Chuyện ở Việt Nam
Nhà sản xuất, muốn bán được nhiều sản phẩm, phải mất tiền thuê các cơ quan truyền thông như đài, báo… để quảng cáo sản phẩm của mình đến "bàn dân thiên hạ". Điều đó đã đúng, đang đúng và mãi mãi đúng. Nhưng, quảng cáo thế nào để "thuận tai" với quảng đại quần chúng thì lại là chuyện khác. Giày dép sản xuất ra tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, quảng cáo: "Nâng niu bàn chân Việt" (?) Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nọ, sản phẩm của họ tiêu thụ ở thị trường nội địa tương đối mạnh, nhưng không hiểu người ta không có ý định (hoặc không dám) xuất khẩu ra nước ngoài mà họ lại quảng cáo: "Là người Việt Nam, chúng tôi mong người chăn nuôi Việt Nam có lãi" (?)
*********
Chuyện ở nước Sở (Tàu)
Vua Cung Vương nước Sở đi săn, giữa đường đánh mất cung. Các quan theo hầu cố xin tìm cho được. Vua Cung Vương nói:
- Thôi, tìm làm gì nữa! Người nước Sở đánh mất cung, lại người nước Sở bắt được cung, nào có thiệt đi đâu.
Khổng Tử nghe chuyện, bảo:
- Đáng tiếc cho cái chí vua nước Sở không làm to hơn được nữa! Hà tất phải nói: Người nước Sở? Giá nói: Người đánh mất cung, lại người bắt được cung thì chẳng hơn ư?
*********
LỜI BÀN
Khổng Tử chê vua nước Sở hẹp bụng, chí đoản là vì vua Sở chỉ biết có người nước Sở, lấy bờ cõi nước Sở mà làm giới hạn cho lòng bao quát của mình. Người viết bài này chê nhà sản xuất giày dép, sản xuất thức ăn chăn nuôi nói trên trí đoản (trí chứ không phải chí). Vì trí đoản mà mất tiền thuê người quảng cáo sản phẩm của mình gián tiếp chê cái bụng hẹp hòi của người Việt Nam chúng ta. Người Việt Nam chúng ta có hẹp hòi như thế không? Không! Người Việt Nam chúng ta không hẹp hòi. Người Việt Nam chúng ta rất quảng bác. Một vĩ nhân đã nói: "Người trong bốn bể đều là anh em".