Mùa
Xuân 1973, với Khóa 6 Lớp Tập huấn của Hội Nhà văn VN dành cho anh chị em viết trẻ, có nhiều nhà văn tên tuổi từ chiến trường ra được mời tới nói chuyện : Phan Tứ ( Lê Khâm ), Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn...Các ông đều rút từ trong túi ra xếp lên bục giảng cả một chồng các cuốn sổ ghi chép. Các ông kể chuyện đi và thâu gom tài liệu ở chiến trường. Các ông nói về những thử thách của bệnh tật, đói rau, thiếu muối và mức độ ác liệt..Các ông mở những cuốn sổ ghi chép kia ra trích đọc những tư liệu này, chi tiết khác còn chưa hiện hình thành nhân vật hoặc hình tượng.
Bọn tôi cứ há hốc mồm, trợn mắt nuốt từng lời với sự háo hức, ước ao...
Ngày hôm sau, nhà văn lão thành Nguyễn Tuân được mời lên lớp. Bước lên bục giảng, ngồi xuống ghế, không cần chào hỏi, bác mở cái túi bơi ( loại túi vải nilon, có giây kéo khá phổ biến thời bấy giờ ) lấy ra một cái phích xinh xinh hãm nước trà, chế trà ra cốc; tiếp theo ông cụ cũng lấy từ chiếc túi 1 cặp bánh dày kẹp chả khoan thai đưa lên miệng ăn.
Vốn đã nghe nhiều về cá tính của lão nhà văn nên chúng tôi im phăng phắc, chỉ lặng thầm quan sát.
Ăn hết chiếc bánh, rút khăn giấy lau miệng kỹ càng, nhấp thêm hai ba ngụm nước trà đâu đấy, ông cụ nhìn xuống phía học viên và bất ngờ đặt câu hỏi:
- Ở nhà các anh các chị có đọc sách không ?
Phía dưới nhao nhao, sôi sục:
-Dạ, có ạ !
-Chúng cháu là người viết, không đọc sách thì viết sao nổi ạ...
-Ngay ở nơi bom rơi đạn nổ, không có sách, chúng cháu cũng phải đón nghe buổi " Đọc truyện đêm khuya " để nâng cao tay nghề ạ..
...
Đợi cho sự lao sao, chộn rộn phía dưới lặng bớt, lão nhà văn tung ra một câu hỏi bồi :
-Có thật các anh các chị đọc sách không? Nếu tôi nói, không phải các anh các chị đang đọc sách đâu, mà đang ĐỌC CHỮ đấy thì sao đây?
Và ông cụ thủng thẳng giảng giải : Đọc sách khó lắm. Phải đọc được cái hồn cốt, cái ẩn chứa, cái dồn nén nhà văn gửi gắm phía sau từng con chữ, từng dòng chữ. Người đọc còn phải có nỗi lòng, tâm trạng như thế nào để chữ nghĩa nhập vào mình như nam châm hút mạt sắt nữa. Chứ đọc chữ không thôi, thì trẻ nhỏ học xong a,b,c là có thể làm nổi rồi...
Phía dưới, học viên có vẻ tẽn tò, ngượng ngập, tự kiểm tra mình sau lời cảnh báo này.
Ông cụ tiếp tục tung ra " chưởng " thứ 2:
-Thế ở nhà, ở đơn vị các anh các chị CÓ VIẾT không?
Lần này phía dưới xẹp lép. Sợ sẽ rơi vào bẫy của lão nhà văn một lần nữa. Im ắng tới độ, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, người phụ trách khóa học lên tiếng giục: " Trả lời đi chứ các em ! Sao im lặng vậy? "
Rót tiếp trà từ cái phích ra chén, nhấp thêm một hai tớp nữa, nhà văn lão thành thủng thẳng:
- Mà xin cũng đừng nhập nhằng, nhầm lẫn giữa VIẾT CHỮ và VIẾT VĂN nhé. VIẾT CHỮ thì trẻ nhỏ đọc thông viết thạo làm được rồi, còn VIẾT VĂN thì kỳ công, nhọc nhằn, đòi hỏi nhiều thứ lắm đấy...
Quay sang phía nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, vị " trưởng lão " cất tiếng:
-Anh Sanh ơi, lớp này có bao nhiêu học viên cả thẩy ?
-Dạ, tròm trèm bốn mươi ạ !
-Cứ mỗi năm có một khóa đông vui như thế này à ?
-Dạ.
-Như vậy thì ra trong 10 năm Hội nhà văn chúng ta sẽ cho ra lò 400 người viết văn, làm thơ sao? Tốn giấy mà, tốn tiền công in ấn quá đấy !
Ngay lập tức ông cụ nheo nheo mắt hóm hỉnh nhìn xuống hội trường:
-Tôi có lời khuyên thực lòng các anh các chị nhé ! Nghề này ví như việc đãi cát tìm vàng, như mò xuống đáy biển tìm ngọc trai. Qua khóa học này, các anh các chị hãy nghiêm túc, cầu thị tự xét xem mình có năng lực gì, tài cán ra sao để theo đuổi nghề viết không? Đừng nghe người ta xúi dại trở thành nhà văn cho oai, cho nhàn ! Nếu thấy mình không thể làm công việc viết lách được , thì nhanh chóng trở về nghề nghiệp cũ. Cho nhẹ mình, cho khỏi phải hành xác, tử vì đạo với trang giấy trắng. Ở đời này còn khối việc khác vui vẻ, hấp dẫn, dễ kiếm tiền nuôi vợ nuôi con mà !
Những giây phút sau đó, hội trường im phăng phắc, tựa như vừa bị giội một chảo nước sôi, vừa trải qua một cơn mưa đá..
Vị lão trượng khoan thai, cẩn thận xếp cái chén uống trà, cái phích vào chiếc túi bơi và đứng dạy thủng thẳng bước khỏi bục giảng..