(Bài đăng trên Báo Văn nghệ trẻ Hội Nhà văn VN số đầu tháng 9 của Nguyễn Việt Chiến với bút danh Văn Nguyễn)
1 Đầu năm 2010 này, gặp nhà thơ Đỗ Thị Tấc ở một quán rượu Hà Nội, tôi hơi bị “choáng” trước vẻ “nam nhi” phong trần của chị. Áo sơ-mi nam, quần nam và áo khoác ngoài phóng viên cũng y trang đàn ông. Chị hút thuốc lào, thuốc lá và uống rượu như “bổ củi”. Tôi thấy cũng thật có lý khi mấy cây viết trẻ miền núi (tuổi 8X) thường gọi chị là “bố Tấc” chứ không phải là “mẹ Tấc”. Tôi biết chị đã có 5 con (một con đẻ và bốn con nuôi) nhưng vẫn sống cô đơn một mình với mẹ già ở huyện Tam Đường, Lai Châu. Ngồi ngắm chị lai rai uống rượu, hút thuốc, tôi bật cười một mình khi nhớ lại mấy câu thơ “Phác thảo chân dung Đỗ Thị Tấc” của nhà thơ Trần Nhương:
Tên thì ngắn người thì dài
Thuốc lào thuốc lá chị sài như anh
Bây giờ núi đỏ rừng xanh
Tam Đường một góc nổi danh văn gừng
Sữa đá mới thật lạ lùng
Những người mẹ núi nửa mừng nửa lo
Cuộc đời bao nỗi cam go
Một mình một lái một đò một sông
Đã qua mắt thắm môi hồng
Lai Châu là mẹ, là chồng, là ai...?
Giỏi ! cái bác Trần Nhương khéo miệng ứng khẩu thành “thơ tếu”, chỉ với mười câu lục bát là đã vẽ được chân dung một nhà thơ nữ tài hoa trứ danh của vùng Tây Bắc khi nêu được cả tên 2 tập thơ khá nổi tiếng của chị là “Sữa đá” (Giải thưởng văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2000) và “Những người mẹ núi” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002).
Theo danh mục “Nhà văn Việt Nam hiện đại” thì nhà thơ Đỗ Thị Tấc, sinh năm 1963, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Chị có bút danh là Lý Mỳ Mừ nhưng lại là người gốc Kinh “trăm phần trăm”. Quê chị ở Phủ Cừ, Hưng Yên. Đỗ Thị Tấc từ năm lên 3 tuổi đã theo bố mẹ (là công nhân làm đường) phiêu bạt trên khắp các cung đường của miền núi Lai Châu. Là một nhà thơ gắn bó toàn bộ cuộc đời với núi rừng nên thơ chị có những âm hưởng hoang sơ, hồn nhiên và lấm láp, nhọc nhằn như chắt ra từ đá sỏi. Chị đã giành được nhiều giải thưởng thơ có uy tín của báo Văn Nghệ, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số VN và đặc biệt, tập thơ “Những người mẹ núi” của chị đã được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2002.
Được biết, sau khi đẻ được một đứa con gái, vì “bố Tấc” thường xuyên phải đi công tác xa nhà, người chồng tỏ ra ngán ngẩm “bố”, nên sinh mâu thuẫn, khó ở với nhau. “Bố Tấc” hồn nhiên cười đùa bảo chồng “Bác biến đi chỗ khác cho em nhờ!”. Thật không ngờ ông chồng bỏ đi thật, biến “bố Tấc” thành kẻ cô đơn. Một ông thầy bói bảo Tấc: “Nếu muốn nuôi đứa bé nên người, nhà chị phải có thêm vài đứa con nuôi nữa”. Tấc nghe theo, sau bốn lần đi công tác vào vùng rừng sâu của Lai Châu, chị lần lượt đem về bốn đứa con nuôi từ những gia đình dân tộc nghèo khó. Giờ chúng đã lớn cả rồi, đứa lấy chồng, đứa lấy vợ và thi thoảng vẫn về thăm “bố Tấc”.
Ngồi nhìn “bố Tấc” hút thuốc, uống rượu choang choang, ngang tàng như đàn ông (hoặc có thể chị cố vẻ làm ra thế), tôi vẫn thấy trên gương mặt thanh tú của nữ nhà thơ này phảng phất những nét hào hoa đang lộ ra như để khẳng định rằng, hồi còn trẻ- người nữ này cũng khá xinh đẹp và chắc chắn là có khối anh phải lòng muốn theo không. Thế cho nên, “bố Tấc” lúc tuổi đang còn xuân thì đã làm một bài thơ tình hay “đáo để” với những câu thơ thật “gợi tình” gợi cảm như sau: Người ta nhìn vào thắt lưng/ Trợn mắt/ Người ta nhìn hàng cúc bướm/ Lườm như muốn ăn thịt/ Người ta nhìn vào mắt/ Bỏ đi/ Không nói ra thì không chịu được/ Nói rằng thương/ Không phải/ Nói rằng nhớ/ Không đúng/ Nói rằng yêu/ Làm gì.../ Nói ra rồi cũng không chịu được/ Người như trăng no muốn vỡ/ Ra suối cởi thắt lưng/ Bung hàng cúc bướm/ Vắt lên đầu/ Lội dòng nước sâu/ Trốn vào nước/ Trăng vỡ loăng ngoăng/ Buồn cả ngực/ Tức cả mắt/ Buồn cả ngực/ Tức cả mắt/ Thế này thì chết mất/ Chẳng biết mai/ Người ta có sang. Một bài thơ tình khá độc đáo, vì chỉ có “bố Tấc” mới dám nói lên được cái sự thật tuyệt vời đúng: Khi người ta yêu nhau thắm thiết cũng chính là lúc người ta muốn “ăn thịt” của nhau lắm lắm ! Và hai người tình trong bài thơ trên, chỉ vì chưa “ăn thịt” được của nhau nên đã trở nên bứt dứt, nhớ nhung nhau đến muốn chết, giời ạ!
Ngồi nói chuyện với Đỗ Thị Tấc trong quán rượu quê ở một góc phố cổ Hà Nội mới thấy đời thú vị làm sao. “Ông phải có dịp lên Tây Bắc chơi với tôi, đi vào những miền rừng nguyên sinh hẻo lánh sát biên giới Việt- Lào hoặc leo lên đỉnh Fan-Xi-Făng hùng vĩ hoang vu thì mới thấy hết được cái thú vị của đời sống thiên nhiên để quên đi cái văn minh nhộn nhạo đô thị hôm nay của các bố!” - Tấc bảo. Càng nói chuyện với chị, tôi càng cảm thấy con người này thật hay. Tấc bộc trực, thẳng băng như lũ suối miền núi cao và cởi mở, phóng khoáng như gió ngàn và điệu xòe vùng Tây Bắc trong những câu thơ của chị: “ Nhà tôi ở lưng đồi/ Bé nhỏ nốt ruồi núi/ Chiếu hẹp đủ ngồi/ Bát con đủ rượu/ Tiếp khách đủ lòng/ Đốt lửa cháy lên/ Gọi lửa bừng lên/ Mở thêm vòng xòe/ Vòng xòe/ Như bàn tay bản ôm trăm người/ Tay mường ôm vạn người/ Ngàn đời không lẽ/ Tay ta/ Chỉ ôm một người”.
2 Trưa hôm ấy, lơ mơ sau vài chén rượt nhạt với các bạn văn Hà Nội: Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Chiến và tôi, Đỗ Thị Tấc kể, trong một lần đi công tác tới mấy đồn biên phòng ở huyện Mường Nhé, chị suýt bị chó sói ăn thịt. Ngày ấy, chị còn là phóng viên truyền hình tỉnh Lai Châu. Tấc một mình một camera đi cùng 2 chiến sĩ biên phòng. Qua một bản nhỏ, thấy dân bảo “con sói “thành tinh” đêm qua lại về bản, bắt đi hai con lợn nặng hơn một tạ”. Tấc giật thột, câu chuyện về con chó sói “thành tinh” đã lan truyền cả mấy tháng nay ở huyện vùng sâu này. Dân mấy bản cả trăm tay súng lùng sục, săn bắn mãi mà vẫn trượt, đạn vung ra như châu chấu mà nó vẫn thoát. Con sói này đã “thành tinh”, người dân tộc nói thế.
Đi hết một đoạn rừng, bỗng Tấc đau quặn bụng. Chị đưa camera cho hai chiến sĩ biên phòng bảo đi tiếp, để chị còn rẽ xuống thung “giải quyết nỗi buồn khó tả”, lát nữa xong, chị đuổi theo sau. Khi xuống được lưng chừng thung, Tấc bỗng thấy lạnh người, hết cả đau bụng. Linh tính của người quen đi rừng mách chị có chuyện dữ. Chị quay nhìn tứ phía, và hết cả hồn vía khi phát hiện cách chỗ mình đứng khoảng hai chục mét, có một con chó sói to như con bê con đang trợn trừng như muốn nuốt chửng chị.
Con sói có bộ lông mầu lửa. Đôi mắt mầu tro tăm tối của nó bừng lên những tia man rợ trước con mồi là nữ nhà thơ yếu đuối. Tấc bảo “Lúc ấy, tôi sợ đến nỗi… vãi hết cả ra quần nhưng không dám nhúc nhích, vì già bản đã dặn, nếu gặp thú dữ, cứ đứng nguyên một chỗ, không động đậy và dồn sức hét lên một tiếng thật to, nó sẽ bỏ đi. Nhưng tôi sợ quá, không đủ sức để hét, ông có biết tôi làm cách gì trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc ấy không?”.
Tấc kể, cả đời người gắn bó với rừng, chị đã học được cách nói chuyện với muông thú của mấy già bản ở vùng rừng sâu Tây Bắc. Chưa bao giờ chị đối thoại với chó sói, nhưng lần này chị đã thử nói chuyện với nó bằng một giọng đặc biệt lầm rầm theo kiểu mấy câu thần chú mà chỉ có muông thú mới nghe thấy. Con sói mấy lần ngoác mồm hướng về chị. Tấc thì thầm bảo sói “Trong cuộc đời này, tao cũng cô đơn tận cùng như mày, nhưng không lẽ mày lại ăn thịt một kẻ cô đơn như tao đang có năm đứa con và một mẹ già phải chăm sóc. Hãy tha cho tao đi sói!”. Không hiểu có phải vì mấy câu thần chú của Tấc không mà con sói bỏ mồi đi.
Khi Tấc định chạy thì người chị bỗng sụm xuống vì từ trong cánh rừng âm u trước mặt, một tiếng tru thảm thiết rùng rợn của con sói vọng đến. “Cho đến giờ, tôi vẫn không sao quên được tiếng tru thảm thiết ấy. Không hiểu có phải nó tiếc cái con mồi ngon lành mà nó vừa phải bỏ qua, hay là nó cất tiếng tru ghê rợn ấy để chào tôi, để chia sẻ với một người phụ nữ cô đơn như tôi trong muôn vàn cạm bẫy của rừng đời!”- Đỗ Thị Tấc nói, lúc ấy tôi thấy mắt chị hoe đỏ.