Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CĂN TÍNH LÀ GÌ ? VÌ SAO PHẢI ĐI TÌM CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI VIỆT ?

Gia Ninh Trần
Thứ ba ngày 28 tháng 3 năm 2023 2:36 PM


1) CĂN TÍNH là từ gốc Hán- Việt 根性, căn là “rễ” , vậy nghĩa thông thường được hiểu là cái tính nết cội rễ, viết cho văn hoa là bản tính. Căn Tính, theo giáo lý của Phật : “Gốc của khí lực gọi là “Căn” , tập nên thiện ác gọi là “Tính”. Nhân tính ( tính nết con người )có sức sinh ra thiện ác tạo nên nghiệp . Chính là căn tính vậy.”{气力之本曰根,善恶之习曰性。人性有生善恶作业之力,故称根性 - Khí lực chi bản viết căn, thiện ác chi tập viết tính. Nhân tính hữu sinh thiện ác tác nghiệp chi lực, cố xưng căn tính }

2) Vậy thì Căn tính ( chung) của một cộng đồng dân cư , ( cũng như của một con người ) như thế nào thì sẽ tạo nên nghiệp như vây : có thể phát triển giàu sang phú quý hay nghèo nàn lạc hậu. Trên đời này. , một con người hay. một dân tộc khi triền miên rơi vào cảnh nghèo khổ, bất hạnh thì việc dễ nhất là đổ tội cho hoàn cảnh, cho chế độ, cho thế lực ngoại lai vv và vv , mà ít ai dám tự đánh giá bản thân, mà dám tiên trách kỷ hậu trách nhân ! Cho nên, cái việc khó nuốt, là tìm xem dân tộc Việt nam này có căn tính thế nào mà hàng trăm năm nay không ngóc đầu lên nổi cho bằng chị bằng em , là việc không dễ mà chúng ta phải làm !

3) DÂN TỘC VIỆT NAM- KẺ KHEN NGƯỜI CHÊ- VÀI VÍ DỤ

a) Một trăm năm trươc:

KHEN :

Người An Nam ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người An Nam và người Nhật Bản giống nhau. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm, lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc ( Paul Doumer 1902 , Sách “ Đông dương ngày ấy “

CHÊ:

1. người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày. 2. người mình chỉ biết ngồi không ăn bám. 3. suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.4. quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi. 5. quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng. 6. lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu. 7. đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực

nghiệp. 8. chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.9. chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật. 10. lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng.

(Phan Chu Trinh 1920)

b) Một trăm năm sau ( tức là hiện nay)

KHEN:

Một là, tinh thần hiếu học

Hai là, lối sống cần cù, tiết kiệm

Ba là, tính tập thể, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, hòathuận, tương thân tương ái,

Bốn là, tinh thần xã hội, coi trọng chữ “Tình”, đề cao ân nghĩa,

Năm là, gắn bó với thiên nhiên, sống “hài hòa” , thuận thiên

( tóm tắt theo tuyên truyền, báo đài chính thống-TGN)

CHÊ:

- Dân chúng ta vừa lười học vừa lười lao động, thích ăn may, mê đỏ đen, thiếu lý lẽ, thừa cảm tính, ít sáng tạo, nghèo ý tưởng, vậy mà lại thích cãi cọ và hiếu thắng, tính cách thường thì dát chết nhưng động đến quyền lợi cá nhân bé tí thì hung hăng đến kinh người.( Nguyễn gia Kiễng- Pháp)

c) Kết luận : Những ví dụ trên cho thấy Cách nhau hơn một thế kỷ , qua bao chế độ, thì căn tính người Việt nam vẫn thế ( tất nhiên là ví dụ nên chưa đầy đủ)

4) CÓ PHẢI CĂN TÍNH VIỆT NAM LÀ NÔNG DÂN , KHÔNG VƯỢT RA KHỎI LUỸ TRE LÀNG ?

Đa số ý kiến cho rằng : «Cái tính cách nông dân tồn tại dai dẳng không tưởng tượng được, nó sinh ra từ quần cư làng xã, ở đâu mà cái quần cư ấy có xu hướng như thế, thì tính cách nông dân ấy lại bộc lộ. Ví dụ các cơ quan công sở hiện nay, thậm chí là doanh nghiệp tư nhân hiện tại... thì cách tổ chức hiện đại, nhưng dần dần nó vẫn mang màu sắc sinh hoạt làng xã. […] Trong cái làng mới (cơ quan, công sở) này, người có năng suất lao động không có ý nghĩa gì, nếu anh ta cư xử không được lòng mọi người... Tất cả các cơ cấu xã hội từ nhỏ nhất đến lớn nhất thì vẫn như một cộng đồng làng xã, một khu phố, một ngõ xóm phố cũng thế. Thậm chí Hà Nội giống hệt như cái làng to.» (Phan cẩm Thượng)

Nhưng cũng có ý kiến phản bác lại nói rằng “ Nông dân Nam bộ đâu có bị cái luỹ tre, ao làng như bắc bộ nó trói buộc đâu, mà sao căn tính , tuy có thoáng hơn đôi chút , nhưng cơ bản cũng gần như nhau, như cụ Phan đã tổng kết thôi.”

Lại có ý kiến là do trình độ văn hoá kém, nên căn tính nông dân làng xã hẹp hòi nó mới hoành hành rộng khắp như vây.

Phản bác lại, người ta đặt câu hỏi , liệu trí thức trình độ cao có khác hơn không ? Hãy nghe ý kiến của một trí thức hải ngoại, (chắc là phe chống cộng):

“Không lẽ trong cả mấy chục năm trường những trí thức ( thân cs-TGN) xuất sắc như thế lại không nhận ra thực chất tồi tệ của những người lãnh đạo.... ? Tại sao họ đã tự lừa dối lương tâm mình và đóng góp lường gạt cả một dân tộc ?[…] , những trí thức ..... đã phục tùng những công cụ chẳng ra gì của ngoại bang. Những trí thức quốc gia cũng đã đem hết tâm huyết hô hào biết bao nhiêu thanh niên bỏ mình cho một lý tưởng dân chủ không hề làm bận tâm ông Diệm, ông Nhu, hay cho một "chính nghĩa quốc gia" không hề có trong đầu óc các ông Big Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều trí thức khác đã tự đặt mình ra ngoài lề lịch sử, tự cắt bỏ khỏi số phận đất nước, đào nhiệm và cầu an.

Cuối cùng đất nước như ngày hôm nay, sau tất cả những gì đã xảy ra. Vai trò của người trí thức Việt Nam - cộng sản và không cộng sản - thật là bẽ bàng. (Nguyễn gia Kiểng -Pháp)

5) ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA XÃ HỘI VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

Chắc chắn là có ảnh hưởng đến căn tính, nhưng đến mức độ nào đối với người Việt thì vẫn là một câu hỏi.

Triết lý giáo dục trước 75 ở miền nam là Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” ( Liberalism?), còn ở miền bắc và sau 75 trên toàn quốc là “nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” ( điều 3 Luật giáo dục). Rõ ràng là khác nhau. Nhưng cả hai nền giáo dục đã tạo nên sản phẩm là những con người mà tiêu biểu là tầng lớp có học ( trí thức ?) chẳng mấy khác nhau, như học giả hải ngoại đã nhận xét nói trên ( xem mục 4).

Chuyện hệ quả giáo dục xhcn đã tăng cường mặt đáng chê của căn tính người Việt thì không cần phải bàn nữa.

Trong cộng đồng hơn hai triệu người Việt tại Mỹ, đa số đã hưởng nền giáo dục của VNCH thì xem ra cũng không khá hơn. Những tệ nạn nồi danh nước Mỹ hồi thập kỷ 80-90 như lừa đảo bảo hiểm y tế được đầu têu bởi các y, bác sĩ, dược sĩ của người Việt. Việc lửa ăn bám lãnh trợ cấp xh mà vẫn đi làm chui tiêu biểu là sĩ quan QĐCH ( những người có học).

Điều đáng nói là sống trong một môi trường toàn trị thì việc đấu tố, kèn cựa, lừa đảo, đe doạ, bảo kê, vu khống lẫn nhau là tất nhiên. Thế nhưng ở môi trường sống của XH dân chủ , pháp luật nghiêm minh như ở Mỹ mà trong cộng Việt (ngầm )vẫn xử lý nhau tệ không kém, thậm chí giết nhau như ngoé luôn.(Việc này thì Mỗ đã tự thân trải nghiệm từ 1983 cho đến tận 2008, không biết bây giờ có khá hơn chăng). Chẳng lẽ căn tính Việt lại bền vững thế này ư ?

Ngày trước vẫn có truyện vui ở miền bắc nói rằng sáng tạo Việt đóng góp cho nhân loại có lẽ phải kể đến Hố xí hai ngăn và Xe cải tiến.

Ngày nay xem lại ở trong nước và hải ngoại người Việt cũng chẳng khá hơn mấy. Ở Silicon Valley có hàng chục ngàn người Việt, mà số cty trí tuệ do người Việt làm chủ thì rất hiếm, Mỗ chỉ biêt có SigmaDesign Co. năm 2000 lên sàn NASDAG có khoảng hơn trăm nhân viên , do anh Thịnh Trần làm chủ, ai biết có cty nào nữa xin liệt kê giúp. Một đóng góp lớn nhất , kiếm được nhiều tiền nhất có lẽ hệ thống tiệm Nail ( chăm sóc móng chân tay), gần như là độc quyền Việt hải ngoại.

Còn quốc nội, nhà nước và nhân dân cùng làm là hệ thống có mỹ danh là Xuất khẩu lao động, kiếm được nhiều tiền lương thiện nhất cho đại chúng và nhà nước.

Hiện nay thì trong điều kiện tư bản hoang dã, quốc gia thì đóng mở ngập ngừng làm cho những căn tính xấu hổ như tham lam, cầu lợi bất chấp, chia rẽ và đố kỵ, nô lệ , vọng ngoại, cắn xé lẫn nhau quốc nội hải ngoại, nam bắc vùng miền, hận thù triền miên không thể hoà giải….đang được đẩy lên cao độ…Đất nước trăm triệu thứ 13 thế giới làm sao mà hoá rồng đươc.

Đấy có thể xem là cái NGHIỆP mà cái CĂN TÍNH NGƯỜI VIỆT tạo ra, như Phật đã dạy.

6) TÚM LẠI:

a) Chớ vội so bì để đổ tội. Hoà bình yên ổn đã gần nửa thế kỷ rồi, dân ta với dân các nước khác giờ là như nhau

b) DÂN ( Dân trí, dân khí, dân sinh) ra sao thì Chính quyền hao hao như vậy, khó mà khác được

d) Liệu có thể thay đổi được CĂN TÍNH NGƯỜI VIỆT theo hướng tích cực hơn được không ? Bằng cách nào ? XIN CÁC BẠN CHO Ý KIẾN.

xxxxxxxxxxxxxx

P/S: *) Mỗ chỉ viết nặng về mặt chưa tốt thôi, xin thông cảm

**) Dân tôc: Một cộng đồng dân cư trong một quốc gia ( Nation)

Sắc tộc ( ethnic): Cộng đồng tộc người có cùng nguồn gốc ( huyết thống ), tập tục, văn hoá, ngôn ngữ .

Căn tính dân tộc: những tính cách đặc trưng của đa số người trong cộng đồng dân tộc.

Nguồn: FB Gia Ninh Trần