(Nghĩ về quan niệm con người qua nhân vật Xôcôlôp trong tác phẩm “Số phận con người” của nhà văn Sôlôkhốp)
1. Dường như trở thành vấn đề quy luật của muôn đời đó là một áng văn chương sống và để đời không thể không phản ánh chân thực cuộc sống, quan tâm một cách sâu sắc và thiết thực tới số phận con người.
Nền văn học Nga Xô Viết hoành tráng, giàu chất sử thi, đặc biệt những năm từ 1941 đến 1980, có sự quan tâm, nhìn nhận thật riêng về cuộc sống cùng số phận con người. Bởi, những năm tháng không thể quên (mà nếu ai có thể quên được thì đó là điều xỉ nhục lớn về lương tâm và tri thức văn hóa) – những công dân nước Nga nói riêng và nhân loại toàn cầu nói chung phải đối mặt với thử thách dữ dội đồng thời thảm họa ghê gớm của hiện thực: chiến tranh.
Một cuộc chiến tranh chống phát xít- chống lại lực cản lớn của một thế lực tàn bạo và hắc ám muốn đẩy con người xuống hố thẳm của sự diệt vong.
Nước Nga những năm 40 của thế kỉ XX, dường như có sự đồng hiện và đồng hành của một lớp nhà văn cùng với lịch sử, bi thương và hoành tráng. Một lớp, một thế hệ “nhà văn trung úy” như Sôlôkhốp, Phađêep, Pôgôdin, Ôxtơrôpxki… đã thực sự nhập cuộc. Họ đã sống, đã chiến đấu, đã hi sinh để rồi để lại cho đời những đứa con tinh thần- những tác phẩm viết về chiến tranh, viết về con người trước, trong và sau hiện thực dữ dội, sôi động và cũng đầy ám ảnh ấy.
Không phải giản đơn và ngẫu nhiên, ngay khi vừa ra đời, truyện ngắn “Số phận con người” (1956) đã trở thành một sự kiện làm rung chuyển văn đàn Xô Viết. Với ý nghĩa sâu sắc về triết học và thẩm mĩ, hình tượng Xôcôlốp- nhân vật chính trong truyện vừa có cá tính sinh động vừa trở thành biểu tượng cho số phận con người trong thế kỉ XX.
Xét ở góc độ thể loại, thiên truyện ngắn đặc sắc này của Sôlôkhốp được mạnh danh là “tiểu anh hùng ca”, là loại “truyện ngắn - sử thi” bởi dung lượng hiện thực của nó, là dồn nén và ôm chứa những biến cố lớn ở nước Nga qua các chặng đường lịch sử: thời nội chiến, thời chiến tranh vệ quốc và thời hậu chiến.
Các nhà nghiên cứu văn học đã khẳng định sự đóng góp lớn và có ý nghĩa của văn học Xô Viết thời kì này nói chung và tiểu thuyết nói riêng là sự hướng tới trong hai phạm trù được phản ánh. Đó là sự thật lịch sử và sự thật con người. Sự thật lịch sử còn có thể được soi chiếu, phán định theo thời gian và phụ thuộc không nhỏ vào quan điểm thẩm định, phán xét. Còn sự thật về con người – qua tác phẩm văn học luôn khẳng định một cách chân xác, đích thực tài năng, bản lĩnh và cả tâm huyết của người nghệ sĩ với con người.
Với hình tượng Xôcôlốp trong tác phẩm của mình, văn hào Sôlôkhốp chẳng những khẳng định được quan niệm của ông về con người mà thực sự nhân vật này còn kết đọng sâu xa như kết tinh thứ văn hóa trầm tích thật ấn tượng; thật thấm thía trong sự phản ánh, nhìn nhận, suy ngẫm về số phận con người đúng như tên gọi của tác phẩm.
Khi đề cập tới “Số phận con người”, Sôlôkhốp đã thực sự đặt nhân vật của mình: Xôcôlốp trước sự thử thách của số phận mà phản ánh và chiêm nghiệm. Sự hiểu biết về thực giả, về giá trị đích thực hay phù phiếm giả tạo về chân dung tinh thần của con người, cũng sẽ được phản ánh một cách rạch ròi, tường minh nhất từ chính tấm gương- cuộc đời vậy.
Cũng như bao chàng trai Nga cùng thế hệ, Xôcôlốp phải đối mặt với sự thật số phận của mình. Chiến tranh như một cái chảo nóng khổng lồ mà bao sinh linh vô tội bị ném vào một cách không thương tiếc.
Chưa nói đến tấn bi kịch xa đã đến với Xôcôlốp như một sự ám ảnh thê lương – có thời gia đình lớn của anh từng bị chết đói trong cảnh nghèo khó. Lại đến cuộc đời anh có một mái ấm gia đình với một vợ và ba con, thì chiến tranh ập đến. Xôcôlốp phải ra trận và vợ con ở lại hậu phương. Sự li tán đã trở thành một thử thách, một gánh nặng tâm lí cho Xôcôlốp cũng như bao người cùng thời.
Một năm trong chiến tranh ác liệt chống phát xít, bản thân Xôcôlốp từng bị thương hai lần vào tay và chân. Thử thách dữ dội của chiến cuộc lại tiếp tục đẩy sâu Xôcôlốp vào những nỗi gian truân cay cực của người chiến binh: Anh lại bị bọn phát xít bắt giam và hành hạ trong các trại tập trung hàng hai ba năm trời. Bản thân vượt qua cái chết, vượt qua thử thách của số phận đã là khó. Xôcôlốp không bị chết trong tù đày và sự hành hạ của bọn phát xít.
Nghị lực và ý chí đã khiến người lính cách mạng đã vượt qua cửa ải của cái chết để trở về. Năm 1944, bọn phát xít bị đại bại trên mặt trận Xô- Đức, nhân một cơ hội hiếm hoi của số phận, Xôcôlốp (lúc ấy là tù binh lái xe cho một sĩ quan Đức), đã cướp xe, bắt sống tên trung tá phát xít và chạy thoát về phía Hồng quân Nga.
Vượt thoát khỏi thử thách nghiệt ngã với chính bản thân mình trong sự đối mặt với chiến tranh, với chết chóc và bom đạn, những tưởng người chiến binh Xôcôlốp sẽ được trở về với mái ấm gia đình. Nhưng, một trái bom của số phận lại giáng tiếp xuống cuộc đời Xôcôlốp. Đấy chính là khi anh hay tin: vợ và hai đứa con gái của anh đã bị bom của bọn phát xít Đức giết hại từ giữa những năm 1942.
Thế là số phận lại ném anh ra bên lề cuộc sống bởi Xôcôlốp đâu còn một không gian gia đình, đâu còn những người thân yêu ruột thịt để mà nương tựa, mà hi vọng vào cuộc sống. Chút hi vọng cuối cùng của đời anh chỉ còn trông đợi vào người con trai: Anatôli- từng là một học sinh giỏi toán, giờ là đại úy pháo binh. Cùng với Hồng quân, hai cha con Xôcôlốp và Anatôli tiến đánh Berlin- sào huyệt của bọn phát xít. Nhưng, đúng ngày chiến thắng 9-5-1945, Anatôli đã ngã xuống và niềm hi vọng cuối cùng của Andrây Xôcôlốp vụt tan biến vào hư vô.
Quả là chiến tranh với con người thực sự là một thảm họa khủng khiếp. Những số phận như người lính Xôcôlốp, chiến tranh chẳng những là gánh nặng về thể xác con người mà chiến tranh còn thực sự đè trĩu lên đôi vai họ gánh nặng về tinh thần. Bởi nỗi đau mất mát trong chiến tranh là vết thương quá nặng nề, quá ám ảnh con người mà thời gian đâu dễ nguôi ngoai trong lòng những người còn sống.
3. Xôcôlốp đã thực sự mang nỗi đau tinh thần vào một cuộc sống mới – cuộc vật lộn mưu sinh sau chiến tranh.
Có lẽ viết về số phận con người sau chiến tranh, nhà văn Sôlôkhốp đã chuyển tiếp tới người đọc một thông điệp lạ về con người hậu chiến.
Sự chấm dứt của đạn bom không đồng nhất với sự thanh thản, yên bình trong số phận con người. Xôcôlốp giờ đây phải đối mặt với mặt trận không tiếng bom.
Người chiến binh từng dạn dầy vào sinh ra tử giờ đây lại phải đối mặt với cuộc sống đời thường. Với Xôcôlốp dường như phải bắt đầu lại từ đầu.
Anh phải vượt lên chính mình bởi sự cô đơn, trống trải của một người không còn gia đình. Biết tìm tới địa chỉ nào của số phận mong neo đậu lại cho cuộc đời mình. Chả lẽ lại quay về với Vôlônegiơ- nơi gia đình anh từng ở đó. Không thể, vì mảnh đất ấy chỉ làm thức dậy nỗi đau đớn, mất mát trong anh.
Xôcôlốp tìm đến vùng Urinpinxcơ, nơi ấy anh có một người bạn đã giải ngũ hồi mùa đông vì bị thương. Xôcôlốp đã gặp gia đình người bạn ấy và họ đã “thu xếp cho tôi một chỗ nương thân”. Đấy là lời kể của nhân vật khi đặt chân tới miền đất mới Urinpinxcơ. Đây là một đoạn văn trần thuật từ chính Xôcôlốp trước ngưỡng cửa mới của số phận mình:
“Hai vợ chồng bạn tôi không có con, sống trong một ngôi nhà riêng nho nhỏ ở rìa thành phố. Mặc dù được hưởng phụ cấp thương binh, nhưng anh bạn tôi vẫn làm lái xe cho một đội vận tải, tôi cũng đến xin làm ở đó…”. Một chỗ ở, dẫu là ở nhờ, ở tạm với Xôcôlốp đã là quý, một công việc, dẫu là bước đầu – cũng là tạm ổn đối với anh. Điều đáng nói là nỗi ám ảnh buồn đau về chiến tranh không chịu buông tha Xôcôlốp. Nỗi buồn khiến anh tìm đến một thói quen nguy hại: uống rượu. Chính anh cũng thú nhận: “Tất nhiên là uống một li rượu lử người. Phải nói rằng tôi đã quá say mê cái món nguy hại ấy…”.
Cuộc sống không làm cho Xôcôlốp nguôi quên quá khứ. Sự mất mát của bản thân, hình ảnh vợ con đã mất, luôn trở thành nỗi ám ảnh thường nhật và dày vò tâm trí Xôcôlốp. Con người khốn khổ này, ban ngày phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn và tối đến lại phải đối mặt với dằn vặt, khổ tâm những nỗi dày vò không dứt. Anh trút tâm sự: “Hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy những người thân quá cố…tôi nói đủ chuyện với Irina (vợ) với các con, nhưng chỉ vừa toan lấy tay đẩy dây thép gai ra, thì vợ con lại rời bỏ tôi, cứ như là vụt tan biến mất”.
Nếu có thể nói rằng cuộc đời của người chiến binh Xôcôlốp là một chuỗi bi kịch thì có lẽ bi kịch bởi nỗi ám ảnh chiến tranh từ những mất mát nó thật là thứ bi kịch lặng thầm và dữ dội nhất với anh. Cơn buồn, nỗi đau vật vã trong khoảng không –gian-tâm- tình của những con người, những số phận như Xôcôlốp đã thực sự là điều nhức nhối, xót xa trong cách nhìn, cách cảm sâu sắc và thấm thía của nhà văn về con người. Có lẽ đấy cũng chính là chiều sâu trong giá trị nhân văn của tác phẩm Sôlôkhốp. Đấy là nỗi buồn chiến tranh- nỗi buồn trong chiến tranh-đã đành; đấy còn là nỗi mất mát cùng những ám ảnh không nguôi, không thể nguôi của con người- ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc.
Sự thực nghiệt ngã chiến tranh ấy đối với những người dân Nga như anh lính Xôcôlốp đâu phải nỗi bất hạnh của một-con-người.
Đó là thực sự nỗi đau con người!
Từ hình tượng nhân vật Xôcôlốp, câu chuyện về “Số phận con người” Sôlôkhốp lại có thể lật giở sang một ý nghĩa khác: con người là điểm sáng vinh quang của chiến tranh hay con người là nạn nhân đau thương của chiến tranh gây ra. Tác phẩm của Sôlôkhốp không một lời bình luận, song tự bản thân tính khách quan của những sự kiện xoay quanh số phận nhân vật Xôcôlốp đã tự nói lên: cái giá phải trả của số phận con người.
4. Sẽ là thiếu sót nếu không lật giở tiếp một vỉa hiện thực đáng trân trọng, giàu nhân ái trong quan niệm về con người của Sôlôkhốp. Đó chính là sự phát hiện để khẳng định một nét tính cách Nga, một nét tâm hồn Nga từ nhân vật Xôcôlốp – đó chính là nghị lực phi thường và lòng nhân ái của con người.
Trước hết phải đề cập tới một chi tiết rất có ý nghĩa trong cuộc đời và tạo nên một bước ngoặt trong số phận Xôcôlốp – gặp bé Vania!
Hình ảnh bé Vania được nhà văn chiếu và hướng tới trong một góc nhìn của chính nhân vật Xôcôlốp- chỉ có một tấm lòng yêu thương từng trải, một trái tim hiểu biết và cảm thong mới có cách nhìn nhận ấy. Bởi thằng bé “rách bươm xơ mướp” lại “bẩn như ma lem” thực sự trở thành thiên thần bởi “Cặp mắt cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm”.
Thế là đằng sau những mất mát, Xôcôlốp như được số phận đền bù. Số phận không hoàn toàn nghiệt ngã tới cùng cực với anh. Người chiến binh mà cuộc đời chất chồng những mất mát ấy đã tìm được điểm tựa là bé Vania. Sự hồn nhiên, ngây thơ của bé sẽ sưởi ấm cho trái tim buồn đau và giá băng của Xôcôlốp. Tôi thích đoạn đối thoại giản dị và cảm động giữa Xôcôlốp và bé Vania trong lần gặp gỡ.
“- Bố cháu đâu? – Tôi hỏi.
- Chết ở mặt trận – Nó rỉ tai.
- Thế mẹ cháu?
- Mẹ bị bom chết trên tàu hỏa….
- Thế ở đây cháu không có bà con thân thuộc à?
- Không có ai cả.
- Thế đêm cháu ngủ ở đâu?
- Bạ đâu ngủ đó…”
Những lời hỏi đáp trên, thực ra không phải chỉ là những lời đối thoại bình thường mà đấy thực sự là tiếng lòng ấm áp nhân hậu của những trái tim đã từng rớm máu vì mất mát, vì chiến tranh. Sôlô khốp đã thực sự đọc ra, khám phá ra thế giới nội tâm đầy yêu thương và nhân ái của con người. Đấy cũng thực sự gửi gắm quan niệm về con người của nhà văn.
Tác phẩm kết thúc không phải là sự “đóng khung” của hiện thực, càng không phải là sự “đóng khung”, “mạ vàng” cho số phận con người.
Số phận chưa buông tha, chưa mỉm cười với bố con Xôcôlốp và bé Vania, khi Xôcôlốp lại gặp phải một rủi ro –anh lái xe và quệt phải một con bò vì thế mà bị thu bằng lái, bị mất việc.
Lại một cuộc hành trình mới. Lại một cuộc dấn thân mới bởi hai cha con Xôcôlốp phải dắt díu nhau đi bộ tới miền Kasarư. Cái gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Phản ảnh một hiện thực, một thử thách mới đối với hai con người, một già (Xôcôlốp) và một trẻ (Vania) phải chăng nhà văn còn đặt ở họ một niềm tin vào bản lĩnh, nghị lực của con người?
“Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách…”
Suy xét, quan niệm về hai chữ Con- Người của nhà văn vĩ đại Sôlôkhốp mới giản dị và sâu sắc biết bao./.