Không câu nệ cấu tứ, thơ Lê Anh Phong róc rách một dòng chảy ý niệm bằng giọng của đêm. Ám ảnh đêm trong thơ Lê Anh Phong khiến tôi nghĩ rằng anh thường xuất thần những câu thơ vào ban đêm. Anh tình tự, tương tư với đêm ở những khoảnh khắc bất chợt của lóe sáng: “quán vỉa hè thắp sáng giấc mơ đêm” (Con đường), hay “lối cũ chạm mùa thiếu phụ hương đêm” (Bến nước), hoặc “cây cọ nở hoa/ đêm của niềm xa xứ” (Hòa sắc trong mơ) và “chỉ còn lại hương mùa nhen lửa cháy soi đêm” (Trở về). Anh ăn ở với đêm, phải lòng với đêm như một lẽ tự nhiên của sự chung sống với người giữ lửa gia đình. Đây là “bóng ai váng vất/bước ra từ đêm tối” (Ban mai), là “đêm âm bản hằn lên trang ký ức”, là “đêm trở gió kể cho nhau chuyện cũ”, là “đêm biên giới/ nơi vừa quen vừa lạ/ bao cơn gió chập chờn thổi trắng đêm đông”. Một cảm giác thảng thốt trong đêm Vị Xuyên, nơi bao người lính nằm lại thời tranh chấp biên giới thập kỷ 80 thế kỷ trước đã đẫm bóng tối của rưng rưng, của thương tiếc trong “Viết ở đường biên”. Có lúc, Lê Anh Phong chìm đắm vào đêm để suy ngẫm, để mơ tưởng: “thơ em tặng/ đọc trong đêm của gió/ thơ em viết từ miền gương vỡ/ nhói sáng đêm vẫn lấp lánh nhân tình” (Đọc trong đêm). Giọng của đêm đưa dắt Lê Anh Phong đến những trải nghiệm siêu thực trong lễ hội halloween: “lễ hội hóa trang hay đêm siêu thực/… trong u ẩn bóng đêm níu áo/ những hàm răng loang máu đêm trôi/… đêm bảng lảng mà hồn nhiên hoang dại/… đêm ngờ ngợ phiêu du áo phố/... tấm áo choàng bay vào mê cõi/ còn lại em trong khói sương này/… đêm hình hài hay ẩn ức chiêm bao…”. Ở đấy, hình thức đã được nội dung chọn làm áo cho mình. Chiếc áo siêu thực, chiếc áo đầy đêm. Và cũng chính cái nội dung “Đêm thế kỷ” đã tìm cho thơ Lê Anh Phong thêm một chiếc áo hình thức khác, chiếc áo của ấn tượng với những thêu thùa bằng giọng kể đêm: “đêm giao thừa chuyển giao trong sấm sét/… đêm giao thừa có thành đêm thế kỷ/… ai mài mực tan đêm bên Tháp Bút/ đêm bùng cháy chân nhang/… đêm lắng lại giữa bộn bề năm tháng/ … đêm sinh thành khói hoa linh cảm/ men rạn bóng người đường gốm chiêm bao…”. Ấn tượng được tạc vào đêm bằng một ẩn dụ nhói lòng: “ánh sáng trên cao/ đàn thiêu thân lao đến/ dưới chân cột đèn/ bà lão bán trà khuya/… bóng bà lão tạc vào đêm phăng phắc…”. Ngay đến khi cảm thán về quê nhà, Lê Anh Phong cũng phải tựa vào đêm mà thổn thức: “dâng dâng bên trời/ nước tràn qua bóng tối/ mạch nguồn chảy vào đêm/ chảy vào giấc mơ/… đêm nhiệt đới vườn khuya lặng lẽ/… bên kia vách đêm/ sông hát lên từ mơ hồ xa vắng…”. Có khi, Lê Anh Phong “Nghe đêm” như tự nghe giọng mình: “đêm vàng mã, dị hương, ai đốt vía/… ngoài kia/ ai nâng cốc đêm/ aiuống quá nhiều bóng tối…”. Với giọng của đêm, Lê Anh Phong chém một câu sắc lẻm tạc ra thời hậu chiến đầy hoang mang: “chiến tranh khói lửa đã tan/ mà dây cháy chậm loang dần vào đêm”. Bản hòa tấu giọng của đêm trong thơ Lê Anh Phong đôi khi là những bản phổ đầy nghịch âm: “ta soi đêm bằng ánh sáng của hoa/ bằng cát trắng của miền quê biển động/ đêm oi ả đang nồng lên hơi đất…” (Đêm trái mùa). Và cuối cùng, bằng giọng của đêm, thơ Lê Anh Phong đã đi tới đốn ngộ: “đêm cầu an/ bao bóng người cầu nguyện dưới trăng/ đời và đạo lẫn màu sương gió/ đêm thì thầm mang gương mặt từ bi/ đêm lắng lại/ cho gần thêm tín niệm…”.
Trong cái giọng của đêm, thơ Lê Anh Phong lấp lánh không ít những câu thơ hay. Câu thơ là đơn vị xác lập tầm vóc của thi sĩ. Đã bắt gặp: “mái nhà thờ cất cánh trong mơ” (Hòa sắc trong mơ) khiến ta mang mang như đang xem tranh tối giản của Lê Thiết Cương vẽ nhà thờ. Đã bắt gặp cảm giác thiền trong bài “Thăm chùa Đồng Yên Tử”: “người đi trong niệm, tay lần vào mây”. Đấy chính là tinh thần của Phật giáo dấn thân, cốt tủy của Thiền phái Trúc Lâm. Tôi vô cùng thích Lê Anh Phong dùng chữ “sơ tán” trong câu: “tuổi ấu thơ sơ tán phía thượngnguồn”. Thích như Tế Hanh từng dùng chữ “công tác” trong câu “hai đứa ở hai đầu công tác”, như Nguyễn Bắc Sơn trong câu “Phật bảo đời là bể khổ/ Ta cười sướng khổ bổ sung nhau”. Chữ “bổ sung” được Nguyễn Bắc Sơn dùng “đắc địa” quá, mà cũng đời quá. Đã bắt gặp một câu thơ hay vì rất bâng quơ dấu hỏi: “phía sau thơ sao còn nhiều lá rụng”. Và khá nhiều: “những bức chân dung như muốn bước xuống đường”, “cuốn sách lấy ra để lại nhiều trống vắng”, “giọt mồ hôi xếp hàng trong ký ức”, “gặp lại mình trong ô phiếu năm xưa”, “nấp vào hư vô lại gặp dại khờ”, “tiếng rao lắng thành hạt muối rắc vào đêm”, “cây mải xanh, loa phường mải nói”… Với tư cách của một tửu đồ, tôi vô cùng mê: “ai uống quá nhiều bóng tối”. Một ngụ ý rút ra từ cuộc đời nhà giáo ngày về hưu: “phấn vẫn trắng/ bảng không đen như trước”.
Thực ra, tôi đã đọc thơ Lê Anh Phong từ tháng 7/2022, khi thấy trong tạp chí Văn nghệ quân đội số 993 có bài thơ “Đêm họa mi” của tác giả Hà Phương. Lúc đó cứ ngỡ của Hà Phương – phu nhân Nguyễn Mạnh Tuấn, vì cả hai đều là bạn văn chương thế hệ tôi – thế hệ chống Mỹ. Hóa ra đấy là bút danh khác của Lê Anh Phong. Bài thơ có nhiều câu hay: “đêm nay ngôi sao cũng lạnh/ lam lũ Long Biên bờ bãi mùa người/ … tàu vẫn chạy đường ray trên sóng/ sông vẫn thức, toa chạm vào ký ức/… trăng soi sáng cả hai bờ kí tự/ thao thức giữa lở bồi linh cảm viết lên sông/… chuyện đường dài có ai quên ga xép/ bao đồ đạc dồn ta vào chật hẹp/ mở lại chân trời cho âm tính bay đêm/ đi và đến/ bao ga đời chộn rộn/ trăng cứ trôi, thơ đợi ở ga nào/ …”.
Lê Anh Phong không phải nhà thơ quá xa rời tứ thơ, nhưng anh không coi tứ thơ là một mặt phẳng, mà là một khối lập phương. Các chữ phục vụ cho bài thơ khi tứ thơ là mặt phẳng thì phải rơi hết vào mặt phẳng ấy với xác suất tứ lớn nhất. Còn nếu tứ thơ là khối lập phương thì chữ có thể rơi lãng đãng vào sáu mặt phẳng với xác suất tứ của từng mặt phẳng cộng lại. Bởi thế, ta có hòa vào đó thơ ý niệm, thơ đương đại, thơ ngôn ngữ tùy theo tư duy thơ, cảm xúc thơ và tầm văn hóa của từng nhà thơ.
Tôi vẫn thích những dòng thơ thành thật như không làm thơ khi Lê Anh Phong viết về Hoàng Nhuận Cầm. Thay vì cho sự phớt tỉnh, sự kiêu bạc, sự lạnh lùng, những câu thơ ở đây vẫn ứa nước mắt: “aó lính cũ đổ bóng vào trang viết/ khói thuốc lào vấn vít chưa tan/… những trang thơ của một “thời hoa lửa”/ lộng lẫy trang đời nhưng cũng lắm cam go”.
Chúc mừng “Đêm họa mi” của Lê Anh Phong. Tôi đang dùng sắc cúc họa mi để soi lại thơ mình. Và biết mình đã quá già.
Thanh minh 2023