Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LƯƠNG MINH CỪ - HỒN THƠ CỦA NĂNG LƯỢNG TIẾP CẬN VÀ KHAI SÁNG HIỆN THỰC

Kim Chuông
Thứ ba ngày 4 tháng 6 năm 2024 10:49 AM




Trong “Nhóm Trí thức Văn nghệ sĩ,” quê gốc Thái Bình, hiện đang sống ở Sài Gòn, đất nắng. Cùng với Đặng Hấn, Nguyễn Khoa Đăng, Sĩ Ẩn, Hà Văn Thùy … Thi sĩ Lương Minh Cừ là người tôi quen và kết thân với anh tự hơn bốn mươi năm trước.

Lương Minh Cừ đẹp trai, chân tình, mát lành, lịch lãm.

Tôi đã từng qua dòng Trà Lý, qua Bến Giống, về Làng Đông, Hồng Việt, thắp hương ngày giỗ Cha anh. Cùng anh và bạn bầu tri kỷ nâng ly, luận đàm về văn chương, thi phú.

Tôi cũng có gần nửa tháng trời cùng Lương Minh Cừ và bạn bầu đầm đìa trong những cuộc vui, buổi tương phùng tương ngộ. Khi “Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ” tổ chức cho tôi (Tổng Biên tập một Tờ Tạp chí Văn nghệ Thái Bình) buổi gặp gỡ, trò chuyện với đông đảo anh chị em đồng hương trên đất Sài Gòn, tại gian phòng của Dinh Độc Iập.

Tôi quý yêu Lương Minh Cừ ở nhiều nét tương đồng. Ở chất quê chân mộc. Ở cái gốc cùng sinh ra và lớn lên trên đồng bằng, quê lúa. Ở tháng năm khoác lên mình áo lính, đi trong trận mạc, rồi cùng bước ra từ khói lửa chiến tranh.

Lương Minh Cừ – Tuổi Nhâm Thìn, (1952) Một người trai Đông Hưng,Thái Bình. Một Sinh viên Đại học Văn khoa. Rồi, Đại học Tài chính.

Một Phó Giáo sư – Tiến sĩ Triết học. Một Bí thư Đảng ủy. Một Hiệu trưởng đương kim của Trường Đại học Cửu Long bây giờ …

Trong khá nhiều phẩm chất nằm trong một Con Người, từ rất lâu, tôi đã đem lòng quý yêu một “Lương Minh Cừ – Thi sĩ!”

Một Lương Minh Cừ đã và đang âm thầm “nổi loạn,” để lặng lẽ tìm mình, khai sáng và hiện diện chính mình – Để có một gương mặt Thi nhân. Qua những tập thơ “Chân trời vùng sâu, 1976” “Bất chợt mùa xuân, 2007” “Nụ tầm xuân, 2015” … Rồi, “Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch, 2023” … Cùng khá nhiều thi phẩm và Giải thưởng văn học khác mà anh đã giành được.

Với Lương Minh Cừ. Với Thơ?

Đấy là những dòng chảy chuyển tiếp luôn được đắp dầy và nối dài của mạch nguồn êm xanh, miệt mài, lặng thấm.

Là những hạt phù sa mát lành vừa đi vừa ánh lên hương sắc.

Là tiếng vọng xa vang nơi bến bờ kết đọng.

Là Thơ của vía hồn thi sĩ. Của chất trữ tình, ngọt ngào, nồng đượm.

Đọc thơ Lương Minh Cừ hay bất cứ ai khác, tôi không chủ đích nhằm vào việc “khen hay chê.” Cái mà tôi quan tâm hơn, soi nhìn nhiều hơn, là trang viết của họ là gì? Lối mở của họ là gì từ những trang viết ấy? Rồi, những gì là thi pháp? Là nét riêng, họ có?

Thơ Lương Minh Cừ có một lối đi riêng.

Trong “gia sản thi ca” đã ngót ngon nửa thế kỷ mà Thi sĩ trình làng, có tới phần lớn, phần trội vượt là thơ của “những ngày lính trận.”

Có thể, khi trùm ngợp, khi thấp thoáng ở hầu khắp trang viết, là hình ảnh của những vùng chiến địa. Hình ảnh của đạn bom, khói lửa. Của phút chờ giặc. Của đêm vào trận. Của bóng hình những chiến sĩ anh hùng đi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Rồi, bao nhiêu ám ảnh trong cái nhìn, cái nghĩ, trong ký ức, hoài niệm … Để nét đậm thấy được: “Lương Minh Cừ là Thơ của người trong cuộc. “Thơ Thời” – Thơ của một thời cầm súng.

Thế đấy. Mỗi người cầm bút hay mỗi ai đấy đều đi trong cái “thời mình sống,” gắn bó với “thời đại mình đang sống” mà nghĩ suy, mà viết.

Có điều, không nghi ngờ gì nữa. Lương Minh Cừ là Thi sĩ đích thực. Khi Thi sĩ người “Họ Lương” này được ông trời phú cho một con tim dễ run rẩy, dễ vang động. Dễ say. Con tim đi giữa ba dòng Thiên – Địa – Nhân mà mang về vệt loang thấm, chảy dài. Mà ngân nga cất lên thi hứng.

Hãy ngắm trông Thi sĩ này, trong ngác ngơ, trong cái nhìn bất chợt:

Mười năm đánh giặc tôi mang

Dáng hình em với xóm làng tôi yêu

Hoàng hôn xưa, ngọn gió chiều

Mảnh sân gầy đọng sương nhiều giọt rơi …

Bây giờ … Bất chợt

Đấy là, tâm trạng khi đứng trước nhà mình sau tháng năm xa gặp lại. Hoặc, khi đang còn là lính trận, trong buổi quân hành vượt “Qua cánh đồng Chum.”

Đường rừng bề bộn lá rơi

Nhấp nhô chum đá … một thời vàng son

Dấu thời gian đã xói mòn

Thương cho lịch sử, giờ còn đồng Chum

Hoặc, khi đứng giữa trận tiền, bắt gặp “Một tổ chim trong tầm xoáy bom rơi”:

Một tổ chim trong tầm xoáy bom rơi

Đất nước gọi các anh đi giữ gìn hạnh phúc

Sự trọn ven lại bắt đầu từ những gì nhỏ nhất

Hóa tình yêu nối những chân trời …

Quả tình, những nỗi niềm day trở khi gặp lại ngôi nhà mình sau bao nhiêu năm xa cách, hay chỉ là một tổ chim lạc trong tầm bom giặc, đã tạo nên bao nhiêu vang chấn trong tâm khảm thi nhân. Có điều, mọi giãi bày, mọi suy tư, kiến giải của Lương Minh Cừ đều lắng, đều dung chứa và nén dồn trong cái bọc của sự bùng nổ của cảm xúc.

Thơ Lương Minh Cừ bám chặt Hiện thực. Bám chặt ngoại giới.

Với Lương Minh Cừ, hiện thực là cái “mỏ lộ thiên” để người viết tung hoành cày xới. Hiện thực của “cái Gặp, cái Thấy” được lấy làm sức cứu cánh cho thơ vững tựa và phát sáng.

Cứ nhìn vào các tiêu đề: “Vào chiến dịch/ Sương sớm ở Củ Chi/ Qua Cầu Rạch Sơn/ Khoảng trời địa đạo/ Vượt sông Sê Pôn/ Từ trong một tọa độ bom/ Thắng trận nghe tiếng ve trong vườn” … Hoặc: “Một thoáng tình yêu với Huế/ Gửi Cồn Vành/ Bình minh trên sông Cái Tầu/ Có một Xứ Đoài … Rồi, “Trước Ải Chi Lăng,” vân vân và v.v … Đủ thấy, Lương Minh Cừ muốn ôm trùm “thế giới ngoại giới” rộng lớn, để đem về và có được cái “thế giới hồn mình.” Ông ý thức rất rõ rằng, dù ai đó có đại mộng, đại giác cũng không thể đem tâm hồn mình mà thay thế cho cái vũ trụ “vô biên độ” kia được. Và, từ “Hiện thực nắm cầm”, Lương Minh Cừ đã tìm lấy cái “Hiện thực Hoài nghi.” “Hiện thực của Hồn mình” trong tỏa lan, vang động.

Ví như:

Khoảng trời anh và khoảng trời em

Cùng hội tụ về miền đất ấy

Đất đánh giặc những ngày lửa cháy

Một khoảng trời thành hai nửa tiền phương …

Ồ. “Hai nửa tiền phương” ở đây là gì? Đấy phải chăng, là cái phát hiện. Cái mà ta “ngộ” ra rằng, giữa những ngày giặc giã, cả đất nước, cả anh, cả em, và ai nữa … Tất cả chúng ta đều cùng nhau chia lửa. Đều chịu chung mất mát, đau thương. Đều không một ai có thể đứng ngoài cuộc chiến.

Rồi: “Khi một thoáng với Huế,” thì:

Cứ nghe Huế đẹp, Huế thơ

Anh chưa đến Huế bao giờ Huế ơi

Tháng Năm, mưa bụi lưng trời

Cơn mưa cột trái tim người vào nhau

Thơ Lương Minh Cừ luôn đi từ cái Rộng, cái thế giới trực giác, để những gì thơ được đẻ ra, được gọi về đều có từ đối thoại, diện kiến.

Bởi, đi từ “cái Rộng” để quay về “cái Hẹp.” Cái góc nhỏ của “tầng chìm sâu hồn mình,” đặng, mở ra “cái Rộng” hơn trong tư duy, tâm tưởng. Mà, thơ ở đây, luôn cần bộc lộ một năng lực tạo dựng một “không gian thơ” qua cách kể, cách trực tả, tự sự.

Tự sự để tái tạo, sáng tạo. Tự sự để có “Sự.” Có “Cảnh huống”

Tự Sự để “Sinh sự, sự sinh”. Tự sự để tìm được những cảm xúc, những liên tưởng. Những cách vận động thơ … Và cuối cùng, tự sự để có được “cái Tình. Cái giá trị Phản ánh cùng giá trị Thông điệp” của người cầm bút.

Có thể thấy sự hội tụ, kết tinh ấy khi Nhà thơ đứng trước “Mùa xuân ở ngoại ô” Và, đây là “Cảnh”

Dòng sông xanh nón che nghiêng

Chở riêng màu nước với riêng màu trời …

Rồi, từ “Cảnh” ấy, được sinh “Cảnh” Nối vào Cảnh tiếp theo:

Ngỡ như lửa đỏ một vùng

Vạt trời bông giấy chợt bùng cháy Iên

Phải mùa xuân đến cùng em

Mà từ mặt đất mọc lên mặt trời

Và. Đây là “Cảnh” sinh “Sự”. Rồi, “Cảnh và Sự” sinh Cảnh, “sinh Tình”:

Đi tìm em giữa bao la

Lẫn trong màu mắt … phù sa ngoại thành

Mùa xuân dan díu cùng anh

Để cho người với đất lành … sinh sôi

Hoặc, trong bài “Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch,” bốn câu thơ “Thi nhãn” hay đây cũng Ià bốn câu thơ của “Tâm thi,” thật mà khó rạch ròi.

Anh đi giữa mùa hoa tam giác mạch

Một rừng hoa bất tận đến chân trời

Những bản người Dao trên lưng chùng núi

Trong chiều vàng khói tỏa cuốn về xuôi

Hoặc:

Anh bắt gặp giữa miền tam giác mạch

Những em bé ngây thơ có đôi mắt biết cười

Những em bé Hmông chạy đùa trên đồng hoa rực rỡ

Các em là hoa tam giác mạch, đấy em ơi …

Lương Minh Cừ. Với Thơ. Với cách đi riêng. Cách bám chặt “thế giới thứ nhất” để tìm ra “Thế giới thứ hai,” thế giới của hình ảnh thi ca cất cánh.

Thi pháp này thành “cái Tạng thơ anh.” “Sở trường thơ anh” trong tiếp cận, trong phát hiện và kiến giải hiện thực. Mọi thi pháp, không có thi pháp nào tồi, vấn đề đáng nói nằm ở Thi sĩ, ở người sử dụng thi pháp ấy. Có điều, khi ôm trùm hiện thực, lấy “đối thoại hiện thực” làm nền, Lương Minh Cừ ít khi tách mình ra khỏi thế giới xung quanh, để có khi chỉ còn lại chính mình, với riêng cõi hồn mình, trong tâm tình, “độc thoại.”

Song, ở không ít bài trong lối đi ấy, Lương Minh Cừ cũng để lại một chiều sâu với cái bất ngờ ở cái “Đế,” nơi “cái Kết” mà bài thơ khép Iại. Ví như :

Ở đâu miền cực Iạc

Mà nhân thế yên Iòng

Vẫn tiếng chuông thảng thốt

Rót mãi vào Chân Không …

Tiếng chuông chùa Chân Không

Hoặc:

Nửa đời người mới gặp nhau

Ngày xưa ai biết có bầu trời xanh

Hở em, đất ngọt, mây lành

Sao em vương giữa đời anh … Ngược chiều

(Ngược chiều)

Và:

Người đi chân bước không đành

Bóng tre xanh khuất bóng mành … nhìn theo

Em về Lễ hội quê chèo

Đừng vô tình, dẫu chùa Keo … vô thường

Em về Lễ hội chùa Keo

Là Thi sĩ – Nhà giáo. Phần lớn cuộc đời mình, Lương Minh Cừ dành cho “Học trò, trường ốc”. Dành cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp cao cả: “trồng Người”. Với anh, Thơ đâu phải sự “ngoại tình”, đá đưa”, hời hợt. Thơ là “Tâm tình – Máu thịt. “Là Người”. Là chính Đời Anh – trong nỗi niềm sẻ chia, Tri kỷ.

Với những gì có được ở dọc đường cấy gieo và hái gặt ấy, Lương Minh Cừ đã thật sự khai sáng chính mình, khai sáng một “Gương Mặt Thơ” mà đông đảo công chúng bạn đọc, đã và đang trân trọng, quý yêu ở thơ, ở nét riêng anh có.

Hải Phòng, tháng 5.2024

KIM CHUÔNG