Tôi biết tới Dương Khuê đầu tiên nhờ Khóc bạn của Nguyễn Khuyến. Đó là bài thơ khóc bạn sâu sắc nhất, chân thành, cảm động và sang trọng nhất mà tôi biết cho tới nay. Qua nhân cách lớn Nguyễn Khuyến, tôi trân trọng nhà thơ Dương Khuê. Nhưng văn học sử dạy “trước cảnh nước mất nhà tan, tác giả đi vào con đường hưởng lạc” nên tôi dừng lại ở đấy. Chưa khi nào tôi đọc văn bản ca từ bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết dù không biết bao nhiêu lần nó nỉ non bên tai.
Do một thắc mắc về học thuật, người bạn gửi cho tôi bài viết của anh nhân giỗ lần thứ hai giáo sư Dương Thiệu Tống. Cùng với mắc mớ được giải tỏa, tình cờ tôi được đọc lời tâm sự của vị giáo sư đáng kính với anh là học trò của ông: Dương Khuê đỗ đạt sớm, ra làm quan, nhưng sau khi dâng tấu đề nghị triều đình đánh Pháp, bị vua Tự Đức phê là “không biết thời cơ” rồi giáng chức. Thời gian sau, khi Pháp chiếm Nam Kỳ, vua nghĩ lại, vời vào cung mưu sự thì lúc này tất cả đã muộn. Ít lâu sau ông từ quan, về trí sĩ. Bài hát là lời Dương Khuê trách khéo vua Tự Đức.
Như ánh chớp lóe sáng, những dòng chữ ngắn ngủi buộc tôi tìm hiểu Dương Khuê và đọc Hồng Hồng Tuyết Tuyết.
Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.
Bây giờ Tuyết đã đến thì,
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già
Lời giáo đầu bài hát kể về mối tình trắc trở do so le tuổi tác: khi giai nhân phải lòng tài tử thì tài tử không để ý tới. Rồi ngày gặp lại, giai nhân nở bừng đóa hoa hương sắc thì tài tử đã già! Mưỡu hé mở câu chuyện tình, hứa hẹn những tình tiết mùi mẫn của cái tình muôn thuở.
Ý tưởng của phần dạo đầu được lần nữa củng cố bằng hai câu thơ chữ Hán:
Ngã lãng du thời quân thượng thiếu
Quân kim hứa giá ngã thành ông
Khi ta tráng niên bay nhảy thì nàng còn nhỏ. Nay nàng tới tuổi lấy chồng, ta đã già!
Cười cười, nói nói, sượng sùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú thanh sơn đi lại,
Khéo ngây ngây, dại dại với tình
Đàn ai? một tiếng dương tranh...
Khép lại bài thơ, lắng lại những âm thanh réo rắt, ta nhận ra, toàn bộ bài thơ là biểu tượng của mối tình chung chung, mơ hồ, không xác thực. Ngay cả cái tên người đặt cho bài hát cũng không thực: Tuyết không thực, Hồng cũng không thực nốt mà chỉ là biểu trưng của nhan sắc. Đến ngay cả cái nhan sắc cũng không thực nữa, vì không có diện mạo, chỉ là màu trắng của da, sắc hồng của má, vẻ đẹp ước lệ của tuổi xuân muôn đời!
Trong đám mây bảng lảng mơ hồ sương khói ấy, chỉ duy nhất điều có thực là con số: Mười lăm năm! Sao lại mười lăm mà không là năm năm hay mười năm? Hẳn có người nói: “Mười lăm năm thì tác giả mới già được”! Đúng là phải bằng ấy năm tác giả mới có thể già, theo logic của bài hát. Nhưng cái có lý này tất dẫn tới sự vô lý trầm trọng hơn: Khi vào “kỳ tơ liễu”, tức nàng 18 tuổi. Vậy 15 năm trước, nàng là ai? Chỉ là đứa trẻ lên ba! Đứa trẻ lên ba làm sao mà “muốn lấy ông”? Nếu có thực một Tuyết như vậy thì lúc đó, nàng phải 13-15 tuổi. Hôm nay, sau 15 năm, nếu không chồng con đùm đề thì Tuyết đã là cô gái già ngoài 30 tuổi, làm gì còn xuân sắc đang thì để mà chọn canh kén cá?
Chính cái cụ thể, cái thật trần trụi này tố giác với ta: “nàng” Tuyết là không hề có! Không có con người, không có mối tình nên bài thơ là giả, hoàn toàn giả!
Hãy điểm qua đôi bài thơ loại này. Đây là Tú Xương:
Chỉn e rầy gió mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình.
Còn đây, Ung Bình Thúc Giạ Thị:
Đêm khuya một chiếc thuyền nan,
Một cô gái Huế một quan đại thần.
Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Ban ngày quan lớn là cha,
Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con…
Khi được biết những nhân vật trữ tình là con người có thực, rất riêng, cụ thể, sống động của Tú Xương và Ưng Bình, ta không thể chịu được cái giả vô lý, vụng về đến thô thiển của Dương Khuê! Một câu hỏi phải được đặt ra: vì sao tác giả của những câu thơ bất hủ Gió đưa cành trúc trăng tà, Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương… lại có thể chế tác bài thơ giả cho nên dở đến vậy? Chỉ có thể hiểu: không hề có Hồng có Tuyết nào, cũng không hề có mối tình nào cả! Nhà thơ hư cấu ra mối tình giả tưởng để phổ vào đó tâm trạng của mình. Đó là nỗi dằn vặt, tiếc nuối của một cuộc đời bầm dập vì bất đắc chí. Đó là lời oán trách vua Tự Đức vì không hiểu ông rồi khi nghĩ lại thì tất cả đã muộn màng!
Câu hỏi khác cũng tới: phải chăng chính cái giả, cái vô lý ấy lại là một thủ pháp nghệ thuật? Tác giả tung màn khói mù với bốn câu Mưỡu để cho người đọc, người nghe tin là có mối tình. Sau đó dùng hai câu chữ Hán củng cố niềm tin ấy. Tiếp theo, câu Riêng một thú thanh sơn đi lại bồi thêm cú nữa để mọi người tin rằng đó là nơi đi về của xóm cô đầu! Và để đạt ý đồ nghệ thuật của mình, tác giả đã kỳ công sắp xếp cho những câu chữ của bài hát có được vần điệu đạt tới mức thượng thừa của nghệ thuật ca trù. Kết quả là, vây trong màn sương khói của chữ nghĩa cùng vần điệu, người hát, người nghe như bị thôi miên, say đi để không ai nhận ra ý thực của tác giả. Tuy vậy, tác giả vẫn hy vọng, rồi sẽ có người thấu hiểu mình, sẽ tìm ra sự thật trong bài hát! Kết quả là trải thế kỷ XIX, qua thế kỷ XX, sang thế kỷ XXI, bao tài tử văn nhân bị Dương Khuê qua mặt, đã cảm thương cho một Tuyết ảo cùng mối tình không bao giờ có! Phát hiện này gợi lên suy ngẫm về cái sự đọc: vì sao bao lớp tài tử văn nhân đã nông nổi khóc than cho mối tình không thật?!
Hôm nay, khi hiểu cuộc đời Dương Khuê, đồng thời phát hiện ra cái giả của mối tình trong bài hát, màn khói mù được xua tan, để lộ ra tâm sự thực ưu thời mẫn thế của tác giả. Dương Khuê quả đã thành công khi giấu tâm sự của mình. Nhưng do giấu quá kỹ khiến ông bị hiểu lầm dẫn tới hàm oan: chắc chắn ông không phải người ăn chơi hưởng lạc nhất trong số văn nhân tài tử cùng thời nhưng lại là người duy nhất mang tiếng xấu! Phải chăng đã tới lúc trả lại công bằng cho nhà thơ?
Tháng 6 năm 2010
HVT