Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÓ TÂY

Vũ Hữu Trác
Thứ hai ngày 16 tháng 8 năm 2010 7:52 PM
 
Nó đi lại trong vùng lãnh địa của nó, không ai đi ngang qua mà nó không nhìn bằng cặp mắt giận dữ, kể cả những kẻ to lớn.
Nó ghét cái giống cóc bé chậm chạp lưng đầy mụn, nhưng nó không dại trêu chọc lũ cóc nữa. Hồi còn bé ở nhà cô chủ trong làng quê cách đây xa lắm, có lần nó lấy chân dè lên dọa một con chỗ luống rau của bà, dại dột dí cái mũi bé vào lưng con cóc. Thế mà bị đạp một cái, kèm theo một dòng nhựa bắn ra, trúng vào cái lỗ mũi dèn dẹt làm nó sụt sịt mấy hôm.
Tên nó là Hăngry-Kiên. Người không biết thì cứ gọi nó là “chó tây” bởi nó là chó của ông tây. Còn cô chủ gọi nó là Kiến theo kiểu ở quê, bởi nó là giống chó Kiến bé nhỏ. Ông tây biết tiếng ta ít lắm nên cứ gọi nó là Ki-en. Hai cái tên tây, ta nó đều hiểu cả.
 
Ngạc nhiên, nó nhận ra nơi này, đêm nay yên tĩnh quá. Ngoài trời trăng sáng lên sau cơn mưa chiều. Con đường xuống phố thật tệ, cơn mưa làm thành những hố trũng lầy lội, đầy nước. Mặt đường đôi chỗ lấp lánh một thứ ánh trắng vỡ vụn.
Nó nhớ hồi mới đến, nó vừa bé vừa đen đủi, tất nhiên là thuộc loại chân đất mắt toét. Căn nhà đã có từ trước một cô chó tây lông vàng, hai tai to lớn của cô chó tây cứ dựng đứng lên. Tai to tưởng là tinh tường, nhưng chủ gọi, cô ta cứ quay đầu mãi mà còn chưa biết là gọi ở chỗ nào, vì cô ấy bị điếc mất một bên tai. Cái mõm đen to lớn của cô chó tây là nỗi kinh hoàng của nó. Cô “gừ” một cái, nó cuống lên, bốn chân khịu dúm vào nhau, nằm ngửa lên chịu trận, cái đuôi thì quẫy quẫy ra điều xin lỗi. Nó nịnh cô béc giê để làm cô vui lòng, tha không tặng cho nó một cú ngoạm ra trò vào cổ. Thành ra nó khôn dần.
Cô béc giê có cái tật xấu ngày cũng như đêm, lạ cũng như quen bất kể là ai, cứ oang oang. Cái phong cách dứt khoát, thẳng thừng lúc nào cũng ầm ỹ lên. Cái xứ xở chỉ có một trong hai từ trả lời cho một câu hỏi là “có” hoặc “không”, cô không biết khi nào nên khe khẽ, tế nhị, không thể hiểu rằng giữa “có” và “không” còn có một khoảng mênh mông không dễ gì lý giải được. Tuy còn bé nhưng nó đã làm cho ông tây thấy, cái thứ vốn dĩ của xứ xở xa lạ này lại hay lắm, nhỏ nhắn, xinh xinh mà hơn hẳn cái thứ to xác tồ tồ, chẳng biết gì. Cô ta chỉ được cái tiếng to, mũi to, mồm to, cái gì cũng to.
Cô chó tây có cái tính tham ăn không thể chịu được, đã không biết nhường nhịn ai, lại hay ăn vụng. Ăn thì rõ nhiều, mà ăn phải ngon có thịt, cá. Hôm nào không kịp mua thức ăn như những ngày gần đây, là bỏ bễ mọi việc  để phản đối. Còn nó ăn với rau muống luộc, hay cơm không cũng được, nó vẫn nhanh nhẹn và đầy trách nhiệm.
Nhiều lần nó nghịch ngợm theo kiểu bản xứ, hứng lên trêu chọc con mèo lười ngủ suốt ngày trên ghế. Nó đứng trên hai chân chạy vòng quanh phòng khách. Con mèo ngạc nhiên lắm, cứ tưởng rằng chỉ có người mới làm thế được. Có lần nó bò thấp sát bụng xuống nền, đến gần chú mèo đang chập chờn ngủ, nó hù lên dọa một cái, làm chú mèo giật nảy người, nhảy tót lên nóc tủ. Nó biết chú mèo trắng béo bụng cũng có nguồn gốc như cô béc giê, nó không thèm chấp, chỉ dọa cho kinh. Chú mèo xù lông lên, mãi một lúc, khi nhận ra nó, mới từ từ xẹp xuống rồi lặng im, bỏ đi.
 
Ông tây thích nó, bởi mỗi sáng nó luôn chạy theo ông tây tập thể dục. Bao giờ nó cũng theo sát ông khi ông chạy vòng quanh cái khu có cây cối vườn hoa bên ngoài tường rào sắt có những tấm tôn đục lỗ, che kín căn nhà. Rồi vật đối sao rời, nó hiểu ra rằng nó đã khôn lớn và hơn thế phải biết kìm nén những thứ ham muốn ngông cuồng, hay chạy nhảy lung tung vốn dĩ của loài chó.
Ông tây chạy có phần nặng nề, thở gấp gáp trước nó một đoạn ngắn. Người ông to tròn từ trên xuống, chỗ giữa phình ra còn chỗ hai chân thì bé dần lại. Ông không trẻ như cô chủ, nhưng được cái ông tây ham thích những thứ mới lạ như nó.
Có lần khi đang chạy theo ông, hếch cái mũi lên, chợt nó thấy cái mùi gì lạ lắm trong không khí sớm mai. Ngay chỗ ông đứng nghỉ, bên lớp cây thấp lấm tấm hoa trắng, bao bọc xung quanh đám cây lưỡi hổ vằn vện xanh xanh, có một cái gì đang động đậy.
Nó trườn xuống y như một kẻ đã lão luyện theo truyền thống chó Kiến. Nó nhanh chóng hiểu ra rằng, sẽ có nguy cơ rắc rối từ cái đám trơn trơn, tròn tròn bóng nhẫy mà đen xì gần dưới gốc bụi cây lưỡi hổ. Ông tây vẫn thản nhiên bước về phía ấy, đứng sát bên cây lưỡi hổ vừa gỡ ra cái giầy hỏng sau một đoạn tập chạy, vứt xuống đất. Ông bất ngờ quẳng cái giầy đúng vào cái đám đen xì.   
Nó không kịp hiểu nguy hiểm đến mức nào, vừa lao vào vừa “gừ gừ”,  nó nhe cặp răng nanh đã nhọn và rắn chắc ra, doạ kẻ lạ mặt. Đúng là điếc không sợ sấm. Con vật dài ngoằng, cuốn lại thành một đám to tướng. Con rắn hổ mang ngóc cái đầu dương hai con mắt bé xanh lét về phía nó, bành rõ to cái cổ dẹt như cổ gà sống bị vặt hết lông phía dưới, xù ra hai bên, nhìn nó trợn trừng. Con rắn lao người lên phía trước, phóng ra một tia nước nhớt ghê sợ. Nó nghiêng cái đầu, nọc độc rắn trúng vào cái tai bên trái. Nó kịp sủa lên mấy tiếng báo động, rồi lại lao vào lần nữa.
Nó tin tưởng ở ông tây, vốn dĩ như dòng dõi nó tin ở con chó đầu đàn. Cái đầu đang gật gù của con rắn, đột nhiên bổ xuống bằng sức mạnh như lò xo của cả đoạn thân đang uốn cuộn lại. Nó không hiểu gì và cũng không biết sợ cái thứ nó chưa từng biết. Cú tạt nhanh như luồng gió của cái đầu có những chiếc răng dài cong nhọn hướng ra phía trước, làm nó giật mình ngã ngửa ra sau. Rất nhanh nó bật lên, chồm dậy. Bản năng định hướng cho nó. Nó dúi mạnh cái mõm răng trắng về phía con rắn, bập xuống như tia chớp, đúng tầm ngoạm trúng vào chỗ cái cổ bành ra của con rắn từ phía sau. Ông tây sững người lại, rồi cuống quít cầm chiếc giầy đập đập loạn xạ, chẳng cái nào trúng được vào cái đoạn dài lại loằng ngoằng phía sau. Cái đuôi con rắn quật ngang quật dọc định cuốn lấy bụng nó, càng làm nó hăng tiết lên cắn thật chặt cái cổ, vặc mạnh. Một lát sau nó thấy con vật đờ ra lặng dần, không quậy nữa. 
Chuyện nó cứu được ông tây, nó nhận được rất nhiều lời khen và những ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Con rắn độc có cái cổ gẫy gập ấy, được ông chủ mang về nhà để mọi người tận mắt chứng kiến cái chiến công của nó. Chỗ một bên tai tít vào tận trong bị sưng vù lên, được cả nhà chăm sóc, nựng nó suốt cả tuần. Cô chủ âu yếm, tự hào về nó lắm vì nó còn là người nhà cũ của cô. Nó càng đắc ý và càng trung thành với ông và cô chủ, nó  được đổi chỗ ở từ gầm cầu thang trong nhà ra tự do ngoài sân ban đêm.  Chỉ riêng cô chó to và con méo béo thì chẳng hiểu được gì. 
Cũng bởi được ăn uống đầy đủ nên nó chóng lớn, sức vóc hơn hẳn kẻ cùng loài, ít người nghĩ nó là giống bé mà khôn ngoan của nước sở tại, nên cứ gọi là “chó tây đen”. Nó trở thành một chàng thanh niên cường tráng lúc nào không biết. Hai cái tai dài ra đen bóng, trông lại rất thật tình, thỉnh thoảng nhấc nhấc lên đe dọa. Hai tai cụp lại mềm mại, có thể che sương đêm khi nằm ngoài trời, nhưng tinh tường không tưởng được. Bộ lông sẫm óng ánh đen tuyền trước cái nắng gió miền nhiệt đới thì không mấy ai có được. Chân nó không dài bằng cô chó tây nhưng có huyền đề cả bốn, lại mai hoa tứ túc trắng tinh từ trên đầu gối xuống dưới. Trước trán, một vùng cũng trắng như mặt trăng đêm đầu tháng, làm cho nó có phần mềm mại hơn chút ít như kiếu con gái làm duyên. Nó tự hào về dòng giống nơi sinh ra nó.  
Nó cứ đi lại trong cái vùng lãnh địa của nó. Đêm nay trăng sáng lạ lùng. Bất cứ kẻ nào đi qua trước cổng nó đều nhìn  bằng con mắt giận dữ. Nhưng thực ra nó không có ý gì. Nó bây giờ to lớn, khoẻ mạnh ra dáng một chàng trai thực sự. Bộ lông ánh lên đến xanh mượt, thẫm đen dưới ánh trăng. Đôi mắt to long lanh, rực sáng tràn trề sức lực thì chứa đầy cái nhìn mạnh mẽ, dứt khoát. Còn cái chân trắng muốt, đến cả con mèo vừa chạy qua còn phải ghé mắt nhìn.
Nó biết cô béc giê để mắt đến nó, cô ta đến bên, nằm xuống gần bên cạnh nó. Nói thế, chứ ở lâu rồi thì cũng thành quen. Nó đứng dậy, dạo một vòng quanh sân, cái chân có móng huyền đề thỉnh thoảng gõ vào nhau lách cách như tiếng nhạc đeo. Nó biết bây giờ nó được yêu quí hơn cô chó tây, cô ấy đang muốn lấy lòng nó. Cô ấy đứng dậy, nặng nề đi theo rồi vòng quanh nó.
Cô hít hít trong gió, cái thứ mà nó cho là mùi từ người nó vừa mới được tắm rửa thơm tho, đang bộc lộ cái nguyên sơ vốn dĩ từ thời hồng hoang. Cô ta dúi cái đầu âu yếm bên chỗ cổ đeo cái nhạc có hình chiếc chìa khoá nhà của nó, biểu tượng sự tin cậy và trọng trách mà cô ta không thể có được.
Cái mùi hôi lâu ngày lười không tắm, không dùng đến xà phòng làm cô sực nức cái thứ rẻ tiền vốn sẵn dư thừa từ làn da lông lá, lồm xồm. Màu sắc cũng kém, chỗ trắng chỗ vàng. Trước kia, nó cứ tưởng bộ áo đẹp đẽ đến thế là chỉ có thơm tho rười rượi, nhất là khi còn trẻ. Hàng lông mi ngắn mà vàng nhạt như bạch tạng, nếu là người thì đã phải bôi đen đi, bây giờ trắng không ra trắng, vàng chẳng ra vàng, như thứ mắt vẽ của thằng bù nhìn coi dưa, trông ngứa cả mũi. Có những chỗ sợi lông loăn xoăn, màu cứ nhợt nhạt bờn bợt như râu ngô, trước nó cứ ước làm sao được sờ chân vào cái màu lạ lùng ấy là chắc nó nhớ đời! Nó cố tỏ ra một chút âu yếm với cô chó lớn tuổi, để cô khỏi tủi thân.
Nhưng rồi nó nhìn thấy cái gì rớt xuống khoảng sân động đậy. Nó lao đến cái bóng rất nhanh, nhưng kịp dừng đột ngột bằng hai chân choãi ra về phía trước trong tư thế nhe nanh, sẵn sàng có thể cho kẻ lạ mặt một cú vồ xé chết người.
Nơi giữa khe cánh cổng mở hé, một bóng trắng thoáng qua bên ngoài, gần giống con mèo lười, nhưng lớn hơn và chắc chắn không phải là giống mèo. Nó “gừ” lên một tiếng vốn dĩ để đe doạ, nhưng thực ra nó không có ý gì. Nó nhận ra một màu trắng đầy đặn tinh khiết thoát ra, Cái đuôi lay động như bông xù, vẫy vẫy sáng trong ánh trăng trắng ngời ngời. Cái bóng nhanh nhẹn cúi xuống, ngẩng lên như tìm kiếm, hiền lành nghếch cái mũi bé, như đã nhận ra nó. Một khoảng không gian tĩnh lặng như dành riêng cho sự ra mắt, để không còn cái nhìn giận dữ nhường chỗ cho cái đuôi đen ánh, quẫy quẫy thân thiện sau cánh cổng. 
Nó không muốn làm cái bóng kia sợ bỏ đi. Nó đưa chân trước có cái móng huyền đề xoè ra, gãi gãi lên cánh cổng có phần khoe mẽ. Nó đang nhìn ai qua khe hở với tiếng rít có phần thân mật.
Chợt nó nghe tiếng ồm ồm, ông ổng của cô béc giê. Nó quay sang như muốn xoa dịu cái không khí căng thẳng đột ngột ấy. Nhưng cô ta càng cố tình làm rinh om lên.
- Thôi đủ rồi - Nó nghĩ. Nó chạy quanh cô ta có ý dọa hay sẵn sàng cho một cú đớp vào cổ để im đi, nhưng nó thôi khi thấy cô béc giê cũng không dám nhặng xị lên nữa. Cô ta biết nó không thích cái trò ầm ỹ ấy, nên bỏ đi vào chỗ gầm cầu thang ngoài trời.
Cái bóng trắng nhỏ chạy đi, dọc theo tường rào sắt bọc tôn như tìm kiếm cái gì. Nó chỉ phóng nhẹ một cái rất nhanh đuổi theo, kịp song hành với cô chó bông từ bên ngoài. Cả hai cùng chạy, cùng hít thở, thỉnh thoảng cùng nhảy lên nhìn nhau qua tường rào. Cứ hết đoạn tường rào lại quay ngược về, mà không làm sao thò một chân sang chào được. Nó chợt nhớ chỗ cái cống nước chảy. Nó rít lên rồi chạy về chỗ cuối tường rào, cô chó chạy theo bên ngoài cứ như cục bông tròn, ưng ý chạy theo bằng vẫy vẫy cái đuôi thật đẹp.
Nó ra hiệu cho cô chó bông và tự mình cố đào thêm cho rộng cái lỗ thoát nước từ phía bên trong. Bên ngoài cái bóng trắng lặng im một lát, rồi cũng cắm cúi đào vào. 
Phải một lúc khá lâu moi khá nhiều đất thành một cái hố, nó thò đầu ra kêu lên một tiếng.
-  Lại đây! - Nó muốn nói là nó không thể đào rộng thêm được, dù đã cố gắng vì gặp phải chỗ cứng quá. Nó đành thụt đầu lại.
Hấp, cô chó bông chui tọt qua được cái lỗ ấy, làm nó chưa kịp định thần đã quấn lấy nó, ôm cả hai chân vào cổ vật nhau với nó, cắn lên má nó. Nó chạy một đoạn đến chỗ bụi cây dạ hương đang toả hương dịu thơm trong đêm. Cô chó bông ngoan mà xinh, đúng là đồng hương thật.
Ánh trăng đổ bóng một vùng đen đen lù xù trên mặt đất giống như lần ấy, làm nó nhớ mãi những lần cô ấy cố chui qua cái lỗ cống.
 
Thực ra bây giờ, ngay cả chuyện nó vẫn nhớ không nguôi về cô chó trắng, cũng bị nó bỏ qua. Nó đang để ý đến một cái bóng đen khác đang ngồi trên bậc cửa trong đêm trăng suông mờ mờ. Nó biết đó là cô chủ nhưng chưa dám lại gần. Nó vốn là kẻ tế nhị không nên làm phiền hay nhố nhăng lúc người ta đang buồn.
Căn nhà trong đêm vắng trống trải, lặng lẽ ở khu ngoại ô thành phố mới, con đường dài vào nhà chưa làm được, lộ ra màu đất nâu đỏ. Những hố trũng đầy nước làm mặt đường cũng lấp lánh một thứ sáng  bềnh bệch.
Ông chủ chọn thuê căn nhà biệt thự ở đây cho yên tĩnh, tránh những ánh mắt không thân thiện, mà cũng để ông đỡ tốn kém hơn. Những hôm trời mưa, những hố trũng như con đường đất ở làng quê đầy nước, lấp lánh một thứ nhếnh nháng. Gọi là biệt thự nhưng người ta cho thuê khi chưa hoàn thiện, chưa có hàng xóm. Ông tây phải tự sửa sang lại từ một cái nhà rêu mốc như nhà hoang, nhiều năm tường vách còn chưa trát. So với biệt thự thành phố thi có phần khiêm tốn và bẩn hơn.
Gần đây cô người giúp việc bỏ về, nhà cửa không người dọn dẹp, nhếch nhác. Cây cối không người chăm, mọc lan ra rãnh nước, đường đi làm chỗ cho những con cóc đáng ghét ẩn nấp mà nó không sao đuổi đi được. Nó lại còn phải trông em bé khi cô chủ vắng nhà chốc lát. Nó đứng lên bám hai chân vào mép cái nôi, để đùa với cô bé. Nó thò cả cái đầu vào lắc lư dỗ dành để cô bé không khóc. Nhưng có lần nó đã cố làm mọi thứ mà cô bé cứ khóc, Nó biết cô bé tè ra trong nôi, bẩn quá, nó không biết phải làm thế nào.
Nó đoán cô chủ đang nhớ quê. Cũng vào một đêm như đêm nay, cái làng bé nhỏ như cái bát úp, nép mình dưới những dặng tre rì rào le lói ánh đèn dầu. Trong một căn nhà tranh nghèo có người ông tóc chớm bạc có cái nhìn trìu mến, ngồi hút thuốc lào vặt và một người bà lầm lũi, gầy gò thường ngày cặm cụi bên những luống rau. Nhớ cả mùi đất hăng hăng ở vườn của bà, nhớ cả những lũy tre ven bờ đê chiều rợp những cánh diều, bay cao trong gió lộng. Nhưng nó biết cô nhớ nhất là bà vì bà hay đau ốm, mà nhà lại nghèo.
Nó nhớ lại cả chuyện cô và ông tây cãi nhau.
- Tôi hỏi cô, là cô có lấy tiền của tôi cho mẹ cô không?
- Nhưng mà mẹ em đang bị ốm nặng, em không biết làm thế nào.
- Tôi hỏi lại cô, chỉ cần cô nói “có” hay “không”, đừng nhiều lời!
- Em “có”!
- Tôi không có trách nhiệm phải làm việc ấy. Cô nhiều lần vi phạm những nguyên tắc sống của tôi. Tôi không thể chấp nhận mãi được.
Nó là chó nên không hiểu, thế nào là trách nhiệm. Ông tây bỏ về nước đã mấy tháng nay. Nhà không có tiền mua thức ăn. Nó có thể ăn ít đi, nó ăn rau muống luộc nhiều hơn, nhường một phần cho cô béc giê khi thấy cô còn đói. Bây giờ nghĩ lại lần tấn công con rắn để cứu ông, biết đâu nó có thể bị chết đem chôn. Cái bản năng đúng không phải là trách nhiệm. Nó nó từ từ tiến đến bên nằm xuống dưới chân, ghếch cái mõm vào chân cô, nó muốn an ủi cô. Nó cũng không biết phải làm thế nào.
Bên ngoài trăng cuối tháng mờ mờ, bóng cô không rõ, đổ xuống khoảng sân nhàn nhạt. Một con cóc từ vạt cây đen đen nhảy ra. Nó lập tức vụt lao dậy, cắn chặt cái nỗi ấm ức vào lưng mang con cóc đến cuối vườn định vật mấy cái cho kinh, nhưng nghĩ sao nó lại thả ra. Con cóc vội nhảy biến vào một khoảng tối vào dưới bụi cây ngâu thấp.
Có tiếng rít khe khẽ bên ngoài. Một bóng trắng. Tự nhiên nó lao đến chỗ cái cống thoát nước, lấy hết sức đào. Lần này nó cào tung lên cả những tảng xi măng đến cùn cả móng ở hai chân trước. Nó biết cô Bông trắng không thể chui qua cái lỗ được vì cái bụng to quá. Cái lỗ rộng ra, nó thò hẳn đầu ra ngoài, rồi cố vươn mình cho nhỏ lại, vụt qua cái lỗ hẹp.
Hai đứa cứ quấn vào nhau, chạy trên đường về chỗ của cô Bông trắng. Nó muốn được làm tròn trách nhiệm của nó.
  Tháng 8 /2010.