Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN NGHỆ SĨ NHÂN DÂN VÀ TIẾN SĨ: CẦN PHÊ PHÁN CÁI GÌ Ở ĐÂY?

Phạm Xuân Cần
Thứ bẩy ngày 11 tháng 3 năm 2023 10:32 AM
Mấy hôm nay trên mạng dậy sóng, phê phán, thậm chí chửi rủa ý kiến đề nghị "quy đổi" danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" ngang với học vị "Tiến sĩ". Đọc qua những bài đó, đặc biệt là các bình luận, tôi cho rằng hầu hết mọi người mới đọc đầu đề các bài báo, chưa tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện nên mới nặng nề như thế.
Thực ra thì câu chuyện này đã được nói đến từ hàng chục năm nay. Chuyện bắt đầu từ những quy định để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các trường đại học. Nôm na là theo đó, mỗi mã ngành đào tạo phải có ít nhất 5 tiến sĩ. Đối với các trường đào tạo các chuyên ngành khoa học để đạt tiêu chuẩn này chẳng có gì khó khăn. Thế nhưng, đối với các trường nghệ thuật thì tiêu chuẩn này là một rào cản lớn, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Việc có đủ 5 tiến sĩ, mấy GS, PGS để dạy hát, dạy đàn, dạy vẽ, dạy đóng kịch...là cực kì khó. Mà không đủ chỉ tiêu đó thì không được mở ngành học, hoặc là mở nhưng không đủ điều kiện. Mọi rắc rối bắt đầu từ đó. Vì vậy, từ hàng chục năm nay ngành văn hóa và các trường nghệ thuật đã nhiều lần đề nghị, thay vì có học vị tiến sĩ, học hàm GS, PGS giáo viên các trường nghệ thuật có thể là NSND, NSUT.
Theo tôi ý kiến đề xuất đó là sát thực tế với các trường nghệ thuật. Không chỉ phù hợp thực tiễn, dễ đáp ứng hơn, mà về khía cạnh dạy học, truyền nghề thì có thể nói, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, những họa sĩ, đạo diễn, diễn viên... có kinh nghiệm sẽ có ưu thế hơn là các tiến sĩ hay giáo sư, phó giáo sư. Tương tự, trong các trường công an, quân đội, cũng nên ưu tiên những người đã kinh qua thực tiễn tham gia đào tạo huấn luyện, thì mới có thể truyền đạt, rèn tập kỹ năng cho học viên được tốt. Những người này không nhất thiết cứ phải là tiến sĩ hay GS, PGS, thay vào đó là cấp hàm và vị trí công tác phù hợp.
Vậy thì, điều đáng phê phán ở đây là gì? Chắc không phải là ý kiến đề xuất rất hợp lý đó, mà chính là những quy định hành chính cứng nhắc, không sát thực tiễn của các cơ quan quản lý.
Và, sau đó là tâm lý a dua, "vịt đàn" thấy người ta chửi là xúm vào chửi của không ít "giang cư mận".