Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY NÉT ĐẶC THÙ CỦA NGHỆ THUẬT VÀ KHÁI NIỆM “TÍNH HIỆU QUẢ XÃ HỘI”

Phan Hồng Giang
Thứ hai ngày 26 tháng 7 năm 2010 9:26 PM

 Lời người viết (24/7/2010). Những điều nói trong bài này, ở nhiều bối cảnh khác, có thể được cho là các nỗ lực “tái sáng chế chiếc xe đạp”. Tuy nhiên, cách đây hơn 20 năm thì khó bị coi là như vậy. Bằng chứng là nó chỉ được công bố trên Tạp chí do ông Trần Độ sáng lập, ấn phẩm chỉ tồn tại được 1 số duy nhất!.
 Những quan niệm mà bài viết này không chia sẻ, đáng tiếc là vẫn còn hiện diện hôm nay. Mấy vụ lình xình chung quanh việc một số quan chức địa phương đánh giá “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau) hay bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong (Cần Thơ) là ví dụ rõ ràng.

 Mọi người đều biết sự không đồng nhất giữa vỏ ngôn ngữ và khái niệm. Cùng một vỏ ngôn ngữ là “chủ nghĩa xã hội” có nhiều cách hiểu khác nhau, kể từ cái chúng ta gọi là “khoa học, chính xác, chân chính…” cho đến cái nguỵ, giả, phản lại thực chất của khái niệm đó. Trong lịch sử hơn thế kỷ qua, chúng ta đã từng ghi nhận chủ nghĩa xã hội của Mác - Ăngghen – Lênin; bên cạnh đó còn có thể thấy chủ nghĩa xã hội “không tưởng” của Furiê và Xanh Xi mông, chủ nghĩa xã hội “hà khắc” của Bacunhin, chủ nghĩa xã hội “tả” khuynh của Tơrốtxki, chủ nghĩa xã hội “nhà nước” của Xtalin, chủ nghĩa xã hội “duy ý chí” của Khơrútsốp, chủ nghĩa xã hội “đồng phục” của Mao… Đối với khái niệm “chủ nghĩa Mác-Lênin” cũng vậy – đã có bao nhiêu loại người khác nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau, cùng giương ngọn cờ chủ nghĩa đó.
 Nhắc lại hiện tượng ai cũng thấy rõ ở đây chỉ cốt để lưu ý tới một điều rằng: để hiểu được bản chất của một kiến giải, một khái niệm nào đó, chớ bị thôi miên bởi vỏ ngôn từ mà hãy chịu khó lật xới lên lớp tầng ẩn sâu nhất của khái niệm thông qua cách lý giải và hành vi của người sử dụng khái niệm đó. Một lần nữa nhận xét của nhà triết học Áo L.Vítgenstanh (1889 – 1951) tỏ ra là xác đáng: “Ngôn ngữ không những có thuộc tính biểu đạt mà còn có khả năng che giấu ý nghĩa thật nào đó nữa”.
 Trở lại vấn đề “tính hiệu quả xã hội” của nghệ thuật (chữ “nghệ thuật” ở đây được dùng theo nghĩa rộng: hàm ý “tất cả các loại hình nghệ thuật”). Chúng ta dễ thấy đây là một cách nói mới và khác của nhiều cụm từ chúng ta vẫn quen nghe xưa nay như: tác dụng giáo dục của nghệ thuật, giá trị tuyên truyền của tác phẩm, sự cảm thụ từ phía công chúng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm, của hành vi nghệ thuật…
 Thuật ngữ mới thông dụng này có một ưu thế là dễ gợi cho người nghe tính khách quan của sự đánh giá (đấy là “hiệu quả xã hội”, đâu phải là một đánh giá của riêng ai!). Từ đây đã có thể thấy cánh cửa mở sang sự lý giải khác nhau về đặc trưng, bản chất, đặc thù của nghệ thuật rồi. (Làm sao có thể tách rời cách hiểu tác động của nghệ thuật ra khỏi cách hiểu về đặc thù của chính nó?).
 Nếu đặc trưng của nghệ thuật là sự động chạm tới, sự thể hiện, sự hoàn thiện lĩnh vực đời sống tình cảm của con người, (“Nói tới nghệ thuật là nói tới quy luật tình cảm” – Lê Duẩn), thì tác động của nó đối với công chúng trước tiên chính là sự đánh thức tiềm năng cảm nhận sự phi lý và lẽ công bằng của cộng đồng người, cảm nhận nỗi đau và niềm vui của đồng loại, cảm nhận cái đẹp cùng cái quái dị của cuộc sống. Nghệ thuật khơi dậy chất người trong con người, là sự nâng đỡ con người vượt lên trên chính nó. Nghệ thuật là tiếng hót gọi bầy của con chim khuya trong rừng sâu, là tiếng kêu cứu của người hoạn nạn chới với trên sông…
 Nghệ thuật chứa đựng hiện thực và cả sự huyễn tưởng, cái hợp lý và cái tưởng chừng như phi lý, cái nằm ở bề mặt ý thức và cái ẩn trong đáy sâu tiềm thức, cái nhất thời và cái không tính đếm được bằng thời gian, số phận lịch sử toàn xã hội và số phận riêng của từng cá thể (individuum) con người. Nói “nghệ thuật gắn liền với hiện thực đời sống”, “nghệ thuật mang tính lý tưởng xã hội”, “nghệ thuật cụ thể đại diện cho một cảm nhận cụ thể về thế giới” v.v… là cần thiết, nhưng cần nhắc lại là tất cả những cái đó phải đi qua tấm lăng kính của đời sống tình cảm, của nội tâm, của tấm lòng người nghệ sĩ sáng tạo cũng như của người thưởng thức thì mới thành nghệ thuật với đúng nghĩa của nó.
 Như vậy, nghệ thuật sinh thành, xuất hiện và đến với xã hội không phải chỉ trên bề mặt có thể đo đếm được bằng phương pháp liệt kê, không phải chỉ dưới góc độ được nhìn nhận đơn thuần bằng lý trí tỉnh táo, mà ở một lớp tầng sâu kín nhất trong tâm thế con người, ấy là lĩnh vực của những rung động tình cảm, những rung động hoặc có hoặc không có, chứ không thể nào giả làm có được.
 M.Gorki trong thư gửi F.Raxcônnhicốp (1892 – 1939, nhà cách mạng, nhà văn) đã từng viết: “Con người có thể làm giả được, nói giả được những gì to tát thuộc về ý thức chính trị, thuộc về hệ tư tưởng, nhưng không sao làm giả được tình cảm, làm giả được các chi tiết ứng xử thể hiện nhân cách con người”. (Những thí dụ kinh điển: cái chi tiết “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” của Mã Giám Sinh, “Thoắt trông đã thấy Sở Khanh lẻn vào”… đều có sức lột tả rất lớn về nhân cách của các nhân vật đó; nó đôi khi nói nhiều hơn những bản “lý lịch” – nếu có! – dài dòng về nguồn gốc thân thế, giai cấp, trình độ học vấn, quan điểm lập trường v.v… của các nhân vật nọ).
 Ý tưởng của M.Gorki cùng những thí dụ vừa nêu một lần nữa nhắc chúng ta nhớ đến bản chất của nghệ thuật chính là ở chỗ nó đi vào cái không thể làm giả được, đi vào cái đơn vị, cái “hạt cơ bản” của sự chân thực đời sống – ấy là tình cảm của con người, hay nói đầy đủ hơn, - đời sống đa dạng, phong phú của con người được tình cảm hoá.
 Từ đây – trở lại vấn đề tác động của nghệ thuật – ta thấy nghệ thuật sẽ được đón nhận ở lĩnh vực tinh tế nhất của con người – lĩnh vực tình cảm. Và chính vì thế mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ 20 năm trước, trong tác phẩm Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, đã nói: Nghệ thuật có một “tác dụng sâu xa, lâu dài, bền vững vô cùng” đối với công chúng. Đến lúc nào đó nó sẽ còn “cần hơn cơm” bởi nó góp phần rất lớn xây dựng nhân cách bền vững của con người. (Phải chăng những trường hợp thoái hoá của không ít cán bộ, mà ta vẫn gặp trên đài báo viết về các địa phương, nhất là ở miền Nam, có thể lý giải một phần vì những người đó, mặc dù mới hôm nào đây còn ở hầm ngầm, địa đạo, vào sinh ra tử…, xét cho cùng vẫn chưa hề có một nhân cách định hình đủ sức miễn dịch trước cám dỗ của quyền lực, của danh và lợi).
 Một thời gian dài, không ít khi ta gặp cách hiểu nghệ thuật một cách đơn giản hoá (tuyệt đối hoá các tính chất: phản ánh đấu tranh giai cấp, tuyên truyền ý thức hệ, giáo dục đạo đức này nọ, đáp ứng yêu cầu tư tưởng nhất thời v.v…). Từ đấy cái gọi là hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm không ít khi cũng được hiểu thiên về tác dụng tức thời, trước mắt, tác dụng tuyên truyền cổ động làm việc tốt. Minh hoạ dễ thấy nhất của quan niệm này là thái độ một thời “kính nhi viễn chi” đối với loại tranh tĩnh vật. Văn học nghệ thuật đôi khi bị biến thành kiểu “cần trồng khoai tây vụ đông ư, - (một việc tầy đình, rất cần thiết, ở thời điểm này nhiều khi còn cần cho xã hội hơn vô số thứ thơ văn bèo bọt, ngọt ngào, triết lý vẩn vơ!) – và thế là có người ngộ nhận rằng cần một vở kịch, một bài thơ, một thiên bút ký nào đó mà xem xong, mọi người nô nức kéo nhau ra đồng trồng khoai! Cần thu nhặt phế liệu ư, - (một việc cũng rất chi là có ích!) - , thế là có người mơ ước xuất hiện một tác phẩm nào đó mà đọc xong, các em thiếu nhi đổ xô đi làm “kế hoạch nhỏ” v.v…
 Những tác phẩm như thế (nếu có) đương nhiên là cần thiết, nhưng từ đó mà coi rằng đấy là tác phẩm nghệ thuật đích thực thì vô hình chung đã rơi vào chủ nghĩa thực dụng (pragmatism), rơi vào chủ nghĩa xu thời. Những tác phẩm như vậy bao giờ cũng có thời hạn sống ít ỏi như một thứ cây ngắn ngày, mau có ăn, nhưng lại chóng lụi tàn để nhường chỗ cho loài cây khác. Trong khi nghệ thuật chân chính lại thiên về gợi nhớ đến “cây chò nghìn năm” ở rừng Cúc Phương – rễ nó ăn sâu trong lòng đất, thân vươn cao lừng lững giữa trời xanh, và tán lá của nó toả bóng râm mát lành cho hàng chục thế hệ con người…
*
*   *
 Một nét đặc thù nữa của nghệ thuật là nó sinh ra từ đời sống, nhưng không đồng nhất với đời sống. Nó là cuộc sống ở dạng tinh lọc, tinh chất, là cuộc sống đã được nâng cao, và con người đến với nó như đến với tấm gương trong để tự soi mình. Đi vào một thí dụ nhỏ: Ở ngoài đời, nếu phải chứng kiến cảnh người mẹ lặng ngồi ôm xác con, - (cầu cho không ai phải thấy cảnh đó!) -, chứng kiến một cảnh tiễn biệt nức nở tiếng khóc và đầm đìa nước mắt thì thật khó lòng tránh được tâm trạng trĩu nặng, buồn lây. Nhưng nếu nỗi đau từ cái chết, nỗi buồn của sự phân ly kết tinh lại trong một bản nhạc, bài thơ, bức tranh… thì nó đã có thêm thuộc tính mới: mang cái đẹp thuần khiết của nghệ thuật. Và nếu ta – lúc này đã trở thành công chúng thưởng thức nghệ thuật – may mắn được gặp một tác phẩm như vậy thì dòng cảm xúc chính lúc này sẽ là sự thanh lọc (catharsis) trong tâm hồn; là nỗi bâng khuâng dịu ngọt trong tình thương đồng loại; là niềm thán phục tự hào trước vẻ đẹp của tâm hồn con người.
 Đó là một điều tưởng như hiển nhiên, nhưng không phải không còn có người nghĩ rằng nếu gặp cảnh chết chóc, phân ly, dù là trên sân khấu thôi, cũng sẽ gây tác dụng bi quan (?). Cách hiểu, cách tiếp nhận như vậy rõ ràng là xuất phát từ chỗ ngộ nhận, đánh đồng nghệ thuật và đời sống.
 Tôi còn nhớ một cảnh trong vở ca kịch cổ điển Épghênhi Ônhêghin của Traicốpxki. Sau tiếng nổ, Lenxki ngã gục trên nền tuyết trắng và Ônhêghin – diễn viên bước lại gần xác “tình địch”, lúc này dường như anh mới thoát khỏi cơn “mộng du” – anh mới vỡ lẽ rằng mình đã giết một con người, giết một người bạn! Ônhêghin cất giọng đau đớn ca bài Aria khóc bạn – hối mình. Cả nhà hát Bônsôi nín lặng lắng nghe, và khi tiếng hát vừa dứt – bỗng dậy lên những tràng vỗ tay như sấm! Tôi, (dạo ấy còn “đầu xanh tuổi trẻ”), chưa hết bàng hoàng nhìn quanh bằng con mắt của kẻ “mơ màng”: lẽ nào một người chết, một người khóc và thế rồi tất cả vỗ tay! Chỉ một thoáng sau, tôi chợt nhớ rằng đây là sân khấu, đây là nghệ thuật. Và nỗi đau, nỗi buồn trong cuộc đời khi đi vào nghệ thuật, diệu kỳ thay, đã biến thành cái đẹp, thành vốn liếng vô giá trong hành trang tinh thần của con người.
 Cũng vậy, cái buồn khắc khoải đến vật vã của một Đặng Thế Phong trong Giọt mưa thu qua giọng ca Thanh Hoa lại đã khiến phòng hoà nhạc rung lên với những tràng vỗ tay ran hồi lâu, và những bó hoa tươi của bao khán giả xúc động chạy lên sân khấu tặng người hát đâu phải là dấu hiệu của một tâm trạng bi quan, uỷ mị, yếm thế” (?) trước cuộc đời sau tiếng hát đầy ma thuật ấy? Sự đồng cảm, đồng điệu giữa người sáng tạo – người biểu diễn – người nghe đã dẫn đến một hiệu quả nghệ thuật ngược hẳn với nỗi ái ngại cảu một số người: Cuộc đời này như đẹp hơn, như đậm đà ý nhị hơn, con người như dễ thương yêu nhau hơn, khi có sự hiện diện hết sức cụ thể của một tâm hồn đa cảm, dễ đau nhường ấy, một sự hoá thân đến nhường ấy của lòng người vào thiên nhiên.
*
*    *
 Thế giới này muôn hình muôn vẻ, hàng triệu triệu người trên đời này nào có ai giống ai – “bách nhân bách tính”, các cụ từ xưa vẫn dạy thế. Sự tiếp nhận cuộc đời từ phía nghệ thuật vì vậy mà tránh sao khỏi sự đa dạng? Mọi ước mơ về sự giống nhau trong mối cảm nhận thế giới – giống nhau đến mức tròn trịa, nhỏ nhoi như những viên bi cồn phuốc – đã và mãi mãi sẽ là ảo tưởng. Chừng nào còn nhân loại, chừng ấy nghệ thuật mà con người sinh ra sẽ còn đa dạng. Nói cách khác, không hề là hậu quả từ ý muốn của một cá nhân nào, nghệ thuật, tự cội nguồn của nó, không có phương thức tồn tại nào khác ngoài sự phong phú đa dạng trên toàn cảnh của sự độc đáo, đơn nhất, không lặp lại về bản sắc của từng nghệ sĩ. Trong sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ nhân danh cá nhân và chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi xã hội mang tính công dân của mình. Đó lại là một nét đặc thù nữa của nghệ thuật mà chúng ta chỉ có thể ghi nhận.
 Từ đây, cái gọi là sự cảm thụ nghệ thuật của công chúng lẽ đương nhiên cũng sẽ phải đa dạng, không thể đồng nhất. Hơn ở đâu hết, lĩnh vực nghệ thuật ít chịu đựng hơn cả với sự áp đặt khiên cưỡng từ bên ngoài. Hơn ở đâu hết, lĩnh vực thưởng thức nghệ thuật ít cần đạt đến cái gọi là sự đánh giá hoàn toàn nhất trí. Đến cả những tác phẩm tưởng như chỉ còn biết gọi là “tuyệt tác”, là “thần khúc” như Truyện Kiều xưa nay có phải bao giờ cũng được 100% người tán thưởng đâu? Chẳng phải ngày xưa Tự Đức đã đòi nọc Nguyễn Du (nếu còn sống) ra đánh đấy sao, rồi cụ nghè Ngô Đức Kế chẳng đã coi tác giả gốc gác của nó là một “anh Tàu dốt” chỉ qua cái đầu đề Kim Vân Kiều truyện đã làm kẻ thì mất tên, còn họ, người thì mất họ còn tên đó sao? Và chỉ mới chừng hai chục năm trước đây, vẫn còn có người coi Truyện Kiều chẳng đáng được đề cao vì nguồn gốc của nó là “vay mượn”, còn tác giả của nó là cụ Tiên Điền Nguyễn Du thì “phản động về chính trị”, đã dám bỏ triều Lê, chống Tây Sơn, phò Nguyễn… Có sao đâu, Truyện Kiều vẫn giữ nguyên vị trí của nó trong đời sống của dân tộc ta, nó đã tìm được nơi trú ngụ bình yên, bền vững và cao đẹp nhất – ấy là trong tình yêu thương của hàng triệu người dân bình thường, bình dị.
 Trong lĩnh vực nghệ thuật cái không thể làm được là dùng chỉ thị, mệnh lệnh hành chính để áp đặt cho tất cả cách đánh giá của một nhóm người, dù họ uyên bác, thông minh đến mấy. Sự truyền bá một cách thưởng thức nghệ thuật nào đó chỉ có thể đi bằng con đường thuyết phục thấu tình đạt lý. Nghệ thuật, nếu nó quả là chân chính, sẽ sống trong lòng người dân – bao giờ cũng biết tìm đường trở về với người dân như giọt nước dẫu đã ra tới biển cả vẫn theo mây trở về với suối nguồn…
 Vậy nên, nếu đối với người nghệ sĩ, chúng ta đặt ra yêu cầu tôn trọng quyền tự do sáng tác – coi đó như là điều kiện tiên quyết trong sự tồn tại và phát triển bình thường của nghệ thuật (đương nhiên là tự do trong khuôn khổ không đi ngược lại lý tưởng nhân đạo của xã hội), thì cũng chớ nên quên cái mắt xích cuối cùng không kém phần quan trọng của quá trình nghệ thuật, ấy là sự thưởng thức của công chúng. Có nhiều người say mê cải lương mùi mẫn lâm ly dường như trên đời không còn niềm vui thú nào hơn, nhưng cũng không ít người không chịu mất dù chỉ một phút thì giờ rỗi rãi của mình để xem bất cứ một vở cải lương nào. Có người đọc Cái đêm hôm ấy đêm gì…, Người đàn bà quỳ v.v… thì bực tức thấy người viết dường như đã “bôi đen chế độ”, hoặc cho là những bài báo ấy vô bổ, “rách việc thêm”, “nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”… Ngược lại, không ít người cảm thấy đó là một biểu hiện của “ánh sáng đang đẩy lùi bóng tối” (như cách nói của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh); lòng tin vào một tương lai tốt đẹp được nhen nhúm dần trở lại chính là từ sự thức tỉnh đó của công luận, của lương tâm. Có đáng ngại gì sự khác nhau đến đối chọi ấy trong dư luận xã hội, - nghệ thuật vốn tồn tại và sẽ tồn tại như thế trong sự tiếp nhận đa dạng của công chúng: Thời gian sẽ đưa ra lời phán xét đầy trọng lượng xem cách nhìn nhận nào gần chân lý hơn. Điều này có nghĩa là ở đây nữa, trong lĩnh vực thưởng thức, cũng rất cần phải tôn trọng quyền lựa chọn, quyền đánh giá khác nhau của hàng vạn, hàng triệu công chúng vốn là cái gốc của nghệ thuật, vốn là lớp người mà vì hướng tới họ, nghệ thuật đã sinh ra và tồn tại.
*
*    *
 Trở lên trên, người viết bài này (không hề có tham vọng trình bày vấn đề một cách đầy đủ, “kín cạnh”), đã nhắc lại đôi nét về đặc thù của nghệ thuật – về chiều sâu tình cảm, tính nâng cao và sự đa dạng của nó. Trong thực tiễn đời sống văn hoá, sự chú ý thích đáng tới những nét đặc thù hiển nhiên ấy của nghệ thuật trong nhiều trường hợp đã dẫn đến cách sử dụng khái niệm “tính hiệu quả xã hội” một cách đúng đắn, khách quan. Nếu những nét đặc thù ấy bị xem nhẹ thì cách hiểu khái niệm trên khó tránh rơi vào lối nghĩ đơn giản, phiến diện, mà theo đó thì tác động của nghệ thuật đối với công chúng dường như phải tức thời, phải sao chụp cuộc sống và phải nhất trí.
 Không thoát khỏi được sức ám ảnh (nhiều khi bất thành văn) của chủ nghĩa thực dụng, sơ lược có quán tính sâu xa ấy thì “tính hiệu quả xã hội” của nghệ thuật – vốn được dùng như một vỏ ngôn từ dễ gây ấn tượng khách quan – sẽ không che kín được cái lõi chủ quan. Và con đường đến với quảng đại quần chúng sáng tạo, tinh tế và thông minh của một nền nghệ thuật nhân đạo, dân chủ và cởi mở sẽ còn gặp những trắc trở không đáng có.
 Như mọi lĩnh vực hoạt động tinh thần và thực tiễn khác của con người thúc đẩy xã hội tiến hoá bằng đặc trưng riêng của mình, nghệ thuật làm cuộc sống này, thế giới này bớt xấu xa đi và đẹp đẽ hơn lên, trước tiên và sau hết, là bằng chính con đường riêng của nó./.
7 – 1988
(Tạp chí Phê bình và Dư luận của
Ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương Đảng số 1 (số duy nhất), năm 1988)