viên giám ngục nhìn tôi thăm dò – Nếu chấp nhận, ông kí vào biên bản rồi về trường kẻo trễ giờ thi. Chúc ông may mắn.

Tôi đọc nhanh biên bản, đúng như những gì viên giám ngục nói. Vừa kí xong biên bản, hai người lính dẫn tôi ra ô tô chờ sẵn. Tôi nói họ, tôi cần ăn sáng. Tôi rẽ vào một quán phở, ăn uống dưới sự giám sát của hai tay súng. Tôi có mời họ ăn sáng hoặc uống café. Nhưng họ nói không được phép trong khi thi hành công vụ.

Tôi bước vào phòng thi với hai lính da đen kèm sát, khiến các giáo sư ngỡ ngàng, và cũng có phần hoang mang nữa. Sau khi nghe tôi trình bầy, các thầy cho phép vào phòng thi mà không phải chờ đợi.

Giáo sư Nguyễn Đăng Thục cho tôi một câu hỏi trực tiếp:”Văn chương quan thế vận chi thịnh suy”. Giáo sư nhắc – Anh hãy suy nghĩ kỹ xem nội hàm câu hỏi đặt ra vấn đè gì rồi hãy trả lời. Anh có 10 phút chuẩn bị.

Nội dung này tôi đã được nghe thầy giảng khá kĩ, nên việc trả lời không mấy khó khăn.Thật ra gương mặt của một nước bình yên hay rối loạn, thịnh hoặc suy đều có thể biết được qua văn chương của chính nước đó, vào đúng thời điểm đó. Trả lời xong, giáo sư Nguyễn Đăng Thục nhìn tôi với ánh mắt thân thiện, tựa như một sự chúc mừng.

Sang phần thi Triết học, tôi được một vị Linh mục cho câu hỏi về “Năm con đường của Thánh Thomas”. ( Cinq voix de Saint Thomas ). Đến với Thiên Chúa có nhiều con đường. Nhưng đường nào cũng khởi từ một kinh nghiệm về những thực tại khả giác ...

Trả lời xong câu hỏi này, các thầy chia tay tôi với lời an ủi – Phần vấn đáp anh trả lời xuất sắc, Chúc mừng anh.

Tôi cám ơn các thầy rồi lặng lẽ đi theo hai người lính da đen để trở vè Hỏa Lò thay vì về gia đình. Không sợ hãi, nhưng quả thực trong lòng có đôi chút hoang mang, không biết tương lai sẽ xô đẩy mình về đâu.

Khoảng một tuần sau, gia đình đem trình nhà chức trách giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học của tôi. Buộc họ phải thả, vì không có luật bắt người có bằng cấp đại học phải đăng lính. Nhưng họ khuyến khích, nếu đăng lính sẽ được đi học trường sĩ quan Đà Lạt ngay. Tôi từ chối. It lâu sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Genève, hòa bình lập lại, tôi trở thành giáo viên dậy môn lịch sử.

Bỗng một hôm thầy Trần Học Hải dẫn đến chơi tôi một bác đã có tuổi, thầy giới thiệu rất khiêm tốn:”Đây là ông Trần Mai Châu, nhà giáo vừa dịch và cho in tập thơ Pháp”. Bác Trần Mai Châu bèn lấy trong túi xách ra tập thơ in song ngữ. Bác hỏi tên tôi rồi viết lời đề tặng rất thân thiện. Tôi tự giới thiệu là học trò của thầy Hải, thay vì thầy giới thiệu với anh mình, tôi là bạn vong niên của thầy.

Mở xem thấy toàn những tên tuổi chói sáng của thi ca Pháp Thế kỷ 19. Nào những Alphonse de Lamartine; Victor Hugo; Alfred de Musset; Charles Beaudelaire; Alfred De Vigny; Paul Verlaine; Arthur Rimbaud v.v... Nhà thơ Trần Mai Châu chọn 26 tác giả lớn, với những phong cách rất khác nhau. Thế nhưng ông đã lột tả rất tài tình bắng ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng vẫn giữ nguyên phong cách riêng của mỗi tác giả. Bị chinh phục bởi bản dịch quá hay, tôi liền viết bài phê bình gửi đăng Tạp chí Văn học dịch của Hội nhà văn Việt Nam. Tác phẩm dịch này được Hội nhà văn VN trao giải cao. Sau này nhà thơ Trần Ninh Hồ cho biết.

‘’ Nhận được tập thơ dịch của ông Trần Mai Châu, đọc thấy hay, nhưng Hội đồng giải thưởng băn khoăn chưa biết xử lí thế nào, vì không anh nào biết tiếng Pháp, nên không thẩm định được. Sau đọc bài viết của anh, thế là Hội đồng yên tâm trao giải cho dịch giả.’’

Sau đó bác Trần Mai Châu tổ chức cuộc ‘’Gặp mặt’’ DẠ ĐÀI ‘’tại ngôi nhà 46 phố Duvigneau là địa điểm thành lập nhóm Dạ Đài khoảng nửa cuối năm 1946, nay là phố Bùi Thị Xuân. Nội dung “Tuyên ngôn Dạ Đài “được thảo luận kĩ trong nhóm. Nhưng người chấp bút và đọc ‘’Tuyên ngôn Dạ Đài’’ là nhà thơ Trần Dần.

Buổi họp mặt, nhà thơ Trần Dần đã khuất xa, trong nhóm chỉ còn lại 2 người là Vũ Hoàng Địch và Trần Mai Châu. Vũ Hoàng Địch là em ruột nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Ông làm việc tại Viện triết. Còn nhà thơ Trần Mai Châu lưu lạc vào Sài Gòn, ông học tiếp đại học chuyên ngữ về tiếng Pháp và ra dạy học. Kí tên những tác phẩm in trong báo Dạ Đài, ông

Trần Mai Châu lấy bút danh là Nguyễn Văn Tậu.

Bữa ấy nhà thơ Trần Mai Châu kể hoàn cảnh ra đời của nhóm vào đúng lúc Hà Nội đứng trước một tình thế nguy nan, chiến tranh sẽ nổ ra bất cứ lúc nào vì sự hung hăng ngạo mạn và hiếu chiến của thực dân Pháp. Từ khi ba người có ý tưởng đến thành lập nhóm và ra số báo đầu tiên, chỉ trong khoảng một tuân lễ. Giấy phép do Cục thông tin Bộ ngoại giao cấp. Thời gian chờ đợi cấp phép chỉ trong khoảng 1 giờ. Người kí giấy phép xuất bản là Cục trưởng Lưu Văn Lợi.

Còn vì sao lấy tên Dạ Đài là do gợi ý từ tập thơ Une saison en enfer (Một mùa địa ngục) của A. Rimbaud.

Có dịp tôi sẽ đi sâu vào nội dung của nhóm Dạ Đài. Họ chủ trương làm một cuộc cách mạng về thơ ca, vì thấy Thơ Mới đã hết thời, trì trệ và lặp lại một cách nhàm chán. Rất tiếc, cái mộng Dạ Đài chưa thành hình hài, đã sớm xa chơi chốn Tuyền Đài.

Trở lại chuyện thầy Trần Học Hải của chúng tôi, bữa thầy trò gặp nhau, chúng tôi mới biết tin cô giáo Từ Thu Thủy, giáo viên dậy môn lịch sử kì cựu của trường cấp III Thái Phiên Hải Phòng, bạn trăm năm của thầy cũng mới ra đi trước tết một tháng. Cô Từ Thu Thủy đối với học sinh trường cấp III Thái Phiên, cũng như thầy Trần Học Hải đối với học sinh cấp III Ngô Quyền chúng tôi: Trên cả tuyệt vời !

Chúng tôi buồn vì không được tiễn Cô. Hà bảo cận tết quá, nên em không kịp báo cho các anh. Em còn cho biết thêm, thầy hiểu nhẽ sinh tử, tuy vậy thầy cũng rất buồn. Song thầy chôn chặt nỗi buồn đó trong đáy sâu kí ức chứ không để suy sụp. Nhưng gia đình cũng mới có tin đại hỷ, cháu ngoại mới chào đời, một chồi non đã nảy.

Viết vài lời về thầy, là lớp lứa chúng tôi muốn bầy tỏ lòng tri ân đối với một nhà giáo dục, mà theo tôi, chúng ta sẽ rất khó tìm gặp trong nền giáo dục hiện nay.

Trước đây, nhiều lần tôi ngỏ ý xin viết đôi nét về thầy. Nhưng lần nào thầy cũng gạt đi. Lần này, học trò xin mạn phép ghi lại qua quan sát, và qua những cuộc thầy trò tâm sự. Câu chuyện trải dài gần 70 năm, được viết theo trí nhớ, vì vậy có thể có một vài chi tiết không thật chính xác, xin thầy và các bạn lượng thứ.

Kính chúc thầy sức khỏe và Thân – Tâm an lạc, chờ ngày cỡi hạc đón Bình Minh nơi Cực Lạc.

Xóm vắng Pháo Đài Láng.

Một ngày đầu hạ 18 tháng 4 năm 2024

HOÀNG QUỐC HẢI