Kỳ một: Ký ức Nhã Nam Nhã Nam nguyên là một vùng đất cửa rừng phía tây tây bắc Bắc Giang, sát với Thái Nguyên. Phồn Xương là đại bản doanh của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám với cái đồn xây bằng đất và đá ong, cũng mang tên ấy, đi sâu vào rừng qua Nhã Nam khoảng 5 cây số. Cả hai cùng trong vùng rừng thiêng Yên Thế. "Tiểu loạn cư Thăng Long/Đại loạn cư Yên Thế", vì Yên Thế, dù không quá cách trở nhưng lại hóa xa xôi do khuất nẻo với những âm u rừng già, hổ gầm beo rú. Nhã Nam thuộc Yên Thế hạ, Phồn Xương lên cao hơn, là thuộc về Yên Thế thượng... Cách đây chừng bốn mươi năm, trong một chuyến xe biển đỏ U oát chạy muộn, tôi đã đi qua Phồn Xương và Nhã Nam. Thời ấy, tôi là phóng viên báo Quân đội nhân dân, đi viết bài ở Binh đoàn Hương Giang tại thị trấn Vôi phía bắc Bắc Giang, rồi đi tiếp sang phía tây, đến trung đoàn không quân Sao Đỏ đóng ở Kép và qua thị trấn Bố Hạ. Khi về Hà Nội, tôi theo xe đơn vị đưa cán bộ về nhà cuối tuần, xuôi phía nam, xuống Cầu Gồ. Chiều muộn, nghỉ ở Phồn Xương đón thêm người, tôi tranh thủ nhảo chân vào thăm cái đồn ở gần đó. Cũng chỉ được độ mươi phút thôi. Sau đó, trời nhập nhoạng tối, xe chạy qua Nhã Nam, xuống phố Thắng, chợ Chờ, ra gặp Từ Sơn, về tới Hà Nội thì đã chạm lúc nửa đêm...
Sau chuyển đi ấy, lòng cứ đinh ninh, mình sẽ nhanh trở lại, sẽ thăm kỹ ở lâu với Nhã Nam và Phồn Xương. Có đâu mà nghĩ rằng, phải bốn mươi năm sau mới thỏa đinh ninh ấy...
Phải nói thêm chút về Nhã Nam. Đó là vùng đất cổ, được biết đến từ thời Hai Bà Trưng. Ở làng Chuông trong vùng này có bà tướng tên là Giã, đã lập đội nữ binh, kéo về Mê Linh tụ dưới cờ nghĩa Hai Bà Trưng. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị dập tắt. Nữ tướng Giã bị giặc đâm trọng thương, vắt thân qua mình ngựa, chạy thâu đêm về tới làng cũ mới nhắm mắt xuôi tay, nay vẫn còn để lại ngày làm lễ giỗ chung cho cả vùng.
Nhã Nam qua nhiều biến thiên, có lúc là tổng Nhã Nam thuộc phủ Yên Thế xưa, có thời thành thị trấn của huyện Yên Thế mới. Bây giờ, huyện Yên Thế là vùng Yên Thế thượng xưa với thị trấn Cầu Gồ. Còn Nhã Nam, có lúc là một xã riêng, rồi lại nhập vào thành thị trấn Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên, là vùng Yên Thế hạ xưa. "Trai Cầu Vồng Yên Thế/Gái Nội Duệ Cầu Lim", có nói đến Yên Thế, là cả vùng đất thượng và hạ này.
Nhã Nam còn là một địa danh chan chứa nhiều ký ức văn nghệ thời chống Pháp. Đồi Cháy, ấp Cầu Đen, nay là thôn Cầu Đen, cách thị trấn Nhã Nam non ba cây số, là nơi hai gia đình nhà văn Nguyên Hồng và Kim Lân lên ở đầu tiên, từ năm 1947. Sau đấy thì thêm nhiều tên tuổi khác tụ về, như các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn, rồi gia đình nhà văn Ngô Tất Tố. Sau nữa là các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ, rồi thêm nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà viết kịch Đình Bảng...
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Sau này, kháng chiến chống giặc kết thúc, khi tao loạn súng gươm đã vãn thì tao loạn lòng người lại nổi lên. Nhà văn Nguyên Hồng đã đùng đùng dẫn cả gia đình về lại ấp Cầu Đen, lên đồi Cháy cũ sinh sống cho tới khi ông mất, để lại thân xác ở đó cùng một đoạn đời bi hùng sau cuối nữa...
Lần này tôi được đi lên lại, cũng là có cái duyên lớn. Hai ông cựu binh, nhà văn Trần Thanh Cảnh và nhà báo Huy Đức, tìm lên thăm đất xưa đã từng đóng quân. Nhà văn Tạ Duy Anh thì mong có một chuyến viếng mộ nhà văn Nguyên Hồng từ lâu lắm rồi. Phạm Xuân Nguyên đã từng đến đây. Tôi thì mới được lướt qua. Trong nhóm có bạn Nguyễn Minh Hoa, nữ nhà văn trẻ thế hệ 7X đang đi tìm mới lạ. May nữa là có ông đại tá Tuấn không màng bia rượu, lái xe cực chuẩn, hồ hởi vặn lái, đưa cả bọn tôi đi...
Khu mộ nhỏ khiêm nhường của nhà văn Nguyên Hồng và vợ ông nằm nơi chân núi Án nhìn ra cánh đồng Cầu Đen rộng rãi. Sát đấy có một lạch suối nhỏ, nước róc rách chảy. Gió thổi vi vút trên những vòm cây bạch đàn cao vổng dễ đã được trồng hơn nửa thế kỷ rồi. Tạ Duy Anh mang theo chai rượu nếp trắng ủ kỹ để trên mộ Nguyên Hồng, bảo đây là cái tang rượu ông nhà văn chí khí này ưa thích. Thắp hương xong, là rượu rưới xuống mộ. Nhưng cũng chỉ rưới vài ly thôi, còn để lại lộc cho hậu thế uống. Tôi bình luận, ngày xưa cụ ấy ưa uống cái tang rượu này nhưng chắc chả được ngon và cao độ như nay. Gian nan đói kém, rượu sắn làng Vân đã là hết cỡ. Thế là lại quay ra, ngồi bên mộ tiền nhân, cùng kể về chí khí của người xưa...
Nguyên Hồng sinh ở Nam Định, mồ côi cha sớm, phải theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống, lăn lóc với đám bụi đời, giang hồ, trộm cắp. Từ thực tế này, ông đã trở thành nhà văn nổi danh ngay từ khi còn rất trẻ với những tác phẩm viết về tầng lớp dưới đáy như "Bỉ vỏ", "Những ngày thơ ấu"... Rồi ông tham gia cách mạng rất sớm, đưa gia đình đi kháng chiến cũng rất sớm.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nông thôn ở ta trở nên tiêu điều vì hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất, sau đó thì văn giới ngột ngạt với vụ Nhân văn giai phẩm. Nhiều nhà văn sa vào tù đày. Những người còn lại thì bị chia rẽ, diễn dịch, bịa tạc tố cáo lẫn nhau... Nguyên Hồng hồi đó là người trong ban phụ trách báo Văn, phải liên tục kiểm điểm, giải trình. Có lẽ ông đã thất vọng cùng cực với những gì đang diễn ra. Ông đã từng sống với những người dưới đáy, vẫn thấy le lói nhân văn. Giờ ở giữa đám tinh hoa, mà sao nhiều tráo trở, điêu trác. Có lẽ là ông lại nhớ đến nhiều những ứng xử đẹp đẽ thời gian khó và hy sinh? Hay ông tâm đắc với câu "Đại loạn cư Yên Thế"?
Người cùng lên Nhã Nam đầu tiên với Nguyên Hồng là nhà văn Kim Lân, chọn cách im lặng, tránh xa và còn tiếp tục im lặng lâu lâu. Sau này, nhà văn Kim Lân khuyên đàn em Vũ Thư Hiên: "Đừng nghĩ đến viết lách vào thời buổi này. Tôi cũng thế. Tôi im. Hoặc cùng lắm thì xuất bản mồm". Sau đó, Kim Lân chỉ "xuất bản mồm" nhiều lần truyện ngắn "Thằng câm", chứ tuyệt nhiên không cho in ở đâu cả. Kim Lân còn nói với con trai, là họa sỹ Thành Chương: "Có nhiều điều con không nghe thầy, nhưng việc này thì dứt khoát phải nghe: Đừng bao giờ vào Đảng". Thành Chương hỏi lại: "Tại sao thế ạ? Thầy cũng là đảng viên mà?". Nhà văn Kim Lân trả lời con: "Điều này thầy không thể nói được". Không thể nói được cũng là im lặng.
Nguyên Hồng thì không im lặng. Ông kêu toáng lên: "Ông đéo thèm dây với bọn mày nữa", rồi ngay sau đó, kéo cả nhà lên lại Nhã Nam. Thời điểm ấy là năm 1959, sau lần ông lên đầu tiên tròn 12 năm. Ông lên lại để làm một người dân thật sự. Dựng nhà, dồn tiền tậu một con bò, vỡ đất trồng cây, nuôi lợn gà... Tất nhiên, không rời bỏ thiên chức nhà văn, ông tiếp tục viết những bộ sách lớn, về Hoàng Hoa Thám, về vùng đất Hải Phòng... Viết trên chiếc chõng tre bày ngoài sân nắng.
Lần này bọn tôi lên Nhã Nam, từ Hà Nội, tới Bắc Giang nơi đầu cầu sông Thương là rẽ trái, đi qua Song Mai, Cao Thượng thì tới, xe chạy chỉ hơn hai giờ đồng hồ. Ngày trước, đôi khi Nguyên Hồng phải về Hà Nội, thì đi ngược lại cung đường này. Ông đạp chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, đèo bọc lủng củng cơm nắm, muối vừng, bầu rượu... Ông đi phải mất một ngày, có khi là hai, ba ngày, vì còn rẽ vào, dừng chân uống rượu với ai đó. Ông quay lưng với Hà Nội, nhưng vẫn có nhiều chuyến quay về, để gặp gỡ bạn bè, để dự các lớp bồi dưỡng các cây bút trẻ, rồi kiếm thêm sách, báo, tài liệu, hoặc mua giấy vở, bút mực cho đàn con học bài.
Ông đi ra cả Hải Phòng, để lấy thêm tư liệu và bồi bổ thêm cảm xúc cho việc viết bộ tiểu thuyết Cửa Biển hùng vĩ. Năm 1982, sau chuyến đi Hải Phòng trở về, một cơn mưa lớn đã xối nước làm lở tường nhà và bếp gia đình ông. Ông ra con suối, lặn ngụp ngay xuống để vớt bùn lên đắp lại rồi bị cảm nặng. Nhà văn Nguyên Hồng mất sau đó ít lâu, ở tuổi 65, cỡ tuổi như bọn tôi đang sống bây giờ. Bộ tiểu thuyết nhiều tập vẫn đang còn dang dở...
(Còn tiếp, kỳ hai: MỘC TỒN ĐỒN PHỒN XƯƠNG).
Ảnh: Thắp hương, rưới rượu và cùng quây quần ở quanh mộ nhà văn Nguyên Hồng.