Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN CÔNG

Thái Kế Toại
Thứ ba ngày 11 tháng 6 năm 2024 9:53 AM



Đạo diến Đặng Nhật Minh là người viết và đọc điếu văn cho đạo diễn Trần Công. Ông viết:

Đạo diễn Trần Công sinh tháng 9/1928 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong một gia đình tiểu tư sản công chức. Từ nhỏ ông đã theo cha là nhà giáo học Trần Hậu Vị học tại các trường lớn ở các thành phố Vinh, Nha Trang, Sài Gòn nơi cụ Đốc Vị giảng dậy.

Ở cấp trung học, ông học giỏi và cùng lúc tốt nghiệp cả 2 ban: Cổ điển đông phương và Cổ điển tây phương. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Ý, Trung, Nhật…

Trước năm 1945, khi 16 tuổi ông đã thoát ly theo cách mạng. Tháng 8 năm 1945, khi mới 17 tuổi, ông đã là Bí thư BCH thanh niên cứu quốc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Uỷ viên BCH thanh niên cứu quốc Hà Tĩnh.

Tháng 11/1945, ông tham gia đội biệt động đường số 8 của quân đội nhân dân Việt Nam và được đảm nhiệm các chức vụ Trung đội trưởng, rồi Đại đội trưởng.

Năm 1948, ông được cử đi học tại trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.

Năm 1950, ông được phân công về Cục Tuyên huấn Bộ Tổng tham mưu lần lượt trải qua các vị trí công tác như phái viên tác huấn, dạy lớp sinh ngữ trường sỹ quan lục quân, Đoàn trưởng đoàn quay phim điện ảnh Quân đội.

Ngay sau thời gian này, các thực hành của ông đã đóng góp vào việc chuẩn bị tạo đà cho ngành điện ảnh Việt Nam trước khi có những phim truyện đầu tiên, như các tiểu phẩm phim của đạo diễn Phạm Kỳ Nam và ông, cụ thể là tiểu phẩm phim “Cô lái đò bến Chanh” (đạo diễn Trần Công, quay phim Khương Mễ, diễn diên Phi Nga, Huy Công, Khang Hy, Cam Ly). Ông cùng Phạm Kỳ Nam tham gía tuyển chọn để mở lớp diễn viên đầu tiên của điện ảnh. Cùng Mai Lộc và Khương Mễ đi chọn ngoại cảnh cho bộ phim truyện đầu tiên "Biển động".

Tháng 1/1956, ông Trần Công chính thức về công tác tại Xưởng phim Thời sự Tài liệu (nay là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) với công việc biên tập và đạo diễn phim.

Cũng năm 1956 ông tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, có các bài viết về tự do biểu đạt, đóng góp ý kiến cho sự phát triển một nền văn hoá nghệ thuật lành mạnh và tiên tiến trên báo Nhân Văn, cùng các tác phẩm văn và thơ trên tạp chí Giai Phẩm và một số báo chí cùng thời.


Năm 1959, ông được điều chuyển làm cán bộ phòng quản lý sáng tác của Cục Điện ảnh, kiêm phụ trách chương trình giới thiệu phim đặc biệt cho cán bộ trung cao cấp.

Năm 1977 ông đi biệt phái tại Saigon làm việc tại các xưởng Alpha Phim và xưởng phim Giải phóng.

Năm 1979 ông mới trở lại công tác tại Hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương và làm cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1988.

Đạo diễn Trần Công là lão thành của điện ảnh cách mạng Việt Nam, là thế hệ đầu tiên của Xưởng phim Thời sự Tài liệu,

Với những cống hiến của mình, đạo diễn Trần Công đã được các cơ quan nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp điện ảnh

Ngoài công việc sáng tác điện ảnh, ông đã dịch một số sách văn học và chuyên ngành như “Viêt dưới giá treo cổ” của nhà văn tiệp khắc Yuliut Fucik và được giải thưởng dịch thuật của khối các nước XHCN, Cuốn chuyên ngành về vua hề Sác-lô “Charlie Chaplin”, các tài liệu liên quan đến Sergei Eisenstain, Constantin Stanislavski và nhiều tài liệu chuyên ngành điện ảnh khác…

Như những người cùng thời, ông có một cuộc đời vất vả đầy biến động. Ông Trần Công đã là một chiến sĩ năng nổ với nhiều thành tích trong quân đội thời chống Pháp. Luôn thẳng thắn trung thực trong vai trò của người hoạt động trong ngành văn hoá nghệ thuật thời chống Mỹ cho đến sau này. Là người cha vượt qua những khó khăn của thời cuộc để nuôi dậy các con trưởng thành.


Trần Công tham gia Nhân Văn Giai Phẩm trên hai lĩnh vực văn học và điện ảnh.

Lĩnh vực nào ông cũng có nhiều ý kiến phát biểu mạnh mẽ và sâu sắc ở khía cạnh vĩ mô của đường lối lãnh đạo và quản lí văn nghệ.

Trước hết, cùng với những người bạn cấp tiến như Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Trúc Lâm…ông nhìn thấy rõ tình trạng bất cập công tác văn hóa, văn nghệ của quân đội khi chuyển sang thời bình.

Trong bài Mấy ý kiến về vấn đề lãnh đạo của Phòng Văn nghệ Quân đội ở báo Văn Nghệ, Hà Nội, số 136 (30.8.1956) ông viết:

Tờ báo Văn nghệ Quân đội suốt năm hô hào viết về chỉnh huấn nhưng cho đến bao giờ các nhà văn quân đội sẽ ra được một tác phẩm văn học về chỉnh huấn? Tôi cho đó là một ảo tưởng. Đây tôi không chủ trương nói sâu về hướng viết, cách viết mà tôi chỉ nói qua thế để đặt vị trí và lối nhìn (tất nhiên là theo con mắt riêng của tôi) cho những người lãnh đạo Phòng Văn nghệ Quân đội. Theo ý tôi thì một số cán bộ lãnh đạo vì đã chủ trương có một thứ văn nghệ riêng biệt nên đã có những hành động độc đoán, không đếm xỉa tới nguyện vọng và nhân phẩm của những anh em văn nghệ sĩ công tác trong quân đội. Người văn nghệ sĩ bị gò bó vào điều lệnh, mỗi tuần chỉ được ra khỏi cổng trại ngày chủ nhật, sự đi lại tiếp xúc với nhân dân rất bị trói buộc. Nếu đi công tác thì phải xuống sinh hoạt với đơn vị để viết về điều lệnh, về thao trường. Còn cái khung hậu chính của cuộc đời là nhân dân, cái hồn chính của cuộc đời là con người, con người biết yêu biết giận thì không được có thời gian và luật lệ để hiểu. Dù là tiền phong đến thế nào chăng nữa, dù là bộ đội chính quy đến thế nào chăng nữa thì anh bộ đội cũng chỉ là con người, là nhân dân, giận giặc Pháp thì anh liều thân đánh giặc, nhưng là người thanh niên anh cần yêu, là người có con tim anh biết nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê. Thế mà thứ văn nghệ tiền phong đó đã tạc anh nên một thứ tượng gỗ, tay cầm súng mắt mở to, chỉ hùng hục ngoài thao trường với lại lo cảnh giác đề phòng địch. Hoàn cảnh trong kháng chiến mở cho anh bộ đội một địa bàn hoạt động rộng lớn, sống cùng nhân dân nên cảm tình anh ít bị khô khan dù cho các nhà văn ta ít phản ánh được việc đó cho anh đọc. Hai năm gần đây bộ đội đóng trong trại, tập tành ngày đêm ít gần dân, tôi tưởng nhiệm vụ nhà văn là phải viết nhiều về con người bộ đội để giúp anh học tập chỉnh huấn chứ không phải thuật lại cảnh anh bộ đội chỉnh huấn để giúp anh chỉnh huấn. Cho nên dù là nhà văn quân đội (nói là trong quân đội thì đúng hơn) đi nữa thì khi viết cũng phải có một tấm phông cho tác phẩm của mình, tấm phông đó là nhân dân, trên đó hoạt động của con người bộ đội, đời tư của anh và đời công của anh. Trong truyện Cố hương, Lỗ Tấn phàn nàn về đời thơ ấu của mình bị bó hẹp trong bốn bức tường của lớp học khi so sánh mình với Nhuận Thổ. Ở Phòng văn nghệ Quân đội có một số nhà văn làm công tác nắm chính quyền ngồi vỏn vẹn trong buồng giấy và suy nghĩ về cách viết phục vụ bộ đội. Tôi tưởng rằng chữ phục vụ các anh đó dùng mà không thấy là mỉa mai, vì bản thân đã tự đóng khung óc mình vào bốn mảnh tường thì nhất định là họ bắt anh bộ đội phải nhai những tư tưởng lạc hậu, cũ rích của họ. Người bộ đội ta giầu tình cảm. Đó là căn bản để anh quên mình giữ nước. Sao lại có một số người bán thuốc giả cho anh em uống.

Nói thế này chắc lại có anh sẽ bảo là nói quá, chứ bây giờ thay đổi rồi. Tôi đồng ý có một số hình thức đã thay đổi rồi. Tôi đồng ý có một số hình thức đã thay đổi nhưng kỳ thực thì chưa có gì thay đổi về căn bản, mà cũng chưa đáng goi là cải lương (!) nữa. Sau khi Tú Nam đi Trung Quốc gặp Ngụy Nguy về có một vài điểm đề ra gọi là chính sách văn nghệ. Ví dụ như nhà văn quân đội được tự do đi lại hơn, có thể đi sáng tác một thời gian nào đó, nhưng kỳ thực đó chỉ là một lối làm theo chủ quan một vài cá nhân. Thực tế thì như thế nào? Thực tế thì các nhà văn, các nhà nhạc quân đội cũng "giống như tuyên huấn, như chính trị, người ta cũng phải suy nghĩ sáng tạo, sao người ta đúng giờ hành chính lên ngồi bàn giấy để làm việc mà các anh văn nghệ lại đòi ở riêng" (lời một người trực tiếp chỉ đạo văn nghệ quân đội). Thế tức là ở Phòng Văn nghệ Quân đội hiện nay, mỗi buồng có một số bàn ghế phân phối theo điều lệnh, đến giờ hành chính, các nhà văn lên ngồi đó sáng tác, hết giờ về phòng ngủ. Những người lãnh đạo sao không chịu suy nghĩ, tại sao lại có anh em quay mặt vào tường để sáng tác? Thực tế thì như thế nào? Thực tế thì trong bài nhận định về phong trào văn nghệ 6 tháng đầu năm đăng trên báo Văn nghệ Quân đội số gần đây, tình hình văn nghệ quân đội đã có gì đổi mới chưa hay vẫn là thế, vẫn là "nặng về chỉnh huấn, nhẹ về con người", "cần đi sâu đi sát hơn nữa". Thực tế là một nhà văn như Hồ Phương, vẫn thắc mắc lo lắng một cách đáng thương về những điểm rất nguyên tắc: "Chúng ta cần bàn bạc với nhau (trong cuộc kiểm điểm 6 tháng chưa bàn bạc đến sao?) làm thế nào để thể hiện được con người bộ đội cho sinh động và trung thực…", "Ta phải đi sâu vào những mơ ước, hy vọng của người chiến sĩ: tương lai, gia đình, tình yêu… công tác!...", "Ta cần nêu lên những cái hy sinh cao đẹp của người chiến sĩ, trong hòa bình không phải là họ đã hết gian khổ về vật chất và tình cảm" (trích bài “Viết về bộ đội” của Hồ Phương, báo Văn nghệ số 135). Sự thực thì cho đến nay trong tâm hồn con người đó vẫn như vướng mắc một cái gì chưa nói ra được và vì thế nên anh vẫn chưa viết nổi một tác phẩm nào thành hình.

Theo ý tôi thì những điểm nêu trên đây là cả những vương vất u ám hai năm nay trong Phòng Văn nghệ Quân đội. Nhưng cũng ở trong đó đã nẩy mầm lên những cái gì gọi là mới của văn nghệ nước ta. Từ cuối 1954, do hoàn cảnh thay đổi trên đường lối đấu tranh chính trị của nước nhà, nhiều anh em văn nghệ quân đội đã có một số kiến nghị mong xây dựng nên một chính sách văn nghệ toàn mỹ. Cụ thể có mấy điểm:

Đề nghị:

1)Văn nghệ và chính trị: đề nghị xét lại cương vị người chính trị viên trong các đơn vị văn nghệ, thường choán hết mọi quyền chuyên môn. Giả lại cho người văn nghệ những cái gì của họ để họ phát huy được triệt để khả năng phục vụ.

2) Phát huy mọi hướng sáng tác: đi đến cùng vẫn là phục vụ bộ đội. Chủ trương trăm hoa đua nở (từ đầu 1955 chúng tôi đã dùng danh từ này) cụ thể là tự do sáng tác. Người văn nghệ trong quân đội không chỉ viết về bộ đội mà có thể viết về công nhân, nông dân, nhưng để có tính chất riêng của nó, phải đứng trên quan điểm một người bộ đội để viết phục vụ bộ đội.

3) Yêu cầu cải tiến một số chế độ: như về học tập chính trị không nên căn cứ vào cấp bậc để định mức học. Vì thế thì có người như Văn Giáo, Phùng Quán chỉ là chiến sĩ cấp trung đội không được đi dự những lớp học trung cấp, rất thiệt cho sáng tác. Về điều kiện ăn ở, vì người văn nghệ không thể đến giờ hành chính buộc họ phải sáng tác, hết giờ về nghỉ được.

Do lối nhìn thiển cận, thiếu quan điểm quần chúng, không rõ được đường lối văn nghệ cần thiết phù hợp với hiện trạng nước nhà, nên một số các người lãnh đạo văn nghệ và một số văn nghệ sĩ chuyên môn làm công tác lãnh đạo đã lúng túng trước những yêu cầu đó. Rồi không đủ khả năng giải quyết đã đi tới chỗ cho anh em đó là "hòa bình hưởng lạc", "bị tư sản tấn công", "đòi thoát ly chính trị", "vô chính phủ". Từ chỗ nhận định đó để bước vào bè phái chủ nghĩa, đàn áp ý kiến của những người không nghe mình, là một con đường rất gần. Hai năm nay trên con đường đó đã xảy ra nhiều việc không tốt mà tôi chưa tiện kể lại đây.

Trần Công đề cập những vấn đề lớn của văn nghệ miền Bắc với bài Chống bè phái trong văn nghệ:

“Những người viết Giai phẩm mùa Xuân có phải là một bè phái không?

Trong đợt học tập lý luận vừa rồi, anh em có phê bình nhiều điểm về chính sách, về lãnh đạo, nổi bật nhất là vấn đề bè phái trong lãnh đạo. Vậy bộ phận lãnh đạo có bè phái không?

Không khí văn nghệ chưa bao giờ sóng gió như bây giờ? Anh em năm người, ba người thảo luận sôi nổi phản đối những sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo văn nghệ.

Một số cán bộ lãnh đạo sốt ruột lẩm bẩm: “Các anh phê bình lãnh đạo chúng tôi bè phái, thì chính các anh đang túm năm, tụm ba bè phái đấy, còn nói gì ai nữa?”.

Vậy anh em văn nghệ sĩ có bè phái không?
Vì thế không nên lẫn lộn bè phái với các nhóm các trường, phái văn nghệ.

Ông cũng đặt câu hỏi và giải đáp:

Vụ phê bình Việt Bắc
Vụ Giai phẩm mùa Xuân
Rồi đến vụ Giải thưởng Văn học 54-55 có phải là hoạt động bè phái không.

Anh em không cầu mong gì hơn một thái độ thành khẩn của những người lãnh đạo văn nghệ, để sẵn sàng cùng nhau xây dựng một nền văn nghệ phong phú cho dân tộc. Cơn sóng gió hiện nay có yên đi thì mới nói chuyện sáng tác và tiến hành chuẩn bị Đại hội tốt được. Nhưng muốn được thế, những người lãnh đạo văn nghệ phải có thái độ rõ rệt hơn, đừng úp mở nữa; bè phái phải giải thể đi, thì mới tạo nên điều kiện tốt cho Trung ương gần gũi văn nghệ sĩ hơn để lãnh đạo họ bằng một đường lối sát đúng và một chính sách cụ thể”.


Cùng với Trần Thịnh ông viết tiếp bài
Đã tiến thêm được một bước, cần tiến thêm bước nữa

Hai ông đề nghị:
1. Xét lại vụ Giai phẩm mùa Xuân

2. Xét lại vụ Giải thưởng Văn học 1954-1955

3. Mở rộng tự do và dân chủ, công bố và áp dụng ngay những nguyên tắc cơ bản của đường lối “trăm hoa đua nở”

4. Chấp nhận và thực hiện bốn đề nghị kết thúc bản tham luận của Tổ văn II (do Nguyễn Hữu Đang đọc) hôm tổng kết (26-08-56) đã được tuyệt đại đa số tán thành, gồm có:

- Anh chị em được học tập nữa, hướng vào yêu cầu của Đại hội và sửa đổi đường lối và chấn chỉnh tổ chức.

- Anh chị em được gặp Trung ương Đảng với mục đích trực tiếp phản ánh tình hình phong trào và hiểu rõ chủ trương của Đảng để căn cứ vào đó mà tiến hành kiểm điểm những việc cũ và chuẩn bị những việc mới.

- Bổ sung vào Thường trực Ban trù bị Đại hội một số đại biểu do anh chị em bầu ra. (Số đại biểu này phải đông hơn số người được chỉ định trước), đồng thời nếu trong Ban Trù bị có những người bị anh em chỉ trích nhiều thì cũng phải rút lui.

- Trong thời gian chuẩn bị Đại hội, Thường vụ Hội cùng với Thường trực Ban trù bị (đã được bổ sung) tích cực giúp đỡ cho việc anh chị em ra thêm báo được dễ dàng và Nhà Xuất bản Văn nghệ dành ưu tiên cho những tài liệu của anh chị em viết bàn về lý luận hay tổ chức văn nghệ.

Sau một tháng trời im lặng một cách nặng nề, gần đây chúng ta đã thấy Thường vụ Hội làm bốn việc:

- Anh Hoài Thanh đã tự phê bình bằng một cuộc nói chuyện và một bài báo về những sai lầm nghiêm trọng trong vụ Giai phẩm mùa Xuân.

- Anh Nguyễn Tuân đã viết một bài báo nhận những thiếu sót trong việc chấm giải văn học 1954-1955 mà anh phụ trách.

- Anh Nguyễn Đình Thi đã viết một bài báo nêu những khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ nói chung.

- Thường vụ Hội ra một thông cáo công nhận những sự việc chính đã nêu ra trong ba bài báo nói trên. Ngoài ra, bản thông báo nói rõ: “Ban Thường vụ còn tiếp tục kiểm điểm và tích cực sửa chữa”, “Ban Thường vụ đã đề đạt những ý kiến và đề nghị của anh chị em lên Chính phủ” và “Ban Thường vụ đã đề nghị Ban Trù bị Đại hội bổ sung thêm một số đại biểu”.

Bốn việc này đã giải quyết được gì?

Công bằng mà nói, những sự kiện đó đã là một cố gắng làm dịu đôi chút tình hình sóng gió hiện nay của ngành văn nghệ và làm cho những quan điểm nhiều chỗ đối lập giữa bộ phận lãnh đạo và anh em nhích lại gần nhau hơn.

Chúng tôi thành thật hoan nghênh kết quả đó và mong rằng những cố gắng như thế sẽ được tiếp tục và đẩy mạnh để phong trào chóng thoát ra khỏi cơn khủng hoảng.

Nhưng một mặt khác, phân tích kỹ bốn sự việc trên, ta thấy một số ý định mới tương đối tiến bộ của Thường vụ Hội vẫn còn bị nhiều yếu tố bảo thủ kìm hãm lại.

Anh Hoài Thanh tự phê bình chưa thành khẩn, nghiêm chỉnh; ý kiến của hai bạn Hữu Tâm và Thanh Bình trình bày trong số báo này sẽ vạch rõ.

Anh Nguyễn Tuân nhận xét công việc chấm giải văn học 1954-1955 một cách đứng đắn hơn, gây cho anh chị em văn nghệ một ấn tượng tốt về thái độ của một người có trách nhiệm với phong trào, tôn trọng dư luận quần chúng và thật tâm muốn đi đến giải quyết hợp lý. Tuy vậy anh cũng chưa nói được toàn bộ sự thật.

Anh Nguyễn Đình Thi kiểm điểm “một vài sai lầm khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ”, nhận “sự lãnh đạo của Hội và các đồng chí chỉ đạo ở Hội có nhiều khuyết điểm” và nêu ra ba cái dở cần chú ý là:

- Non kém trầm trọng về lý luận;


- Thủ công nghiệp, du kích, tuỳ tiện;

- Hẹp hòi, độc đoán cá nhân, thiếu dân chủ và tập thể.

Nhưng anh Thi lại chối cãi tinh thần bè phái, cho rằng chỉ có nể nang, xuê xoa và nếu có bè phái thật thì chỉ là cá biệt mà thôi. Hơn nữa, để cắt nghĩa tình trạng bị kìm hãm và những tệ hại hiện nay trong ngành văn nghệ, anh đổ gần hết cho khách quan: nào là “chúng ta vướng mắc với bản thân chúng ta khá nhiều”, nào là “những bệnh ấu trĩ của một nền văn nghệ vừa mới thoát thai từ một chế độ thực dân và phong kiến”... Còn phần chủ quan? Anh Thi đắn đo, dè dặt nói:

“Có thể là trong lãnh đạo có những sai lầm, khuyết điểm kéo dài”.

Rồi anh xoá nhoà luôn cái điều mà anh cho là chưa chắc (!) đó bằng cách gài nó vào một hiện tượng quá phổ biến ở nước ta đến nỗi không còn biết nên coi là lý do chủ quan hay khách quan:

“Những sai lầm đó có nhiều quan hệ đến tư tưởng sùng bái cá nhân”.
Chúng ta lấy làm lạ sao anh Thi lại nói như một người ở ngoài bộ phận lãnh đạo, như chính mình không chịu trách nhiệm gì về những sai lầm khuyết điểm kia. Và chúng ta lấy làm tiếc rằng bài kiểm điểm của anh nêu ra nhiều vấn đề, đều đáng chú ý cả, nhưng không làm nổi bật lên được cái then chốt. Với một thái độ mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn, anh sẽ có thể thống nhất nhận định với anh em để cùng tìm một giải pháp.
Còn bản thông cáo của Thường vụ Hội, nhờ có tính chất tập thể nên mặc dầu vẫn còn nói chưa bằng lòng đối với vài trường hợp chỉ trích mạnh (gọi là đả kích), cũng đã tỏ rõ một thái độ thật thà tiếp thu phê bình và sẵn sàng hợp tác với anh chị em để sửa chữa. Song chúng ta không thể nào đồng ý với bản thông cáo ở chỗ nó, chỉ nêu nguyên nhân là phương pháp sai, tác phong xấu mà bỏ quên hẳn tư tưởng và động cơ.
Tất cả những điều chưa thoả đáng nói trên biểu hiện sự rụt rè của lãnh đạo, một sự rụt rè rất không hợp thời. Quần chúng mong đợi một thay đổi lớn chứ không muốn chứng kiến một cuộc vá víu.

Và trên tình thân đó, anh chị em văn nghệ rất phấn khởi đón tin Trung ương Đảng sẽ gặp đoàn đại biểu của anh chị em trong một cuộc toạ đàm sắp tới.
Để gần nhau, chúng ta đã tiến được một bước đầu. Chúng ta sẽ cố gắng tiến thêm bước nữa.

(Báo Nhân Văn số 3)

Trần Công còn có hai bài thơ trên Giai Phẩm.

Bài Một vài ý nghĩ trên Giai Phẩm Mùa Thu tập II. Trích :


Tôi bước ra đường

lại ngồi cạnh một em bán báo

báo lèo tèo cùng một khuôn

giống nhau như một hàng quân phục

có tờ số xuất bản ra

không cao bằng số bao thuốc lá

bán ở một hàng Bờ Hồ

trong những tờ báo Đảng

các anh quên mất phần con người

thỉnh thoảng còn sống sượng

xếp nên những dòng chính sách trên giấy


Bài Nói chuyện với em bé trên Giai Phẩm Mùa Đông tập I. Trích:


Ngửi thấy mùi giấy

tôi say như thèm hơi thở

trên ngực người yêu

nhưng lật đống giấy

lại thấy quảng cáo hoá đơn của mậu dịch

còn nhiều hơn tiểu thuyết


Tôi bước ra đường

lại ngồi cạnh một em bán báo

báo lèo tèo cùng một khuôn

giống nhau như một hàng quân phục

có tờ số xuất bản ra

không cao bằng số bao thuốc lá

bán ở một hàng Bờ Hồ

trong những tờ báo Đảng

các anh quên mất phần con người

thỉnh thoảng còn sống sượng

xếp nên những dòng chính sách trên giấy


Trần Công là một trong những người đầu tiên xây dựng Điện ảnh quân đội. Ngay sau hòa bình tại Phòng Văn nghệ quân đội ông đã được giao Trưởng đoàn quay phim điện ảnh quân đội. Đây là tổ chức phôi thai đâu tiên của Điện ảnh quân đội và đã tiến hành quay phim các địa điểm tập kết của chiến sỹ, đồng bào miền Nam ở Nam Trung Bộ. Từ tháng 1-1956 Trần Công phải chuyển ra khỏi quân đội về Xưởng phim Tài liệu thời sự.

Trong điếu văn của Đạo diễn Đặng Nhật Minh có đoạn:

Ngay sau thời gian này, các thực hành của ông đã đóng góp vào việc chuẩn bị tạo đà cho ngành điện ảnh Việt Nam trước khi có những phim truyện đầu tiên, như các tiểu phẩm phim của đạo diễn Phạm Kỳ Nam và ông, cụ thể là tiểu phẩm phim “Cô lái đò bến Chanh” (đạo diễn Trần Công, quay phim Khương Mễ, diễn diên Phi Nga, Huy Công, Khang Hy, Cam Ly). Ông cùng Phạm Kỳ Nam tham gía tuyển chọn để mở lớp diễn viên đầu tiên của điện ảnh. Cùng Mai Lộc và Khương Mễ đi chọn ngoại cảnh cho bộ phim truyện đầu tiên "Biển động".

Tiếc rằng vì lý do những vấn đề tư tưởng bộ phim Biển động đã bị đắp chiếu cho đến ngày hôm nay.

Trong bối cảnh nền điện ảnh non trẻ, bắt đầu hình thành các tổ chức nghề nghiệp. Còn có những cán bộ, lề thói quản lý còn rất bảo thủ. Nghành điện ảnh còn chưa có báo chuyên ngành và hội nghề nghiệp. Trần Công tích cực tham gia thành lập báo Sáng Tạo tờ báo điện ảnh đầu tiên của miền Bắc và Ban vận động thành lập tổ chức HĐAVN.

Báo Sáng Tạo số 1 ra ngày 5-11-1956, mỗi tháng hai kỳ, là Báo Điện ảnh Sân khấu của nhóm Sáng Tạo. Báo quán 4 Ngõ Bà Triệu.

Ban Biên tập: Hoàng Tích Linh, Trần Công, Cao Nhị, Thanh Châu, Nắng Mai Hồng, Trúc Lâm, Phan Vũ, Phan Tại, Nguyễn Đình Phúc, Sỹ Ngọc, Kỳ Nam, Trung Sơn, Vũ Phạm Từ, Anh Tâm, Lửa Mới, Nguyễn Sáng.

Chủ nhiệm: Trần Thịnh. Thư ký tòa soạn: Cao Nhị. Quản trị: Trần Quang Quế. In tại nhà in Lê Cường Hà Nội.

Trong xã luận số đầu tiên Ban Biên tập tuyên ngôn:

“Nhìn lại con đường văn nghệ đã qua trong chin năm kháng chiến và hai năm hòa bình chúng ta đã cos gắng đóng góp được khá nhiều để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên còn vấp váp nhiều trên đường lối tư tưởng cũng như phương pháp thể hiện. Riêng về hai ngành sân khầu và điện ảnh thì còn yếu ớt, chưa thỏa đáp được bao nhiêu cho nhu cầu của nhân dân quần chúng. Hưởng ứng tinh thần Đại hội Đảng Cộng sản Liên – xô lần thứ 20, hưởng ứng chính sách Trăm hoa đua nở và nhất là Nghị quyết lần thứ 10 vằ rồi của Đảng Lao động Việt nam, nhóm Sáng Tạo chúng tôi, một nhóm những người nghệ sỹ sân khấu điện ảnh, cho ra tờ báo Sáng tạo.

… Mục đích của nó cũng như mục đích của nhóm, là tạo mọi phương tiện khả năng để phát triển kịch nói, để góp phần xây dựng một nền điện ảnh tương lai cho nước nhà… Sáng tạo theo đường lối văn học Mác – Lê- nin, cụ thể là theo đường lối lãnh đạo của Đảng Lao động Việt nam.”

Trần Công viết Tiến tới thành lập Hội những người công tác nghệ thuật điện ảnh trên báo Sáng Tạo số I. Tinh thần nhìn thẳng vào sự thực của ông bị Trần Duy Hinh lên án:

Dưới đầu đề ‘Tiến tới thành lập Hội những người công tác điện ảnh’ (báo Sáng tạo số 1, ra ngày 5/11/1956), Trần Công đòi “xét lại tổ chức hiện tại đang lãnh đạo công tác làm phim”. Hắn chê bai những “người lãnh đạo”: nào là “quan niệm không đúng về văn nghệ và chính trị”, nào là “dùng mệnh lệnh bắt văn nghệ sĩ hành chính hóa cuộc sống, bắt họ đẻ non đẻ vội cho phục vụ kịp thời”. Hắn kêu la, cào mặt ăn vạ: “Tự do sáng tác bị ngăn trở, tự do dân chủ, tự do tư tưởng của người nghệ sĩ làm phim bị vi phạm nặng nề, sức sáng tác bị kìm hãm nặng nề”, v.v… Hắn kết luận trắng trợn: “Đã đến lúc phải xét lại toàn bộ vấn đề… phải định rõ vị trí và quyền hạn của Xưởng phim Việt Nam… Do những tệ lậu, những sai lầm nghiêm trọng của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh mà phải nhận định rằng tổ chức điện ảnh hiện nay không còn hợp lý nữa!”


Trong bài gọi là ‘‘Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh’ của chủ nhiệm báo Điện ảnh Trần Đức Hinh có những đoạn đáng lưu ý tấn công vào các đồng chí của Trần Công như sau:

“– Nửa tháng ‘Liên hoan phim Liên Xô’ khai mạc ngày 1/11/56, thì đúng ngày 5/11/56, Giai phẩm mùa thu tập III xuất bản, trong đó có đăng bài ‘Chúng ta gắng nuôi con’, hoạt cảnh của Chu Ngọc, đả kích không tiếc lời vào phim Liên Xô. Cùng ngày 5/11/56, báo Sáng tạo ra số đầu, đã lộ ngay ý định xấu đối với phim Liên Xô.

Ngày 20/11/56, báo Nhân văn số 5 lại đăng bài ‘Mấy bộ phim dở’ của Cao Nhị. Cùng ngày ấy, báo Sáng tạo ra số 2, càng đả kích sống sượng hơn nữa vào các phim Liên Xô đang chiếu. Có phải đó chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên không? Đến nay trắng đen đã rõ: Trần Thịnh, người bỏ tiền ra làm báo Sáng tạo và là chủ nhiệm tờ báo đó, cũng chính là một người hùn nhiều vốn, một phần tử tích cực của báo Nhân văn.

Trong lời phi lộ, báo Sáng tạo đã tự nhận là cơ quan ngôn luận của “nhóm Sáng tạo”. Mà “nhóm Sáng tạo” thì lại gồm những mặt không xa lạ gì: Phan Tại, Trần Thịnh, Trần Công, Chu Ngọc, Phan Vũ, v.v… Và chính những người viết báo Sáng tạo, đến nay, đều phải thừa nhận Sáng tạo thực chất là một chi nhánh của Nhân văn, Giai phẩm.

– … Trước hết một luận điệu chung của họ là xuyên tạc và khoét sâu những khuyết điểm mà các nhà điện ảnh Liên Xô đã tự phê bình. Luận điệu này rất rõ nét trong bài ‘Góp thêm ý kiến với đồng chí Ni-cô-lai’ của Kỳ Nam. Kỳ Nam không hề nhắc tới những thành tựu của nền điện ảnh Liên Xô mà đồng chí Ni-cô-lai (đại biểu công ty xuất khẩu phim Liên Xô ở Việt Nam) đã trình bày. Trái lại, Kỳ Nam cố tình móc ra những khuyết điểm của phim Liên Xô xuyên tạc thổi phồng lên để gây một ấn tượng rất xấu đối với phim Liên Xô.

Như để dẫn chứng thêm cho Kỳ Nam, Cao Nhị đã đả kích một cách hằn học vào một số phim đang chiếu trong ‘Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô’ nhất là vào phim Ngai vàng sụp đổ (được chọn chiếu trong lễ khai mạc). Theo Cao Nhị thì bộ phim khai mạc ấy tồi đến nỗi xem xong, đầu óc người ta “mờ mịt hẳn đi”, “cái đầu quên, mà thực cả tấm lòng lưu luyến, vấn vương với người trong phim cũng không có nữa”.

Mỉa mai và độc địa hơn, trong mục ‘điểm phim’ (Sáng tạo số 2), Kỳ Nam đã nêu những dòng ‘tít’ như sau: “Câu chuyện bỏ dở, câu chuyện nên bỏ vì dở; Họ là những người đầu tiên, không phải phim đầu tiên trong loại này’ (ý nói bộ phim chỉ là do những mẩu góp nhặt ở các phim khác chắp nối lại). Đây là một hành động nhỏ nhen và khiêu khích, vì đạo diễn bộ phim Họ là những người đầu tiên chính là đồng chí Ê-gô-rốp (lúc đó đang có mặt trong đoàn văn hóa Liên Xô sang thăm Việt Nam).

Hơn thế nữa, Trần Thịnh, Trần Công và một số nhân viên tòa soạn báo Sáng tạo còn tổ chức phỏng vấn đồng chí Ê-gô-rốp với dã tâm định dồn đồng chí vào thế bí bằng những câu hỏi hóc hiểm về những khuyết điểm của phim Liên Xô. Họ lại gay go với đồng chí Ê-gô-rốp trong một cuộc họp mặt ở xưởng phim. Rõ ràng là nọc độc của chủ nghĩa dân tộc tư sản hẹp hòi đã làm một số người trong tòa soạn báo Sáng tạo lúc ấy đả kích một cách lồng lộn, mù quáng vào phim Liên Xô và những người đại diện của điện ảnh Liên Xô.

Nọc độc của chủ nghĩa dân tộc tư sản cũng lộ liễu cả trong bài ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’ (của Vũ Phạm Từ, Sáng tạo số 2).

Song song với việc dè bỉu, bôi nhọ phim Liên Xô là sự ‘lo lắng thái quá’ cho giá trị phim của các nước tư sản. Họ lo rằng, chúng ta đối với phim tư sản, vì ‘không ưa’ cho nên ‘dưa hóa ròi’. Họ khó chịu khi chúng ta đặt phim Ô-ten-lô của Y-ut-kê-vich (Liên Xô) trên phim Ô-ten-lô của Oóc-xơn Oen-xơ (Mỹ) mặc dù điều này cũng đã được các nhà điện ảnh thế giới xác nhận (cũng trong bài ‘Có hiện tượng sùng bái phim Liên Xô không?’). Phan Vũ (trong Nhân văn số 2) và Chu Ngọc (trong Giai phẩm mùa thu tập 3) đều thi nhau tán tụng phim Anh gắng nuôi con (của Nhật) tới mức lố bịch. Điều này cũng không có gì lạ, nếu chúng ta biết cuối năm 1956, đi đôi với nhiều cuộc tấn công về các mặt khác, nhiều nhóm tư sản đang đấu tranh đòi Cục Điện ảnh phải cho chiếu lại những phim cũ mà họ đã thầu của các hãng tư bản trong thời gian Hà Nội còn bị tạm chiếm. Phạn Tại đã đứng ra đầu cơ trong cuộc đấu tranh đó để ăn hoa hồng. Và một số lớn các phim cũ đều giao cho Thụy An viết bản thuyết minh.

… Nhưng đây không phải chỉ là câu chuyện văn nghệ. Xuyên qua việc phê bình điện ảnh, họ nhắm đả kích cả vào chế độ. Điển hình hơn cả, độc ác hơn cả về mặt này là cái hoạt cảnh ‘Chúng ta gắng nuôi con’của Chu Ngọc đăng trong Giai phẩm mùa thu tập 3. Trong hoạt cảnh này thông qua cuộc bàn cãi về phim giữa hai vợ chồng một anh cán bộ, Chu Ngọc đã cố tình vẽ ra một đời sống ngột ngạt, lo sợ, hoài nghi. Ngột ngạt lo sợ đến nỗi không biết có “tự do khen chê” nữa không? Đến nỗi hai vợ chồng đọc tới tờ báo Nhân dân thì phải đỡ đứa con nhỏ cho nó “khỏi giật mình”; và hoài nghi hoang mang đến nỗi chồng hỏi vợ: “Này em, mình có phải là người nữa không?” Và vợ hỏi chồng: “Thế xưa nay, anh vẫn thấy bộ óc, trái tim là không phải của anh ư?”

… Những bài như trên phải được đặt bên cạnh bao nhiêu bài khác của Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, v.v… đang nhan nhản lúc bấy giờ ở các số Nhân văn, Giai phẩm thì mới thấy đầy đủ tính chất nguy hiểm của nó.”

Ông Lại Nguyên Ân cho biết: Ở một bài đấu tranh khác, hậu thế cũng sẽ chỉ rút được rất ít thông tin: bài ‘‘Luận điệu phản động và âm mưu nguy hiểm của những phần tử Nhân văn–Giai phẩm về vấn đề tổ chức và lãnh đạo sản xuất phim ảnh’, ký bút danh Bảo Kính, (Điện ảnh số 17, ra ngày 15/6/1958). Xin dẫn một số đoạn:

“– Trong khi Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, v.v… đả kích thậm tệ vào sự lãnh đạo của Đảng nói chung, thì Trần Công, giống như một tên lâu la đã nghe thấy tiếng mõ thúc quân xuống núi, liền tấn công điên cuồng vào tổ chức lãnh đạo ngành sản xuất phim.”


Trong báo Sáng Tạo, Mục tin tức sân khấu điện ảnh có tin đáng chú nhất là Ban vận động thành lập Hội những người công tác nghệ thuật điện ảnh. Ban thường trực gồm 3 người: Vũ Phạm Từ Trưởng ban, Trần Công và Phan Tại đạo diễn Ủy viên thường trực. 8 ủy viên BVĐ là Phạm Văn Khoa đạo diễn, Nguyễn Văn Vinh nhà sản xuất phim, Vũ Minh nhà sản xuất phim, Trúc Lâm đạo diễn, Trần Phương diễn viên, Nguyễn Đăng Bẩy quay phim, Nguyễn Tiến Lợi quay phim, Khương Mễ quay phim. Như vậy quan niệm tập hợp những người làm công tác điện ảnh tương đối cởi mở, gồm cả người miền Bắc, người miền Nam tập kết, người từ Việt Bắc về và người hoạt động điện ảnh đô thị.

Trần Duy Hinh viết tiếp: Hoạt động của Trần Công hồi đó đã bị một số lớn anh em công tác điện ảnh phản đối; có những ý kiến đòi tống cổ hắn ra ngoài tổ chức. Tuy vậy, theo đường lối kiên trì giáo dục của Đảng ta, cơ quan Xưởng phim Việt Nam vẫn lưu hắn lại và giao cho làm công việc phiên dịch. Hắn không tự biểt mình, thường tự xưng là “nhà” đạo diễn điện ảnh, khuếch khoác đến cái mức lố bịch, khiến cho rất nhiều anh chị em công tác trong các bộ phận của Xưởng phim phải khó chịu. Thế nhưng rất đáng tiếc là cũng có một số anh em chúng ta lúc đó đã bị mắc vào cái thòng lọng của hắn mà viết những bài có tác dụng “chứng minh” hoặc “phát triển” những nhận định của hắn. Thí dụ như Nắng Mai Hồng viết bài ‘Cần xét lại quan niệm của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh’. Bài này đăng lòng thòng liền trong hai số báo Sáng tạo, đả kích lãnh đạo bằng những lời mỉa mai cay cú, kích động nhiều anh em khác.

Báo Sáng tạo chỉ mới ra được đến số 2 thì đã chết theo báo Nhân văn. Nhưng chỉ mới trong hai tờ Sáng tạo, chúng ta đã thấy đầy rẫy những bài, những đoạn, những mẩu vụn vặt (cả thủ đoạn trích đăng một phần vở kịch Không một tiếng vang của Vũ Trọng Phụng nữa) xoay quanh cái luận điệu đả kích của Trần Công, hoặc trắng trợn, hoặc lập lờ nham hiểm. Đối tượng đả kích nói chung là Xưởng phim Việt Nam, là Quốc doanh chiếu bóng, những cơ sở của nền điện ảnh xã hội chủ nghĩa.


Đòn trừng phạt với những nghệ sỹ điện ảnh tham gia Nhân Văn Giai Phẩm cũng dữ dội không kém. Dịp tháng 4-1957 Hội điện ảnh không được thành lập cùng các hội khác mà mãi đến năm 1970 mới được xuất hiện. Nhiều người không được sáng tác phim nữa mà chuyến sang làm nghiên cứu, phát hành phim. Chẳng hạn đạo diễn Trần Thịnh bị buộc thôi việc từ 1958 mãi đến năm1979 mới được trở lại làm việc. Trần Công từ 1959 đến 1988 ông mới được trở lại sáng tác tại Xưởng phim Tài liệu Thời sự. Người bạn thân của ông là nhà văn Trúc Lâm, người tham gia Đại hội Nhà văn tháng 4-1957, có tên trong kỷ yếu Hội Nhà văn nhưng không ai biết đến ông, mặc dù sau khi nghỉ công tác ông bán rượu kiếm sống ở cổng Xưởng phim Tài liệu thời sự.

Con trai Trần Công, Nghẹ sỹ Thị giác Trần Lương nói với tôi: Bố em đã đốt hết báo chí, tài liệu thời Nhân Văn. Bố em không hề nói gì các chuyện đó với em, không phải vì ông sợ em liên luỵ mà như ông muốn chôn đi mọi ký ức đen tối.

Hà Nội tháng 4-2024