Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN NHƯƠNG KIẾN TẠO CHẤT THƠ QUA NÉT VẼ

Ngô Đức Hành
Thứ năm ngày 16 tháng 5 năm 2024 2:07 PM

Trần Nhương không chỉ viết văn, làm thơ mà ông còn vẽ. Với hội họa, gần như ông được “Trời cho”, hoàn toàn “thi hứng”, “tay ngang”. Ông sở hữu nhiều triển lãm tranh cá nhân mang tên “Thi hứng”: Từ “Thi hứng 1” năm 1998 đến “Thi hứng 5” khai mạc vừa qua ngày 6/5 (kéo dài đến hết ngày 15/5/2024) là cả một chặng đường đam mê với đời cầm cọ.Họa sỹ Trần Nhương và áp phích về “Thi hứng 5”



 

Họa sỹ Trần Nhương và áp phích về “Thi hứng 5”

Cả 5 triển lãm “Thi hứng” đều tổ chức tại Nhà Triển lãm mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội mang đến sự thán phục cho giới cầm cọ. Không phải ngẫu nhiên, Trần Nhương lại đặt các triển lãm tranh của ông là “Thi hứng”? Chắc chắn đó là sáng tạo trong tình trạng vụt hiện, ông là họa sỹ “tay ngang”. “Thi” là “thơ”. Vậy thì xin phép sau đây gọi ông là nhà thơ Trần Nhương và cảm nhận chất thơ trong tranh của ông.


Trần Nhương phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm
Trần Nhương phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm

“Thi hứng 5” trưng bày 42 tác phẩm. Trần Nhương cho biết: Tại triển lãm lần này, ông có 13 tranh phong cảnh, 8 trừu tượng, còn lại là những tác phẩm nude và tĩnh vật hoa lá... đa dạng nhưng đều gắn liền tới hình ảnh quê hương, đất nước. Thông qua đó ông muốn mang cái đẹp cho người xem, dù có là đề tài nào nữa thì ông rất muốn người dân khi thưởng lãm sẽ như được “kích hoạt”, vui, mừng khi chiêm ngưỡng chính tác phẩm do ông sáng tác.

Một góc Phòng tranh
Một góc Phòng tranh

Các tác phẩm đều thể hiện trên chất liệu acrylic, với mảng màu khoáng đạt, mạnh mẽ, giàu suy tưởng được ông vẽ qua tưởng tượng. Những bức nude cũng không cần mẫu, thậm chí có những tác phẩm như bước ra từ huyền sử. Đó là “Đẻ đất đẻ nước”; hoặc triết lý tôn giáo như “Lối vào bất tử”, “Nẻo thiền”, “Thiền quang”, “Vương miện của quá khứ”, “Bất diệt”, “Bản thể”... dòng tranh này, đòi hỏi sự tưởng tượng rất cao.

Tác phẩm “Lối cũ ta về” mang tính chính luận, ám ảnh thời cuộc. Trong tác phẩm có hai hình ảnh mờ ảo, một cô gái trong tư thế nude, tay cầm ly rượu, bênh cạnh ngổn ngang vỏ chai...; trung tâm của bức tranh là hình ảnh người mặc áo cà sa vừa thoát khỏi vô minh, lầm lũi trở lại với giáo pháp. “Lối cũ ta về” như thông điệp về tỉnh thức, sự tham gia chủ động của hội họa vào đời sống.

 Họa sỹ Thành Chương cùng hoạ sĩ Trần Nhương tại triển lãm
Họa sỹ Thành Chương (phải) cùng hoạ sĩ Trần Nhương tại triển lãm

Và “Thi hứng 5” có nhiều tác phẩm ấn tượng về chủ đề này như “Chiều Xẻo Quýt”, “Nhịp ngày Tam Cốc”, “Về nhà”, “Duyên xưa”, “Làng ơi, ở lại quê nhà”, “Nẻo thu”... Đặc biệt, mảng hội họa sinh thái – tôi muốn gọi như thế, những tác phẩm như “Miền thương nhớ”, “Phố núi”, “Tình rừng”, “Nhịp rừng”, “Rừng chiều” mang đến cảm xúc và trách nhiệm.

Dù mới khai mạc được vài ngày nhưng “Thi hứng 5” của Trần Nhương đã lan tỏa tích cực. Không chỉ có người xem mà nhiều họa sỹ tên tuổi như Thành Chương, Thế Hùng, Nghiêm Nhan, Vũ Dũng, Tô Ngọc Thành... đã tìm đến thưởng lãm và cổ cũ.

Tác phẩm, du khách người Pháp đã mua
Tác phẩm, du khách người Pháp đã mua

Trần Nhương là nhà thơ, hóm hỉnh ngoài đời nên tranh của ông cũng phần nào tạc nên “chân dung” của chính ông. Họa sỹ, Tiến sỹ mỹ học Thế Hùng nhận xét: “Tranh của Trần Nhương rất hồn nhiên. Nhìn tranh nhận ra con người đáng yêu. Với một người tay ngang lại ở tuổi ngoài 80 làm được thế là đáng trọng”.

Còn họa sỹ, NSƯT Nghiêm Nhan cũng ghi nhận sự đam mê màu sắc của Trần Nhương. “Tôi rất quý ở Trần Nhương, yêu đời mà vẽ, đam mê mà vẽ. Đối với một nhà thơ, tranh như thế là ổn”.

Tôi ngắm không gian phòng tranh, tràn ngập các lẵng hoa đẹp, để ý dưới gầm bàn, chỗ ông ngồi, cơ man nào quà, rượu quý bạn bè mang đến tặng. Hỏi họa sỹ Trần Nhương, đã bán được nhiều chưa?, ông vui vẻ: “Bán lấy tiền thì chưa, nhưng đã có người đặt cọc. Mới sang ngày thứ hai anh em đến đông vui là thành công rồi”.

Trong giới văn chương, Trần Nhương được nhiều người yêu mến. Ngày khai mạc Triển lãm có sự hiện diện của nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng công chúng yêu hội họa và đông đảo các bạn văn chương từ Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng… không quản đường xa đã về dự.

Hoa tươi tràn ngập, những nụ cười tươi rói ấm áp làm cho buổi Khai mạc thêm tưng bừng gần gũi, như “chắp cánh” cho “Thi hứng 5”.

Nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Quang Thiều, chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động khi được dự triển lãm tranh của nhà thơ, nhà văn, họa sĩ đàn anh... Trần Nhương đã phá đi nhiều giới hạn trong quan điểm của ông với đời sống, giới hạn của ông trong quan niệm văn chương, không chịu cái vòng kim cô mơ hồ nào đó”.

“Trần Nhương bước vào hội họa như những con đường khác... Ông đã phá đi tất cả cái quy định uyên bác trong hội họa, để mở ra thế giới mới đó là chất thi ca chứa đựng màu sắc và và đường nét, trong nội dung và trong những tác phẩm tuyên ngôn về tự do… Trần Nhương là ví dụ trong chính cá nhân tôi trong đời sống về tự do, đầy phiêu bạt, nhưng đầy nghiêm túc trong cách nhìn về đời sống này”.

Sau một ngày mở cửa phòng tranh, họa sỹ Trần Nhương, không giấu được cảm xúc khi loan báo trên trang cá nhân: “Ni cô Paris yêu thương hai em nó và sẽ đi về nhà mới tận Paris. Tranh chưa đến nhà mà tài khoản đã tinh tinh. Mùng Một vui quá!”. Thì ra hai bức tranh đã được khách Pháp mua. Đó là bức “Tình rừng” và một bức ông vẽ hoa cúc (một số tranh treo trong Triển lãm, họa sỹ Trần Nhương chưa kịp dán tên tác phẩm, trong đó có tác phẩm tĩnh vật này) rất ấn tượng.

Trần Nhương chia sẻ, chính tình yêu quê hương, đất nước, niềm đam mê với hội họa đã khiến ông cầm cọ vẽ. Và nếu trời cho sức khoẻ thì ông còn tiếp tục vẽ và ra mắt nhiều triển lãm khác, để thỏa niềm đam mê và phục vụ công chúng.

Chúc nhà văn, nhà thơ, họa sỹ Trần Nhương ăm ắp thi hứng, nối dài seri “Thi hứng” , cùng nhiều tác phẩm văn chương, dấn thân vì cái đẹp.

Ngô Đức Hành