Những ngày lễ trọng, khắp nơi giăng đèn kết hoa, treo phướn, khẩu hiệu tuyên truyền, dựng các pano, treo cờ… chào mừng. Nhìn các đường phố “ vui mắt” hơn nhưng tính hiệu quả thì không thể hài lòng. Có gần 10 năm làm trong ngành “ leo trèo cắt dán, cờ đèn kèn trống”, tôi tin những quan sát và đánh giá của mình.
Cái chính là phương thức tuyên truyền cổ động hiện nay quá cũ kỹ và kém hiệu quả nhưng nhiều người quản lý vẫn không chịu thay đổi nếp nghĩ. Ném hàng tỉ vào những việc ấy nhưng hãy thử điều tra xem, ai vì nhìn thấy mấy thứ ấy mà thay đổi nhận thức, tư tưởng? Nói điều này dễ bị cho là phạm thượng nhưng nó là bằng chứng xác thực cho điều tôi nói: các đợt học tập và làm theo gương sáng lãnh tụ nhưng những người nói về chuyện này hùng hồn nhất, thường xuyên nhất lại phải ngồi tù, bị kỳ luật vì họ nói một đằng, làm một nẻo, không làm theo điều gì. Riêng từ sau đại hội 13 đã có 5 đương và cựu UVBCT, hàng chục Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố, Bộ, Thứ trưởng bị buộc thôi chức hoặc vào tù... thì biết có nên dùng cách tuyên truyền như đang làm nữa không? Vẫn cần tuyên truyền, vận động vì nền pháp trị vẫn cần việc này nhưng phải thay đổi phương thức cho thiết thực và hiệu quả hơn. Đừng làm chỉ để có làm mà tốn kém. Ví như việc tặng mấy triệu lá cờ cho dân của ông Chủ tịch Hà Nội như truyền thông đưa tin là không cần thiết vì nhà nào cũng có ít nhất 1 lá cờ rồi. Để tiền ấy làm việc thiết thực hơn. Sáng nay có việc qua đường Chùa Bộc thấy đoạn qua vườn chùa hẹp hơn làm con đường xấu hẳn đi và tiềm ẩn những ách tắc do cả đường bị đoạn “nút thắt cổ chai” này ảnh hưởng. Thiếu tiền đền bù hay lý do gì? Chẳng lẽ Giáo hội Phật giáo không ủng hộ? Tôi không tin điều đó vì tư tưởng vị chúng sinh không thể quay lưng lại nhu cầu chính đáng và bức thiết của cả xã hội. Hiện nay Giáo hội đang lấy đất công để xây đủ loại cơ sơ thờ tự vẫn được nhà nước và các cấp ưu tiên giải quyết mà sao chỉ có một rẻo đất vì cộng đồng lại không đồng tình? Nếu vì kinh phí thì Hà Nội nên giảm những chi tiêu không hợp lý để tăng đầu tư cho các công trình quốc kế dân sinh, đặc biệt tránh lãng phí và chấm mút.
Mở rộng đường Láng là công trình phục vụ dân sinh nhưng có cần phải làm bằng mọi giá vào lúc này không? Tôi không có chuyên môn nên không dám có ý kiến về những tính toán chuyên ngành. Nhưng, các cụ dạy rồi “ liệu cơm gắp mắm”, làm gì cũng phải tính toán nhiều thứ. Bài toán phát triển là bài toán có nhiều đáp số, chỉ tính đến 1 đáp số là sai, tính thời điểm không đúng, phương thức không đúng… thì cái sai ấy phải sửa lâu và tốn kém lắm. Bài học xe buýt nhanh, đường sắt trên cao làm chưa xong, xây các khu dân cư trong nội thành… là những bài học còn nóng hôi hổi chứ xa xôi gì. Những việc ấy đều cần nhưng tính sai cách thức nên quá tốn kém và làm chậm đà phát triển xã hội. Quy định bình cứu hỏa cho xe ô tô con, ngực lép không được cấp bằng lái xe, không cho đăng ký xe máy ở các quận nội thành mấy năm trước…đều là những tham mưu hỏng. Xin các vị đừng quên.