Số đông bao giờ cũng có sức mạnh chế áp, từ lời nói đến việc làm. Tuy nhiên, về mặt trí tuệ không phải bao giờ số đông cũng đúng. Nhà bác học thiên tài Anhstanh đã từng nói: “ không thể vượt qua được thế lực của những kẻ ngu, vì chúng rất đông”. Không ai hiểu được “Thuyết tương đối” mà ông đưa ra lúc đó. Người ta cho ông là người không bình thường, tức là không nằm trong số đông.
Trong sinh hoạt Đảng, khi biểu quyết hay phát biểu quan điểm đảng viên được phép bảo lưu ý kiến. Trong học tập hay kiểm điểm phê bình lẫn nhau chúng ta cũng thường nghe câu: Không được theo đuôi quần chúng. Tức là nhắc nhở đảng viên phải kiên định lập trường lãnh đạo của mình. Điều đó cũng có nghĩa rộng mỗi người cần giữ lấy cách suy nghĩ, cách hành động riêng nếu cảm thấy mình đúng.
Lâu nay, trong cuộc sống, trong mọi sinh hoạt, chúng ta thường mang nặng tâm lý: ‘dại bầy hơn khôn lỏi”. Nếu không có chính kiến hoặc có chính kiến nhưng không đủ dũng khí để bảo vệ nó thì người ta cũng dễ ngả theo số đông. Người ta sao mình vậy, ăn cùng ăn, nói cùng nói, thậm chí cười cùng cười…Người ta đi, mình đi. Người ta dừng, mình cũng dừng…Nếu có sai thì tất cả cùng sai, vậy là đảm bảo an toàn, vô thưởng vô phạt. Tâm lý đó dẫn đến việc có những điều mình đã cảm thấy là đúng, nhưng thấy mình khác mọi người thì…chi bằng, theo số đông.
Hiện nay, khi mà nạn tham ô, lãng phí, dù Đảng ta đã có những biện pháp quyết liệt để loại bỏ mà xem ra vẫn chưa thu được kết quả khả quan thì tâm lý dựa vào số đông để an toàn vẫn là phổ biến. Đấu tranh, nói ra cái sai của cấp trên thì…biết đâu chỉ thiệt cho mình. Chi bằng, cứ tâng bốc, cứ tán dương…Không mất gì mà có khi còn được. Lâu quá rồi, nếp sống, nếp nghĩ đó đã thành “tập quán sống” của không ít người. Người ta sao mình vậy. Thấy cái đúng không dám ủng hộ, gặp cái sai không dám lên tiếng phản đối.. Thấy điều oan trái không dám bênh vực…
Số đông bao giờ cũng co sức mạnh ghê gớm. Số đông có nhận thức và được giác ngộ, được sự chỉ huy đúng thi sẽ dời non lấp biển. Cách mạng tháng 8 thành công là thành quả của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đang cộng sản( Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng). Số đông cuồng tín , được chỉ huy bởi thế lực đen tối, phản động thì nó có sức tàn phá ghê gớm. Hồng vệ binh Trung quốc trong “cách mạng văn hóa” đã giết chết hàng triệu người, chà đạp lên các giá trị văn hóa như hành hạ trí thức, đày ải văn nghệ sỹ…
Bác Hồ của chúng ta đã dạy muốn đoàn kết thì phải đấu tranh. Đấu tranh để giữ vững sự đoàn kết nhất trí. Phải góp ý phê bình lẫn nhau trên tinh thần thẳng thắng, dân chủ và người tiếp thu cũng phải thấm nhuần tinh thần ấy mới có hiệu quả.
Xã hội văn minh chấp nhận các luồng tư tưởng, các phong cách sống, miễn là trong khuôn khổ của pháp luật. Có thể nói hầu hết những ý tưởng táo bạo, những công trình sáng tạo, những tuyệt tác nghệ thuật…đều bắt nguồn từ những lao động âm thầm, đơn lẻ. Sản phẩm của họ có tính dự báo cao. Tôn trọng ý kiến cá nhân, chấp nhận phong cách đơn lẻ và cá tính là tạo điều kiện để những ý tưởng táo bạo ra đời., cho dù phong cách đó, ý kiến đó có “nghịch nhĩ”, gai mắt..
Theo số đông không phải bao giờ cũng có nghĩa là đoàn kết mà có khi là theo đuôi như đã nói ở trên, nó làm triệt tiêu mọi suy nghĩ độc lập, giảm năng lự sáng tạo cá nhân. Quen chạy theo số đông trong phong cách sống khiến con người trở nên hèn kém, yếu đuối, thủ tiêu ý chí đấu tranh. Một xã hội có nhiềungười như thế thì sẽ ra sao?
Bài đã đăng ở báo Văn Nghệ số 49 ( 6 tháng 12 năm 2008)