Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BƯỚC CHÂN GIỮA VÔ MINH

Mỹ Anh
Thứ ba ngày 28 tháng 5 năm 2024 6:09 AM


“Hiện tượng” ông Minh Tuệ - một người tập học theo Đức Thế Tôn - đi bộ xuyên Việt, thực hành 13 hạnh đầu đà đã khiến dư luận dậy sóng. Trong diễn biến mới nhất, ông Minh Tuệ đã khuyên người dân vây quanh mình về nhà, tạo không gian cho ông tu tập.

Ông Minh Tuệ đi bộ khất thực xuyên Việt lần này không phải lần đầu. Ông đã đi nhiều lần, trong nhiều năm. Ông đi để “hiểu cuộc đời”.

Và, việc ông thực hành pháp tu khổ hạnh bậc nhất trong Phật Giáo là hạnh đầu đà cũng bởi ông thấy phù hợp với ông (chứ đây không phải là cách duy nhất để thực hành Đạo).

Việc một công dân thực hành tôn giáo có thể coi là bình thường. Thực tế, ngay ở núi Sạn (Nha Trang), nơi ông Minh Tuệ từng ẩn tu cũng có nhiều người ẩn tu như ông.

Công chúng đột ngột biết đến và “phát sốt” với ông Minh Tuệ cũng bởi những gì họ thấy từ ông đối lập quá nhiều với những điều đang diễn ra trong cuộc sống này.

Ông triệt tiêu mọi nhu cầu, quyền lợi vật chất từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở hay cả giấc ngủ bình thường. Ông đi khất thực, với chiếc áo được làm từ những mảnh vải thừa người ta vứt đi rồi tự vá lại.

Ông chỉ xin ăn một lần một ngày và chỉ ăn một bữa vào trước 12 giờ trưa. Ông không nhận tiền cúng dường cũng như không cầm thừa đồ ăn để bữa sau.

Ông ngồi thiền và ngủ ngồi ở những chỗ hoang vắng, không ảnh hưởng tới ai. Ông cũng chân trần đi bộ gần như toàn bộ quãng đường mà không cần đích đến. Và ông khẳng định sẽ hành thiền trọn đời mà không truyền tải thông điệp gì cả.

Ông đi vì bản thân ông cần đi để ngộ đạo.

Và đó là những nguyên nhân tạo ra sức hút của ông: Trong xã hội đầy rẫy chuyện kim tiền, danh lợi, ông Minh Tuệ đã chối bỏ mọi tiện nghi, mọi nhu cầu cơ bản để học đi theo bước chân Đức Phật.

Trong xã hội ai cũng muốn chứng minh cái tôi, với những câu nói “mày biết bố mày là ai không?” nghe mãi đã thành quen, thì ông Minh Tuệ đi để tìm cái vô ngã và luôn xưng “con” khi nói chuyện với mọi người.

Trong xã hội xuất hiện đâu đó một vài biến tướng thực hành tín ngưỡng mang tính trục lợi, thì ông đi với chiếc lõi nồi cơm điện mà không cầm một xu của đại chúng.

Thú vị hơn, khi thành hiện tượng mạng, đám đông từ người dân hiếu kỳ đến những “nhà sáng tạo nội dung” quây quanh, ông Minh Tuệ dường như bước đi trước những sự vô minh cực điểm mà mạng xã hội mang lại cho thế giới loài người.

Người ta muốn chụp ảnh “check- in” với ông để thể hiện bản thân mình, dù tinh thần trong mỗi bước chân của ông Minh Tuệ là vô ngã. Người ta làm clip “câu view” kiếm tiền khi bước chân Minh Tuệ thể hiện một ý chí ngoài vật chất. Người ta “đảnh lễ” ông để xin cầu một điều gì đó dù ông luôn khuyên người ta hãy tự tu tập, đừng mong cầu phép màu bên ngoài…

Những bước chân của ông Minh Tuệ thong dong, an lạc, vững chãi mà cũng phô bày biết bao thói tật ở đám đông đối nghịch.

Nhưng không vì thế ông Minh Tuệ ghét bỏ ai hay chán ghét hành trình đầy thử thách của mình. Ngay trong lúc kêu gọi mọi người hãy để ông được yên, ông không cần ai “hộ pháp”, người tu cũng có việc của người tu, không phải ngôi sao Hollywood, ông vẫn cười.

Và hơn cả, ông đưa ra giải pháp cho chúng sinh: Về lo gia đình, công việc của mình đi và hãy tự tu tập bằng bước chân của chính mình.

Căn cơ vững vàng và điềm tĩnh được như vậy, bởi ông Minh Tuệ cũng là con người. Ông cũng có những lúc vô minh, thậm chí phạm giới trong hành trình của mình.

Ông kể rằng ông từng bị đấm bởi một người cho ông là “sư giả”. Sau đó, ông đi gặp người khác, người này cho ông đồ ăn và hỏi mặt ông bị làm sao. Ông nói lảng nói tránh rằng đó là tai nạn để tránh những bất đồng. Đi một quãng, ông nhận ra mình phạm giới khi đã nói dối. Ông quay lại để tìm người mình đã nói dối để nói lại cho rõ nhưng không gặp. Ông đành kể với một người ở đấy để hi vọng người từng bị ông “lừa” kia có thể nghe lại được câu chuyện.

Hiện tại, để tránh đám đông, ông Minh Tuệ đã vào rừng. Nhưng câu chuyện của ông, thật hữu duyên lại trùng dịp Phật Đản, mang lại nhiều giá trị để mỗi người chúng ta tự soi vào mình.

Chúng ta không nhất thiết phải đi bộ hay tu hành khổ hạnh như ông Minh Tuệ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự tìm hiểu kinh điển Phật Giáo và thực hành trong khả năng của mình.

Chúng ta chỉ có thể lấy cảm hứng từ ông Minh Tuệ rồi tự cất bước trên đôi chân của mình, tự soi tỏ những vô minh của mình để hướng thiện và dẹp bỏ bớt đi những khổ đau chồng chất.

Nguồn: laodongvacongdoan