Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

YẾN LAN- THI TƯỚNG TỨ TUYỆT

Duy Phi
Thứ ba ngày 21 tháng 9 năm 2010 10:38 PM

Đọc vào trang blog Mang Viên Long mới biết sắp đến NGÀY GIỖ THỨ 12 CỦA NHÀ THƠ YẾN LAN. Bài báo cho nhiều thông tin quý, cảm động. Nhà thơ Yến Lan mất đúng vào trung thu năm Mậu Dần 1998, nay đã sắp trung thu năm Canh Dần 2010. Tại một ngôi nhà ở thị trấn Bình Định, trưởng nữ Lâm Bích Thuý và gia tộc dời bàn thờ nhà thơ tại từ tầng ba xuống tầng dưới “vì ở tầng cao khó khăn cho bạn văn đến thăm viếng, về mùa mưa, nước nhỏ giọt từ mé trên làm ẩm mốc hết sách báo hiện vật còn lại của cụ”… Việc ấy, hợp lý…
   Nhớ Yến Lan, bỗng nhớ một lần tôi được thăm quê hương thi sĩ. Cách đây vài năm, vì Ghềnh Ráng- Hàn Mặc Tử, Điêu tàn- Chế Lan Viên, Bến My Lăng- Yến Lan, vì thành Đồ Bàn- kinh đô Chiêm xưa, nơi Huyền Trân công chúa về làm hoàng hậu, liên quan đến một cuốn sách định viết, tôi có một chuyến lãng du đơn thương độc mã đến Bình Định. Chưa đến lần nào, không quen ai, tôi đánh bạo vào thăm Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định. Theo địa chỉ ghi trên tạp chí Văn nghệ Bình Định, 103 Phan Bội Châu- Quy Nhơn mà đến. May, hôm đó tôi gặp được các anh Trần Quang Lộc (Thường trực BBT), Quốc Hùng (Hoạ sĩ), Phạm Ánh (Nhà thơ)… Các anh chỉ vẽ cho đường đi nước bước. Bộc bạch ý muốn tìm hiểu về thành Đồ Bàn, mấy anh trong văn phòng Hội nháy mắt, chỉ vào căn phòng bên trong, bảo tôi: Anh vào gặp ngay Chủ tịch Hội Nguyễn Thanh Mừng… Tôi vào, tự giới thiệu, trò chuyện một lúc thì nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng tìm trong tủ, rút ra một cuốn sách dày, tặng tôi. Đó là cuốn Huyền tích kinh xưa, hai tác giả: Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang, 540 trang, khổ 14, 5 x 20, 5. Đây là cuốn sách chuyên khảo về An Nhơn, thành Hoàng đế (vua Nguyễn Nhạc), trong đó có thành Đồ Bàn. Những cuốn sách này thường phải một đời gắn bó với Bình Định mới có. Tôi dự định chỉ ở Bình Định vài ba ngày, thấm tháp gì. Cầu được ước thấy. Tình cảm của các nhà thơ Bình Định thật quý.
Nhờ có cuốn sách trong tay, tôi đi thăm được mấy nơi, đến thăm được Lầu Cửa Đông- Lầu Tư Tưởng, nơi Yến Lan cùng Chế Lan Viên thường gặp Hàn Mặc Tử, Quách Tấn. Thì ra, tôi đẫ được đặt chân lên mảnh đất, một địa chỉ THƠ lừng lẫy, nửa đầu thế kỷ trước. 
Cuốn biên khảo Huyền tích kinh xưa, cho tôi biết thêm về xuất xứ bài thơ Bến My Lăng. Yến Lan sớm bị mồ côi mẹ: “Đêm đó, Yến Lan đi cùng người láng giềng đưa tin về quê ngoại. Đến đoạn đường qua Gò Tập là nơi người ta đồn rất nhiều về chuyện ma đưa võng, Yến Lan quýnh chân. Người láng giềng cất tiếng gọi đò. Ông cậu của Yến Lan nằm ngủ trong thuyền, giật mình chống đò hớt hải sang…”. Đó là những nét trực cảm đầu tiên cho những vần thơ: Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng. “Những năm vào tuổi bát tuần, ông vẫn còn thường nhắc đến chuyện này với đôi mắt rấn lệ. Bài thơ Bến My Lăng của ông ra đời trong lúc xuất thần, có cả sự hô hấp tinh thần của ấn tượng tiếng gọi đò thuở bé”.   Huyền tích kinh xưa có chọn in 19 bài thơ của Yến Lan và một số truyện ngắn đặc sắc của ông…     
*
Yêu sự kiệm lời, hàm súc, tôi thích thơ tứ tuyệt. Đọc nhiều tứ tuyệt trong thơ cổ nước ta, trong thơ Đường thơ Tống… Đọc kỹ cuốn sách MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG NGHỆ THUẬT TRONG THƠ TỨ TUYỆT ĐỜI ĐƯỜNG, NXB Văn Học 1996, của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Đọc kỹ cuốn Tuyển tập Một ngàn năm THƠ TỨ TUYỆT VIỆT NAM, NXB Văn hoá Dân tộc 1997 của Thái Doãn Hiểu- Hoàng Liên…
Thơ tứ tuyệt của Nguyễn Trãi (Cây chuối, Mộ xuân tức sự, Trại đầu xuân độ…), Lê Thiếu Dĩnh (Lễ Đễ sơn tự… ), Nguyễn Du (Mộng đắc thái liên, 5 bài…)…  Đọc sách báo, gặp những bài tứ tuyệt hay, tôi cũng thường chép riêng ra một cuốn. Trong nửa thế kỷ qua, có một số thi tướng tứ tuyệt: Yến Lan, Chế Lan Viên, Ngô Quân Miện… Tứ tuyệt Yến Lan trong hàng đầu hay được treo đầu bảng?  Nhân NGÀY GIỖ THỨ 12 CỦA NHÀ THƠ YẾN LAN, xin chép một số bài thơ tứ tuyệt trong sổ tay thơ riêng để cùng thưởng thức, chiêm nghiệm: 
   
CHẾ LAN VIÊN
Tứ tuyệt
Uốn cả hồn anh thành tứ tuyệt
Kẹt trong hẻm đá voi quỳ chân
Đã đưa ngà được lên trăng sáng
Vòi chửa buông xong để uống vần.
 
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Xiếc Trung Hoa
Các cháu về chơi đòi xem xiếc
Tết này có diễn xiếc Trung Hoa
Ông có đi không? Ông chả thiết
Xiếc ta đang diễn khắp muôn nhà. 
 
PHẠM ĐỨC
Đôi mắt nhìn xa Mở đôi mắt thẳm nhìn Nàng
Buồn chia gánh vác, vui san sẻ cùng
Còn khi xa cách muôn trùng
Nhắm đôi mắt, để tấm lòng nhìn nhau.
 
NGUYỄN HOA
Em đang chín tới
Quả vàng roi rói
Chim reo đầu cành
Em đang chín tới
Xuân ùa trong anh.
 
VÂN LONG
Qua mưa
Qua dải mưa sân tôi ngắm em
Màn mưa nhoà những nét thân quen
Tình yêu mới nở sao mà đẹp
Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen.
 
NGÔ QUÂN MIỆN
Hoa đèn
Em về thăm chị trăng lên muộn
Bấc lụi cho đèn bỗng nở hoa
Mười năm cách biệt, đèn không nỡ
Cho chị nhìn em thấy vết già.
 
YẾN LAN
Tàu ngang quê cũ
Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhoà
Tàu dừng đổ khách sắp rời ga
Đồng hương kẻ xuống người ra đón
Mình suốt đời đi chửa tới nhà…
 
Phủ Lạng Thương 12 tháng Tám, năm Canh Dần (2010)