Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÔNG LẬP HAY DÂN LẬP ?

Phạm Ngọc Hiền
Thứ bẩy ngày 21 tháng 8 năm 2010 10:10 AM
 
Cứ đến mỗi mùa thi cử, khắp nơi xôn xao việc chọn trường. Trước đây, khi chỉ có hệ công lập, người ta chỉ bàn tán về việc chọn học hệ đại học, cao đẳng hay trung cấp, dạy nghề. Nay, học sinh lại có thêm sự lựa chọn mới: vào học trường công lập hay dân lập ?
 Ở nước ta từ nửa thế kỷ nay, người ta đã quen nghĩ rằng cái gì thuộc công hữu bao giờ cũng hơn cái thuộc tư hữu. Doanh nghiệp nhà nước có vị trí cao hơn doanh nghiệp tư nhân. Người trong biên chế có “đẳng cấp” cao hơn người ngoài biên chế. Dạy trường công “oai” hơn dạy trường tư…
Tuy nhiên, ở các nước phát triển, do nền kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo nên người ta quen khái niệm làm tư hơn làm công. Phần lớn các trường Đại học danh tiếng thế giới đều là trường tư. Còn trường công chủ yếu dành cho con em thuộc diện chính sách xã hội, không đủ tiền học trường tư. Nói cách khác, học trường tư là người có tiền, được ưu tiên ngồi toa hạng nhất, học trường công là người ít tiền, phải ngồi toa hạng bét.
Học sinh trường tư được hưởng nhiều quyền lợi. Trường tư quan tâm tới học sinh chu đáo hơn, làm cho học sinh có cảm giác mình là nhân tố trung tâm của hoạt động dạy học. Ở đây có bầu không khí dân chủ, cởi mở, tiếng nói của học sinh được coi trọng.
Lãnh đạo trường tư rất chú trọng tới chất lượng giáo viên vì đây là nhân tố quyết định sự tồn tại của trường. Họ săn lùng giáo viên giỏi để nâng cao uy tín và cạnh tranh với các trường khác. Lãnh đạo trường tư tuyển người không căn cứ vào chỗ quen biết hay tiền bạc lo lót mà chú ý tuyển những người đem lại cho họ lợi ích thiết thực. Họ quan tâm tới chất lượng thực tế hơn là thành tích báo cáo trên giấy. Giáo viên trường tư không phải là những con chim nhốt trong lồng chờ người khác cho ăn mà là những con chim bay ngoài trời tự thân vận động để tồn tại và phát triển. Con chim bay ngoài trời tuy vất vả nhưng bù lại có đôi cánh khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
Ở Việt Nam từ sau Đổi mới, nền kinh tế thị trường phát triển đã làm giảm bớt sự kỳ thị về hai tiếng “tư nhân”. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp nhà nước buộc phải cổ phần hóa mới tồn tại nổi. Các cửa hàng tư nhân ra đời đã làm cho các cửa hàng mậu dịch quốc doanh phải đóng cửa. Nhiều công chức nhà nước đã bỏ công sở đi làm tư để có thu nhập cao hơn. Bệnh nhân đã biết đổ xô vào các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để được chăm sóc tốt hơn…
Nhưng đến bao giờ thì học sinh Việt Nam đổ xô vào các trường tư với niềm hãnh diện như học sinh các nước phát triển ?
 
PHẠM NGỌC HIỀN
 
 Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền, GV khoa Ngữ văn trường Đại học Văn Hiến TP. HCM. Số 2A2, Quốc lộ 1A, P. Thạnh Xuân, quận 12, TP. HCM. ĐT: 0914433211.   E: phamngochien.com@gmail.com, hoặc phamngochien@ymail.com.