Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI TÂM SỰ NHỎ

Nghiêm Lương Thành
Chủ nhật ngày 25 tháng 7 năm 2010 12:28 PM
 
(Nhân đọc một số bài viết liên quan tới Đại hội nhà văn Việt Nam sắp tới)
 
            Thuở nhỏ, từ lúc được đọc câu chuyện đầu tiên trong đời: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, trong tôi đã hình thành một tình cảm kính trọng và ngưỡng mộ đối với các nhà văn. Theo thời gian, tình cảm đó ngày càng lớn lên và ngày càng đẹp đẽ. Cũng thuở ấy, do tự mình nghĩ rằng tất cả những người cầm bút đều là nhà văn, một lần, tôi tự hỏi: Tại sao mình lại kính trọng những nhà văn nhỉ ? - Câu trả lời của tôi là: Vì họ là những người giỏi giang. Đơn giản chỉ có thế. Sau này, khi đã lớn hơn, nhờ thế hệ dịch giả đầy tài ba thời những thập kỷ năm, sáu mươi thuộc thế kỷ trước, tôi đã được ít nhiều tiếp cận với những nền văn học Nga, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc ... và câu trả lời của tôi mới cụ thể hơn được một chút: Vì họ, trước hết là những  trí thức, là những người dân, lao động không ngừng trên những trang viết về thân phận con người, vì sự tiến bộ xã hội, bất chấp sự nghèo túng, cô độc và, thậm chí, hiểm nguy đối với bản thân. Họ là những vì sao vẫn không ngừng tỏa sáng cho đến bây giờ và, chắc chắn, cứ sáng mãi thế. Thế kỷ 20, Việt nam ta đã có những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng ... và nhiều, nhiều nhà văn khác đã tỏa sáng như thế, thứ ánh sáng tự nhiên, rực rỡ và lành mạnh, không phụ thuộc vào bất cứ loại thiên kiến hoặc tư ý tầm thường nào.
            Gốc của văn là đời sống. Con người làm ra đời sống. Vì vậy, nhà văn là người viết về tất cả những gì thuộc về con người. Tự nhiên đã là như vậy, hà tất phải bàn cãi nhiều về cái sự chính trị hay phi chính trị của hội. Vì đã có cái sự bàn cãi, thảo luận như thế, thành thử tôi buộc phải hiểu rằng đã có một số nhà văn cho rằng chính trị là cái gì đó phiền toái lắm, tai họa lắm, đáng sợ lắm ... mà nhà văn phải né tránh đặng bảo an. Không biết có phải thế không. Nhưng theo chỗ tôi biết, căn cứ theo cách hiểu giản dị của dân gian thì Chính trị có nghĩa là phép trị dân ngay thẳng và có học vấn. Thế thì tốt đẹp chứ, tại sao không yêu chính trị và viết về nó như những lý tưởng đẹp đẽ nhỉ ?
            Nói đến nhà văn thì cũng có nghĩa là nói về sự sáng tạo trong văn học. Loài người chúng ta cũng đã nói rất nhiều về cái ý: Những người sáng tạo là những người tự do nhất, độc lập nhất. Và cũng bởi vậy, họ là những người hằng đối lập với thói a dua, dửng dưng đứng ngoài  sự chi phối của mọi loại hiệu ứng bầy đàn.
A dua chỉ là bản năng của thói tôi đòi hạ mạt, xu phụ xin danh cầu lợi của những kẻ tin rằng xương sống vốn là một kết cấu cơ học không cần thiết trong cơ thể con người, và do đó: Ông Xanh là người thiết kế tồi !
Tự do và độc lập luôn là mảnh đất tuyệt diệu cho những quá trình sáng tạo. Sáng tạo cũng đồng nghĩa với sự tiến bộ. Tiến bộ là ánh sáng, thứ ánh sáng khiến cho quỷ dữ phải khiếp hãi và tìm mọi cách chống lại.
            Hồ Chí Minh đã trước tác rằng: Không có gì quý hơn độc lập tự do !
            Nghĩ thêm về điều này sẽ thấy một hệ quả: không có độc lập tự do tức là sống trong mông muội. Bởi trong bầu không khí đó sẽ không thể có sự sáng tạo và, do đó, khó có thể có tiến bộ xã hội. Hãy phi trên lưng chú ngựa của mình bằng chính bộ cương của mình.
            Bản thân tôi, qua nhiều đợt học tập chính trị, cũng đọc lại câu này nhiều lần. Nhưng đã hiểu chưa ? Thực lòng chẳng dám nói là hiểu hết, còn dám nói chi đến cái sự thực hành.
            Tôi không phải là nhà văn, liệu có vượt quá tư cách của mình khi viết ra những dòng tâm sự này ? Nếu quả có thế thì xin các nhà văn hạ cho hai chữ: lượng thứ.
 
24/07/2010