Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘC TỒN ĐỒN PHỒN XƯƠNG

Nguyễn Thành Phong
Thứ bẩy ngày 18 tháng 3 năm 2023 2:48 PM
(Kỳ hai, Nhã Nam và Phồn Xương)
Thắp hương, rưới rượu và hàn huyên ở mộ Nguyên Hồng xong thì đã đẫy trưa. Phải tìm chỗ cơm rượu đã rồi mới lên Phồn Xương được. Bây giờ, trong các thảo luận, khó thống nhất nhất là chọn cái ăn. Thì cứ bắt đầu từ chai rượu trắng lộc, dù Huy Đức có mang thêm chai rượu Tây cực xịn nữa.
Nhìn xuống con suối nhỏ dưới chân đồi, thấy mấy đàn vịt đang bơi lội kiếm tôm ốc xơi. Thật vui mắt vì chúng đủ màu sắc lông, con trắng, con biếc, có cả con cổ xanh, tất cả đều béo núc. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó bài viết của một tác giả là cháu nội của cụ Đông Lâm, chủ cửa hàng da giày chợ Nhã Nam hồi Nguyên Hồng còn sống ở đây. Trong đó có tả cảnh Nguyên Hồng đi chợ Nhã Nam, mua được con vịt cổ xanh treo trên một bên ghi đông cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô, bên kia là một túm to rau thơm đủ loại. Nguyên Hồng dựa xe chỗ gốc cây ngoài sân rồi vào thăm cụ chủ hiệu da giày là bạn một thời cùng sống ở Hải Phòng. Nguyên Hồng có chòm râu đen, cụ Đông Lâm hơn mấy tuổi, chòm râu đã bạc. Hai người trò chuyện tâm đắc, chòm râu xanh rung rung lắc lắc bên chòm râu bạc, con vịt cổ xanh ngoài sân cứ quàng quạc kêu, gọi tiết canh.
Rượu trắng mà nhắm với tiết canh vịt dưới suối kia, rất ổn. Nhưng đã trưa trật rồi, triển khai không kịp. Hay là xơi gà đồi Yên Thế? Lúc nãy xe đi qua mấy phố huyện, bọn tôi thấy nhiều vựa bán xỉ gà đồi. Gà ở vùng này người ta nuôi thả trên đồi, quen vùng vẫy, bay nhảy. Vì thế bắt nhốt chuẩn bị bán là phải làm cái chuồng rộng, to cao cỡ một gian nhà, nhô ra mặt phố, xung quanh là các thanh sắt nhỏ ghép thoáng lại. Đi xe ô tô chạy qua vẫn nhìn rõ cả đàn gà, to mập, lông nâu đỏ, nâu tía, con nào con nấy đều có cái mào rất to, màu đỏ như cờ, thò cổ qua song sắt vẫy vẫy quý khách dừng lại mua, để đưa chúng ra, đến với tự do. Đã là gà thì làm sao biết được, sớm đến tự do là nhanh bị cắt tiết?
Lúc bọn tôi từ đường lớn rẽ vào thôn Cầu Đen, nhà cửa vắng lặng. Đi tới một ngã ba mới nhìn thấy một thiếu phụ tay đang ôm một con gà đi ra. Hỏi cô ấy đường đi đến nhà cũ Nguyên Hồng, mấy người trong xe thốt lên, ôi cô này cũng đẹp, không lộng lẫy mà hồn hậu, dung dị, đằm thắm. Nhớ lúc dừng nghỉ quán nước chỗ ngã ba sông máng ở Bỉ Nội, gần nơi đóng quân cũ của ông Huy Đức và Trần Thanh Cảnh. Cô chủ quán cũng đẹp dung dị và đằm thắm. Cô nói chuyện với chúng tôi về Hoàng Hoa Thám và Nguyên Hồng, rồi chụp ảnh cho nữa. Khi thanh toán, bảo xin cô giữ lại tiền thừa thì dứt khoát không chịu, cứ nói thế này đủ rồi, đủ rồi. Cô ôm gà là người phụ nữ thứ hai đẹp đẽ, bọn tôi được gặp ở Yên Thế. Gặp hỏi đường thì chỉ chú ý nhìn mặt và người, giờ đói bụng mới nhớ đến con gà. Ông Nguyên bàn, hay là ta quay lại chỗ ấy mua lấy con gà nhờ làm thịt mà ăn. Ông Tạ gạt đi, các ông toàn mắt la mày lém, nhỡ chồng cô ấy có ở nhà, lại phiền phức ra. Ông Cảnh liền bảo, trên đường lên Phồn Xương thiếu gì quán gà ngon...
Tôi cầm chai rượu trắng, đi lùi lại, nói riêng, thuyết phục ông Cảnh: Ông nghĩ cái món gì hợp nhất với rượu này? Từ trong Tết đến giờ, tôi chưa được ăn miếng nào. Ở quê tôi, làm đám giỗ và đi tảo mộ, hay được ăn lắm. Ông Cảnh biết ngay, nói, thịt chó chứ gì, ngại trong đoàn có người không ăn? Tôi bảo, thì chó gà kết hợp, đất Phồn Xương xưa nuôi nghĩa quân, dứt khoát làm thịt chó ngon. Ông Cảnh liền kể, hồi trước, có ông Giáp Văn Khương, chả biết có họ hàng gì với cụ Giáp Văn Cương, Đô đốc đầu tiên của Hải quân Việt Nam, quê ở Lục Nam, Bắc Giang không? Ông ấy đi bộ đội từ thời chống Pháp, sang chống Mỹ đã đeo lon đại úy, rồi cả sang chống Tàu nữa. Hồi đóng quân ở đây, ông ấy học được trong dân cách chế biến, đến lúc về hưu, liền mở quán thịt chó to lắm ở ngã tư Cao Xá, nức tiếng cả vùng. Không biết bây giờ có còn quán ấy hay có cho hậu duệ bán tiếp nữa không? Ông Huy Đức thấy bọn tôi thì thào cũng lui chân lại góp chuyện, bảo ngày xưa một năm chỉ được ăn thịt chó đôi lần, phải là vào dịp phát quân trang, bán cả bộ quân phục may bằng vải Tô Châu đi mới đủ tiền xơi một bữa. Cuối cùng ông Cảnh đã gọi điện nhờ người quen tìm giúp cho quán thịt chó ngon.
Từ Nhã Nam lên Phồn Xương, giữa chặng có một ngôi đền cổ, là đền Am Gà. Xưa, đây chính là điểm gác tiền tiêu của bản doanh Phồn Xương. Chúng tôi dừng lại, đi lên. Ngôi đền thâm u, rợp bóng cây cổ thụ. Cửa đền đang đóng, tôi đi quanh, ngước lên nhìn cây. Chao ôi, một tán bứa cổ thụ với nhiều quả xanh, có ít quả đã chín, màu vàng nhạt. Tôi đã ăn bứa từ cách đây hơn nửa thế kỷ rồi. Cái quả của ký ức xa lắc xa lơ. Nhưng mà quả ở đây cao quá, không có sào chọc, cây lại rất to, chả thể trèo lên được. Tôi quay người vào đền, chắp tay khấn, xin các cụ cho con một quả rụng xuống, để con nhớ lại tuổi thơ. Em Hoa đứng bên, bảo anh xin cho em quả nữa với. Tôi lại khấn xin tiếp. Khấn xong, mong có đợt gió mạnh rung cây cho quả rơi xuống. Nhưng chả thấy gió. Đành dợm chân bước xuống. Đánh mắt trông sang bỗng thấy một cành la, có dây cây gì tầm gửi đang buông xuống. Thế là nắm dây ấy rung rung. Đúng có hai quả bứa chín vàng rơi xuống chân.
Lên xe, tôi bóc bứa chia cho mọi người cùng ăn, lại kể chuyện khấn xin và bảo, giờ tôi tu tới độ đạt đạo rồi, khấn xin gì thì được nấy. Vừa lúc ấy, điện thoại ông Cảnh reo. Ông Cảnh nghe, cười rưng rức, nói Vi ta min Gâu Gâu hả? Thế là tôi biết cái ước muốn thịt chó của tôi cũng sắp được toại nguyện.
Thì ra ở Phồn Xương có một quán thịt chó rất to mang tên là quán "Vi ta min Gâu Gâu". Tôi đã xơi thịt chó ở nhiều nơi, cả bên Hàn Quốc. Không so với Hàn, thì quán này đẹp nhất Việt Nam. Rộng rãi, khoáng đạt, đầy trước sân nhà là hoa phong lan, hoa cảnh, cây vườn, không khí trong lành, thơ thới. Vừa bước xuống thì đã thấy một thiếu phụ đang quét lá, tỉa hoa, dáng vẻ lại tự tại, đằm thắm, là người đàn bà đẹp thứ ba bọn tôi gặp được hôm ấy. Thế tại sao câu ca chỉ nói đến trai Yên Thế, mà bỏ qua gái Yên Thế được nhỉ? Hỏi người đẹp, em là chủ quán này à? Dạ vâng, mời các anh vào trong nhà cả đi ạ.
Mâm nhậu gồm các món thịt chó trứ danh, một con gà Yên Thế luộc chín tới với nem Bùi... Tôi biết trong bọn có ít nhất Lão Tạ là không xơi thịt chó. Lão không phải sợ bệnh gout như người ta, mà là lão đã có những kỷ niệm sâu sắc với những con chó nuôi. Lão Tạ đã viết rất hay về loài vật sống trung nghĩa, có khi còn hơn cả lũ người ấy. Tuy không ăn nhưng Tạ bảo, các ông cứ tự nhiên. Tôi chén thịt gà cùng nem Bùi với em Hoa, cũng sướng lắm rồi. Từ lúc đó, để tránh như húy, tôi gọi là món mộc tồn. Là mộc tồn đồn Phồn Xương. Chúng tôi lại bảo với chủ quán cho bày bàn uống rượu ngoài trời.
Trước khi nâng chén, tôi nhìn lên trời, nhớ mấy câu thơ trong bài thơ "Trăng Phồn Xương" của nhà thơ Vũ Từ Trang đã khuất bóng:
Vó ngựa đổ về, khua lộc cộc
Mũi tên tập kích bay ràn rạt
Tôi thấy Phồn Xương ngút khói hương
Người lo thành quách, lo cao lương…
Đấy là mấy câu thơ tả đêm trước của khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám. Lại thấy mình giờ đã chả còn ở độ tuổi để nhập vào không gian "lo thành quách, lo cao lương" nữa. Thì thôi, rượu ngon nhắm tốt rong chơi mà sống để chiêm ngưỡng những biến cải mới vậy...
Ảnh 1: Trước cổng ngôi nhà cũ của nhà văn Nguyên Hồng .