Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SUY NGHĨ VỀ MỘT ĐẠI HỘI

Trần Kì Trung
Thứ bẩy ngày 24 tháng 7 năm 2010 9:44 PM
CIMG0009.jpg
                  
Tác giả và Đạo diễn Quốc Trọng trong Đại Hội
 
  Tôi vừa dự Đại Hội Điện Ảnh lần thứ VII ở Hà Nội trở về.
Dư âm của một Đại Hội lớn, cứ làm cho tôi suy nghĩ mãi.
  Trước hết, tôi rất phục nhân cách của các Nghệ sỹ, Đạo Diễn, Biên Kịch... trong Đại Hội này. Trong Đại Hội gần như tất cả mọi tham luận đều tập trung vào một nội dung, làm sao có một nền Điện Ảnh lớn của Việt Nam, bao quát nhiều vấn đề. Nội dung này rõ nhất như tham luận của nhà báo Tô Hoàng, Đạo Diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà báo Ngô Thảo, Nghệ Sỹ Nhân Dân Thế Anh, nhà văn Nguyễn Gia Nùng...Và bên ngoài của Đại Hội, trong giờ giải lao là một không khí đoàn kết bao trùm, tôi không thấy những lời dè bỉu nói xấu sau lưng, nhưng lời bình phẩm ác ý về một cá nhân hay tác phẩm của ai đó... Đó mới chính là nhân cách của những người làm văn hóa. Xung quanh chén trà, tách cà phê ... trong các cuộc đàm đạo, không nhắc đến ai là Chủ Tịch Hội để vận động hành lang. Cũng bên ngoài Đại Hội, mọi đại biểu đều có cử chỉ đáng yêu, thấy thương đến lạ. Những nghệ sỹ lớn tuổi như Hoàng Yến, Thụy Vân, Lịch Du, Đoàn Dũng, Thế Anh, Trần Tiến, Lý Huỳnh, Hữu Phần, Lê Dân... đứng bên cạnh những Vinh Sơn, Hữu Mười, Quốc Trọng, Ngọc Bích, Đào Bá Sơn, Diệu Thuần,   Mỹ Hà, Phạm Ngọc Tiến, Hoàng Nhuận Cầm... trẻ hơn như Quyền Linh, Mỹ Duyên, Ngọc Hiệp, Việt Trinh, Công Hậu, Phước Sang... giữa các thế hệ đó không có khoảng cách, họ đã hòa vào làm một khi trò chuyện, lúc tâm sự và cái vỗ vai động viên, góp ý trong công việc để làm sao có nhiều tác phẩm Điện Ảnh Việt Nam trong tương lai phải hay hơn hiện tại. Không phải là không có những trăn trở, nghĩ suy về một nền Điện Ảnh chưa đúng tầm với sức lớn của một dân tộc, nhưng điều đó không phải là cái “ cớ” để lên tiếng “ dạy đời”, bêu riếu hoặc không biết chỗ đứng của mình ở đâu? Nền Điện ảnh Việt Nam phải thấy chỗ yếu của mình, như một con thuyền đang muốn ra biển rộng, hòa nhập mà vẫn khua sóng bằng “mái chèo thủ công” đi trên sông, cánh buồn hẹp và điều đặc biệt “ Vị thuyền trưởng” chưa có “ lòng dũng cảm” để tìm một hướng đi mới cho “ con thuyền Điện Ảnh Việt Nam” thì làm sao “ con thuyền” đó mau tới đích!!!
              Tất cả cùng một nghĩ suy, cùng một thừa nhận sự yếu kém, phải làm lại từ Đại Hội này.
               Một hình ảnh tuyệt vời, và cũng có thể là hiếm có của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam lần thứ VII, khiến cho tất cả các Đại Biểu cảm động là sự từ nhiệm lãnh đạo Hội trong Ban chấp hành khóa VI một cách tự nguyện của rất nhiều vị có uy tín trong ngành như Khải Hưng, Nguyễn Hồ... vì tuổi tác, cũng như muốn tập trung vào chuyên môn. Đặc biệt sự từ nhiệm của vị Chủ Tịch Hội đã để lại cho các đại biểu dự Đại Hội ấn tượng tốt, nhớ rất lâu. Trước Đại Hội, khi bỏ phiếu thăm dò, Phó Giáo Sư, Tiến Sỹ, nguyên Chủ Tịch Hội Điện Ảnh Việt Nam Trần Luân Kim, có số phiếu tín nhiệm tương đối lớn. Nếu như Ông vẫn tham gia ứng cử nhiệm kỳ tới, tôi tin Ông sẽ tái đắc cử vào chức vụ cũ. Nhưng Ông đã biết chỗ dừng, qua hai nhiệm kỳ Chủ Tịch Hội, đã đến lúc Ông muốn tập trung vào chuyên môn, hơn nữa cảm giác tuổi mình đã lớn, không nên “ tham quyền cố vị”, nhường chức vụ này cho thế hệ trẻ năng động, quyết đoán thì hay hơn. Và Ông đã nói thực lòng suy nghĩ của mình, các Đại Biểu trong đại hội vô cùng cảm kích dành tình cảm cho Ông bằng một tràng vỗ tay dài. Nhất là khi ông phát biểu với tất cả Đại Biểu phía dưới bằng lời nói thật, không thể thật hơn: “ Tôi hứa quyết tâm bằng việc làm của mình, trở thành một Hội Viên NGOAN ( Tôi phải viết hoa từ này) của Hội và làm được nhiều việc tốt”.
               Thưa Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Luân Kim! Với tư cách một Hội viên Hội Điện Ảnh Việt Nam, tôi sẽ học tập Ông, cố gắng phấn đấu trở thành một Hội viên NGOAN. Vì từ trước đến nay tôi chưa làm được điều này.
               Mội bài học lớn không phải chỉ riêng tôi mà còn dành cho nhiều người giống cương vị như Nguyên chủ tịch Trần Luân Kim, hiện vẫn cố sống, cố chết bám chức, bám quyền.
                Một Ban Chấp Hành mới được bầu ra trong đại hội này với nhiệm kỳ 5 năm( 2010 – 2015), chỉ bầu đúng một lần, số phiếu vô cùng tập trung, có nhiều thế hệ xen lẫn, bổ sung cho nhau gồm 15 người. Trẻ có Trịnh Lê Văn, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thanh Vân, Đỗ Thanh Hải... lớn tuổi hơn có Vương Đức, Vinh Sơn, Lại Văn Sinh, Diệu Thúy, Hồng Ngát và thế hệ   từng trải qua một, hai nhiệm kỳ trên cương vị lãnh đạo có Đặng Xuân Hải... Vì thế, khi Ban chấp hành mới của nhiệm kỳ 2010 – 2015 ra mắt Đại Hội, các Đại Biểu đều mừng và tin nhất định Điện Ảnh Việt Nam sẽ khởi sắc.
                Sắp tới tôi cũng tham dự Đại Hội Nhà Văn Việt Nam, có một mong ước thực lòng, hình ảnh của Đại Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ lặp lại hình ảnh của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam.
                Điều đó liệu có trở thành hiện thực không?
                Tôi hy vọng nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm!
 
Nguồn: trankytrung.com