Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỚI NGUYỄN ĐỨC TÙNG..

Đỗ Quyên
Thứ năm ngày 16 tháng 3 năm 2023 10:42 AM

Với Nguyễn Đức Tùng, thơ văn-kể như một thử nghiệm chuyển hóa thơ Việt? *)




“Đừng tưởng cứ đợi là chờ.

Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần.”

(Bùi Giáng)

*

“Nhân vật chính yếu của lịch sử văn học là thể loại.”

(M. Bakhtin)

*



Đấy là một người làm thơ; về cung cách từ truyền thống đến (hậu) hiện đại; về nhân thân có tuổi tác, trải nghiệm, hành trình cuộc đời neo lên đủ các thăng trầm từ đáy vực cho đến lầu cao của xã hội người Việt từ 1954 đến nay, trong đó có miền Nam Việt Nam và hải ngoại; và theo đuổi một đường hướng sáng tạo phải nói là “kỳ khôi” trong một thể thơ chưa ổn định của thi ca tiếng Việt mà chúng tôi, tại đây, đề nghị được định danh là thơ văn-kể.



Với Nguyễn Đức Tùng, thơ văn-kể như một thử nghiệm
chuyển hóa thơ Việt? *)




“Đừng tưởng cứ đợi là chờ.

Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần.”

(Bùi Giáng)

*

“Nhân vật chính yếu của lịch sử văn học là thể loại.”

(M. Bakhtin)

*



Đấy là một người làm thơ; về cung cách từ truyền thống đến (hậu) hiện đại; về nhân thân có tuổi tác, trải nghiệm, hành trình cuộc đời neo lên đủ các thăng trầm từ đáy vực cho đến lầu cao của xã hội người Việt từ 1954 đến nay, trong đó có miền Nam Việt Nam và hải ngoại; và theo đuổi một đường hướng sáng tạo phải nói là “kỳ khôi” trong một thể thơ chưa ổn định của thi ca tiếng Việt mà chúng tôi, tại đây, đề nghị được định danh là thơ văn-kể.

I. Sơ lược về thể thơ văn-kể và thơ Nguyễn Đức Tùng

Xin được phân chia, với mốc các năm là tương đối, 4 thời kỳ làm thơ của tác giả: Thời kỳ thứ 1 - ở Việt Nam (không có nhiều thông tin, bài vở); Thời kỳ thứ 2 - ra hải ngoại cho tới cuối thập niên 1990, đây là giai đoạn "truyền thống": các sáng tác đều là thơ vần điệu theo các thể loại truyền thống; Thời kỳ thứ 3 - khoảng thời gian 2000 - 2015; Thời kỳ thứ 4: từ 2015 đến nay. Hai thời kỳ sau có thể gọi là giai đoạn "(hậu) hiện đại".

Trước đây, in chung vài lần nhưng nhà thơ chưa hề xuất bản riêng tập thơ nào. Thi tập đầu tay Thơ buổi sáng với 3 phần sáng tác: Thơ, Haiku, Trường ca. Phần chính yếu là Thơ bao gồm gần 140 bài, trong đó khoảng mươi bài cũ từ trước thời kỳ 3; chừng 80 bài mới của thời kỳ 4; còn lại tầm 40 bài thuộc về thời kỳ 3.

Trong làng văn chương - báo chí hải ngoại, Nguyễn Đức Tùng tham gia rất trễ, ngay cả so với những thi hữu lứa sau. Thiển ý chúng tôi, ở 2 thời kỳ đầu, thơ của anh chưa thể coi là thành đạt; và trên thực tế tác giả không tạo dấu ấn giữa dư luận và văn giới chuyên nghiệp thời đó. Thời kỳ 3 thực sự là "mùa hoàng kim" cho thơ Nguyễn Đức Tùng nhờ thể tài thơ văn-kể. Và hiện đang thời kỳ 4 - không chỉ với thơ - tác giả tung hoành ngoạn mục, về số lượng sáng tác cùng thi hứng tràn trề, trên hầu hết các thể thơ tự do, từ haiku qua thơ trữ tình (kiểu bình thường) cho tới thơ dài/trường ca.

Tạm gọi là thể thơ văn-kể, để khu biệt giữa những hình thức thơ “phi truyền thống” từ sau thời Thơ mới như các thể thơ đã được định danh: thơ tự do, thơ không vần, thơ văn xuôi, thơ hình họa, thơ khẩu ngữ, v.v… Đặc biệt để so với thơ-kể, một cách gọi khá quen thuộc của thể thơ Tân hình thức Việt.

Ở đây chỉ mới phác họa về thơ văn-kể; và cũng lần đầu tiên khái niệm này được dùng để khảo sát cho một trường hợp cụ thể Nguyễn Đức Tùng - người đã dự phần dài hơi và nhiều triển vọng trong sự phát triển “vô tổ chức” của thể thơ này.

Về đặc điểm, thơ văn-kể kiểu như Nguyễn Đức Tùng: hình thái căn bản là thơ tự do không âm vần; không tạo nhịp điệu qua từ ngữ, khó nhận biết khi nào kết thúc một câu thơ qua trật tự bên ngoài; tức là thường xuống dòng, ngắt câu theo nội dung câu thơ; ít dùng nghệ thuật tu từ; nhiều bài tựa như thơ dịch. Các chỗ khuyết đó khiến thể thơ văn-kể thường lâm vào thế gắng gượng, giả tạo; tức là dễ bị coi không-là-thơ.

Và đây là một số tiêu chí để thơ Nguyễn Đức Tùng vẫn là “thơ”: Nhịp điệu bên trong được tạo qua ý tưởng; Tứ thơ chính xác, ám ảnh; Cảm xúc sinh ra bằng ý tưởng; Hình tượng đa tạp, đôi khi rất ấn tượng… Nhất là, chỉ cần dùng “lửa” thử thơ hiện đại của Roman Jakobson - “Thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” thì thơ Nguyễn Đức Tùng ổn. Có điều thơ này là ngôn ngữ tư duy, không là ngôn ngữ hình tượng.

Có thể ví thơ bình thường như chạy việt dã vài kilômét; thơ dài và trường ca: maratông; thơ văn xuôi: chạy trình diễn quanh sân vận động; còn thơ văn-kể là cuộc chạy 100 mét. Với chúng tôi, hình thể chung của thơ văn-kể như có đã lâu, bắt nguồn từ nhiều thể loại văn hóa truyền thống. Chính bài Tình già của Phan Khôi từng khởi động Thơ mới cũng có thể xem là một dạng như vậy, ở lối kể trực tiếp, có cốt truyện tình tiết, có điệu có nhịp mà không vần...

Để góp phần nhận ra các điều trên, mạn phép so sánh 2 loại văn bản từ một bài thơ tiêu biểu cho thể thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng. Thiển ý đây cũng là bài tương đối hay trên mặt bằng thơ Việt hiện nay.

Bản 1 là bài thơ Quê hương của tác giả được in trong tập Thơ buổi sáng. Bản 2 là bản “văn xuôi” do chúng tôi chuyển toàn bộ các chữ từ Bản 1, có thêm bớt các dấu chấm phẩy.

Bản 2: Quê hương

Anh bỏ nhà đi năm mười bảy tuổi. Cầm tay em gái dặn dò: Săn sóc mẹ cha, chăm lo vườn tược cửa nhà, đừng quên con chó nhỏ. Anh đi một mạch ba mươi năm. Khi về mẹ cha đã mất. Em gái không còn. Con chó chôn ở góc vườn. Cà đang ra nụ, hoa khế rụng đầy sân.

Anh ngạc nhiên, thấy nhà sạch sẽ. Bàn thờ ngát thơm hương khói. Ngồi ở cửa sau, một con khỉ lông vàng, đang ăn chuối.”

Có thể thấy Bản 2 không được là “thơ”, ngay khi đọc như thể thơ văn xuôi. Theo quan sát sơ bộ, dễ dàng “chuyển văn bản” cho chừng hai phần ba số lượng bài thơ văn-kể của Nguyễn Đức Tùng.

Bởi vậy, nếu như tạo được "thi pháp thơ văn-kể" của văn học Việt thì Nguyễn Đức Tùng sẽ là tác giả đầu tiên thành công ở thể thơ chưa ổn cố này? Và ngay cả khi đó, dù thể thơ văn-kể không thể ảnh hưởng mạnh đến thơ Việt, nhưng đó sẽ là một trong các nguồn trợ lực để thơ Việt thăng hoa, thêm nhiều thành tố ngõ hầu trở nên tài sản chung của nhân loại.

II. Một tác giả hàng đầu trong dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị

Nguyễn Đức Tùng còn là một trong vài cây bút đầu tiên khiến người viết, từ nhiều năm qua hình thành, tìm hiểu dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị như là một nhóm các tác giả thơ Việt cần phương pháp tiếp cận riêng.

Thêm lần nữa, chúng ta hãy lưu tâm về “dòng thơ cần giải thích giá trị” Việt Nam từ những nhà thơ: a. Có lối viết mới-lạ khó nhận chân, đã/đang/tiềm năng đề xuất bút pháp/thi pháp thơ, góp phần đáng kể thay đổi hình thể và phẩm chất thi ca Việt hiện nay. b. Chưa/ít được giới phê bình và dư luận nhìn nhận/đúng đắn/đầy đủ. Nói nôm, đó là những tác-giả-khó.

Phương pháp tiếp cận là khảo sát trong hệ thốngđịnh giá trong tương quan khi nương theo những tiêu chuẩn đối lập (hay-dở, đổi mới-nguyên cũ, hiện đại-truyền thống, cách tân-cổ điển, tiêu biểu-bình thường, nổi danh-chìm khuất). Ở thập niên trước, các tìm hiểu với 3 tác giả Tuyết Nga, Mai Văn Phấn và Nguyễn Quang Thiều đã được công bố.

Cho tới nay, ngay cả với toàn tập Thơ buổi sáng (nhìn chung là không “khó” đọc lắm”) cũng thật khó thấy hết các lý do vì sao khó tìm hiểu thơ Nguyễn Đức Tùng hơn nhiều “tác giả khó” khác ở cùng cái “dòng thơ khó” này!?

Quan niệm rằng mỗi tác giả, tác phẩm là một chữ, một câu trong bài-thơ-chung của nghệ thuật thi ca, chúng tôi cố gắng bình giá từng nhà thơ của Dòng thơ cần giải thích giá trị như những liên-tác-giả. Bàn về tác giả này cũng có thể luận đến tác giả hay chuỗi tác giả khác, trong hoặc ngoài hệ hình.

Liên tác giả cùng Nguyễn Đức Tùng gần như chẳng có ai, về lối viết. Rất nhiều bài thơ của anh không là sáng tác có vấn đề, vì chỉ hiểu/cảm sai lệch một chút, thậm chí không hiểu/cảm, là chẳng thấy vấn đề gì. Mọi thứ tưởng bình thường, có khi tầm thường. Thế cũng thành thơ. Cả hình thức lẫn nội dung. Nhưng đó lại là các tổ hợp ngôn tự ám ảnh âm ỉ. Với tác giả này 3 đối tượng đọc là thơ-cho-người-đọc, thơ-cho-người-viết, và thơ-cho-nhà-phê-bình được đan quyện.

Theo 4 tiêu chí quyết định văn học, kiểu này ở thơ Nguyễn Đức Tùng chuyển hóa về thẩm mỹ thi ca (nếu như thành công!?) dù chưa rõ ràng về đặc trưng thể loại, còn về phương cách sáng tác và hình thức ngôn ngữ lại bình dị, tưởng không là thơ.

Đây còn là kết quả từ sự song hành 2 dòng văn hóa Đông-Tây, cạnh tranh giữa 2 nhân sinh quan của 2 ý thức hệ, và bất ổn trong 2 hình thức văn-thơ. Trên tam giác ấy, Nàng thơ chông chênh ở 2 đỉnh sau; nói gọn, tác giả của những bài thơ văn-kể chưa tạo ra thi pháp mới; nhưng có thể?

Xét đặc điểm thi ca Nguyễn Đức Tùng để so sánh trong Dòng thơ cần giải thích giá trị. Thơ văn-kể của anh có từ khoảng năm 2005 đến nay như một lối viết, với riêng chúng tôi, chưa từng thấy trong thơ Việt!

Về trào lưu: đây là thơ hiện đại mang một số biểu hiện hậu hiện đại. Về thể tài, dung hòa 3 yếu tố: tính thời cuộc/luận đề, sự phân tâm, và giọng hài hước. Về lý thuyết, các sáng tác như thế sẽ có hình thức đúng nội dung và nội dung hợp hình thức: với đề tài thời cuộc, chủ đề suy tưởng thì hình thức trần thuật, tự sự sẽ hợp hơn hình thức trữ tình trong giọng điệu ngân nga; phong cách biếm hài sẽ làm trí tuệ trở nên khách quan hơn; cảm giác phân tâm, phi lý lại làm tăng độ ẩn dụ, song le tính thơ bị yếu đi do kém tu từ, âm điệu. Việc còn lại là kết quả thực hành: thơ có hay không, bạn đọc tiếp nhận ra sao?

Tính lấp lửng, chia trí người đọc - qua đó tạo thi cảm - của thơ Nguyễn Đức Tùng được tạo bởi ý tưởng. Đôi khi bằng hình ảnh, chứ không bằng cảm xúc, tu từ ngôn ngữ. Đây là điểm khác căn bản giữa thơ phương Đông và phương Tây. Thơ Nguyễn Đức Tùng “Go West” trong mặt này. Chán vì không thấy vần điệu, lại không hiểu để cảm, những độc giả như thế của anh hoặc bỏ ngay (vì không thấy đó là thơ, không hiểu nói gì); hoặc bị ám ảnh, muốn hiểu, cảm bằng hết mà chưa biết cách.

Trong đại gia đình thơ tự do, lối thơ thơ văn-kể kiểu này gần giới hạn cuối cùng của sự tự do nhịp điệu. Nguyễn Đức Tùng muốn văn-kể-hóa nhịp thơ tự do. Đề nghị lấy đó là chìa khóa mở (và đóng, với những ai muốn) cửa thơ này.

Ngoài vài yếu tố khác không “quậy” như thơ hậu hiện đại, nhạc tính thơ Nguyễn Đức Tùng “quậy tới bến” khi thanh trừng “ca” khỏi “thi ca” - quốc hồn quốc túy ở văn chương tiếng Việt.

Sáng tác “truyền thống” ở 2 thời kỳ đầu cũng bình thường trên mặt bằng thơ đương thời, có phần tụt hậu so với thơ hiện nay; và tầm thường (xin lỗi thi sĩ cùng bạn đọc!) trong suốt dọc thi trình của bản thân tác giả. May thay, thiển cận chúng tôi cũng “nhòm ra” nét phá cách khi le lói lúc lấp lửng ở một số bài thời kỳ 1 & 2, báo hiệu một tay thơ có số má trong tương lai.

Về cảm hứng chủ đạo, với thơ truyền thống thi sĩ viết sao cứ như “đánh Pắc” cho cái tôi trữ tình của tác giả; và đến 2 thời kỳ 3 & 4, qua thơ hiện đại, nhà thơ đã để dấu ấn của tâm tư Nguyễn Đức Tùng, của nhân sinh quan Nguyễn Đức Tùng, và nhất là của ngôn ngữ Nguyễn Đức Tùng trên mỗi sáng tác lớn nhỏ, thậm chí ở mỗi câu thơ có tính quyết định.

Cuối thời kỳ 2, khoảng năm 2000, sáng lên ở vài bài (Trong ký ức của chủ tịch xã, Ghé thăm bạn cũ nay làm xếp ga) để sau đó vài năm thi sĩ trung niên hăm hở và bền bỉ quẹo hẳn vô nẻo thơ thứ thiệt trong đời mình: thơ văn-kể!

Nguyễn Đức Tùng có lối viết rất hiện đại về thẩm mỹ, rất đương đại về thời cuộc. Chia sẻ cùng phong cách hậu hiện đại qua một vài kỹ thuật/thủ pháp nhưng không chạy sang dòng hậu hiện đại về thực chất/tâm thức. Ở anh, cảm quan gốc? Là hiện đại (hiện đại nữa, hiện đại mãi!) Là bảo vệ trung tâm lý tưởng – cái trung tâm đã và sẽ không bao giờ có trong đời thực (nên về cốt lõi tâm can là hậu lãng mạn!)

Về tư tưởng chủ đạo, thơ này không có tính phản biện (theo kiểu cảm quan hậu hiện đại). Nó phản tư, đặt con-trâu-thơ trước cái-cày-có-tính-“cách mạng”. Nó đòi minh bạch về nhân sinh quan và nhân cách. Nói chung, giống với mọi tác giả khác, tính “cách mạng” dễ làm nên phong cách dù theo các dòng thơ truyền thống, hiện thực, hay thậm chí lãng mạn. Có điều kiểu “cách mạng” ở thơ Nguyễn Đức Tùng mang dáng trí thức, hài cợt; và - với chúng tôi - thống khoái nhất là sự lạ hóa nhòa đi bởi chất phân tâm khó tả. Nhìn ra vậy, ta sẽ thấy cái cốt xương cổ điển trong da thịt hiện đại hay trang phục hậu hiện đại ở đấy. Thủ pháp lạ hóa với tạng thơ này cũng thú vị đáo để: được thăng hoa với bài hay, bị rắm rối nơi bài dở.

Như thơ Mỹ-Canada đương đại, kết cấu thơ Nguyễn Đức Tùng trung thành với tính truyện của văn xuôi, từ thời cuộc, xã hội tới sinh hoạt thường nhật… Từ những bài xuất sắc nhất của anh đều có thể “kể” ra một nội dung lạ lẫm.

Đây là các thi phẩm tuyệt hay của riêng tác giả, và mong sớm trở thành những sáng tác đặc sắc trong thơ Việt đương đại: Chùa, Nếu, Nhịp đập, Đi dạo với một nhà văn dưới ánh trăng, Chùa Việt Nam… Chất thời cuộc qua chủ đề chiến tranh là thân xác và linh hồn ở lối thơ này: Lịch sử làng tôi, Sau chiến tranh… Phân tâm, chia trí độc giả là một độc bút có thể nói “made in Nguyen Duc Tung”. Nếu, Vô thức, Làng quê là các bài mà chúng tôi sẽ còn đọc trong cái nhớ nhiều lần, nhâm nhi sự bất định tâm trạng trong đó. Các bài đã lạm dụng bút pháp: Buổi chiều, Phố Tàu, Cánh đồng…

Hài hước trong thơ Nguyễn Đức Tùng là một thứ u mặc (humor), có lẽ chẳng thấy trong 36 kiểu cười Việt? Đây cũng là “Tây tính” trong lối thơ này. Là thiên đường cho tiếng khóc lời than, thơ trữ tình Việt từ truyền thống đến hiện đại thường thiếu nụ cười, nếu có thì ý vị vô cùng. Để toàn cầu sở hữu, nó cần phong cách hài trí tuệ, mà thơ Nguyễn Đức Tùng có thể làm một ví dụ dù không điển hình. Nguyễn Đức Tùng làm “hài văn học”, khó đến với người Việt hơn so với “hài văn hóa” ở thơ của các nhà tiên phong như Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường… Rồi Mở Miệng, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh…

Có thể coi tính giễu nhại (parody) ở Nguyễn Đức Tùng khác biệt với các bạn thơ nêu trên. Và dù không ác liệt như "hài hước đen" (l'humour noir/black humor) của nghệ thuật hiện đại dùng sự mai mỉa, khinh miệt tấn công xã hội, phản kháng chính trị, nhưng nó cũng “xuyên tạc hiện thực”, đẩy tới mức phi thực. Thuộc về dòng nối tiếp kiểu hài vui nhộn, tươi trẻ của chủ nghĩa Dada rồi chủ nghĩa siêu thực; nó khác nhiều - nếu không nói là khác hẳn - cái hài giễu nhại của phong cách hậu hiện đại.

Tóm lại, tới Nguyễn Đức Tùng, lối hài biếm của thơ Việt hiện đại đã chuyển hóa phong cách, đậm vẻ Âu-Mỹ; nhờ yếu tố phi lý mà tư tưởng lan rộng; phong vị nhẹ mà sắc (khi cần cũng ác chiến đáo để), lãng đãng hiền triết Hy-La xa xưa, không độc địa vỗ mặt như kiểu Á Đông.

Với khoảng 40 bài ở khuynh hướng này, Nguyễn Đức Tùng đã là tác giả nổi bật của thơ đương đại biếm hài Việt. Nhưng chúng tôi cũng liều mà ngờ rằng, rất ít quý bạn đọc đủ kiên nhẫn về tâm trí để nhận ra. Địa chỉ của cái hài giễu đáng ghi nhớ: Giã từ, Người mẹ, Chim lạ… Còn đây là nơi cái hài chưa tới dù cố gồng: Dưới bóng cây bàng, Thầy bói nói với mẹ tôi…

Thơ văn-kể Nguyễn Đức Tùng xuất hiện trễ và đã tạo ngay “ngã ba thơ” về loại hình thơ ngắn Việt. Nhìn chung, thơ ngắn dễ bị cho là thơ cũng được, không thơ chẳng sao. Người Trung Hoa bảo, thơ ngắn quyến rũ lâu. Nhưng nhiều nguy cơ thành thơ giáo huấn, ngụ ngôn, châm biếm về nội dung, chơi chữ về hình thức và nhất là sáo nhàm về cảm xúc. Dễ bị trở thành thứ thơ đọc-một-lần.

Trong tập Thơ buổi sáng, phần Haiku giữ một phần ba phân mục thơ, chiếm dung lượng không nhỏ với 36 bài.

Không khác nhiều với điều chúng tôi từng nhận định, Nguyễn Đức Tùng nay đã thành một “nhà thơ haiku Việt” với độ trí tuệ cao hàng đầu theo kiểu Tây phương - tốt; cũng có nghĩa cực kỳ ít chất thiền Đông phương - chưa tốt (hoặc phá nền tảng nguồn “haiku là thiền thi”). Anh, như đa số nhà thơ haiku Việt, hoặc tin vào bản thân khi thử nghiệm cùng cái biểu tượng văn vần “nhỏ mà có võ” của văn học nhân loại; hoặc không thể theo nổi “kỷ luật thép” ở thể thơ này mà… liều! Với thể nghiệm khó, liệu Nguyễn Đức Tùng có thể trình bày một thể tài mới, hay chỉ là một sắp đặt mới cho haiku Việt tựa haiku cổ điển? Câu hỏi 15 năm, vẫn đó.

Song, điều nên lưu tâm hơn cả là “quan hệ anh em” giữa kiểu thơ văn-kể Nguyễn Đức Tùng và haiku Nguyễn Đức Tùng mà lúc này chúng tôi mới hình thành cách lý giải để có thể bàn lại trong một dịp khác.

Cũng chính vào “thời hoàng kim” của thơ mình, lần đầu tiên tác giả đã làm một bộ sưu tập kha khá - 60 bài thơ của 20 năm. Đọc, chúng tôi đã đóng đinh vào tâm trí điều từng nâng lên hạ xuống: một tác giả đang phát triển, và sẽ thành tác gia nếu đi đúng hướng. Ôi, cái chữ Nếu!

Đến nay lại thấy "tác giả đang phát triển" của chúng ta tỏ ra xa lánh “thi pháp” từng dựng nên lối thơ kỳ khôi của mình trong dòng thơ văn-kể? Một kiểu viết khác, hiện đại một cách “bình thường”, đã thành hình?

Khi tác giả hình thành bản thảo tập Thơ buổi sáng, khoảng 80 bài của thời kỳ này được chọn lựa mà chúng tôi cũng đã từng đọc đó đây. Rất ít những bài rất thích: Khăn quàng, Tên… Những bài thích: Mục đích của quần áo, Mưa rơi trong tình yêu, Bài thơ viết ở Văn Miếu, Thơ tình tháng Tư… Đông như quân Nguyên là các bài nửa thích nửa không thích (Tôi hỏi, Dù gánh nặng lớn bao nhiêu…) Tìm các bài không thích và rất không thích dễ như Quan Vân Trường lấy đầu Nhan Lương, Văn Xú. Này là những Em có nhớ về thăm Thạch Hãn, Có một mùa hoa... Rồi những Sáng nay khi thức dậy…

Kết thúc mục 2, sẽ nói nhanh về một hướng mới: thơ dài có tính trường ca của Nguyễn Đức Tùng.

Vào giữa năm 2019, bản thảo chót cho bài tùy luận này vẫn còn câu: “VIP của chúng ta đã và sẽ không hiện diện trong đội ngũ trường ca gia!” Hốt nhiên, tròn 3 năm với bấy nhiêu biến cố xã hội Việt Nam, rồi thiên địa dịch giã Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine… tác giả chuyên trị thơ ngắn đã liền tù tì sản sinh tới 7 bài thơ dài có chất trường ca, trong đó xuất sắc là 3 bài đầu tiên. Khiến chúng tôi hoan hỉ bổ sung Nguyễn Đức Tùng và các thi phẩm mới vào chuyên luận từng được đề xuất, hoàn thiện về hiện tượng trường ca hiện đại Việt Nam.

Ở phân nhánh trường ca thế sự - đời thường - tâm lý, một tiểu mục đang được phác thảo dành cho nhà trường ca “trẻ” Nguyễn Đức Tùng như là tay viết tương đối lạ về sự xông xáo ở đề tài cấp thiết và độ lôi cuốn từ cảm hứng thi ca, cùng vài khúc mắc, chưa thuyết phục về nghệ thuật cấu trúc và ngôn ngữ thơ trường ca. Lấy cảm xúc và tình tiết, quan điểm vụn lẻ, bất ngờ nhân lên tạo dòng chảy trường ca, bằng thủ pháp song hành giữa chủ đề chính và "cuộc tình anh - em" nào đó. Motif không mới, nhưng trung thành và chắc chắn với những biến báo tài hoa trong thể tài thì chưa mấy ai vượt tay Nguyễn Đức Tùng giữa giang hồ trường ca gia Việt đương đại.

III. Các đặc điểm như là rào chắn thơ Nguyễn Đức Tùng tới bạn đọc

Khá nhiều. Với chúng tôi rào chắn đến từ: chất văn dễ lấn chất thơ; khó gợi tính nhạc/nhịp điệu do thiếu âm vần; không tự nhiên về cấu tứ, gần với ngụ ngôn; cú pháp quá khoa học như robot; không hợp với thơ tình yêu; v.v… và nhất là thi pháp pha tạp, chưa nhuyễn.

Bài viết này bàn tới phẩm chất sáng tác nơi anh - người cần “làm chủ bản thân” khiến riêng chúng tôi luôn kỳ vọng một thực thể văn học đã thành hình cùng không ít nhà thơ khác, đó là “trường phái thơ văn-kể Việt”.

Vấn đề trường phái văn học là lớn, khó và vẫn xa lạ với phương cách viết và đọc văn chương Việt, chúng tôi cũng từng công bố một số tìm hiểu trong thơ. Thêm lần nữa diễn lại vài ý quan yếu…

Sau cuộc cách mạng lần thứ nhất với thi pháp Thơ mới 1932-1941, tới nay, có thể xem cuộc cách mạng lần thứ 2 đã trôi qua dai dẳng với nhiều giai đoạn qua 3 mốc: Nhóm Sáng tạo với đại biểu Thanh Tâm Tuyền 1955-1962; Nhóm Nhân văn – Giai phẩm với đại biểu Trần Dần; và cao trào sáng tác hậu hiện đại những năm đầu thế kỷ 21 cho đến nay với nhiều đại biểu, chủ yếu là Nhóm thơ Tân hình thức Việt và Nhóm Mở miệng. Nói riêng về cá nhân tác gia có tác phẩm tạo ảnh hưởng với thành tựu, thử nghiệm hoặc dang dở, chúng ta thấy trên bảng giá trị cải cách và cách tân thơ Việt về thi pháp có 4 vị: Nguyễn Đình Thi (1946), Thanh Tâm Tuyền (1955), Trần Dần (1963), và Nguyễn Quang Thiều (1992).

Có thể xem hành trình sáng tác theo 4 bậc thang “đẳng thức thơ”:

1. Cách mạng (Cải cách) thơ = Văn hóa (Thẩm mỹ) mới + Chủ nghĩa (Triết thuyết) mới

2. Cách tân (Tiên phong, mở đường) thơ = Thi pháp (Khuynh hướng) mới

3. Đổi mới thơ = Bút pháp mới

4. Sáng tạo thơ = Phong cách (Thủ pháp) mới

Cải cách thơ Việt duy nhất sau thơ Mới là dòng thơ Tân hình thức Việt với thi pháp hoàn toàn mới sinh ra từ văn hóa mới, thời đại mới qua một chủ nghĩa, triết thuyết mới. Đó là “cuộc cách mạng nhỏ”; trong khi 4 tác giả nêu trên thuộc về cách tân - ở đấy thi pháp mới được triển khai từ khuynh hướng văn học mới có tính thời cuộc nhất định, trong giới hạn không gian địa lý hoặc thời hạn xã hội.

Giả như thể thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng thành công, hoặc thể nghiệm tạo ảnh hưởng, thì giá trị chuyển hóa thơ Việt của nó - xét về định vị - trên cách tân và sau cải cách. Dẫu hiếm hoi cũng không dễ định danh những tác gia thi ca Việt hiện đại/đương đại đã thành tựu ở giá trị chuyển hóa thơ; Đặng Đình Hưng ắt là một trong số đó. Trần Dần, với chúng tôi, có lẽ vẫn còn là thể nghiệm dang dở ở đôi tác phẩm, giữa chuyển hóa cải cách (trong Jờ Joạcx, Thơ không lời – Mây không lời / Thơ – họa). Nếu tiếp tục và ngay cả chưa thành đạt đáng kể, thơ văn-kể kiểu này vẫn góp phần tạo ra những chuyển động không thể cưỡng lại khi hiện đại hóa và thế giới hóa thơ Việt.

Cũng như với tuyệt đại đa số tác giả khác, tạng thơ ngắn Nguyễn Đức Tùng cùng chung thi phận với mọi loài thơ ngắn trên đời, mà haiku là ví dụ đồ sộ nhất: đến như haiku Nhật cũng phải đọc cả tá bài may ra mới biết mặt anh tài, kể cả Basho với Con ếch huyền thoại.

Kiểu thơ Nguyễn Đức Tùng đến nay chưa sở hữu được hiện-tượng-một-bài. Với các bài đặc sắc nhất ở anh, một người viết hạng trung vẫn có thể “cầm nhầm” và một người phê bình hạng cao vẫn có thể phê nhầm. Bởi, trong mỗi sáng tác đó thường chưa trọn vẹn tiêu chí một phong cách. Cũng bởi, ngôn từ và cấu tứ vẻ ngoài rất giản đơn và căn bản.

Tác giả này thường có những bài thơ lạ một cách oái oăm, người viết muốn gọi là loại thơ-đọc-một-lần. Những cái gì chỉ đọc một lần dễ thuộc về tin tức, nhật báo… Có lẽ những độc giả chưa thích - thậm chí ghét - thơ Nguyễn Đức Tùng bởi bị lâm cảnh này? Riêng chúng tôi thường phải quên những bài đó để khỏi hại các bài thơ cùng motif. Tính không lặp lại của thi ca là vậy. Hà khắc. Có thể dở, thơ không được phép nhàm. Nhàm quá hóa nhảm, cho dù nội dung hay ho. Bên cạnh cái nhàm, thơ ngắn dễ thành đồ giả. Thơ Nguyễn Đức Tùng thời 2010 - 2015 có lẽ đã đạt đỉnh và cũng khó thoát luật chung.

Chúng tôi mạo muội có lời, với độc giả chưa quen và muốn thích thơ Nguyễn Đức Tùng, trong lần đầu nên đọc 4-5-6 bài là cùng, rồi… nghỉ giải lao; vài ngày sau đọc lại, đọc tiếp. Với các phê bình gia, các thi hữu: xin tùy nghi, đọc liền tới hết hay bỏ cách, nhưng hãy nghĩ về nó. Còn với bạn đọc không thích, mong hẹn ở một bài viết khác.

IV. Quan hệ hiện đại và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Đức Tùng

Ở đây nói về hậu hiện đại để phân định trào lưu; không bình giá cao thấp…

Là văn chương hiện đại chia sẻ một số cách thể hiện với xu thế hậu hiện đại, thơ Nguyễn Đức Tùng phá bỏ trung tâm này trong cao vọng xác lập trung tâm khác - trung tâm “lý tưởng hơn”, nếu không nói là không tưởng. Tinh thần của hậu hiện đại là hỗn loạn, hỗn loạn nữa, hỗn loạn mãi. Nhưng, nó lành, nhờ sự vô đích. Giống tinh thần truyền thống, thơ Nguyễn Đức Tùng ngăn nắp, có định hướng (dù ngầm), và có đích (ẩn hiện): làm đến cùng giúp con người, xã hội đẹp hơn theo lề lối thi nhân.

Mãi về sau, chúng tôi vẫn nhầm chất giễu hài trong thơ Nguyễn Đức Tùng thuộc về hậu hiện đại. Không, thơ của anh không phản biện theo kiểu trí thức bất tòng tâm, không chế nhạo như trạng, không giỡn cợt như hề với các hiện tượng xã hội và chính trị bề mặt. Nó bản chất, phê phán tận gốc, muốn cải tổ, muốn “cách mạng” bằng điệu cười rất khác biệt trong thơ Việt. Đó là một nhà hiện đại hóa thực sự và nghiêm chỉnh. Không hề không-làm-thơ như hầu hết các tay chơi hậu hiện đại.

Cũng như - và rõ ràng hơn về chính kiến - văn Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp, thơ Nguyễn Đức Tùng muốn thanh lọc, thậm chí thanh lý các nhức nhối trong xã hội và con người đương đại bằng một số phương cách nghệ thuật tựa hậu hiện đại qua tâm thức chủ thể trữ tình (nhân vật) hiện đại và chủ thể sáng tạo (tác giả) hiện đại. Trong khi đó, thơ Bùi Giáng, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Hoàng Nam mà rõ nhất là Đỗ Kh., và văn Lê Anh Hoài, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương mà mạnh nhất là Đặng Thân là các kết quả hậu hiện đại của thi pháp, nếu quả có một cái gọi là “thi pháp hậu hiện đại”.

Ta dùng tam giác thơ Phấn-Thiều-Tùng dễ so đo hơn. Mai Văn Phấn: một tác giả luôn cách tân nương theo mọi khuynh hướng và gần như nơi nào cũng thành công khả dĩ và khả ái; giai đoạn hậu hiện đại - rời bỏ anh mươi năm nay - tuy không dài lắm đã có dấu ấn mạnh là tập Hôm sau đủ làm một bộ sưu tập điển hình trong cao trào văn chương hậu hiện đại Việt (Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Tắm đầu năm, Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, Sống hồn nhiên…) Nguyễn Quang Thiều: không thiên vị trường phái quen thuộc nào và sở hữu một số thủ pháp hậu hiện đại bình đẳng với nhiều thủ pháp khác ở khoảng 15 bài cuối tập Châu thổ, song sản phẩm thứ thiệt (và thứ dữ luôn!) hậu hiện đại là trường ca Lò mổ đã tham dự độc đáo vào xu hướng này, giống như những sáng tác “đổi gió” hậu hiện đại của một thi sĩ hiện đại tự hồn vía và thủy chung một thi pháp riêng biệt. Nguyễn Đức Tùng: như đang bàn thảo.

Khác các thứ thơ hậu hiện đại thuộc về bản chất, loại sáng tác hiện đại phất phơ hậu hiện đại kiểu thơ Nguyễn Đức Tùng rất kén cái tục, chọn tiếng chửi. Để thực thi các ngôn từ ít văn hóa, nhà thơ phải “uốn lưỡi bảy lần” ngay trong những bài có chỉ ba bảy hai mốt âm tiết. Tác giả không làm văn hóa, mà làm thơ. Chủ đích làm thơ thứ thiệt, trong khi các thi sĩ hậu hiện đại luôn hủy hoại thơ để phản ứng văn hóa. Ở thơ tạng này cái tục dự phần hiếm khi thành quả. Dù một số ít bài có biểu lộ suồng sã, tục tằn giông giống hậu hiện đại (“Hai chúng tôi đứng hồi lâu trước bức tường rêu phủ/ Dưới dòng chữ sơn đen nguệch ngoạc bằng tay/ Đ.M. đứa nào đứng đái ở đây - Bài Đi dạo với một nhà văn dưới ánh trăng).

Đến tập Thơ buổi sáng, xác suất gặp bài “hiện đại” và “bình thường” cao hơn rất nhiều bài dáng dấp “hậu hiện đại”.

V. Những lời tạm kết

* Đây là bài phê bình theo kiểu tùy luận được bổ sung, san định và cập nhật từ một bản thảo nhân dịp báo Nghệ thuật mới (Hà Nội, 11/2012) chọn thơ Nguyễn Đức Tùng làm chủ điểm chính. Ở tập Thơ buổi sáng già nửa số bài thuộc về giai đoạn hiện tại của tác giả mà hầu hết ra ngoài “thi pháp” thơ văn-kể và chúng tôi chưa có cơ hội tìm hiểu kỹ. Bởi thế xin tạm đặt những bài thơ đó xa phạm vi của nghiên cứu. Như lời khất của người bình thơ, và mong kéo theo lời hẹn của nhà thơ…

* Trong một tâm thức hiện đại (cùng vài thể hiện hậu hiện đại) riêng biệt và khéo léo nương theo thơ đương đại Hoa Kỳ-Canada để chuyên chở tâm tư cá nhân chủ yếu về con người và xã hội Việt Nam, kiểu thơ thể nghiệm này đi tìm khuynh hướng trên cách tân sau cải cách, tham vọng chuyển hóa thơ Việt khi hình thành một cách viết kỳ khôi ở thể thơ văn-kể.

* Như vậy, với một tuyển chọn sau 4 thập niên cùng Nàng thơ, vắt qua 2 thế kỷ, nằm gọn trong cuộc đời ly hương thăng trầm, Nguyễn Đức Tùng cần được ghi nhận như một người làm thơ độc đáo đáng kể giữa thế hệ của mình trong tiến trình hoàn thiện của thi ca Việt Nam đương đại từ sau 1954, như một người thơ ở ngoài hình chữ S luôn dự phần làm mới lạ, làm tốt lành văn chương tiếng Việt đầu thế kỷ 21.

Thi sĩ của chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn.



Vancouver (Hoàn thành: 7/11/2012; tu chỉnh, cập nhật 2013, 2016, 2019 & 2022 - Bản in sách, cập nhật sau khi gửi NXB 18/10/2022)

Đỗ Quyên


*) Bài bạt in trong tuyển tập THƠ BUỔI SÁNG (Nguyễn Đức Tùng, Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội, 2023).