Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TAM ĐẢO MÙ SƯƠNG

Lê Hoài Nguyên
Thứ hai ngày 3 tháng 6 năm 2024 10:56 AM

Bắt đầu bằng nỗi nhớ dải núi này ở phương Nam.

Ký ức gợi nhớ về những trang văn của nhà văn Mai Thảo tôi đọc đã lâu.

Ông vốn họ Nguyễn Đăng làng Thổ Khối Gia Lâm cũ. Thời thanh niên ông thân sinh nhà văn Mai Thảo làm việc ở Bưu điện Vĩnh Yên rồi lấy mẹ ông ở đấy. Vì vậy Tam Đảo là quê ngoại của ông. Sau này bố ông chuyển về làm việc ở Lập Quần, Hải Hậu. Hàng năm từ “Căn nhà vùng nước mặn” ông vẫn theo xe đò, hoặc thuyền buôn về thăm bà ngoại.

Thế là, giữa một buổi sáng Sài Gòn rực rỡ, tin dữ mà gia đình tôi chờ đợi thấp thỏm suốt mười năm ở bên này vĩ tuyến, đã từ bên kia vĩ tuyến mười bảy bay sang. Bà ngoại tôi, người cuối cùng của dòng họ Nguyễn còn ở lại miền Bắc đã tạ thế.

Hung tin thu gom trong mấy dòng bưu thiếp lời lẽ mơ hồ, ngày giờ và chi tiết cái chết nghìn trùng cách trở không được nói đến tường tận, nhưng tôi, tôi biết bà ngoại đã nằm xuống ở đâu, cặp mắt nhân hậu một đời nhỏ lệ xót thương kẻ khác ấy đã khép lại dưới vòm trời nào, thước đất nào đã được bà lựa chọn gửi nắm xương tàn của một tuổi già cô độc

Người điên dưới chân sườn Tam Đảo là chuyện của gia đình bên ngoại Mai Thảo. Một gia đình điền chủ khá giả có người con trai cả được học hành, làm việc ở Hà Nội về nhà can ngăn con ngựa nhà và ngựa hàng xóm đánh nhau bị ngựa nhà đá trọng thương, sau vì người mẹ cho uống quá nhiều mật gấu mà phát điên. Cậu bé cháu ngoại, tác giả, chứng kiến cảnh sống bị xiềng xích, giam cầm trong gian buồng nhỏ cạnh nhà bếp của người bác cả và sự đau khổ của bà ngoại mình. Khi giặc Pháp tấn công lên Vĩnh Yên, lúc gia đình chạy loạn, người điên được tháo xiềng đã ngang nhiên chạy trước mặt đoàn quân viễn chinh. Người điên bị bắn chết nhưng đã cứu mạng được mẹ, em gái, đứa cháu và hàng chục người hàng xóm.

Trong văn Mai Thảo có nhiều chỗ viết về nỗi nhớ miền Bắc rất gợi cảm và da diết giống như ở Vũ Bằng. Hà Nội thưở đi học, những mối tình học sinh, làng quê trung du, sông Hồng cùng những dòng sông nhỏ miền châu thổ...

Đây là quê ngoại Vĩnh Yên:

Thửa ruộng nhỏ nằm dưới chân một sườn đồi trọc. Đất đỏ rờ rỡ màu máu. Thửa ruộng có một thân cây lớn nghiêng bóng, kế liền với một con đường sỏi đá và cỏ bồng hoang vu, trên đầu là những đám mây trung du và đám mây của một vòm trời trung du trắng xốp như bông nõn ấy nổi chìm ở bên này và bên kia một vùng rậm rì xanh đặc là hai sườn Tam Đảo.

Từ đỉnh núi, đổ xuống một ngọn thác trắng phau nhìn xa như một sợi chỉ bạc. Từ cuối con đường hoang, vang lên tiếng vó ngựa lộc cộc về chiều.

Từ những xóm xa lọt vọng vào thị xã tiếng chầy giã gạo ba trăng. Tự miền cao phả về cái hơi thở âm u của núi rừng Việt Bắc. Tự miền dưới thổi lên cái hương thơm đầm ấm của lúa mạ đồng bằng.

Cậu bé Mai Thảo có một tình yêu đặc biệt với bà ngoại của mình.

...Người ta khiêng quan tài bà từ căn nhà rêu phong cổ cũ đi ra, cách hàng nghìn cây số tôi cũng hình dung thấy rõ ràng như vậy, đám táng kéo dài trên con đường lả lay cỏ bồng, chiếc quan tài in lên nền trời Tam Đảo và nó được hạ huyệt trong thửa ruộng đó, không thể trên một thức đất nghĩa địa nào khác. Bởi vì bà tôi, nếu đã ở lại, nếu đã chối từ vượt tuyến cũng chỉ để được nằm xuống bên cạnh đứa con xấu số của bà là bác Cả Đoàn.

...Mãi mãi tôi còn nhớ tới những chuyến về thăm quê ngoại đó, chuyến xe hàng cũ kỹ nổ máy từ tối đất nơi chân sóng rì rào của một xóm đạo vùng biển ỳ ạch chuyển mình trên những con đường liên tỉnh trải đá xanh hun hút. Những dốc đò rồi những bến phà. Dưới vành trời hắt hiu của mùa đông miền Bắc, chiếc xe cũ kiên nhẫn nuốt dần từng cây số trắng, thả lùi những xóm làng chài lưới về sau, tiến dần vào một vùng rừng núi cằn cỗi. Ngọn Tam Đảo hiện ra trong sương chiều, đỉnh núi chìm nhòe trong lớp mây xám loãng như một chiếc khăn choàng đánh đai lấy nó. Rồi là niềm vui náo nức tràn trề trong gió rừng đổ xuống khi chiếc xe trườn vào thị xã Vĩnh Yên le lói ánh đèn. Chiếc xe kéo thả mẹ con tôi xuống một căn nhà cuối tỉnh lỵ. Cha tôi đánh điện tín từ hôm trước. Và bà tôi ngồi đó, trước thềm cửa, chờ đón chúng tôi. Bà chít khăn mỏ quạ, mặc áo bông ngắn. Mỗi năm bà mỗi già, nhưng ánh vui mừng cảm động của đôi mắt vẫn ngời lên, lấp lánh, khi tôi tự xe nhảy cẫng xuống, và mặc mẹ tôi quát mắng không được lôi bà như thế, tôi kéo bà sềnh sệch vào nhà. Bữa cơm, tôi ngồi chồm chỗm trên lòng bà, vòi quấy đủ thứ. Bà nấu chè và làm mứt dừa ngon vô cùng. Chè bà cốt, màu mật đặc quánh, mùi gừng thơm cay phảng phất trong mùi hương gạo nếp bùi ngậy. Dừa mật Vĩnh Yên nổi tiếng miền Bắc, bà nấu thành một thứ mứt dẻo quyện, trong suốt, đỏ thắm, đựng đầy trong một vò thủy tinh lớn. Những ngày về thăm bà ngoại, dạ dày tôi căng phình, đuôi mép lúc nào cũng nhuếch nhoáng màu đường màu mật. Vui thú không bút nào tả xiết. Thức dậy sau một đêm ngủ vùi vì chuyến đi mệt nhọc, buổi sáng tôi chạy ra đầu nhà, và cặp mắt của đứa nhỏ chỉ quen nhìn bãi cát và sóng biển trong tôi đã ngó nhìn đến độ bàng hoàng ngây ngất ngọn Tam Đảo hiện hình chất ngất trong buổi sáng trung du yên tĩnh, ngọn núi đứng đó, sừng sững trước mắt như một hình ảnh thần linh hoang đường, với cả một thế giới kỳ lạ, bí mật của nó ẩn kín ở sườn núi bên kia.

Bây giờ thì Mai Thảo đã mất rồi, ông nằm lại bên nước Mỹ.

Mỗi lần đi qua Vĩnh Yên tôi vẫn như thấy bóng cậu bé Mai Thảo năm mười tuổi thấp thoáng bên ngôi nhà cổ.

Duyên nợ của tôi với dải núi Tam Đảo có từ lâu lắm rồi.

Năm 20 tuổi, tháng 8- 1968 tôi nhập Trường Đại học Tổng hợp. Lúc ấy, máy bay Mỹ chỉ ném bom từ Quảng Bình trở vào nhưng không khí thời chiến vẫn bao trùm phần còn lại của miền Bắc. Tôi phải tìm nhà của ông anh con bá con dì bên khu tập thể cầu 5 ở Gia Lâm nghỉ tạm rồi lên tầu Thái Nguyên đi trong đêm. Gần sáng tầu đổ sinh viên nhập trường xuống ga Phổ Yên trần trụi, tan nát vì bị ném bom. Những khuôn mặt hốc hác, bụi bặm. Túi xách phồng căng, va ly giả da, hòm gỗ, tay nải. Người xách, người gánh, người vác, hối hả chen chân xuống phà sông Công đi bộ tiến vào các triền núi thấp ven Tam Đảo. Đối với tôi một thanh niên vùng ven biển Tiền Hải Thái Bình mới chỉ lên đến Hà Nội thì đây là lần đầu tiên nhìn thấy hình dáng Tam Đảo ở chân trời trước mặt, lần đầu tiên xúc động vẻ đẹp hoang dã của hoa sim, hoa mua. Sau này mỗi khi mưa gió, từ làng sinh viên dưới chân núi Vạn Thọ, lòng tôi lại cồn lên nỗi nhớ nhà khi nhìn những vệt thác trắng trên sườn núi cao bên kia thung lũng Đại Từ.

Tháng 8- 1969 lớp tôi rời khu sơ tán về đóng ở làng La Khê cạnh thị xã Hà Đông. Lán học và bếp ăn đặt trên bờ sông Nhuệ.

Những buổi chiều ngồi ăn cơm trên bãi cỏ chúng tôi nhìn về chân trời phía Tây Bắc nơi ba đỉnh núi Tam Đảo hiện lên xanh ngắt.

Rồi tháng 8-1970 tôi nhập ngũ, vào bội đội pháo cao xạ, đóng cạnh đường

băng sân bay Nội Bài. Lại nhìn Tam Đảo lừng lững trước mặt, mù mịt mây bay. Bên trong căn cứ sân bay là các dải đồi thấp gối vào những dãy núi cao dần lên đến ba đỉnh bá vai nhau. Trong những buổi luyện tập chúng tôi quay nòng pháo bắt vào ống kính những chiếc máy bay MIG 21 bay ngang sườn núi, có lúc lẫn vào mây trên các đỉnh Tam Đảo. Từng đỉnh núi nơi máy bay địch có thể lấy làm chuẩn bổ nhào được đặt ký hiệu tọa độ trong trí nhớ của tôi. Đến lúc đó tôi mới thấy hết sự rộng lớn của miền núi Tam Đảo này từ khi có một chiếc Mig bay tập đâm vào một ngọn núi, hai phi công, một người Liên Xô, một Việt Nam mất tích. Nghe đơn vị không quân kết nghĩa với đơn vị tôi nói đã cử hàng trăm người và máy bay lên thẳng tìm kiếm hàng tháng trời mà không thấy. Mãi đến năm 2018 sau gần 50 năm một nhóm thiện nguyện cá nhân mới tìm kiếm được dấu tích máy bay và hài cốt hai phi công tại một hẻm núi phía Bắc Tam Đảo. Cả trong những năm tháng chiến đấu ở mặt trận, nỗi nhớ Tam Đảo vẫn không thôi ám ảnh những câu thơ của tôi.

Lớp học chúng mình vẫn là nếp nhà tranh

Từng soi qua cửa sổ này là Tam Đảo nghiêng nghiêng…

Ngày tháng không nhớ nữa

Thôi nhớ lấy cái ngày chia tay nắng lửa

Con sông Cà Lồ mùa nước dâng đầy

….

Những cánh rừng Đại Từ ướt sũng trong mưa

Ta ngồi đầu dóc Tắt thở

Vành mặt trời bé nhỏ

Treo trên núi Văn người tráng sỹ già

Những cơn gió đêm xoáy tròn trong thung lũng

Xiết vào mái nứa

Những dòng chữ như có lửa

Trong tuổi mười tám của ta…

Đợt này có lẽ đến ba năm tôi mới trở lại Tam Đảo.

Ở đời có những cảnh vật trước mắt ta, ta vẫn quen nghĩ nó là như thế. Bỗng một ngày ta không thể nghĩ nó như cũ được nữa. Thế là ta phải nhìn nó từ một góc khác và ta bỗng thấy nó khác hẳn, nó không còn là nó nữa.

Đó là chuyện Tam Đảo với tôi từ mấy chục năm nay.

Bây giờ không phải là nói về vẻ đẹp của Tam Đảo, về sự linh thiêng của nó nữa mà phải nói về số phận bi thảm gần như bị bỏ quên gần 80 năm nay và sẽ còn tiếp tục bị bỏ quên.

Đang tháng 10, đã cạn mùa du lịch. Đường sá vắng tanh vắng ngắt. Cơn gió lốc siêu bão để lại nhiều dấu tích tàn phá.

Cây cối đổ gục. Cửa kính nhà sáng tác nhiều ô trống hoác hoặc bị gió đánh vỡ lởm chởm nhọn hoắt. Chợ phố thị trấn đìu hiu, thấp thoáng dăm bóng người. Những vườn su su cuối mùa đã cằn cỗi…

Tam Đảo như cô gái diễm lệ ngày nào khi tôi lần đầu tới Tam Đảo càng ngày càng trở nên nhếch nhác hơn. Hy vọng về một Tam Đảo hồi sinh đã biến mất khi tôi được anh Chủ tịch thị trấn cho biết:

Người ta đã bỏ rơi Tam Đảo, không xây dựng lại Tam Đảo nữa mà tìm cách lấy rừng nguyên sing dưới chân ba đỉnh để xây Tam Đảo hai có cả cáp treo, sòng bạc.

Tản Viên và Tam Đảo là hai huyệt đạo phên dậu che chắn, giữ nguồn nước sinh sống cho sự tồn tại của Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ. Từ rất lâu đời dân gian đã quan niệm Tản Viên là núi Cha thì Tam Đảo là núi Mẹ của vùng này. Cho nên các triều đại phong kiến Việt Nam đã cấp nhiều sắc phong thượng đẳng thần cho Tản Viên và Tam Đảo.

Đầu thế kỷ XX người Pháp phát hiện ra Tam Đảo có thể là nơi xây một khu nghỉ mát lý tưởng. Họ đã xây dựng Tam Đảo ròng rã trong khoảng 30 năm. Mãi đến năm 1943 công việc xây dựng mới hoàn tất. Rút kinh nghiệm xây Đà Lạt và Sapa Tam Đảo được thiết kế thi công khoa học hơn, đẹp hơn. Người Pháp tự hào gọi Tam Đảo là Hòn ngọc của Đông Dương.

Gần 200 biệt thự đều mang phong cách kiến trúc các miền của nước Pháp tùy theo chủ nhân của nó và được phân bố quanh các sườn núi đồi thấp không che mặt nhau đều hướng xuống thung lũng trung tâm nơi có công viên, vườn hoa, bể bơi, sân bóng...Trong số dinh thự có nhà của các quan chức Pháp như như toàn quyền Đông Dương Catroux, Decoux, Thống sứ Bắc Kỳ Delsal, Chánh sứ Vĩnh Yên Removille...

Không chỉ có những ông chủ người Pháp, sau này những gia đình giàu có người Việt cũng có biệt thự ở Tam Đảo. Khá nhiều người ở Tam Đảo hãy còn nhớ biệt thự nhà cụ Hồ Đắc Điềm (sau này là Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội). Đó là ngôi nhà nằm cao nhất Tam Đảo, có cái tên rất hay là Villa de Belle Vue, có nghĩa là ngôi biệt thự có tầm nhìn tuyệt đẹp.

Ngoài ra còn có biệt thự của ông Thẩm Hoàng Tín, dược sĩ học ở Pháp về, sau làm thị trưởng thành phố Hà Nội, nhà của anh em Trịnh Văn Bô, Trịnh Văn Bính, nhà Cự Chung, Cự Đạt là các nhà tư sản dệt giàu có thời đó. Nhà ông Võ Đức Diên, rồi nhà Hồng Khê làm thuốc với câu ca mà nhiều người còn nhớ: “Dây thép mà buộc ngang trời/thuốc Hồng Khê chữa người lẳng lơ”.

Vật liệu xây dựng gồm đá khai thác tại chỗ, mái kết cấu gỗ và trần toóc xi. Nhà nhiều tầng có cầu thang gỗ, sàn dầm gỗ lát ván, hoặc sắt hình liên kết với gạch cuốn. Những viên ngói lợp được gửi theo tàu biển từ cảng Marseille vượt đại dương sang đây để xây nhà. Mỗi ngôi biệt thự mang một cái tên: villa cánh chim nhạn, villa con ve sầu, villa dưới cây thông...

Không chỉ có những villa sang trọng, đẹp đẽ người ta còn quy hoạch Tam Đảo với đầy đủ bồn hoa, ghế đá, sân chơi trẻ em… Cây cỏ nhiều loại đưa từ Pháp sang; vào hè, trăm hoa đua nở, trăm màu khoe sắc; có bể bơi dành cho người lớn, có cả bể bơi dành cho trẻ con; có sân quần vợt, có nhà bắn bia; xa và cao hơn về phía Đông bắc có sân bóng đá…

Số phận bi thảm của Tam Đảo kết thúc với chủ trương tiêu thổ đầu kháng chiến chống Pháp. Thực ra Tam Đảo chỉ có giá trị là nơi vui chơi nghỉ mát. Nó không có giá trị gì như là một căn cứ quân sự.

Điều đáng buồn cho người Pháp là họ chỉ được sử dụng Tam Đảo khoảng 2 năm, đã bỏ ra một khối tiền của công sức, một dung lượng văn hóa rất to lớn.

Từ cuối năm 1947 hàng vạn dân công kéo về đây. Không có thuốc nổ người ta đục chân tường đá các biệt thự ra, đút củi, giường tủ bàn ghế vào và châm lửa đôt. Khói lửa mù mịt bao trùm lên thung lũng hai ba tháng liền.

Các ngôi nhà bị nung nóng, tường đá biến thành vôi và tự đổ sụp xuống. Đó là một khung cảnh hoành tráng nhất về sự bức tử một công trình văn hóa vĩ đại trong lịch sử điện ảnh thế giới. Không một đạo diễn tài ba nào có thể tạo nên một bối cảnh bi tráng như vậy.

Sau này cho đến nay là gần 80 năm những người thực thi việc bức tử Tam Đảo hầu như chưa làm gì để các dấu tích văn minh Pháp sống lại. Và trong thế hệ chúng ta rất ít người biết được câu chuyện này.

Các đại gia bất động sản Việt Nam hiện tại ăn đất đai của đất nước mỗi người một kiểu riêng. Anh Viwn chuyên ăn đất vàng các đô thị. Anh LCT thì ăn các bãi biển đẹp từ Bắc vào Nam. Còn cái anh SUNGROUP thì chuyên ăn rừng và núi, những huyệt đạo tâm linh và giá trị kinh tế cao. Anh đã ăn Bà Nà, bán đảo Sơn Trà rồi đỉnh Phan si phăng và giờ đang ăn Tam Đảo.

Chuyện SUNGROUP ăn Tam Đảo vừa nổi cồn dư luận mấy năm nay. Đằng sau SUN GROUP là một thế lực cực khủng nên bỗng nhiên báo Phụ nữ TP HCM lên tiếng tố cáo thế lực kia, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúctiếp tay cho SUN GROUP ăn trọn mấy trăm ha rừng nguyên sinh Tam Đảo 2 mà cách đây hàng chục năm Vĩnh Phúc cùng một công ty Mỹ đã một lần không ăn nổi thì không phải là chuyện bình thường.

Cách đây nhiều năm mỗi lần lên Nhà sáng tác Tam Đảo tôi đã tìm kiếm tư liệu để viết một bài tùy bút có tên Tam Đảo mù sương. Nhưng cho tới giờ mới chỉ viết được một số đoạn. Cùng với các bài báo của Phụ nữ TP HCM tôi đã đưa tư liệu của tôi lên FB. Mọi người sẽ thấy việc ‘’ăn” Tam Đảo 2 là một việc cực kỳ ghê tởm của nhóm lợi ích SUN GROUP – Chính quyền Vĩnh Phúc – Quan chức Chính phủ. Mọi người cần lên tiếng để cứu Tam Đảo núi Mẹ của chúng ta!

Gần sát Nhà sáng tác Tam Đảo có một nhà nghỉ nhỏ treo biển Biệt thự Hồ Xanh. Gọi là biệt thự theo quan niệm bây giờ cho sang trọng, đây chỉ là nhà ở cũ, hai tầng của một cán bộ ngành đường sắt Hà Nội đã về hưu. Ông cho biết gia đình đã bốn đời ở Tam Đảo, xuất thân từ làm công phục vụ một ông chủ người Pháp, trông coi nhà nghỉ mát cho ông chủ trên chính khu đất hiện nay. Tại sao lấy tên Hồ Xanh. Với tầm nhìn bốn mươi năm trước nhà ông là một trong mấy ngôi nhà nhìn xuống hai cái hồ bơi, gần nhất là cài hồ của trường nữ sinh tiểu học người Pháp. Trên tường nhà, cạnh vách cầu thang có treo nhiều bức ảnh Tam Đảo chụp từ thời người Pháp ở.

Ông già kể:

Tôi lớn lên ở Tam Đảo nên từ bé biết leo núi là tôi không bỏ qua một mỏm núi nào xung quanh thung lũng này. Sau buổi đi học tôi cầm một cái thuổng, con dao, khoác gùi lên núi đào củ nâu đem xuống chợ bán cho thương lái mang về xuôi. Tôi thuộc từng ngõ ngách, từng con suối, từng gốc cây cổ thụ, từng con rùa nhỏ. Ngày ấy còn rừng nguyên sinh không phải rừng tái sinh bây giờ.

Tại sao lại là rừng tái sinh bây giờ?

Có người nói rằng người Pháp phá rừng Tam Đảo xây biệt thự. Số gỗ người Pháp khai thác cho các biệt thự Tam Đảo không phải là nhiều lắm và người ta khai thác không bừa bãi, họ chỉ hạ những cây đủ tuổi. Còn sự tàn phá rừng Tam Đảo bừa bãi chỉ diễn ra do chính quyền hiện nay. Anh có nhớ thời kỳ thiếu đói và thiếu than sau 1975 không? Chính quyền đã cho dân các huyện và dưới Vĩnh Yên lên rừng chặt gỗ làm củi. Dân lợi dụng khai thác gỗ luôn. Đường lên Tam Đảo chật ních xe đạp, xe máy lặc lè củi và gỗ phiến. Mấy đứa cháu của tôi ở Vĩnh Yên cứ ngày hai chuyến, trưa ghé nhà tôi ăn cơm, hàng mấy năm liền như thế. Rừng Tam Đảo trở nên xác xơ. Sau này nó mới hồi phục lại nhưng chỉ còn gỗ tái sinh.

Hết chuyện rừng nguyên sinh trở lại chuyện tái sinh của Tam Đảo. Việc tái sinh Tam Đảo ngày nay cũng lại là chuyện bi hài. Ông chỉ mảnh vườn su su ngăn cách nhà ông và Nhà sáng tác:

Mảnh này là của ông Trần Văn Trà. Trước đây ông Trà và con thỉnh thoảng có ra thăm nhưng gần đây không thấy, không rõ đã bán lại cho ai. Người ta không thể quy hoạch lại Tam Đảo vì đất đai đã vào tay cá nhân cả, các quan chức địa phương, quan chức trung ương đã chia nhau, có chủ hết rồi. Đất nhà cũ của tôi bây giờ cũng phải thuê lại chính quyền 50 năm. Bây giờ chính quyền bỏ mặc Tam Đảo cho các chủ đất muốn làm gì thì làm. Họ đang tìm cách phá lõi rừng nguyên sinh làm thị trấn Tam Đảo mới gọi là Tam Đảo 2.

Khi làm Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo người Pháp cũng đã biết có Tam Đảo 2 nhưng họ nghe lời khuyên của các nhà khoa học giữ gìn khu rừng nguyên sinh và chỉ khai thác Tam Đảo I

Cũng từ ông chủ biệt thự Hồ Xanh tôi biết ra khu Nghỉ mát Tam Đảo không phải là ba đỉnh chính của Tam Đảo như mọi người vẫn lầm tưởng. Đây chỉ là một nhánh phụ. Còn ba đỉnh chính ở phía bên kia cánh phải của khu nghỉ mát. Tam Đảo 2 là lõi của khu vườn nguyên sinh quốc gia Tam Đảo. Rừng đỗ quyên, bãi rêu nghìn tuổi là nơi Trần Duy đã viết trong truyện ngắn Thần Hoa. Trên đỉnh Thạch Bàn có chiếc bàn cờ tiên bằng đá huyền bí. Bên kia ba đỉnh chính là khu tâm linh Tây Thiên. Từ Tây Thiên cũng nhìn thấy ba đỉnh như bên cánh Tam Đảo 1.

Theo sách An Nam chí, núi Tam Đảo thuộc, phủ Tuyên Quang, ở địa phận huyện Tam Dương có ba ngọn núi sừng sững nổi lên cao chót vót tận trời cùng với núi Tản Viên, hai ngọn đứng sững đối nhau, là danh sơn của nước Việt.

Đến thế kỷ 18, Lê Quý Đôn chép rằng, núi Tam Đảo ở địa phận 2 xã Lan Đình và Sơn Đình, huyện Tam Dương. Mạch núi này do khí thế cao cả của các núi ở xã Ký Phú, Huân Chu và Cát Nê thuộc huyện Phú Lương và Đại Từ trấn Thái Nguyên kéo đến. Đến đây đột khởi 3 ngọn cao vót đến tận mây xanh, phía sau núi vách đá đứng sừng sững; đỉnh núi đất đá lẫn lộn, cây cối rậm rạp xanh tươi, nhiều cây hồi hương và cây quế, chân núi ở đằng trước, về bên tả có khe Giải Oan, tức thượng lưu sông Sơn Tang, huyện An Lạc, từ khe Giải Oan này chảy xuống Sơn Tang, qua Hương Canh, chảy ra Nam Viên rồi vào sông Nguyệt Đức, ở giữa ngọn núi gọi là núi Kim Thiên, cao chót vót, ghềnh thác không biết bao nhiêu mà kể.

Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm, không thấy đáy, sườn núi có chùa Tây Thiên cổ tự, tre xanh thông tốt, trên núi cao có chùa Đồng Cổ, lên xuống phải mất 2 ngày. Từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi, đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa, hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên trái gọi là suối Bạc, bên phải là suối Vàng. Chùa bên phải gọi là chùa Địa ngục (Địa ngục tự), suối từ trong khe cửa chảy ra, sắc nước trông như vàng, suối Vàng, suối Bạc hợp lưu ở trước hồ Sen, quoanh co chảy xuống rồi hợp lưu với khe Giải Oan. Từ bên hồ đi qua hai dặm, lại theo từng đợt mà lên, khoảng nửa dặm đường lại bằng phẳng, thành đá đứng sững, ở giữa có 3 nền bằng đất rất dài, lại có 8 tòa đá vuông đừng sững trông như dáng bát bộ kim cương. Từ đây lên mấy dặm nữa, lại thấy chùa Đồng.

Tam Đảo có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa. Ngọn cao nhất có độ cao là 1.591 m.

Dãy núi Tam Đảo hình thành cách đây 230 triệu năm vào giữa kỷ Trias do hoạt động của núi lửa phun trào dung nham làm nhiều đợt chồng lên nhau. Dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dài chừng 80 km, rộng từ 10 đến 15 km. Do tương đối dốc đứng, nên trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước. Thác Bạc có độ cao 50 m, nước sối xuống tung bọt trắng ngay cả vào mùa khô. Cũng vì dốc đứng, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và thay đổi theo độ cao.

Nhiều loại rau quả ôn đới được trồng ở Tam Đảo và cung cấp cho các vùng xung quanh, nhất là cho Hà Nội. Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng nhiều. Loài cá cóc, là động vật đặc hữu của Tam Đảo. Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 36.883 ha nằm trọn trong dãy núi này. Ở Tam Đảo có nhiều tài nguyên khoáng sản, đáng kể nhất là thiếc.

Do địa hình phức tạp, nhất là sự khác biệt về địa hình giữa vùng núi cao với đồng bằng thấp ven sông nên khí hậu, thời tiết của huyện Tam Đảo được chia thành 2 tiểu vùng rõ rệt. Cụ thể:

Tiểu vùng miền núi, gồm toàn bộ vùng núi Tam Đảo thuộc trị trấn Tam Đảo và các xã Minh Quang, Hồ Sơn, Tam Quan, Đại Đình, Đạo Trù… có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình 18C-19C, độ ẩm cao, quanh năm có sương mù tạo cảnh quan đẹp. Khí hậu tiểu vùng miền núi mang sắc thái của khí hậu ôn đới, tạo lợi thế trong phát triển nông nghiệp với các sản vật ôn đới và hình thành các khu nghỉ mát, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng vào mùa hè.

Tiểu vùng khí hậu vùng thấp, bao gồm phần đồng bằng của các xã Minh Quang, Hồ Sơn, Tam Quan, Đại Đình, Đạo Trù và toàn bộ diện tích của các xã còn lại. Tiểu vùng khí hậu của vùng mang các đặc điểm khí gió mùa nội chí tuyến vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Nhiệt độ của tiểu vùng trung bình ở mức 22C-23C.

Trên dãy Tam Đảo có những di tích văn hóa-lịch sử nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên (còn gọi Đền Mẫu) thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Theo thần thoại, Quốc Mẫu Tây Thiên là do linh khí của núi rừng Tam Đảo hun đúc mà nên.


Một người nữa cũng làm cho tôi bị ám ảnh ở vẻ đẹp huyền bí của Tam Đảo 2 là họa sỹ Trần Duy. Ông là người nổi tiếng về tranh lụa nhưng cũng có biệt tài về truyện ngắn dù số truyện của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tên truyện về Tam Đảo của ông có tên là Thần hoa, một cái truyện có cốt cách như truyện Tiếng sáo tiền kiếp thời Nhân Văn Giai Phẩm.

Trần Duy kể về một ông quan gọi là cụ Cử từng đỗ Thám hoa trong một khoa thi đình, giữ chức Tham tri bộ Lễ dưới triều vua Tự Đức cáo quan về Canh Diễn ở ẩn sau khi vua chết, tìm được cách sống có nghĩa lý là thú chơi hoa.

Từ ngày cụ nghỉ hưu, nhìn lại cái triết lý đã từng làm mình hão huyền với cuộc đời quan trường, bây giờ cụ cảm thấy cái không khí cụ đang thở mới thật là của cụ... mới là cái đạo của đất trời, cái huyền diệu của sinh hóa.

Một hôm tình cờ cụ được một người khách ghé thăm. Ông ta kể cho cụ nghe chuyện về Tam Đảo.

Tôi là một người rong chơi, một người du lãm đã đi hầu hết hang cùng ngõ hẻm, cảnh đẹp mọi nơi, nhưng thưa cụ, đến đâu có hoa là có cái duyên nợ với hương. Người ta có câu hoa bướm nhưng nếu hoa không có hương thì không mấy khi bướm đến. Xin kể hầu cụ câu chuyện mà chính tôi là người cho đến nay vẫn còn vương vấn.

Ngày ấy tôi đến Lục Ba, Văn Yên, một đêm ngủ ở Đá Đen, có người qua đường cho tôi hay họ sẽ từ Thái Nguyên, Quân Chu sang Tam Đảo. Tôi vẫn nghe đến Tam Đảo nhưng chưa hề đến, bèn xin đi theo người ấy. Đến cuối xóm Quân Chu bắt đầu leo núi. Núi dốc đứng, chân người đi trướcđụng vào đầu người đi sau. Lên lưng chững ngọn núi thứ nhất, đến một bãi rêu xanh ngắt đi lên trên bồng bềnh như đi trên sóng. Cuối đó có một cái miếu, tôi hỏi anh ta, anh ta nói: miếu ấy chẳng biết thờ ai, nghe các bậc sơn tràng lão thành, ngôi miếu đã có thời cổ xưa, có thể của Cao Biền yểm đất. Tôi hỏi anh đã lên được hết các đỉnh núi ở Tam Đảo chưa? Anh ta đáp: Tôi đã có mấy lần lên, trên có một mùi hương lạ nhưng không phải hương trầm. Vì tôi là thợ trầm. trên đỉnh Thạch Bàn có một loại cây mọc thành bãi lớn, hoa màu trắng, màu hồng, nở vào quãng đầu tháng ba, nghe đâu khi có hoa thì nhiều bướm lạ tìm đến. Thời tiết ấy là thời động rừng, hổ về ngồi ở ngoi miếu chúng ta vừa đi qua. Cho nên bọn thợ rừng chúng tôi rất ít khi đi theo lối này. Đa số đi từ Đồng Cốc lần theo suối Cát Nê để về Tam Đảo. Tôi hỏi anh ta: Anh đã trông thấy hoa ấy chưa? Anh đáp: Tôi nge nói vậy nghề tôi không phải nghề hoa. Tôi chia tay anh ta ở Hợp Châu, ngủ lại ở đó mấy đêm và lân la hỏi mọi người đường đến Thạch Bàn. Nhìn lên ba đỉnh núi sương phủ quanh năm cao chót vót, lúc mây mỏng nhìn lên có cảm giác như một cái cổng lớn mở đường lên trời.

Thế là vì sự huyền bí của loài hoa và bướm lạ trên đỉnh Thạch Bàn cụ Cử quyết chí chuẩn bị cho chuyến hành hương lên Tam Đảo.

Cuối cùng đúng đầu ngày rằm tháng ba khi gà rừng bắt đầu gáy cụ Cử cùng người thợ sơn tràng dẫn đường và tùy tùng đã đến đỉnh Thạch Bàn.

Bãi hoa đêm còn chưa dậy, cụ Cử cắm đuốc ngồi thiền định xuất hồn để rửa sạch mùi tục lụy. Và rồi điều kỳ diệu chờ đợi đã đến.

Bỗng một là gió thổi về, không giam như xáo động, các nụ hoa hé dần, màu sắc lẫn với hương rừng phả vào khí núi, trong suốt lung linh. Cụ Cử Nghĩa không còn biết mình ở đâu, chỉ biết mình không còn là mình nữa. Ta chẳng còn là ta, hương như ướp cả vào áo, vào mũ, vào tóc và da thịt cụ. Cái mùi hương mà người khách dạo nào mô tả nay cụ đã ngửi được thật, đã sống cùng nó, dùng danh từ gì để định nghĩa được mùi hương này! Lúc nắng lên đỉnh núi, mây ngả sang màu hồng cùng lúc bướm về. Bướm bay như hồn hoa, như thần hoa xuất về hạ giới. Cụ Cử Nghĩa ngây ngất như uống phải thứ rượu mạnh. Cụ đứng dậy nhìn toàn bãi hoa. Màu hoa chính là màu đỏ hồng phấn, bãi xa là màu hoa trắng. Thân cây chen từ đá, có cây rễ ôm tảng đá lớn, tán rộng gần bằng cái nia. Cành cây không ai uốn sao có những đường cong đoạn gập tinh tế như có tay người chơi sành nghề tỉa nắn. thân cây không rõ tuổi đời bao nhiêu, có đoạn rêu bám ngả sang màu xanh biếc, thoạt tưởng như bằng ngọc bích. Cánh hoa to lớn hơn ngón tay, gâm màu vàng, màu trắng, nhụy hoa màu vàng thổ ngả sang màu da cam. Chỉ nhị dài uốn cong như vòi bướm. Bao phấn và lá đài màu xanh lá mạ nhạt dần thành vàng chanh. Ở đây không có tuổi đời, thật mà không thật, nơi không có một lời quyến rũ mà người đến không muốn ra về. tuy không phải là cảnh tiên nhưng miền xuôi không thể có được cảnh này. Mùi trầm ở mọi chốn Tam Bảo không gợi được không gian thiền như hương hoa ở bãi Thạch Bàn này.

Cụ Cử đã đạt được hoài vọng. Cụ mang về xuôi cả một cây hoa bám đá và một con bướm quẩn vào tay cụ. Dù cụ chăm sóc tận tình, cái cây cứ chết dần. Nhưng từ cái tráp cụ thửa bằng gỗ quế hương đựng con bướm đêm đêm một thiếu nữ xiêm y bước ra nói với cụ có may mắn duyên kiếp mong được ở trọn đời.

Năm sau đúng ngày Vũ thủy cụ dặn con cháu ở nhà vẫn chăm cây hoa như còn sống, mười ngày thay gạo rang cho tráp đựng bướm một lần. Cụ

lại lên đỉnh Thạch Bàn lần nữa.

Từ ngày ấy, con cháu chờ đợi từ mùa này qua mùa nọ, năm này qua năm khác vẫn không thấy cụ về, đành lấy ngày cụ ra đi làm ngày giỗ. Tráp ướp xác bớm và cái cây khô thay bài vị thờ cụ và trở thành như một gia bảo thừa kế.

Tôi đã hỏi ông Trần Duy về cái truyện này. Ông nói rằng ông có vốn sống ở Tam Đảo trong kháng chiến chống Pháp, đã lên đỉnh Thạch Bàn, biết chuyện cụ Cử người thật ở vùng Canh Diễn. Chuyện thật mà hư ảo, hư ảo vì một cái chết cho vẻ đẹp của một loài hoa. Nó càng làm cho Tam Đảo huyền bí thêm cũng như giống hoa đỗ quyên ở đấy không thể nào nhân giống xuống vùng xuôi. Hoặc như chiếc bàn cờ tiên các nước cờ nhân thế phủ kín rêu dày ai tò mò gỡ đem về xuôi đều ốm chết.

Trở lại đoạn kết truyện Thần hoa, người cháu đời cuối cụ Cử tên là Thương đã đỗ kỹ sư nông nghiệp lên Thạch Bàn nghiên cứu bãi hoa đỗ quyên. Đàn bướm nguyên thủy tan tác vì bọn vợt bướm bán cho khách nước ngoài. Cũng bọn bắt bướm qua bãi Rùng Rình ngồi tránh rét đốt lửa sửa để cháy bãi rêu nghìn tuổi suốt mấy tuần. Việc thuần hóa giống đỗ quyên trên đỉnh Thạch Bàn của Thương và anh bạn chuyên gia người Nhật không thành vẫn là một bí ẩn.

Trong một chiều mưa mù mịt tại nhà sáng tác Tam Đảo tôi ngồi nhìn những vệt nước chảy trên vách kính y như những dòng nước mắt. Trên nền trời núi mênh mông ấy như ẩn hiện những dòng kết truyện của Trần Duy.

Nhiều lần sau đó Thương lại lên Thạch Bàn, anh ngồi bần thần, cái bần thần truyền kiếp. Cũng như người xưa anh tự thấy mình sai sót và đã lỡ hẹn với ai điều gì. Buồn bã, anh nhìn đàn bướm theo nắng chiều chập chờn rủ nhau bay xuống núi và thầm nghĩ: trong ấy ai là tổ phụ của mình?


Xung quanh số phận Tam Đảo hiện nay, chúng ta cần biết thông tin của báo chí:

Năm 2005, tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho Cty Viet Nam Parners LLC. Hoa Kỳ (Cty VP) lập ý tưởng quy hoạch cũng như thuê chuyên gia Mỹ thuộc Belt Collin Hawai Ltd phác thảo ý tưởng quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái tại 300 ha Rừng lùn trên tổng diện tích từ 500 đến 600 ha Khu Tam Đảo II. Để phục vụ cho ý tưỏng quy hoạch này, ngày 22/12/2006, tại TP Vĩnh Yên, một văn bản nghiệm thu đề tài: “Xác định cơ sở khoa học để đánh giá tác động môi trường phục vụ xây dựng khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo II”, được đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký kết với đại diện Trường Đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Đề tài khoa học được xây dựng trên cơ sở “hợp đồng có định hướng” này, là tiền đề quan trọng để lãnh đạo tỉnh triển khai các bước tiếp theo nhằm thu hút hàng trăm triệu USD cho một DA khách sạn, sòng bài, sân gôn và chuồng ngựa ngay trong vùng lõi của một VQG nổi tiếng.

Dự án Tam Đảo II thuộc địa phận huyện Tam Đảo, cách khu nghỉ mát Tam Đảo I đã có khoảng 15 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 80 km; ở độ cao 1.100 m đến 1.200 m so với mặt nước biển. Tổng vốn đầu tư cho khu nghỉ mát mới này được kêu gọi là hơn 200 triệu USD. Các nhà xây dựng Dự án Tam Đảo II có ý tưởng “nối mặt đất với thiên đường” , hay “Cầu nối trời và đất”. “Chiếc cầu” này là những con đường được mở dẫn lên Tam Đảo II. Đường chính (15 km, rộng từ 15 đến 25m.), dự kiến sẽ được mở theo tỉnh lộ 314 qua Tây Thiên, sau đó vòng qua hồ Hú Cóc, theo sườn núi phía Tây và Bắc để đến Tam Đảo II. Ngoài tuyến đường này, hàng loạt tuyến đường “men theo sườn núi bằng những đoạn ngoằn ngoèo cho đến khi đạt độ cao khoảng 1.000m của Tam Đảo II”, đường nối Tam Đảo I với Tam Đảo II và các con “đường mòn để ngắm cảnh” khác cũng sẽ được mở. Cùng với việc mở đường, một tuyến cáp treo từ Tam Đảo I đến Tam Đảo II và 3 phương án định hướng biến Tam Đảo II thành “thiên đường” cũng được Belt Collin Hawaii Ltd đưa ra. Cả 3 phương án đều tập trung và việc triển khai xây dựng các công trình như Villa, khách sạn, nhà nghỉ, sòng bài, chuồng ngựa…

Theo GS. TS Lê Trọng Cúc, Vĩnh Phúc không thể bằng mọi giá để thực hiện Dự án Tam Đảo II vì VQG Tam Đảo là tài sản Quốc gia. “Nhiều năm trước đây, nếu không có sự can thiệp kịp thời bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ, thì sẽ không thể có Khu bảo tồn sinh quyển sinh quyển Cần Giờ được cả thế giới biết đến”. Theo ý kiến của GS.TS, với tư cách chủ rừng, Bộ Nông nghiệp & PTNT cần phải thực hiện đúng vai trò đã được nhà nước giao.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học, hiện nay, cho rằngVĩnh Phúc đang là một địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư, chính vì thế lại càng phải bảo vệ vững chắc “mái nhà Tam Đảo” để các nhà đầu tư yên tâm. Đây cũng chính là sự kết hợp nhuần nhị giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Dù đã có nhiều ý kiến phản đối từ các nhà khoa học và dư luận nhưng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng trăm ha rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi VQG Tam Đảo. Ông Trần Ngọc Ái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên bố rằng: “Lúc đầu chúng tôi dự kiến chuyển đổi 300 ha nhưng nay hạ xuống 190 ha…”.

Ông Ái thêm: “…Nếu mình không quyết nhanh thì mất cơ hội. Quan điểm của chúng tôi là tiềm năng có mà cứ để tiềm năng đấy thì sẽ không giải quyết được cái gì. Ta lấy tiềm năng đó khai thác, sau đó lại bảo vệ tiếp!”.

Khi được hỏi về việc xây dựng khu du lịch ở Tam Đảo II sẽ làm mất đi tấm áo choàng VQG với thảm thực vật đặc hữu của vùng đất ướt, rừng lùn, ông Ái cho biết: “Nếu nó là tấm áo choàng thật thì cũng phải thay đi để choàng lên cái áo khác tốt hơn. Chúng tôi sẽ lấy nguồn thu từ du lịch để trồng lại rừng, sẽ cho trồng những cây quý hơn, ví dụ như Dó bầu chẳng hạn. Vài chục năm sau nó là nguồn vốn quý cho con cháu chúng ta. Nếu cháy rừng thì đã có sẵn đường sá, phương tiện kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy tốt hơn…”

Khu du lịch sinh thái 385 ha ở Vườn Quốc gia Tam Đảo sẽ khởi công đầu năm sau, hoàn thành 6 sau năm.

Thông tin này được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 đang được tham vấn ý kiến.

Dự án này có quy mô khoảng 385 ha tại phân khu dịch vụ hành chính Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, diện tích xây dựng trên đất trống hơn 30,2 ha.

Chủ đầu tư dự kiến khởi công dự án này quý I/2024 và xây dựng đến quý IV/2029. Từ quý I/2030, dự án khu du lịch sinh thái này sẽ được bàn giao và vận hành.

Các hạng mục công trình gồm khu Bến Tắm (ga đi) với diện tích 90,6 ha và khu Tam Đảo II (ga đến) gần 295 ha với tuyến cáp treo 17 trụ cáp. Tại khu Bến Tắm, chủ đầu tư dự kiến xây dựng công trình nghỉ dưỡng và khách sạn hơn 11,6 ha. Tại khu Tam Đảo II, công trình nghỉ dưỡng khoảng 37 ha, khách sạn nghỉ dưỡng khoảng 13,4 ha. Ngoài ra, khu vực này còn có trung tâm bảo tồn và giáo dục đa dạng sinh học, công viên rừng, khu chăm sóc sức khỏe trị liệu, khu du lịch sinh thái.

Theo quy hoạch, tầng cao xây dựng tối đa toàn khu vực là 3 tầng, chiều cao công trình nghỉ dưỡng dưới 12 m. Sau khi hoàn thành, dự án này có thể cung cấp hơn 3.400 phòng lưu trú tại cả hai khu vực, trong đó gồm hơn 2.300 phòng khách sạn, hơn 1.000 công trình nghỉ dưỡng loại 1 và thương mại.


Cuối cùng, cuộc đấu tranh bảo vệ Tam Đảo đã thất bại. Thế lực đồng tiền tàn bạo đã thắng thế. Tỉnh Vĩnh Phúc, được sự hỗ trợ của một thế lực trong chính phủ vẫn bất chấp tất cả, duyệt phá lõi rừng nguyên sinh xây Tam Đảo II. Rất nhiều sự việc, sự cố nghiêm trọng đã xảy ra làm cho dư luận bớt chú ý đến thời sự của Tam Đảo. Rừng đã chết và các resot, cáp treo, sòng bạc đã hình thành.


Không biết có còn ai khóc cho Tam Đảo, cho những hoài niệm trong trang văn của Mai Thảo, của Trần Duy ngày nào.

2014

Tháng 4-2024