Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“QUÊ CÒ” HAY QUÊ THƠ ?

Trần Mạnh Hảo
Thứ hai ngày 20 tháng 9 năm 2010 8:00 AM
 
Nhà thơ Phan Duy Đồng đã có thơ in báo từ ngót 50 năm trước. Ông làm thơ cùng lứa với những người bạn Nghệ Tĩnh như Thạch Qùy, Xuân Hoài …Từ 30 năm nay, Phan Duy Đồng hầu như chuyển hẳn sang làm thơ cho thiếu nhi. Nhà thơ Định Hải có lần đã viết về thơ cho tuổi thơ của ông như sau : “ Phan Duy Đồng có nhiều ý thơ, tứ thơ vừa lộng lẫy, vừa quyết liệt pha màu trí tuệ…”. Qủa thực, Phan Duy Đồng đã có nhiều đóng góp quý báu cho nền thơ viết cho thiếu nhi trong mấy chục năm qua.
Xuất bản tập thơ “ Quê Cò” lần này, dù đã vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng Phan Duy Đồng vẫn nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ. Xin hãy đọc trọn bài thơ “ Hỏi ông” để thấy nhà thơ “lão ngoan đồng” này vừa hóm hỉnh, vừa hồn nhiên mà vẫn sâu sắc :
 
HỎI ÔNG
 
Mưa hóa cầu vồng
Cá gáy hóa rồng
Người già khi thác
Hóa gì hở ông ?
Nghe cháu hỏi vậy
Ông vui trong lòng
Bà hóa cá gáy
Ông hóa mưa giông…
Bài thơ giản dị, tự nhiên như không, như chuyện bông đùa với đứa cháu mà động tới lẽ sinh diệt không cùng, chạm tới cõi sắc không trường cửu, chạm tới nỗi ngậm ngùi kiếp sống. Bài thơ viết cho thiếu nhi mà người lớn đọc mới thấm thía hết ý nghĩa của ngôn từ, của nỗi niềm vô vi nơi tâm hồn tác giả.
Chúng tôi xin chép thêm một bài thơ khác của Phan Duy Đồng. Bài thơ :
 
CUỘC ĐỜI NGỰA
 
Một đời chỉ thấy chạy
Ngựa không thấy mình đi
Người ta khen ngựa phi
Biết đâu ngựa vất vả…
Cuộc đời không yên ả
Ngựa sống trên vùng cao
Ngựa thương bao đồng bào
Cõng lúa, ngô qua núi
Từ sáng đến mờ tối
Ngựa chạy không kịp ăn
Cuộc đời ngựa quanh năm
Muốn đi nào có được…
 
Thương thay con ngựa, cả cuộc đời không có dịp đi, chỉ biết phi, biết hộc tốc chạy. Ngựa ấy, khác nào cuộc đời con người lam lũ, luôn phải chạy đuổi theo số phận, đuổi theo mưu sinh, đuổi theo nghèo đói ?
Trong tập thơ “Quê cò” còn một số bài hay và khá hay, ví như : “ Vịt ốm”, “Lợn đất”, “Hổ và mèo”…
Cách đây hơn ba mươi năm, kẻ viết bài này đã gặp nhà thơ Phan Duy Đồng tại Yadunba ( Phú Bổn), khi ông làm hiệu trưởng trường trung học tại đây. Gắn bó với Tây Nguyên nhiều năm, ông lại trở về quê hương Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh…sống cạnh hồ Kẻ Gỗ xanh ngát trời nước với rừng xanh, đồng xanh, quê của thi ca và quê của cò trắng bay rợp trong ca dao, trong thơ Phan Duy Đồng, trong tình yêu thơ ca vô bờ bến của người dân quê ông. Hiếm có người nào đam mê văn học và đam mê sáng tác thơ ca như Phan Duy Đồng.
 Cách đây mấy năm, chúng tôi có dịp về viếng mộ đai thi hào Nguyễn Du tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có ghé về hồ Kẻ Gỗ thăm nhà thơ Phan Duy Đồng. Đúng là một trời cò trắng lợp trên bầu trời xanh biếc Kẻ Gỗ; không khí mát lành như thể nhà thơ viết cho thiếu nhi này đang đi nghỉ mát chứ không phải đang hưu trí tại quê hương. Trong lòng tôi còn ngân lên những câu thơ hay của Phan Duy Đồng trong tập thơ “Đom đóm vườn nhà” ông tặng tôi, như tình cảm của những áng cò trắng mang câu thơ hay đi mãi :
 
“Cây trầu leo lên cây cau
Muốn nói lời bà mùa tới
Trầu chưa kịp nói lời nào
Cau đã xòe hoa xởi lởi” ( TRẦU VÀ CAU)
…..
“Gió lào tung hô bụi đất
Nắng hè bóc vỏ mo cau”
….
Nắng uốn cong gọng vó
Trâu nằm nhai bóng râm tre” ( NẮNG HÈ)
“Cây bầu dè dặt leo giàn
Chiếc lá rùng mình quăn lại” ( MÙA HÈ)
….

Chúng tôi xin kết thúc bài giới thiệu tập thơ “Quê cò” của Phan Duy Đồng bằng câu thơ tuyệt hay của ông :
“Ếch nằm sâu đáy giếng
Mới thấy hết trời thu” ( MÙA THU ĐẾN) 
Câu thơ tài hoa này của Phan Duy Đồng đã cứu chú ếch hầu bị giết chết bằng câu tục ngữ rất khinh khi : “ Ếch ngồi đáy giếng”. Không, chính vì ngồi dưới đáy giếng, nên ếch mới kéo hết, rót hết được sắc trời xanh vào hun hút lòng giếng mà một mình thưởng thức chiều sâu vô tận của trời thu. Nhà thơ có dám bắt chước chú ếch, trú mình trong đáy giếng sâu của tâm hồn dân tộc mà đo đạc chiều cao, chiều sâu của đất trời, của mùa thu văn học ?
Mùa trung thu 2010
T.M.H.