Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT HỘI BẠN THƠ HỌC VIÊN

Phạm Thuận Thành
Thứ bẩy ngày 24 tháng 7 năm 2010 5:26 PM
 

   Tháng 8/1978 chuẩn bị vào lớp 10 cuối cấp 3 tôi làm đơn tình nguyện nhập ngũ, về tiểu đoàn 134 địa phương huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), đóng ở Đồng Và cách thị trấn chừng 5km. Sau ba tháng huấn luyện tân binh tôi được biên chế về trung đội thông tin. Hồi đang học lớp 8 tôi tự dưng có hứng viết truyện ngắn. Bây giờ ở môi trường mới tôi cũng lại suốt ngày chỉ tha thẩn tìm từ viết truyện. Lẽ dĩ nhiên đã thích viết thì cũng thích đọc sách báo. Sách thì hiếm còn báo Quân đội và tạp chí Văn nghệ quân đội thì sẵn. Vì trung đội thông tin có tiểu đội truyền đạt chuyên nhận và phát thư báo cho toàn tiểu đoàn. Một lần theo chiến sĩ a truyền đạt ra bưu điện tôi rẽ sang Đài truyền thanh huyện gần đó chơ vì nơi này có phong cảnh rất đẹp. Được anh Vĩnh Trà, phó trưởng đài tiếp chuyện đã đưa chân tôi đến nghề viết báo. Anh Vĩnh Trà (Trần Đức Nuôi) là cán bộ biên tập chương trình phát thanh Công nghiệp và phân phối lưu thông của Đài tiếng nói Việt Nam đi thực tế biên giới đánh giá cao những bài viết tôi cộng tác với đài. Nhuận bút lúc đó chỉ 3 đồng nhưng cũng ngang nửa tháng phụ cấp binh nhất, tôi dành hết để mua sách. Do tích cực cộng tác với đài huyện mà tôi được bí thư huyện uỷ Vũ Mão biết đến. Bí thư xuống xã thường cho tôi đi cùng vừa làm bảo vệ vừa làm phóng viên. Bí thư còn là nhà thơ, nhạc sĩ. Rồi nhà văn Tạ Kim Hùng ở Hội văn nghệ tỉnh cũng viết thư động viên tôi sáng tác.
   Đang có môi trường viết thuận lợi thì tháng 8/1981 tôi được đi học trường Sĩ quan Lục quân 1. Ba năm viết báo ở Tiên yên giúp tôi khá vững tay sau này. Tôi học ở tiểu đoàn 1 chuyên ngành binh chủng hợp thành. Khoá 41 (1981 – 1984) tiểu đoàn ở Khu 73 (chuyên huấn luyện quốc tế) cách khá xa trung tâm trường nên tôi chỉ quan hệ trong tiểu đoàn là chính. Cuộc đời học viên rất mệt vì học tập và rèn luyện, thời gian 21 công việc trong ngày cuốn bay cá nhân đi thế mà tôi vẫn dành thời gian viết. Thỉnh thoàng tôi vẫn có bài đăng ở báo Quân đội trên các chuyên mục Chuyện huấn luyện và Sổ tay công tác chính trị. Anh Trịnh Thanh Phi lúc đó đang là trợ lí thanh niên của trường cũng tham gia cộng tác với báo Quân đội nên thỉnh thoảng gặp và giúp đỡ tôi cách viết bài. Trong tiểu đoàn còn có khá nhiều anh tài và lẽ dĩ nhiên chúng tôi tự tìm đến với nhau và thân nhau ngay. Ở đại đội 1 có Nguyễn Văn Lai và Nguyễn Anh Nông. Ở đại đội 3 có Mai Công Vinh, Trần Mạnh Thường và tôi. Năm anh em bàn nhau thành lập cái gọi là Hội bạn thơ. Tôi được giao trách nhiệm soạn thảo văn kiện, kiểu điều lệ của hội. Buổi họp thông qua văn kiện được anh Mai Công Vinh chiêu đãi ấm chè ngon. Cũng bầu các chức danh đàng hoàng. Anh em thấy tôi viết sớm, lại viết cho báo to nên bầu vào chức chủ tịch. Tôi thì phục thơ hơn nên bầu Nguyễn Anh Nông thay vì đây là hội bạn thơ chứ đâu phải hội bạn báo, mà Nông thì đã có thơ đăng ở báo Thanh Hoá. Anh em đều biểu quyết Nông. Tôi tụt xuống làm phó chủ tịch kiêm tổng thư kí. Không biết hồi đó chúng tôi đã đọc kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ chưa mà đặt chức vụ oai thế. Thực ra chúng tôi chỉ mong có đông đảo anh em yêu văn học nghệ thuật tham gia mà thôi. Nghe tin anh Tiến, cán bộ Đoàn 73 giỏi văn thơ chúng tôi kéo nhau sang vận động. Anh là sĩ quan nhưng toàn nói lí thuyết đâu đâu không hợp nhau nên không phát triển được hội viên mới. Thành thử từ lúc thành lập hội đến lúc tan trường vẫn chỉ có năm ngón tay trên một bàn tay mà thôi. Cái loại hội vui vẻ như của chúng tôi chả bao giờ được tài liệu chính thức của nhà trường ghi lại nhưng nó lại cứ in đậm trong tâm trí chúng tôi. Nhân dịp này tôi xin kể đôi nét về từng thành viên Hội bạn thơ - Tao đàn Lục quân hồi ấy.
   Trần Mạnh Thường quê ở Cầu Giát (Nghệ An). Anh to cao, dữ tướng, nhưng ít ai ngờ anh có tâm hồn rất mơ mộng. Bố anh, ông Trần Tam Cương, rất mơ thơ Nguyễn Bính. Các nhà văn nhà thơ xứ Nghệ thường qua lại trò chuyện thơ ca với ông. Từ nhỏ anh Thường đã đọc thơ Nguyễn Bính rất say sưa và truyền cảm. Sau buổi lập hội anh Thường hứa sẽ chiêu đãi một bữa đặc sản. Ngay buổi chiều anh rủ tôi ra sông tắm. Anh mang theo cái chậu 555 to tướng. Hoá ra anh rủ tôi đi mò trai. Con sông nhỏ chảy gần Đoàn 73 ấy trai sẵn lắm. Ở một góc ngoặt chúng tôi vớ được một ổ trai, nhặt gần đầy chậu. Chúng tôi nấu một nồi quân dụng cháo trai đãi hội và cả đơn vị. Mấy anh em tếu táo ăn nhiều trai thì chất trai tăng nhiều. Quả nhiên anh Thường từ mê thơ chuyển sang làm thơ. Nhưng giọng thơ vẫn man mác như thơ Nguyễn Bính. Chúng tôi phê thẳng cánh. Anh Thường chật vật lắm mới vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng này và định hình ở thể thơ viết cho thiếu nhi. Anh lấy bút danh Tú Xôi. Bài Hoa lửa là một trong những bài thơ hay thuở ban đầu của anh:
Ì ùng sấm giục mưa rơi
Trông ra cây gạo ngang trời vươn cao
Đứng trong mưa trút sấm gào
Hoa không tắt lửa mưa nào ướt hoa.
   Hình ảnh cây gạo cổ thụ vươn thẳng giữa trời thật kì vĩ. Cây gạo này ở xã Yên Bình tất cả chúng tôi đều biết. Bông hoa gạo to, đỏ thắm rực lên như lửa, màu hoa lửa là tự nhiên thì mưa nào làm ướt được lửa hoa ấy. Bài thơ còn nói lên ý chí, nghị lực của người học viên Lục quân không khó khăn thử thách nào làm chùn bước được.
   Nguyễn Văn Lai quê ở Hà Trung (Thanh Hoá). Anh tự khẳng định là hậu duệ Định quốc công Nguyễn Bặc thời Đinh, một dòng họ vĩ đại của nước ta. Hà Trung chính là đất Tống Sơn thời trước. Anh cũng tự nhận là hợp võ hơn hợp văn. Thế nhưng anh lại có cái mũi dài, những bài thơ mới in trên báo Văn nghệ hay Văn nghệ quân đội đã được Lai khen chắc chắn sẽ được bạn đọc đánh giá cao. Lai hầu như không làm thơ vì thế chúng tôi mong sẽ có một Hoài Thanh sau này. Hoá ra chúng tôi, kể cả Lai, đều nhầm. Anh nhờ có bài thơ Hạt muối mà được chuyển từ võ sang văn và có hàng chục truyện, bài báo in trên báo Quân đội và phát trên chương trình Phát thanh quân đội của Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 2009 anh có tập truyện kí Chuyện tình sau phiên gác in ở Nhà xuất bản Công an nhân dân. Anh cũng có thế mạnh về thể truyện viết cho thiếu nhi.
   Mai Công Vinh quê thị xã Ninh Bình là một nghệ sĩ có tâm hồn nghệ sĩ. Anh đã qua trường đào tạo đàn Acordeon, nay học chuyển hệ thành sĩ quan chỉ huy. Là học viên nhưng anh vẫn phải làm nhiệm vụ cán bộ tuyên huấn của trường, tham gia hội diễn văn nghệ từ cấp đại đội đến cấp toàn quân. Bài hát Mái trường tôi yêu của anh rất được chúng tôi hâm mộ. Bài hát ra đời trong những ngày chạy đồi học chiến thuật ở Đồng Doi. Giai điệu bài hát mượt mà, uyển chuyển, trong sáng. Lời bài hát là lòng biết ơn mái trường ươm lên các vị tướng quân sau này, rất hợp tâm tình tuổi trẻ học viên:
MÁI TRƯỜNG TÔI YÊU
   nhạc và lời: Mai Vinh
Khuất sau những núi đồi
Bình yên trong tiếng hát
Dưới hàng cây xanh mát
Đây trường của chúng tôi
Mái trường thân yêu ơi
Những cuộc đời bình dị
Những tâm hồn tươi trẻ
Nguyện trọn đời hiếu trung
Giữa khoảng trời trong xanh
Bài học âm tiếng súng
Kìa ai lay bóng nắng
Trên lưng đồi xa xa
Kìa ai lay bóng nắng
Trên lưng đồi xa xa
Giữa khoảng trời trong xanh
Lớn lên niền mơ ước
Nơi nhân lên trong ta
Tình yêu đất nước
Như hàng cây xanh biếc
Đang lớn lên từng ngày
Mái trường chúng tôi đây
Từ trăm phương gặp gỡ
Cúng là nơi chia tay
Đi khắp bốn phương trời...
 
   Tiếng đàn Ác-cooc dập dìu, rộn rã đi qua quãng đời học viên của chúng tôi, khắc sâu vào tiềm thức của chúng tôi. Thời ấy chúng tôi đã đánh giá đây là một trong những bài hát hay nhất về trường Lục quân 1 thân yêu, bài hát đi cùng năm tháng và sống mãi, lung linh mãi trong các thế hệ học viên Lục quân 1.
   Nguyễn Anh Nông quê ở Quảng Xương (Thanh Hoá). Anh đã từng là công nhân mỏ Crôm-mit. Nhập ngũ đợt tổng động viên tháng 3/1979. Từ ngày về trường đột nhiên anh thích làm thơ. Bài thơ đầu tiên được in là bài Tình mẹ đời con in ở báo Thanh Hoá ngày 27/3/1979. Hồn thơ anh nảy nở lớn lên nhanh chóng. Nhiều đêm chẳng biết là mấy giờ anh đến cấu tôi dậy, rủ nhau lên hội trường đơn vị đọc thơ cho tôi nghe. Đèn không có, cứ viết mò ra giấy rồi sửa sau. Tôi không có khiếu thơ nên chỉ nghe để chia sẻ niềm vui sáng tạo với anh. Tôi dự cảm và tin tưởng sau này anh sẽ trở thành nhà thơ tên tuổi. Đợt hành quân tổng hợp rất vất vả thế mà Nông từ đại đội 1 đến đại đội 3 vừa đi vừa đọc thơ mới cho tôi nghe. Bài Lối mòn của hoa Nông đề tặng Thường cũng chính là lời tự sự:
Lối mòn in lắm dấu chân
Bông hoa còi cọc hoạ hoằn nở ra
Lối mòn nhiều sỏi ít hoa
Tìm hoa thơm đẹp chớ qua lối mòn.
   Ngày ra trường Nông đã cưới cô Quân y của Trường văn hoá quân đội (cũng ở Khu 73) rồi xung phong lên biên giới Cao Bằng. Trước khi chia tay mỗi người mỗi ngảchúng tôi in chung tập thơ, giao cho Nông trang trí bìa. Ban đầu chọn tên tập thơ là Quả mùa đầu. Tên ấy sáo quá nên đổi lại là Lứa bói. Nông vẽ kèm một quả hồng đỏ chói như tương lai xán lạn sau này của mỗi hội viên Hội bạn thơ. Nói là in chứ thực ra là nhờ đánh máy chữ rồi đóng quyển nhưng cánh sĩ chúng tôi thấy oai lắm rồi và đặt cho nơi xuất bản là Nhà xuất bản Gia đình và bè bạn.
   Thấm thoắt đã nhiều năm trôi trượt qua. Hội bạn thơ chỉ còn thượng tá nhà văn Nguyễn Văn Lai ở lại trường giữ gôn cho hội viên Hội bạn thơ có chỗ đi về. Cây bút đã giúp Lai đắc dụng trên các cương vị công tác của mình. Trần Mạnh Thường không có liên hệ gì. Mai Công Vinh đã nghỉ chế độ và có nhà riêng ở thị xã Sơn Tây. Nguyễn Anh Nông đang là thượng tá công tác ở Điện ảnh quân đội. Anh là hội viên của nhiều hội văn học nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng thơ, kịch bản phim... Anh cũng đã in 7 tập thơ và trường ca, sắp in tập thơ thể Haicu. Trường ca Trường Sơn của anh mới in gần đây đã có dư luận tốt, hi vọng tập thơ mới này còn có dư luận tốt hơn.
   Tôi là dạng bét dem nhất. Đang là trợ lí hiệu trưởng, nhân có đợt đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô với chủ trương mới là tính thời gian liên tục, hoàn thành nhiệm vụ lại về đơn vị cũ công tác nên tôi xung phong (lại xung phong) đi để biết quê hương Lênin vĩ đại. Vừa sang đến nơi tinh thần quốc tế chủ nghĩa của tôi đã đổ sập đánh rầm vì mọi thứ tiên đề định lí về chủ nghĩa quốc tế đều sai hết. Tôi tìm mọi cách để về nước sớm vì tiên đoán Liên Xô sẽ đổ sập cùng với cải tổ (tôi dịch là đào mồ cuốc mả tổ tiên lên). Tháng 10/1990 tôi tự mua vé máy bay về khiến tổ chức ta tây phải đồng ý cho tôi về sớm. Nhưng về đến nhà lại thất vọng to hơn ở Liên Xô là quân đội bắt tôi về phục viên chứ không cho về đơn vị cũ công tác. Thời gian ở Liên Xô tuy được tính liên tục nhưng tiền phục viên bị treo đến bây giờ vẫn chưa trả. Cách tính tiền phục viên cũng chỉ ngang một chỉ vàng trong khi cùng cấp ở trong nước về phục viên được nhiều gấp 10 lần. Tôi có phản ảnh lên báo Quân đội nhưng chả có ai giải quyết. Bây giờ vẫn bị treo chế độ chờ giải quyết không biết bao lâu nữa. Nhưng bù lại tôi viết được nhiều. Cuốn Nhật kí Cadan viết ngay ở Liên Xô, về nước viết được tiểu thuyết Nước mắt của tuyết trắng. Đến nay tôi có hơn 20 đầu sách được in và nhận nhiều giải thưởng văn học cả thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết.
   Như vậy Hội bạn thơ trên thực tế vẫn hoạt động và có nhiều thành tựu. Tất cả đều bắt đầu từ một đốm lửa yêu văn học nghệ thuật ở dưới mái trường Lục quân 1 năm xưa.
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355  -  0168.5300.803