LTG: Khi tôi họp Đại hội Nhà văn lần thứ VIII trở về, rất nhiều bè bạn và những người hàng xóm đến hỏi chuyện. Họ là những người lái xe ôm, bán rau, bán cá ngoài chợ. Họ tỏ ra quan tâm đến Đại hội Nhà văn của chúng ta. Thì ra kẻ sĩ vẫn còn được nhân dân trân trọng và kỳ vọng nhiều lắm. Nghĩ tới Đại hội Nhà văn vừa qua, thấy lòng ngán ngẩm, khiến tôi không thể không ngồi vào bàn viết bài này.
Trong những tham luận đọc tại Đại hội nhà văn lần thứ VIII vừa rồi, có 3 tham luận làm tôi chú ý và gây xúc động, là tham luận của Đại tá-nhà văn Lương Sỹ Cầm, của Giáo sư-nhà văn Phong Lê và nhà thơ Bùi Minh Quốc.
Tôi cũng ngán ngẩm nhận thấy rằng, đến tận bây giờ vào năm 2010 này, làn sóng xu thời vẫn ngự trị và che lấp lương tri nhà văn chúng ta. Xin miễn nói đến những trục trặc kỹ thuật đến nỗi nhà thơ Trần Mạnh Hảo đang hùng hồn phát biểu, bỗng tiếng anh im thít như rơi vào âm ty, để rồi chỉ 15 phút sau, trên mạng đã có hình anh đen ngòm và gớm ghiếc như mọt gã bán thịt cá ở chợ đen.
Tôi chỉ xin nói tham luận của 3 người như đã nêu trên.
Trong tham luận của mình, nhà văn Lương Sỹ Cầm có nhắc đến việc hành quyết một tác phẩm của nhà văn Tôn Ái Nhân có tên là: Cuộc hành quyết không pháp trường và…. sự chìm xuồng của cuốn: Thời của Thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường. Đây là tham luận duy nhất không bị vỗ tay mời xuống.
Tham luận này đề cập đến một vấn đề lớn, có quan hệ đến danh dự, phẩm giá của nhà văn, đó là vấn đề thẩm định văn học. Sự thẩm định công minh sẽ tôn vinh được những giá trị đích thực của tác phẩm, ngược lại, sự thẩm định, đánh giá vô lối, chủ quan, tùy thuộc các cá nhân sẽ không tránh khỏi vũ đoán, chụp mũ và bóp chết sáng tạo.
Phải nói thật rằng, những tác phẩm gây được sự chú ý của dư luận, thậm chí gây ra làn sóng dư luận, Hội Nhà văn không bao giờ xếp giải. Nhưng nó lại được nhân dân trao giải bằng cách truyền tay nhau đọc và tìm đọc.
Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần cuốn Hành quyết không pháp trường của Tôn Ái Nhân với tư cách một độc giả bình thường, gạt ra ngoài những tình cảm bè bạn. Lùi ra xa và suy ngẫm. Tôi không nói cuốn sách đa đạt đến trình độ giá trị văn chương cỡ nào. Cái đó phụ thuộc vào độc giả. Tôi chỉ nói đến các vấn đề anh đặt ra và cần lý giải. Đây là cuộc hành trình tìm về lương tâm hay là sự sám hối của một sĩ quan cảnh sát, đội trưởng đội hành quyết khi đã quá lâu buộc phải thi hành nhiệm vụ của kẻ tòng quyền. Vấn đề mà người đội trưởng đội hành quyết trăn trở và cũng là Tôn Ái Nhân trăn trở là làm sao không còn án tử hình. Và nếu buộc phải tử hình thì đừng để bị oan sai và cần tìm một phương pháp khác nhân đạo hơn để những người hành quyết không bị ám ảnh, hành hạ con tim rằng mình đã giết người, cho dù việc giết người ấy là sự thắng lợi của pháp luật và lẽ đời.
Cũng mừng thay, 8 năm sau, khi cuốn sách này bị hành quyết cho nghiền nát làm giấy tái sinh thì Quốc hội của chúng ta lại đang bàn vấn đề này.
Chẳng ai tìm thấy cuốn sách này phản động, bôi xấu ngành công an hay bôi xấu Tổ quốc, dân tộc nhưng chỉ vì sự không vừa ý của một vài cá nhân có chức quyền nào đó, cuốn sách trở nên có vấn đề và bị nghiền thành giấy bột. Nhà văn Tôn Ái Nhân đành phải ngậm tăm nhìn đứa con tinh thần của mình lên đoạn đầu đài và thật vô cảm: không ai bênh vực, kể cả Hội Nhà văn của chúng ta. Đã mấy lần Tôn Ái Nhân đề nghị mang ra Chi hội nhà văn công an để xem xét, kết luận nhưng cho đến nay, không hiểu sao vẫn không làm được. Các nhà văn công an vốn là những người kín đáo, biết giữ mình, có nhiều kinh nghiệm sống nên chỉ cười, không phản đối. Trong trường hợp này, câu im lặng là vàng thật có ý nghĩa.
Cuốn Thời của Thánh thần làm ta nhớ đến một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước. Giai đoạn lịch sử không được chép, không được đánh giá và cố tình lãng quên. Nhưng nhà văn với thiên chức là thư ký của thời đại và nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc thì không được quên. Bởi vì một sự thật rành rành, không ai nói đến giai đoạn cải cách ruộng đất. Nhưng vết thương ấy vẫn không bao giờ lành và mãi mãi tổn thương dân tộc, phía trong những cái miệng câm lặng kia là ký ức vẫn sống, vẫn khắc khoải.
Tại sao lại có những nhát chém vô lối như vậy?
Theo nhà văn Lương Sỹ Cầm, là vì chúng ta chưa có một cơ chế pháp lý để bảo vệ nhà văn. Cơ chế pháp lý này lấy Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm hệ quy chiếu. Một tác phẩm không phỉ báng, bôi đen Tổ quốc và nhân dân, không kích động dâm ô , bạo lực, không cổ súy ma túy, là một tác phẩm không phạm tội. Và để làm được điều này, cần có một Hội đồng Văn học do Hội Nhà văn Việt Nam làm chủ, kết hợp với các cơ quan có chức năng văn học thẩm định. Việc đầu tiên, xin tách tác phẩm ra khỏi tác giả và xem xét nó như một sản phẩm độc lập để đóng dấu O.T.K. Bởi một tác phẩm khi nó ra đời như một viên đạn bắn ra khỏi nòng. Nó có trúng mục tiêu hay không, nó bay xa hay bay gần, nổ hay không nổ, không phụ thuộc vào người giật cò. Nó là một đứa trẻ rong chơi trong cuộc đời hay một người kể chuyện cuộc sống, nói như Mac-ket.
Độc giả tức là cuộc sống có đón nhận nó hay không, hay thờ ơ, phỉ nhổ nó, là quyền của họ. Không phụ thuộc vào nhà văn.
Và khi đã thẩm định rồi, cần có trách nhiệm bảo vệ. Việc thẩm định này phải bác bỏ sự quan phương, nhã tụng, mà lấy chân-thiện-mĩ làm gốc.
Xưa nay, dù chưa có một hội đồng thẩm định mang tính pháp lý, vẫn có một thứ hội đồng ảo.đấy Chính vì lẽ đó, trên giá sách ngày nay, nhan nhản những tác phẩm na ná như nhau, nhạt nhẽo, vô hồn như được sinh ra từ một lò gốm không chịu gọt ba-via. Họ đã góp phần hạ thấp văn chương, giúp người đọc thờ ơ với sách.
Xin hãy bỏ qua những lý do ngoài văn chương của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Những giọt nước mắt của ông trên diễn đàn làm nhiều người xúc động. Đúng. vào thời điểm 1966 đó, chúng ta mới ở tuổi 20, đều đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, không ai là không lên đường, và đã có nhiều nhà văn không trở về, như: Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý. Giai đoạn hào hùng máu và hoa đó phải luôn luôn được nhắc lại và nhắc bao nhiêu lần vẫn không đủ, không phải là để khoe, hay lấy đó làm bảo hiểm khi lâm nạn - nhà văn không tầm thường như thế nhưng để thắp lại ngọn lửa trong lòng mình, tin vào sự nghiệp của dân tộc ngày hôm nay, vịn vào nó mà dấn thân, bởi giờ đây cái họa mất nước lại đang đe dọa Tổ quốc chúng ta. Phương châm định hướng văn học Đại hội VIII của chúng ta là: Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người. Mà phần phẩm giá con người không ở ngoài trách nhiệm công dân của nhà văn đối với Tổ quốc. Nhà văn, Giáo sư Phong Lê cũng đau đáu nỗi niềm này, nhưng cách ông đặt vấn đề không gay gắt, không bức xúc, không buộc chúng ta phải tỏ rõ quyết tâm thư cực đoan như Bùi Minh Quốc. Ông chỉ khơi gợi vấn đề, nhằm thức tỉnh chúng ta. Nhưng tiếc thay, những cái vỗ tay của đám xu thời đã lấn át tiếng nói của lương tri và biến những khát vọng thiêng liêng, những đề xuất nghiêm chỉnh thành trò cười.
Nhà văn viết vì chân-thiện-mĩ. Đó là những viên ngọc tôn vinh phẩm giá con người. Mà phẩm giá con người trong ý nghĩa cụ thể của nó là trách nhiệm công dân trước Tổ quốc. Yêu nước là phẩm giá tự nhiên của mỗi con người. Nó tự nhiên như tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương, như con cá yêu nước, con chim yêu bầu trời, không ai là không có, cũng không ai có quyền dạy ai lòng yêu nước đó. Càng không có lòng yêu nước chính trị hay yêu nước phản động.
Vào những năm nô lệ, nước mất vào tay thực dân Pháp, Phan Bội Châu viết lá huyết thư, Hoàng Đạo Thúy viết Trai nước Nam làm gì?. Tại sao bây giờ chúng ta không tự hỏi: Nhà văn Việt Nam làm gì?. Một đất nước sau gần 40 năm thống nhất, cuộc hòa hợp dân tộc vẫn chưa được diễn ra, vẫn còn hố sâu ngăn cách giữa người Việt với người Việt, đất nước chúng ta vẫn tụt hậu dài về kinh tế, tham nhũng như loài Phạm Nhan, chặt đầu này mọc ra nhiều đầu khác, rùng rợn hơn, nham hiểm hơn, tinh vi hơn và trầm trọng hơn. Chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp kém phát triển. Một nước nông nghiệp nhưng nông dân không có ruộng, nơi còn ruộng thì rủ nhau ly nông và ly hương.
Những cảnh báo của Giáo sư-nhà văn Phong Lê, những nỗi niềm của nhà thơ Bùi Minh Quốc là những nhát búa gõ vào trái tim ngủ yên của các nhà văn chúng ta, buộc chúng ta phải tỏ thái độ. Không lẽ yêu nước cũng là một tội hay sao?
Xin đừng thờ ơ, bởi nhà văn Nga Tuốc-ghê-nhi-ép đã nói một câu thấm thía: Không có ai trong bất kỳ chúng ta, Tổ quốc vẫn tồn tại, nhưng không có ai trong chúng ta tồn tại được mà không có Tổ quốc.
Viết sau Đại hội Nhà văn 8/2010