Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VƯƠNG TRIỀU TIỀN LÝ, BỘ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ ĐẶC SẮC CỦA PHÙNG VĂN KHAI

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân
Thứ năm ngày 6 tháng 4 năm 2023 8:58 AM


Luôn gần hai mươi năm, nhà văn Phùng Văn Khai một mực chuyên tâm lịch sử. Nhà văn hoặc cùng các đoàn nghiên cứu, văn nhân miệt mài điền dã đình, đền, chùa, miếu; hoặc mải miết bôn ba khắp nơi tham gia tổ chức các hội thảo khoa học đều là về danh nhân lịch sử. Công việc của nhà văn lúc nào cũng cuồn cuộn như mây, mà xem ra việc chuyên tâm viết tiểu thuyết lịch sử vẫn không phút nào sao nhãng.

Trong tâm thức và tinh thần ấy, Phùng Văn Khai đã dốc toàn bộ trí tuệ, sức lực và thời gian của mình, từng bước từng bước, từng trang từng trang tường minh lịch sử bằng văn chương thấm thoắt đã hai mươi năm. Âu cũng là một chặng đường cần lao kiêu hãnh.

Về Phùng Vương và Ngô Vương, các nhà nghiên cứu, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giới văn bút trưởng lão và bạn văn đồng thời đã có nhiều ý kiến, bài viết, nhiều bạn sinh viên, học viên cao học đã chọn để làm khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ cũng là tấm lòng ưu ái với lịch sử, với văn chương của Phùng Văn Khai. Đó như tia nắng bình minh buổi sớm mai lấp lánh. Như ngọn gió mát lành buổi đầu thu xôn xao lay động. Như ngọn lửa ấm đêm đông nơi tiền đồn cương vực xa xôi. Tất thảy đều là khích lệ nhà văn trong đường xa dặm thẳm nghề văn bút trùng trùng. Những tấm lòng ấy, thanh âm ấy quả hữu ích xiết bao với người sáng tạo luôn đơn độc một mình. Ở lúc này đây, rõ ràng tiên sinh là người hạnh phúc. Và cái duyên ắt đến, cái nợ ắt trả dường như luôn chất chứa trong tim óc nhà văn.

Cách đây quãng mười năm, bỗng thấy nhà văn Phùng Văn Khai đi đình, đền, chùa, miếu chăm chỉ khác thường. Viết xong Ngô Vương đã lâu, vẫn thấy nhà văn tuần tiết nào cũng tới Cổ Loa, lên Đường Lâm, sang Cổ Pháp dâng hương, trò chuyện không dứt với các vị thủ đền, thủ đình, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhất là các bô lão địa phương. Có chuyến mời nhiều người cùng vân du điền dã. Lại có khi một mình một bóng một mạch đi - về. Riêng chùa Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nhà văn trong vòng một năm đi về luôn bảy, tám bận.

Bốn năm sau Phùng Văn Khai hoàn thành bộ Vương triều Tiền Lý 4 tập hơn 2000 trang.

Trong dòng chảy vương triều Tiền Lý 58 năm, việc khu xử, sắp xếp, thể hiện thấu đáo, tổng hòa nhịp nhàng mà tuyệt không xa rời lịch sử, không minh họa lịch sử, không làm méo mó lịch sử quả khó như việc bắc thang lên trời. Xưa nay văn - sử bất phân cũng chỉ là một câu nói để người đời viện dẫn lúc mình gặp khó. Đó còn là sự đơn giản, lười biếng của văn nhân.

Một điều chính yếu cũng là văn mạch xuyên suốt của Vương triều Tiền Lý bao gồm: Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc chính là tinh thần Phật giáo hộ quốc đã được đóng đinh và nhất quán trong suốt mấy nghìn trang sách của nhà văn Phùng Văn Khai. Tinh thần Phật giáo được thể hiện sinh động từ bước chân lẫm chẫm của cậu bé Lý Bí bảy tuổi trong đêm đông vắng lặng một mình trước mộ mẫu thân cùng với chúa sơn lâm bờm trắng nghe câu kinh tiếng mõ lốc cốc của sư phụ tới hình ảnh Triệu Việt Vương xuống tóc nơi chùa Bến trong một đêm đông cổ trấn Luy Lâu. Các cuộc luận đàm Phật pháp diễn ra trùng điệp, nối nhau, khi giữa vương triều Vạn Xuân ngày khai quốc, khi nơi chiến trận muôn tên nghìn giáo thập diện mai phục vẫn là tinh thần Phật giáo hộ quốc mà tiêu biểu là lục đại hộ pháp thiền phái Luy Lâu dòng thuần Việt. Tiên sinh quả đã coi tâm Phật chính là trung tâm ngòi bút của mình, từ đó hòa chung việc đạo, việc đời, việc nước, việc quân tốt tươi nhuần nhụy. Song hành với mạch truyện về cuộc đời và huân nghiệp của các vị hoàng đế, quân vương Vương triều Tiền Lý là những diễn giải và đối thoại về Phật giáo. Phùng Văn Khai đã mở rộng các vấn đề trọng đại trong lịch sử dân tộc khi nối kết vai trò của Phật giáo trong đời sống tinh thần người Việt. Phật giáo trong luận giải của tiên sinh như là thứ văn hóa kiến thiết đời sống tinh thần người Việt cổ xưa - đời sống chính trị, xã hội, đời sống văn hóa, tâm linh. Những miêu tả về lịch sử, giáo lý, đặc biệt sự ảnh hưởng lớn lao của đạo Phật luôn thấm đẫm trong từng trang viết.

Trong Vương triều Tiền Lý, đồng đều bốn cuốn luôn nổi lên tinh thần văn hóa hộ quốc. Văn hóa ở đây sâu thẳm từ thời thượng cổ, từ những lễ hội dân gian nơi thôn cùng xóm vắng tới nghi lễ quốc gia, nghi vệ triều đình trong quốc điện Vạn Xuân. Một đất nước, một quốc gia với nền quốc thống không thể nào tách rời văn hóa. Đó là vẻ đẹp của các vị lão trượng đầu tóc bạc phơ được mời đến kinh thành tham vấn việc quân, việc nước. Đó là việc sắp xếp tú nữ cầm dải lụa đỏ buộc lên trán tráng đinh thắng giải đua thuyền. Đó là những sới vật từ vua chí dân đều thượng võ xe đài trước khi phân cao thấp. Đó là tinh hoa bách nghệ được xiển dương, trọng dụng và sử dụng khi trùng tu quốc điện. Đó là những cuộc tha bổng tù nhân, cấp cho lương thuyền trở về cố quốc. Đó là hịch văn đánh vào quân tâm, nhân tâm để bớt đi máu xương sĩ tốt phải đổ xuống vô cớ vì binh lửa chiến tranh.

Một trong những vẻ đẹp của Vương triều Tiền Lý mà điển hình là Lý Phật Tử định quốc đã mạnh dạn khẳng định việc mở mang bờ cõi về phương Nam là một tất yếu lịch sử. Đã có một khoảng thời gian dài, chúng ta dường như né tránh hoặc khuôn chừng sự thực trên. Chúng ta một mặt phải đương đầu với bành trướng bá quyền từ phương Bắc, một mặt lại phải cương quyết mở mang cương vực về phương Nam. Những điều tưởng như mâu thuẫn ấy đã giằng xé và phân hóa tư tưởng của chúng ta từ rất lâu, còn kéo mãi tới hôm nay cũng là lẽ thường tình. Song, lịch sử tất phải là một lịch sử trọn vẹn và trước tiên phải là một sự thực lịch sử như nó đã diễn ra. Lý giải những vấn đề trên, ngòi bút của nhà văn đã phải vượt qua biết bao gian nan trắc trở.

Bộ sách được viết liền một mạch, tổng hòa các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, bản sắc dân tộc đã đồng loạt hiện lên, khi dồn dập nối nhau như sóng vỗ bờ, khi ẩn tàng lặng lẽ chìm khuất thẳm sâu hút hắt, thì vẫn nguyên ở đấy, một tấm lòng trung trinh với đất nước, với nhân dân.

Bốn vị hoàng đế, quân vương của Vương triều Tiền Lý, quả thực các ngài ấy đều đã cống hiến đến tận cùng, tuyệt không màng danh lợi. Có vị mở đầu đã cơ cực mà kết thúc càng rất đỗi bi ai. Quốc chủ Vạn Xuân Lý Bí bốn tuổi mồ côi cha, bảy tuổi mồ côi mẹ, mười mấy năm tu tập ăn chay niệm Phật, hai mấy năm bôn ba nếm mật nằm gai, lên ngôi quốc chủ vẫn dép cò áo nâu vào chùa dâng hương niệm Phật và giây phút cuối đời là một khung cảnh khiến người đời rơi lệ. Triệu Việt Vương - tùy tướng của ngài vâng di mệnh đánh giặc phục quốc suốt nhiều năm ròng không một phút giây nào lơ là việc quân việc nước. Triệu Việt Vương không chỉ vâng mệnh quốc chủ Lý Bí đòi lại quốc thống cho Vạn Xuân mà còn được nhị thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung ban cho móng rồng cũng là giao trọng trách việc khơi nguồn độc lập. Triệu Việt Vương thân là tướng soái, tay dẫn trọng binh, bên ngoài là thánh tướng cổ kim hiếm có bên trong là quốc vương đầy ứ khuất khúc triều đình càng là thách thức ngòi bút nhà văn. Không phải vô cớ phải để cho Triệu Vương xuống tóc. Viết tới những dòng đó, hẳn Phùng Văn Khai cũng đã nhiều đêm nhỏ máu mắt, nén nỗi đau để việc nước vẹn toàn.

Công việc của người viết sử bằng văn chương là làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện lịch sử vốn mang tính chất khô khan trong sử sách thành những câu chuyện lịch sử sống động và khơi mở, luận giải, đối thoại với những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc đối với độc giả. Bộ Vương triều Tiền Lý bao gồm Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc với 63 hồi trên 2.000 trang in thực sự là một trường thiên tiểu thuyết đồ sộ. Phùng Văn Khai đã dẫn dắt người đọc theo bước chân hành trình của các bậc đế vương triều Tiền Lý nhằm hiện thực hóa ý chí và sức mạnh của muôn dân Vạn Xuân. Đọc tiểu thuyết của ông, độc giả như được sống lại một thời kỳ oanh liệt của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Dẫu câu chuyện đã qua từ rất lâu, song những bài học mà nó mang lại chưa bao giờ là cũ. Bài học về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, về tinh thần tự chủ, tự cường, tự lực, về ý chí, khát vọng hòa bình, hạnh phúc, về sức mạnh của sự đoàn kết muôn dân, về tài năng, đức độ, tầm nhìn của người lãnh đạo, về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán… vẫn luôn đồng hành với nhiều thế hệ dù ở bất kỳ thời đại và sự chuyển vần nào. Vương triều Tiền Lý xứng đáng là bản anh hùng ca về ý chí, sức mạnh và văn hóa Việt trong tiến trình lịch sử. Bộ tiểu thuyết của Phùng Văn Khai xứng đáng có một vị trí trong tiến trình vận động, đổi mới thể loại với nỗ lực phục hiện/ hưng lối viết truyền thống bằng cảm thức lịch sử sâu sắc và lối kể chuyện hấp dẫn.