Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“BÀI CA SỰ THẬT” QUA CÁI NHÌN CỦA NGUYỄN NGỌC HÒA

• Nguyễn Ngọc Hoà
Thứ bẩy ngày 31 tháng 7 năm 2010 10:54 AM
 
BÀI CA SỰ THẬT
Trần Mạnh Hảo
 
Sự thật của tôi
Sự thật của anh
Sự thật của chúng ta
Sự thật của mọi người ?
 
Nhân loại có bao thời
Sự dối trá làm quan toà phán xử
Bru-nô ơi trái đất vẫn tròn
Mà chân lý nghìn sau còn trả giá
 
Nhưng đất nước vẫn đi tìm sự thật
Trong câu hát có mồ hôi nước mắt
Có con nghê đá đầu đình cười cợt các triều vua
Có thằng Bờm chẳng tin lời hứa hão
Cái quạt mo không để phú ông lừa
Vua Hùng ơi Người đi tìm sự thật
Bằng cách ngày đầu năm xuống ruộng cày bừa
 
Bao triều đại xưa đổ vì ưa nói dối
“Muốn nói gian làm quan mà nói”
Sự thật giấu trong nhà dân đen
Sự thật từng vật vờ đi như ăn mày đầu đường xó chợ
Sự thật làm anh hề, chú mõ
Sự thật như nàng Thị Kính oan khiên
Sự thật trốn vào ngụ ngôn, ngạn ngữ sấm truyền
Sự thật có khi mượn Xuý Vân mà giả dại
Sự thật chiếc lá đa bay qua bao thời đại
Bay về đây trời nổi can qua
Con vua thất thế quét chùa sãi ơi !
 
Vĩnh biệt chú Cuội
Vĩnh biệt thành tích ma, báo cáo láo thành thần
Bệnh hình thức gọi sai tên sự vật
Người đói phải nói lời no
Vị đắng sao lại kêu là mật ?
Ngục tù mang nhãn hiệu tự do !
 
Vĩnh biệt khái niệm quét vôi và từ ngữ nước sơn
Đạo đức dính trên đầu môi chót lưỡi
Vĩnh biệt những bóng ma cơ hội
Những cái đầu già cỗi tự bên trong
Những con mắt nhìn người bằng bóng tối
Có nhận ra tia nắng mới trong lòng ?    
 
Tôi là người tập yêu sự thật
Tập nghe nên có lúc ù tai
Tập nhìn nên chói mắt
Đất nước đổi thay
Cơn đau đẻ những dòng sông quằn quại !
 
Hạt thóc và hạt máu có bao giờ nói dối ?
Bốn nghìn năm dân tộc tôi
Đi từ bờ bên kia
Đến bờ bên này của sự thật
Để mỗi con người hôm nay trên mặt đất
Được cầm trong tay một tia nắng mặt trời …
 
Sài Gòn ngày 15-1-1987
Trần Mạnh Hảo
(Đã in trên báo “Tuổi Trẻ” số tất niên 24-01-1987)
 
 
 

•  Nguyễn Ngọc Hoà nói:
31/07/2010 lúc 1:05 sáng
Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo,
Đọc bài thơ “Bài ca sự thật” của ông, thì thật xin lỗi, bỗng tôi chợt nhớ tới ẩn dụng cái hang của Plato quá chừng, mà hình ảnh của nó đã luôn song hành cùng tôi, nay nhờ bài thơ của ông mà tôi được thấu hiểu sâu hơn về ý nghĩa thực tế của nó. Càng ngẫm nghĩ từng câu từng chữ trong bài thơ của ông, tôi càng thấy cảm kích tấm lòng và sự dũng cảm của ông, có thể nói ông đã gần như một mình một ngựa hiên ngang chiến đấu giữa chiến trường của cái gọi là Hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực – sự thật – đất nước hôm nay”, mà tôi chỉ có thể ngậm ngùi đứng ngoài (bóp nát quả cam chăng ☺). Tôi không có thêm ý kiến gì về lòng dũng cảm của ông thông qua bài viết này, mà chỉ xin phép một lần nữa được nhắc lại bài thơ này theo cách hiểu riêng của tôi bằng một góp ý nhỏ để được chia sẻ cùng tác giả và bài thơ của ông.
Sokrates-Plato trong ẩn dụng hang động của mình (Nền Cộng hòa/Republic), đã vẽ lên một hình ảnh hết sức độc đáo, nay xin mạo muội tóm tắt ra đây để cùng thưởng thức với quý vị. Sau đây xin được mượn lời của Sokrates-Plato.
Sokrates-Plato: Hãy thử tưởng tưởng một hang động trước mặt bạn. [Bạn có thể tăng thêm sinh khí cho trí tưởng tượng được sôi động hơn bằng cách cho nó cái tên gọi là Hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực – sự thật – đất nước hôm nay”, tùy bạn.]
Trong hang động đó, có một số người tù bị xiềng xích cả chân tay, đầu và cổ. [Tất nhiên, đối với những người có tri thức, có thể nói rằng ngoài ra họ còn bị xiềng xích cả tư tưởng nữa.]
Những người đó chỉ có thể nhìn thẳng về một hướng vào vách hang, không thể nhìn sang một hướng khác. [Nếu có một chút kinh nghiệm, bạn có thể cho rằng đó là hướng nhìn về con đường đi lên kiên định của các chủ nghĩa có cái đuôi “-ism, -ismen, …”.]
Trên vách hang có nhiều bóng hình đang di chuyển, mà những tù nhân đó gán cho cái tên gọi là những hiện tượng. [Bạn có thể gọi đó là những hiện tượng về đất nước, con người Việt Nam.]
Và bây giờ, trò tiêu khiển của những tù nhân đó bắt đầu bằng cách trao bằng khen cho ai đó có thể gọi đúng tên của những hiện tượng đang di chuyển. Nếu ai giải thích được cụ thể nguyên do của hiện tượng, sau Hội thảo sẽ được phong hàm giáo sư phê bình văn học, nếu ai đó có thể viết đẹp, viết hay sẽ trao giải Nobel văn học của hang. [Tất nhiên, bạn có thể cho rằng các giáo sư, nhà văn, nhà thơ, kỹ sư, bác sĩ, vv. đều vinh dự ngồi ở đó cả. Học sinh, sinh viên chưa đến tuổi nên chưa được tham dự.]
Và bây giờ, chúng ta cùng thưởng thức bài thơ “Bài ca sự thật” của Trần Mạnh Hảo:
Sự thật của tôi
Sự thật của anh
Sự thật của chúng ta
Sự thật của mọi người?
Cách đằng sau lưng những tù nhân đó một chút có một bức tường chắn ngang lối đi. Bên phía bên này của bức tường có một số người đang vận chuyển một số đồ vật to có, nhỏ có, trên vai và lưng, đi qua đi lại bên bức tường. [Bạn có thể tưởng tưởng rằng đó là cuộc sống đời thường, đó là một xã hội đang vận động với những lo toan hằng ngày, hằng giờ, vất vả lam lũ trong thời buổi khó khăn. Tất nhiên, một trong những xã hội đó có thể là xã hội Việt Nam quá đi chứ.]
Chúng ta tiếp tục nghe thơ của TMH:
Nhân loại có bao thời
Sự dối trá làm quan toà phán xử
Bru-nô ơi trái đất vẫn tròn
Mà chân lý nghìn sau còn trả giá
Gần cửa hang, người ta đốt một đống lửa to để sưởi ấm cho tất cả mọi người. Ánh lửa bập bùng đó phản chiếu những những vật thể và những con người đang mải mê trong công việc, cuộc sống lam lũ của mình lên trên vách hang, tạo ra những bóng hình di động trên đó, đồng thời tạo điều kiện cho những tù nhân chỉ nhìn về một phía có thể tổ chức một cái gọi là Hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực – sự thật – đất nước hôm nay”.
Chúng ta tiếp tục nghe thơ của TMH, (one more):
Nhưng đất nước vẫn đi tìm sự thật
Trong câu hát có mồ hôi nước mắt
Có con nghê đá đầu đình cười cợt các triều vua
Có thằng Bờm chẳng tin lời hứa hão
Cái quạt mo không để phú ông lừa
Vua Hùng ơi Người đi tìm sự thật
Bằng cách ngày đầu năm xuống ruộng cày bừa
•   Nguyễn Ngọc Hoà nói:
30/07/2010 lúc 11:32 chiều
Trong số những tù nhân đó, không hiểu vì lý do nào, bỗng có người được tháo bỏ xiềng xích trên người, và anh ta được phép quay người nhìn ra hướng khác. Anh bỗng cảm thấy choáng váng, xa xẩm mặt mũi, khi phải nhìn thấy một sự thật khác đằng sau lưng anh, những con người thật đang sống giữa đời thường. [Nếu bạn không hiểu vì lý do nào người tù đó bỗng dưng được cỏi trói khỏi xiềng xích thì bạn có thể thử tưởng tượng ra một trận động đất ở ngoài hang, ví như là một trận động đất có cái tên gọi là Liên Bang Sô Viết sụp đổ cái rầm.]
Nào ta hãy cùng nghe tiếp lời thơ của TMH:
Bao triều đại xưa đổ vì ưa nói dối
“Muốn nói gian làm quan mà nói”
Sự thật giấu trong nhà dân đen
Sự thật từng vật vờ đi như ăn mày đầu đường xó chợ
Sự thật làm anh hề, chú mõ
Sự thật như nàng Thị Kính oan khiên
Sự thật trốn vào ngụ ngôn, ngạn ngữ sấm truyền
Sự thật có khi mượn Xuý Vân mà giả dại
Sự thật chiếc lá đa bay qua bao thời đại
Bay về đây trời nổi can qua
Con vua thất thế quét chùa sãi ơi!
Người tù nhân đó quá sợ hãi trước cảnh tượng này, nhưng được những người ở bên kia bức tường dẫn dắt, anh ta dần làm quen và tin tưởng.
Chúng ta tiếp tục nhé:
Vĩnh biệt chú Cuội
Vĩnh biệt thành tích ma, báo cáo láo thành thần
Bệnh hình thức gọi sai tên sự vật
Người đói phải nói lời no
Vị đắng sao lại kêu là mật?
Ngục tù mang nhãn hiệu tự do!
Sau một thời gian ngắn, anh làm quen với cuộc sống của người dân trong hang đó, được ngồi gần đống lửa sưởi ấm, được sống với một sự thật mới bình dị, anh nhìn lại những người bạn cũ của mình bên kia bức tường vẫn đang hăng say đi tìm sự thật trên vách hang.
Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục nhé:
Vĩnh biệt khái niệm quét vôi và từ ngữ nước sơn
Đạo đức dính trên đầu môi chót lưỡi
Vĩnh biệt những bóng ma cơ hội
Những cái đầu già cỗi tự bên trong
Những con mắt nhìn người bằng bóng tối
Có nhận ra tia nắng mới trong lòng ?
Sau cùng được mọi người trong hang mách bảo, sự thật còn đẹp hơn gấp nhiều lần so với đống lửa kia. Nhưng với điều kiện anh phải mạnh dạn bước ra khỏi hang, khi đó, mọi người kể tiếp, anh sẽ thấy được mặt trời. Trong lòng háo hức, anh quyết tâm trèo ra khỏi hang. Đúng là một chuyến phiêu lưu vô cùng vất vả, nhưng anh đã thành công. Ra khỏi hang, anh lần đầu tiên đối mặt với mặt trời nóng bỏng, và anh một lần nữa bị choáng váng mạnh.
Chúng ta hãy cố lên cùng TMH:
Tôi là người tập yêu sự thật
Tập nghe nên có lúc ù tai
Tập nhìn nên chói mắt
Đất nước đổi thay
Cơn đau đẻ những dòng sông quằn quại!
Và rồi, khi đã làm quen với sự thật, người tù nhân khốn khổ nhận thấy một con sông ở gần đó, vừa lúc bên cạnh anh ta xuất hiện thêm một người đồng hành (ai nhỉ?) bò ra khỏi hang, anh ta trò chuyện với người tù nhân được một lúc, ngáp dài một cái rồi anh ta lại chui vào. [thế mới có chuyện để nói chứ.] Nhưng người tù nhân đó tiếp tục ở lại quan sát tiếp, anh thấy những cánh đồng lúa vàng mênh mông bên kia bờ sông, anh quyết tâm vượt sông, nhưng anh bỗng chợt nhận ra, anh không phải là người đầu tiên vượt sông, nhưng anh đã trở thành một người trong số họ.
Chúng ta cùng thưởng thức:
Hạt thóc và hạt máu có bao giờ nói dối?
Bốn nghìn năm dân tộc tôi
Đi từ bờ bên kia
Đến bờ bên này của sự thật
Để mỗi con người hôm nay trên mặt đất
Được cầm trong tay một tia nắng mặt trời…
Khi tóc đã bạc, nhưng còn nặng lòng với quê hương, anh bèn trở về lại hang động xưa. Anh đã cất công chỉ cho những người tù nhân đang tổ chức Hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực – sự thật – đất nước hôm nay” rằng những bóng hình di chuyển trên vách đá kia chỉ là ảo ảnh.
(Kết cục thế nào, xem hồi sau phân giải.)
Đặt bài viết của tác giả trong bối cảnh của ẩn dụ cái hang của Plato giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về đất nước Việt Nam 4000 ngàn năm. Xin chân thành cám ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo.
Trân trọng.
NNH.