"Anh hùng" là cặp từ ghép gồm hai từ đơn "anh" và "hùng".
"Anh" là anh minh, sáng suốt, thông tuệ. Có khả năng hiểu được mình, hiểu người, hiểu đời:
“Anh” thuộc “trí”: để “hiểu”.
"Hùng" là ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm. Làm được những việc phi thường:
“Hùng” thuộc “dũng”: để “thắng”.
"Anh hùng" thường gắn với "dũng cảm".
"Anh hùng" là làm được những việc lớn và khó mà ít người làm được.
"Dũng cảm" là dám làm những việc nguy hiểm mà ít người dám làm.
Trong "dũng cảm" thường có "mạo hiểm" và "phiêu lưu".
"Mạo hiểm" là dám làm những việc rất khó khăn, nguy hiểm. Nhưng tin tưởng ở kết quả của việc mình làm. Chẳng hạn bị kẻ thù truy đuổi sát phía sau. Trước mặt là đoạn hào rộng, dưới đầy chông mìn. Biết rằng bên kia hào là con sông rộng. Bờ sông nhiều lùm cây rậm rạp. Dám nhảy qua để sẽ lao xuống sông và chắc thoát chết.
"Phiêu lưu" là dám làm những việc rất khó khăn, nguy hiểm. Nhưng không biết chắc kết cục thế nào. Chẳng hạn cũng gặp trường hợp như trên. Tuy nhiên không biết bên kia hào là gì. Vẫn liều mình nhảy qua mà không lường được hậu quả.
Bởi thế ở đời khi cần nên "mạo hiểm". Tránh "phiêu lưu".
"Anh" thuộc “trí”: để “hiểu”.
Trước hết hiểu mình. Hiểu người, hiểu đời khó. Nhưng hiểu mình khó hơn. Bởi bí mật lớn nhất của cuộc đời. Là chính mình. Có hiểu mình mới làm chủ được mình và không đánh mất mình.
"Hùng" thuộc “dũng”: để “thắng”.
Trước hết thắng mình. Thắng người khó. Nhưng thắng mình khó hơn. Bởi kẻ thù lớn nhất cuộc đời. Là chính mình. Thắng mình mới không làm hỏng đời mình và hỏng đời người khác. Lão Tử dạy:
"Lo thắng người thì loạn. Lo thắng mình thì an". "Thắng người chưa phải là mạnh. Thắng mình mới là mạnh" ("Thắng nhân giả lực. Tự thắng giả cường").
Trong sách "Binh thư yếu lược". Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn viết:
"Hiểu được mình là anh.
Thắng được mình là hùng".
Chưa hiểu được mình. Chưa là “anh”.
Chưa thắng được mình. Chưa là “hùng”.
“Anh” và “Hùng” chính là nền tảng của cặp từ ghép "Anh hùng".
Hiểu cặp từ ghép “anh hùng”, trước hết hãy nghiền ngẫm ý nghĩa sâu sắc của hai từ đơn ấy.