Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẢI ĐỀ CAO TIÊU CHÍ VĂN CHƯƠNG

Nguyễn Khoa Đăng
Thứ hai ngày 20 tháng 9 năm 2010 11:02 AM
TNc: Mong muốn là một chuyện, thực tế là một chuyện bởi vì ở ta TBT cũng chả có quyền bao nhiêu, trên đó còn có siêu TBT thì cựa quạy cũng chỉ chừng mực thôi. Hai nữa là anh giỏi làm báo thì khó được bằng lòng. Cái nước mình nó thế anh Nguyễn Khoa Đăng ạ...

Đến nay, dù đã gần 50 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ y nguyên cảm giác không vui, có phần hụt hẫng khi cầm lên tay tờ Văn Nghệ số 1 ra vào đầu tháng 7 năm 1963. Hụt hẫng vì trước đó là báo Văn Học, món ăn toàn là văn học, thì nay tả- pí- lù đủ thứ bảy màu (bảy ngành nghệ thuật) với một ít hội họa, một ít nhiếp ảnh, một ít âm nhạc… cộng vào. Cảm giác ấy có lẽ giống như lâu lâu ra Hà Nội ta thèm bát phở Hà Nội, được bán ở những quán chỉ dành riêng cho phở nhưng lại được ai đó dẫn đến một nơi ngoài phở còn bán nhiều thứ khác như bún, như cháo lòng, tiết canh…ai mà chả hụt hẫng.
Ở đây không phải chỉ là sự đổi tên cho phù hợp với quyết định sáp nhập hai tờ là tạp chí Văn Nghệ thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN và báo Văn Học thuộc Hội nhà văn VN, mà là sự thay đổi hoàn toàn về đối tượng phản ánh,  về “khẩu vị” của những người đọc gắn bó với tờ Văn Học lâu nay. Đó cũng là sự thay đổi về “lượng”. Mà đã thay đổi về “lượng” thì việc kéo theo sự thay đổi về  “chất” theo chiều hướng thụt lùi không còn là khoảng cách xa nữa. Nói một cách khác, khi cái chất văn học bị coi nhẹ thì với những người yêu văn học lâu nay vốn đọc báo chỉ để thưởng thức các sáng tác và bình luận văn chương, rõ ràng sức hấp dẫn của tờ báo bị kém đi là điều khó tránh khỏi.
Đến đây lại một vấn đề nữa đặt ra là nếu ở vào thời điểm năm 1963 khi 7 anh em văn nghệ (văn học, hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc, múa) do mới thành lập gia đình, kinh tế còn non yếu nên phải ở chung một nhà thì đã đành, nhưng sau đó không lâu họ đã tự được nhà riêng (tức là có báo hoặc tạp chí riêng cho mình) tại sao ông anh cả (văn học) cứ vẫn phải để cả 7 anh em ở chung lâu vậy? Chung đụng thế thì làm sao mỗi gia đình tự làm nên một sắc thái riêng được?
Đành rằng, làm báo văn học thời nào cũng khó, nhưng không vì thế mà các hội viên Hội nhà văn VN mãi cắn răng chấp nhận một diễn đàn tẻ ngắt và vô vị. Tôi nghĩ công việc đầu tiên muốn cải tiến báo Văn Nghệ là mạnh dạn đưa tờ báo này về đúng vị trí ban đầu của nó, đó là báo văn chương chuyên nghiệp, chỉ đăng sáng tác văn chương và những gì liên quan đến văn chương. Còn nếu đề cập đến những vấn đề khác như sân khấu hay điện ảnh thì cũng từ góc nhìn văn chương, được viết bởi nhà văn hoặc nhà thơ, mới mong tạo được phong cách cho báo Văn Nghệ.
Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Muốn làm báo Văn Nghệ, ngoài uy tín văn học thì còn đòi hỏi nghề báo nữa. Ngay tại đại hội Hội nhà văn VN vừa qua, tôi và nhiều người đã bỏ phiếu cho Nguyễn Quang Thiều chẳng phải mong đợi tác giả “Sự mất ngủ của lửa” trở thành một ông “quan văn”, mà ước muốn Nguyễn Quang Thiều bằng khả năng của mình có thể vực dậy báo Văn Nghệ. Tôi không phải người có nhiều thiện cảm với Nguyễn Quang Thiều, nhưng nghĩ cho thật công bằng, trong các ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn VN hiện nay, không ai có thể làm báo Văn Nghệ giỏi hơn Nguyễn Quang Thiều!
Đề cao tiêu chí văn học là ưu điểm cần xây dựng của báo Văn Nghệ. Còn để tờ báo Văn Nghệ phát triển, vốn là chuyện nan giải trong hoàn cảnh kinh tế thị trường hiện nay, rất cần một Tổng Biên tập tháo vát và nhanh nhẹn. Tổng Biên tập báo Văn Nghệ chỉ nên ở độ tuổi 50, những người già đã mỏi mệt rồi, đã cạn lửa rồi, sẽ không làm được đâu. Với tất cả tấm lòng của một hội viên yêu mến và thiết tha với tờ báo của Hội nhà văn VN, tôi cam đoan như vậy!
TPHCM, 18-9-2010