Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI ĐAU CỦA MỘT GIA ĐÌNH THƯƠNG BINH

Đặng Bá Tiến
Thứ hai ngày 26 tháng 7 năm 2010 6:50 AM
Ghi chép:Chuong1.JPG
Tháng 7 lại về, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta lại hướng lòng mình tới các liệt sĩ, thương binh với tất cả lòng biết ơn, niềm kính yêu và trân trọng nhất. Các gia đình liệt sĩ, các thương binh cũng rất lấy làm vinh dự và tự hào về điều đó. Thế nhưng ở Đắc Lắc có một người thương binh lại đang phải sống trong tâm trạng hết sức đau khổ, bởi ông vừa bị cấp ủy địa phương khai trừ ra khỏi Đảng một cách oan ức…
Đó là thương binh hạng 4/4 Nguyễn Hoàng Chương ở buôn K’ram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắc Lắc. Ngồi nói chuyện với chúng tôi về việc bị khai trừ , giọng ông run run:-Tôi vào Đảng đâu phải giản đơn như các ông, các bà sau này, mà phải đổi bằng xương máu của mình trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy họ khai trừ Đảng đối với tôi là phủ nhận, vứt bỏ xương máu của tôi. Mà nào tôi có tội tình gì. Tôi bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình tôi, để gia đình tôi khỏi rơi vào cảnh trắng tay, chết đói, do cách làm áp đặt, vô lý của họ: Buộc tôi di dời nhà cửa, vườn tược để cho họ lấy đất bán.Và thế là họ quy cho tôi tội chống đối chủ trương của huyện và khai trừ tôi… Nói đến đó giọng ông bỗng nghẹn lại. Mắt ông nhòaChuong2.JPG lệ.
Thực tế rõ ràng
Những ngày đầu tháng 7.2010 chúng tôi đã về Cư Kuin tìm hiểu về những điều ông khiếu nại và được biết: Ông được chính thức kết nạp Đảng ngày 1.3.1976 tại Tri Tôn, An Giang. Ngày 19.5.2007 ông đã được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ông bị thương tại mặt trận biên giới Tây Nam trong khi đang chỉ huy một trung đội chiến đấu chống bọn diệt chủng Khơ Me Đỏ. Năm 1983 ông được ra quân, trở về quê hương Thanh Chương, Nghệ An – một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi khởi đầu của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Năm 1986 ông chuyển cả gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp và được nhận làm công nhân của Nông trường cà phê Việt Đức 6 (nay là Công ty cà phê Ea Tiêu), được giám đốc nông trường lúc bấy giờ là Y Blok Byă giao chăm sóc 1 ha cà phê liên kết. Ông hồ hởi tham gia tích cực mọi hoạt động của nông trường, được mọi người mến phục, tin yêu. Vì thế ông từng được bầu làm Bí thư chi bộ nông trường, Chủ tịch Công đoàn nông trường. Năm 1991 ông được giám đốc nông trường Y Blok Byă đồng ý cho làm nhà ở ngay trên đất nhận làm cà phê liên kết. Ở thời điểm bấy giờ Đắc Lắc còn đất rộng, người thưa, việc giám đốc các nông, lâm trường “cho đất” cán bộ công nhân làm nhà ở là tình trạng khá phổ biến, một “vấn đề có tính chất lịch sử”. Cũng vì vậy, ngày 22.1.2009 Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành văn bản số 264/BND-NLN hướng dẫn: “Đối với các trường hợp hộ gia đình cá nhân được các tổ chức nông – lâm trường giao đất làm nhà ở trước ngày 15.10.1993 nay đã hình thành khu dân cư ổn định… thì UBND các huyện, thành phố tiến hành làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Thực tế là gia đình ông Chương đã ở ổn định từ năm 1991 đến nay, đã qua 3 đời giám đốc nông trường Ea Tiêu và rất nhiều đời lãnh đạo chính quyền xã Ea Tiêu, nhưng không có một ai cho rằng ông đã sinh sống và làm nhà ở trên mảnh đất hiện tại là trái phép…
Tá hỏa tam tinh
Thế nhưng đầu năm 2008, ông Chương đã hết sức bất ngờ khi nhận được thông báo của lãnh đạo huyện Cư Kuin (một huyện mới được tách ra từ huyện Krông Ana từ năm 2007): Gia đình ông phải di dời, chặt bỏ cây trồng để giao đất cho huyện thực hiện chương trình 132, 134 về cấp đất ở và đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất. Trời ơi, cả nhà ông 6 nhân khẩu, ông đang phải nuôi 1 mẹ già 80 tuổi và 3 con học đại học, vợ ông lại thường xuyên đau ốm, cả gia đình lâu nay sống bằng thửa đất 8 sào cà phê liền kề sau nhà và thửa đất 2, 9 sào vừa làm vườn vừa làm nhà ở. Bây giờ phải giao cho huyện thì cả nhà ông rồi đây sẽ sống bằng cái gì? sẽ đi đâu về đâu? Cả đời ông vất vả làm lụng tằn tiện, đổ bao lớp mồ hôi mới làm được căn nhà xây cấp 4 bây giờ phải di dời, tức là đồng nghĩa với trắng tay. 160 triệu đồng chính quyền huyện đền bù cho ông, bảo ông đến nhận, làm sao mua nổi mấy sào vườn… Cả nhà ông tá hỏa tam tinh. Vợ ông vốn đã bệnh tật càng ốm o, gầy mòn, từ gần 50 kg, nay chỉ còn chưa đầy 40kg . Mẹ của ông vốn đã già yếu, biết chuyện người ta ép phải từ bỏ cơ ngơi cũng đổ bệnh nằm một chỗ từ tháng 3.2009 đến nay. Ba đứa con ông đang đi học (nay 1 đã đi làm) cũng học hành không yên, có đứa đã định bỏ học để ở nhà lo việc giữ đất với cha, ông phải động viên hết lời cháu mới đi học tiếp. Từ một gia đình chính sách đang sống phấn khởi, bình yên, bỗng dưng rơi vào cảnh ê chề, ngao ngán trước nguy cơ trắng tay.Và vì thế ông không thể chấp hành việc bàn giao đất cho huyện ngay được, ông phải hỏi cho ra lẽ…
Giao đất vô lý
Đi hỏi nhiều lần, ông Chương mới biết: Để tạo điều kiện cho các hộ đồng bào thiểu số thiếu đất ở và đất sản xuất, UBND tỉnh Đắc Lắc đã yêu cầu Công ty cà phê Ea Tiêu bàn giao lại cho tỉnh một số diện tích đất đang do Công ty quản lý, để UBND tỉnh cấp lại cho đồng bào (theo Chương trình 132,134 của Chính phủ). Công ty cà phê Ea Tiêu đã làm thủ tục giao lại cho tỉnh (sau đó tỉnh lại giao cho huyện) 25,73 ha để bố trí đất sản xuất cho đồng bào thiểu số (trong đó có 0,8ha cà phê của ông Chương) và 3,69 ha để huyện quản lý sử dụng theo kế hoạch (trong đó có 2,9 sào đất ở và vườn của ông Chương). Điều vô lý ở đây là: Vì sao trong Công ty có nhiều hộ đang làm liên kết với Công ty trên 2 ha lại không bị cắt bớt để giao cho tỉnh mà lại cắt của hộ ông Chương chỉ có  hơn 1 ha (kể cả đất ở). Vì sao trong 25,73 ha đất Công ty giao cho tỉnh Đắc Lắc chỉ 0,8 ha của ông Chương ở buôn Kram, còn lại ở các đội 3,4 cách buôn Kram tới 8 cây số? Vì sao lãnh đạo Công ty lại có cách đối xử với ông tệ như vậy? Và ông hồi nhớ lại thời ông còn làm bí thư nông trường chính ông là người đã không đồng ý kết nạp ông giám đốc nông trường Đặng Xuân Hòa hiện nay (bấy giờ còn là phó giám đốc) vào Đảng, vì lý lịch không rõ ràng (ông Hòa chỉ mới được vào Đảng cách đây 4 năm); ông cũng là người từng phản đối việc ông Hòa đưa vợ vào làm thủ quỹ nông trường, vì trái với nguyên tắc bố trí cán bộ… Và bây giờ ông Hòa trả thù ông bằng cách làm như thế (?!) Một điều vô lý khác là: Huyện thu hồi thửa đất 0,8 ha của ông với danh nghĩa là để giao cho hộ đồng bào thiếu đất ở và đất sản xuất, nhưng trên thực tế là huyện lại phân lô, bán nền cho bất cứ ai có nhu cầu với giá sàn mỗi lô (khoảng 200 m2) trên 120 triệu đồng.
  
Chi bộ không đồng tình
Nhận ra những điều vô lý, ông Chương chạy đôn, chạy đáo khắp nơi trình bày, giải thích, khiếu nại, rồi sau đó tố cáo việc làm vô lý đó… nhưng những người có thẩm quyền trong công ty, trong xã, trong huyện chẳng ai thèm nghe, cho rằng ông cứng đầu, chống đối chủ trương của huyện, đảng viên mà như vậy thì phải xử lý(!) Thế là Huyện ủy Cư Kuin chỉ đạo cho đảng ủy xã Ea Tiêu và chi bộ buôn H’luk phải họp kiểm điểm và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Chương. Ngày 10.11.2009 Chi bộ buôn H’luk họp “kiểm điểm” ông Chương, nhưng tất cả 5 đảng viên của chi bộ (3 chính thức và 2 dự bị) có chung nhận xét “đ/c Nguyễn Hoàng Chương từ trước tới nay luôn chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của đảng, không vi phạm điều lệ đảng… luôn luôn tích cực xây dựng chi bộ vững mạnh… hiện nay đất ở đất sản xuất đang còn thiếu, cuộc sống chủ yếu dựa vào diện tích đất nói trên… nay chi bộ đề nghị các cấp thẩm quyền không thu đất của gia đình đồng chí Chương”(trích biên bản của chi bộ). Tại cuộc họp ngày 12.11.2009  3 đảng viên chính thức của chi bộ đều thống nhất bỏ phiếu “không kỷ luật đồng chí Nguyễn Hoàng Chương”. Thế nhưng ngày 4.3.2010 chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Cư Kuin Nguyễn Thế Vinh vẫn ra quyết định khai trừ ông Chương ra khỏi Đảng.
Đấy là nỗi đau lớn của ông Chương và cả gia đình ông. Ông bảo với chúng tôi: Sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng để lấy lại sự công bằng…
----------------------------------------------------------------------------------
(1730 chữ)
(có 3 ảnh gửi kèm:
1: Ông Chương đang phản ánh việc bị huyện thu hồi đất vô lý với các cơ quan báo chí.
:2 Vườn cà phê đã cho gia đình ông Chương nguồn thu, ổn định cuộc sống từ hơn 20 năm nay đang bị huyện Cư Kuin thu hồi để bán đất
3 Mẹ ông Chương 80 tuổi, nghe tin huyện sẽ thu hồi đất ở và đất sản xuất đã bị sốc nằm liệt giường từ tháng 3.2009 đến nay.
Ảnh Đ.B.T

PV Báo Lao động