Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN NHƯƠNG Ở ĐẠI LẢI

Nguyễn Thị Lan
Thứ hai ngày 16 tháng 8 năm 2010 6:21 AM
TNc: Sáng sớm nay mở email nhận được bài của người bạn chưa hề gặp mặt. Chị là giáo viên và viết phê bình văn học, đang sống ở tỉnh Đông. Chị biết tôi qua Trannhuong.com và tôi biết chị qua nhưng bài chị đóng góp và qua những tập sách chị tặng. Thật vui khi có một người từ xa tele nhìn mình . Cám ơn Nguyễn Thị Lan và khoe với các bạn...
 

Kính tặng nhà thơ Trần Nhương và những văn nghệ sĩ đã từng đến Đại Lải
 

Có lần nói chuyện với Trần Nhương qua điện thoại, khi tôi cho anh biết mình sẽ lên Đại Lải dự trại sáng tác, anh bảo: “Đại Lải với anh rất thân thuộc, anh coi Đại Lải như “nhà” của mình”.
Đầu tháng 6 năm 2010, cùng với đoàn văn nghệ sĩ tỉnh nhà tôi đến “Nhà sáng tác Đại Lải”- “ngôi nhà” của Trần Nhương và của biết bao văn nghệ sĩ khắp mọi miền của Tổ quốc.
Phong cảnh nơi đây thật tuyệt với, một vùng non xanh nước biếc, tĩnh lặng và khoáng đạt, rất thích hợp với khách là những văn nhân nghệ sĩ.
“Nhà sáng tác” nép mình bên rừng cây phi lao ở trên một quả đồi. Bây giờ đang là mùa hè, hoa sim đã gần tàn chỉ còn vài bông nở muộn sót lại. Rừng phi lao cao vút, ra rả tiếng ve kêu. Dưới chân đồi, hồ Đại Lải nước trong vắt rộng mênh mông, thổi những cơn gió mát rượi. Toàn bộ khu nhà tràn ngập hương của các loại cây, hoa mà các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước về đây đã trồng. Trước sân nhà khách, hoa đại rụng lả tả, những quả me rừng nhỏ xíu lặng lẽ rơi đầy góc sân những buổi sớm mai…
Cảnh gợi nhớ người. Tôi bâng khuâng tự hỏi: có phải ở góc sân này, Trần Nhương đã đứng chụp ảnh với hai ngựời bạn luật sư từ thành phố Hồ Chí Minh ra mà tôi đã thấy trên trannhuong.com? Và mé đồi kia, một buổi sáng Trần Nhương đã đứng vẽ tranh?
Theo con đường nhỏ xuống hồ, những ngôi biệt thự hai tầng xinh xắn nằm ẩn mình dưới rừng cây. Vắng lặng. Có cái gì rất liêu trai. Tôi lại nhớ đến truyện “Cơm bụi chấm com” của Trần Nhương. Phải chăng khung cảnh những ngôi biệt thự ở vùng này đã làm bối cảnh cho thiên truyện ngắn của anh, một truyện mà nhiều người đọc nhớ và góp phần làm nên “thương hiệu” của Trần Nhương?
Mùa này, nước hồ Đại Lải chưa đầy nhưng tôi có thể tưởng tượng ra chỗ mà Trần Nhương đã đứng chụp chùm ảnh “Nắng”, một chùm ảnh mà từ màu sắc, bố cục đến ý tưởng thật tuyệt vời.
Tôi đã đến một quán nhỏ tềnh toàng, sơ sài ở trong khu nhà sáng tác, gần sát hồ. Phong cảnh nơi đây yên bình quá. Khách có thể ngồi nhâm nhi một tách trà nóng, một cốc cà phê giữa một thiên nhiên hoàn toàn tĩnh lặng. Có chăng chỉ có tiếng phi lao vi vút và bản nhạc “ve….ve” của những “nghệ sĩ” ve sầu. Khách có thể nằm trên võng mắc giữa hai cây phi lao, ru mình hoà nhập với thiên nhiên vũ trụ. Chủ quán là một cháu gái nhỏ. Khi được hỏi chuyện, cháu còn nhớ rất rõ chú Nhương năm nào cũng xuống đây, chú thường ngồi ở chỗ này….
Có lẽ chùm thơ về Đại Lải: Chớm thu, Đêm Đại Lải, Mưa Đại Lải được Trần Nhương sinh thành từ nơi đây.
Đại Lải trong thơ Trần Nhương là một Đại Lải xanh, đẹp quyến rũ và hoang vắng. Một đêm Đại Lải, thi sĩ ngồi một mình, lắng nghe và cảm nhận:

 … Hồ im tịnh sóng cây thinh lặng cành
Chỉ còn trăng ngan ngát xanh
Ngậm sương cây cỏ bỗng thành thủy tinh
Vườn khuya chim nhỏ giật mình
Tiếng kêu gọi bạn xô vành trăng nghiêng”


Từ ngàn xưa, mùa thu bao giờ cũng là mùa hấp dẫn ngòi bút của các thi nhân bởi mùa thu Đẹp và Buồn. Trong khoảnh khắc giao mùa của mùa thu Đại Lải, Trần Nhương đã có những giây phút bâng khuâng.

Đành hanh cái nắng chớm thu
Nửa như nhớ Hạ, nửa như giận mình
Gặp Thu cũng muốn ngoại tình
Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông
Cốm xanh vương vít trái hồng
Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa
Chớm thu nắng đổ về già
Bao nhiêu mắt mở  vườn na dậy thì…

 Nhưng có bức tranh thiên nhiên nào không có bóng dáng tâm hồn của con người nhìn bức tranh đó? Nhà văn M.Youreéna đã có lý khi cho rằng: “Một nhà văn tưởng có thể nói được nhiều nhưng cái ông ta để lại được, nếu gặp may, chỉ là một hình ảnh của chính mình”. Chính vì vậy, người yêu thơ “đọc” qua nhưng bức tranh thiên nhiên kia một Trần Nhương yêu thiên nhiên say đắm, một Trần Nhương tinh tế, nhạy cảm, dồi dào cảm xúc.
Có lúc nhà thơ trực tiếp tự họa chân dung mình trong một ngày “Mưa Đại Lải”. Đó là một Trần Nhương buồn, cô đơn, lặng lẽ:

“Lão già đầu bạc nâng ly rượu
Uống đến tàn đêm chẳng ngớt sầu”


Cư dân mạng thường biết đến Trần Nhương như một blogger có hạng. trannhuong.com của anh là “cổng thông tin điện tử” của rất nhiều người. Nhưng Trần Nhương còn đóng nhiều “vai” khác. (anh là người lắm “tài” nhưng có nhiều “tật” như anh tự nhận)? mà “vai” nào Trần Nhương cũng để lại ấn tượng.
Là một người quảng giao, Trần Nhương có nhiều bạn. Bạn bè từ già đến trẻ đều quý anh vì anh chân thành, cởi mở, gần gũi, vui vẻ.
Trong lĩnh vực biên tập, Trần Nhương được bạn bè đồng nghiệp biết đến như một biên tập viên sắc sảo.
Trong lĩnh vực hội họa, nhà văn kiêm họa sĩ này có nhiều tác phẩm được các họa sĩ chuyên nghiệp đánh giá cao.
Trong lĩnh vực báo mạng, Trần Nhương là một nhà báo nhanh nhạy, sắc sảo, dũng cảm.
Trong lĩnh vực văn chương, anh đã cho ra đời hàng chục đầu sách từ thơ, truyện ngắn đến tiểu thuyết.
Nhiều “vai” như vậy nhưng trong cốt cách sâu thẳm của mình, Trần Nhương là một nhà thơ. Anh dành hết cả hồn vía của mình cho Nàng Thơ.
Rời xa thị thành ồn ã, bụi bặm với nhịp sống nhanh, với bao bận rộn, tất tả và không thiếu những phiền muộn, lo âu… “chàng” thi sĩ Trần Nhương về với Đại Lải như trở về căn nhà vũ trụ của mình. Thay vì tìm kiếm những cái gì ở bên ngoài, trở về nơi đây anh như được sống chậm lại. Anh có thể đi sâu vào cái “tiểu vũ trụ” của chính mình để nghĩ suy, để cảm xúc, để sinh thành ra những “đứa con” tinh thần của mình: những bức tranh, ảnh, những bài thơ, những truyện ngắn, những trang tiểu thuyết…đậm chất nhân văn.
“Nhà sáng tác Đại Lải”, “ngôi nhà” của Trần Nhương, “ngôi nhà” của rất nhiều văn nghệ sĩ từ ba miền của Tổ quốc.
Tôi đã có dịp may mắn được đến nơi đây.
Đại Lải, một lần đến và sẽ rất nhiều lần nhớ.
 
Hải Dương tháng 7 năm 2010
 

Ảnh: Luật sư Minh Tâm và LS Minh Châu lên thăm Trần Nhương tại Đại Lải năm 2009