Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠI LỘ THĂNG LONG

Nguyễn Đăng Minh
Thứ bẩy ngày 18 tháng 9 năm 2010 9:34 PM
 
Hà Nội đang thúc giục các nhà thầu xây dựng Dự án đường Láng - Hòa Lạc, Dự án đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ là mở rộng đường Láng – Hòa Lạc có một đường đơn với mặt cắt ngang đường khoảng 25 mét thành đường đôi với mặt cắt ngang đường 120 mét – Tức là to lớn và hiện đại gấp 6 lần đường Láng – Hòa Lạc cũ. Đường được mang tên Láng – Hòa Lạc là do Đồ án Tư vấn Thiết kế bởi Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) thuộc Bộ GTVT nghiến cứu từ những năm chín mươi của thế kỷ XX và sau đó đã được xây dựng. Điểm đầu nối với cầu Trung Hòa vuông góc với đường Láng – Nên được đặt tên là Láng. Điểm cuối là vào sân bay Hòa Lạc vì ý định nâng cấp sân bay Hòa Lạc lên tầm cỡ sân bay Quốc tế có công năng tương đương sân bay Nội Bài, xét về mặt an ninh sẽ tối ưu hơn sân bay Nội Bài bởi bảo vệ các yếu nhân với đoạn đường ngắn hơn, thời gian về trung tâm chính trị Quốc gia Ba Đình cũng ít hơn, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông cũng dễ thở hơn… Tóm lại, là ưu việt hơn sân bay Nội Bài; do hạng mục này chưa có sự đồng thuận cao và qua thời gian kéo dài thi công và quan điểm chỉ đạo còn khác biệt nên điểm kết thúc nối với Quốc Lộ 21A (bây giờ thuộc đường Hồ Chí Minh) song vẫn được gọi là Hòa Lạc. Sau khi Thành phố Hà Nội lấy đoạn đường từ cầu Trung Hòa đến đoạn giao cắt với cuối đường Phạm Hùng và đầu đường Khuất Duy Tiến, đặt tên đường Trần Duy Hưng - Bác sỹ Trần Duy Hưng là người Hà Nội, ông sinh ngày 16 tháng 01 năm 1912. Bác sí Trần Duy Hưng là vị Chủ tịch Hà Nội đầu tiên thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa vào ngày 30 tháng 8 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, sau đó Hà Nội bị Pháp chiếm lại. Tháng 10 năm 1954, Việt Minh giải phóng Thủ đô và Bác sĩ Trần Duy Hưng lại tiếp tục trên cương vị Chủ tịch Hà nội cho đến năm 1977, ông đã làm đơn xin nghỉ hưu. Bác sĩ Trần Duy Hưng đã về với Tổ tiên ngày 02 tháng 10 năm 1988. Tên tuổi ông đã hằn sâu trong nhân dân lao động và gắn liền với phố phường Hà Nội. Đại Lộ Thăng Long chính là đoạn kéo dài của đường Trần Duy Hưng.
Đại lộ Thăng Long bắt đầu từ nút giao đồng mức vào loại lớn nhất Hà Nội nơi giao hội với cuối đường Phạm Hùng, cuối đường Trần Duy Hưng, đầu đường Khuất Duy Tiến. Mặt chính của Trung tâm Hội nghị Quốc gia là Đại lộ Thăng Long. Điểm kết thúc của Đại lộ Thăng Long khoảng km 400 đường Hồ Chí Minh (km0 đường Hồ Chí Minh là ở gần cửa hang Pác Bó tỉnh Cao Bằng). Chiều dài của Đại lộ Thăng Long vào khoảng 28 km. Xét về GTVT thì đây là con đường cao tốc hiện đại bởi toàn bộ các phương tiện ô tô, xe máy giao thông trên trục chính được vận hành theo một chiều với tốc độ 120 km/h. Có đường gom chạy song song dành cho các phương tiện giao thông đi đoạn ngắn và các xe thô sơ. Các đường giao cắt với Đại lộ Thăng Long đều được xây dựng cầu vượt qua, chui qua (giao khác mức); riêng Đại lộ có một vị trí chui qua đường sắt (ga Cầu Diễn – ga Giáp Bát).
Như vậy, Đại lộ Thăng Long đã nối liền mạch từ Hồ Tây qua đường Văn Cao, đường Liễu Giai, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Trần Duy Hưng rồi đổ vào con đường ngọn nguồn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhìn tổng thể một mạch đường liên tục đẹp, hiện đại từ bờ Hồ Tây nối với đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 40 km – Hiện tại đây là con đường nhân văn nhất của Thủ đô Hà Nội và phản ảnh đầy đủ mọi vấn đề về tinh thần, tâm linh, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt, bởi đã hòa nhập vào đường Hồ Chí Minh – Một con đường xương sống nối từ Pác Bó – Cao Bằng vào Năm Căn điểm cuối Mũi Cà Mau của Tổ quốc Việt Nam. Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và thần thánh từ thời gian mang tên đường mòn Hồ Chí Minh bền vững như dãy Trường Sơn là điểm tựa, bàn thạch cho sự nghiệp các mạng nước ta giữ nước và dựng nước! Đây là một thực tế chứ không như một số cá nhân không am hiểu tiếng Việt và cũng không chịu tìm hiểu Từ điển tiếng Việt đã xuyên tạc ý định xây dựng một trục đường dành cho các phương tiện giao thông đường bộ thành “Trục không gian…” để đánh lừa dư luận, còn trên trời chỉ có đường bay và hành lang bay, còn dưới nước người ta gọi là trục đường thủy dành cho tầu thuyền,… Chứ không có trục không gian dành cho các phương tiện giao thông đường bộ! Đại lộ Thăng Long sắp tới sẽ được gắn phần thưởng cao quý “Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”! Đây là đại lộ liền mạch với Đại lộ Hồ Chí Minh trong tầm nhìn đến năm 2030 của thế ký XXI – Thế kỷ mà thế hệ trẻ sẽ đưa Việt Nam thành một đất nước Văn minh, Hiện đại hòa nhập với hệ thống kinh tế tri thức của Thế giới thịnh vượng!
Hà Nội, ngày 18/9/2010
Nguyễn Đăng Minh