Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÃY VIẾT ĐẾN KIỆT CÙNG THẦN TRÍ

Người thực hiện Lê Anh Hoài
Thứ bẩy ngày 24 tháng 7 năm 2010 7:15 AM
 
 ( Nhà văn Lê Anh Hoài trao đổi với Thế Dũng, nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại Đức)
 
Cùng lúc đá “ba sân”: Thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, gần 22 năm sống và làm việc ở nước ngoài, tính đến nay, Thế Dũng đã cho ra đời 15 cuốn sách đầy đặn, ngồn ngộn đời sống. Có những cuốn sách viết về thực tế trong nước sâu sắc và có cả thơ, tiểu thuyết, tiểu thuyết kịch xuất bản bằng tiếng Đức. Nhân dịp cuốn “Bên dòng sông tình sử” (tuỳ bút và đối thoại văn chương- Nhà xuất bản Lao Động 06-2010) của anh ra mắt tại Hà Nội, nhà văn Lê Anh Hoài  trao đổi với Thế Dũng về nghề viết, về những nỗi ám ảnh của nhà văn và của một người Việt.
Lê Anh Hoài: Năm 1979, anh có những câu thơ gặp phận truân chuyên: “Thành tan nát bởi lòng người chia lẻ/Những bầy tôi trung - Vương đã đuổi đi đâu” (Cổ Loa thành bi tráng một thời vua), hay “Ôi con đường tuổi ấy quá ngây thơ/Đom đóm múa cứ tưởng là tinh tú” (Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau)... Hình như thời đó anh bị sốc? Anh vượt “sốc” bằng cách nào?
 
Thế Dũng:  Quả thật là không khí xã hội hậu chiến  thời đó và đặc biệt là cuộc tấn công ngày 17tháng 2 năm 1979  của quân đội Trung Quốc vào biên giới phía Bắc nước ta đã làm tôi bị sốc. Rốt cuộc tôi đã viết gần như là liền một lúc hai bài thơ Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau và Cổ loa thành bi tráng một thời vua. Lúc bấy giờ đã có rất nhiều triệu trứng gây sốc và bị sốc trong giới  văn nghệ sĩ. Tôi còn nhớ ngày 09 tháng 06 năm 1979 Tuần Báo Văn Nghệ in bài viết Về chủ nghĩa hiện thực phải đạo của Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến khiến cho ngay sau đó họ Hoàng bị điêu đứng vì từng trận đòn hội trợ của các đồng nghiệp cơ hội.  Sau đó vở diễn Nguyễn Trãi ở Đông Quan( kịch bản  Nguyễn Đình Thi) do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng bị cấm ngay lập tức sau buổi biểu diễn ra mắt. Và cuối năm đó, tôi vẫn còn nhớ  cố thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã kín đáo tâm sự trong  bài thơ Mùa Thu in  trên báo Văn Nghệ 
Em nhìn sang bên kia
Bầy quạ kêu hung hãn
Gió lất phất trang báo
Những pho tượng đổ không kịp dọn
Tại sao nhà thơ không viết chẻ hoe là những thần tượng đổ không kịp dọn ? Dạo đó khi nói chuyện văn chương với sinh viên Sư phạm Văn, Nguyễn Đình Thi hay nói đến những trang bản thảo đang còn im thin thít trong ngăn kéo. Ông bảo có lẽ chỉ khi nào ông  đi sang thế giới bên kia thì con cháu ông mới có dịp bạch hóa chúng . Hóa ra thời đó đâu chỉ có mình lũ sinh viên văn như tôi bị sốc. 
Cởi trần mà bắn thôi trời xanh kia là áo
Đã trả kiếm cho Rùa vàng mà vẫn không xong.
Và:
Những Binh nhất đang trở thành Tư lệnh
Vỡ lòng mình trên kiếm máu năm xưa
Sau khi cảm khái thầm đọc một mình  những câu thơ ấy tôi lặng lẽ cùng bạn bè  lên phòng tuyến sông Cầu đào hào…Có thể nói tôi đã  vượt sốc bằng thơ !
 
Lê Anh Hoài: Sống và làm việc xa đất nước, làm sao anh có thể tái hiện một bức tranh xã hội và đời sống văn chương khá sống động, như bức tranh về không khí đổi mới văn học từ trước Đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam qua tiểu thuyết “Một nửa lá số” và một số tác phẩm khác như Hộ chiếu buồn , Tiếng Người Trong Đá Giáp Sơn, Tình Cuội ?

Thế Dũng:   Xa đất nước, nhiều khi tôi cảm  thấy mình đã phải  sống trong một ngôi nhà không có cửa sổ, một ngôi nhà bị khóa trái với những angten gãy cụt và những Tin lộ tắc nghẽn.  Một mình xô những tường câm nín của ngôn từ để vượt ra khỏi tình cảnh ếch ngồi đáy giếng ở xứ người, tôi đã cố gắng đọc và tìm đọc tất cả những gì thuộc về văn chương mà tôi có thể có được từ  Berlin,  từ Việt Nam. Tôi cặm cụi học tiếng Đức và hăm hở đọc  các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại mỗi khi có dịp.  Từ năm 1989 đến 1997, khi chưa có Email, chưa có các Webseite đa diện, chưa có điện thoại di động,  bạn bè, người thân  ở Việt Nam đã chiu chắt từng con tem để  gửi sang Berlin từng bì thư qua đường bưu điện trong đó chứa đựng  rất nhiều bài báo về tình hình văn hóa văn nghệ xã hội chính trị ở trong nước để tôi không bị đứt nguồn thông tin với Hồ Gươm. Thậm chí có cuốn sách được bạn tôi  tách ra từng tệp cho  thích hợp với dung lượng thư tín để gửi làm nhiều lần sang Berlin cho tôi kịp đọc . Và khi cần,  tôi đã sử  dụng khá kỹ những tư liệu ấy trong khi viết các tiểu thuyết,  các tùy bút, tiểu luận của mình.
 
Lê Anh Hoài: Đọc “Bên dòng sông tình sử”, có thể thấy anh trao đổi chuyện văn chương với khá nhiều nhà văn, cả trong nước lẫn hải ngoại. Có câu chuyện gì thú vị mà anh ấn tượng và chưa nói hết ?

Thế Dũng: Cảm ơn anh. Từng ấy trò chuyện với ngần ấy nhà văn chưa thể gọi là nhiều.
Hình như vẫn còn đây đó những bức tường câm nín  trong ý thức của các nhà văn ở trong nước và ở hải ngoại.  Và giữa các nhà văn ở các vùng địa văn hóa chính trị khác nhau vẫn còn khá nhiều hàng rào định kiến chưa được khai thông. Dĩ nhiên vẫn còn có nhiều ấn tượng,  nhiều  tự vấn thú vị  mà tôi mới chỉ gợi mở chứ  chưa kịp tỏ bày. Trong” bên dòng sông tình sử” không chỉ  có những trao đổi về tình sử của Tiên Dung công Chúa và Chử Đồng Tử mà còn có cả  những đối thoại và những cuộc độc thoại  bên  dòng sông  văn chương của riêng tôi với các nhà văn mà tôi may mắn được hạnh ngộ tình cờ. Khó ai có thể biết rằng nhà thơ Viên Linh đã từng là học trò yêu của Giáo sư Tạ Quang Bửu và lúc bấy giờ anh chàng Viên Linh không hề muốn đi Nam. Viên Linh xin phép thầy Tạ Quang Bửu đi Nam chỉ vì anh sợ U  anh tự tử .  Trong văn xuôi của nhà văn Trần Hoài Thư, hiện sống ở Mỹ có nhân vật Trung đội trưởng biệt kích thuộc quân lực Việt Nam cộng hòa đã hạ súng khi nhận ra kẻ lọt vào mũi súng phục kích chính  là  thầy giáo Văn Triết của mình. Chàng biệt  kích ấy đã âm thầm ra lệnh giải thoát để ông thầy Việt Cộng bước về sinh lộ. Ông thầy ấy chính là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những tình huống đầy ấn tượng như thế  trong những khúc quanh nghiệt ngã của số phận các  văn nhân Việt Nam trong thế kỷ vừa qua không hề là hiếm có. Thế nhưng rất ít người băn khoăn tại sao Hội nhà văn Việt Nam ở Hà Nội mới chỉ tổ chức được các cuộc gặp gỡ rất linh đình  và sụt sùi kỷ niệm với các nhà văn Mỹ đã từng đụng độ với “Việt Cộng” trong cuộc chiến tại Việt Nam ? Tôi và một số đồng nghiệp vẫn thường day dứt: lẽ nào văn giới chúng ta chỉ chăm chú  giao lưu đối ngoại văn chương Việt- Mỹ   mà xao nhãng việc giao lưu văn chương giữa Việt trong với Việt ngoài  để hóa giải những nội thương trong hồn Việt, để hàn gắn, kết nối những kinh mạch văn chương của Việt hồn bấy lâu  bị đứt gãy, chia lìa bởi những cuộc tương tàn định mệnh. Tôi thì tôi mong mình có nhiều  cơ may được trao đổi chuyện văn chương với  nhiều nhà văn Việt Nam trong nước và hải ngoại hơn nữa. Chẳng hạn gặp gỡ với Lê Anh Hoài hôm nay là một cơ may của tôi.
 
Lê Anh Hoài: Anh vốn giỏi Kinh Dịch, Lý số, những môn này giúp gì cho văn chương ? Hỏi vui, anh có thể đoán được, đến khi nào có nhà văn Việt Nam đoạt giải Nobel văn học ?

Thế Dũng:Không dám. Kinh Dịch, Lý số trước mặt tôi luôn luôn là Trời - Đất khôn lường. Thi thoảng tôi chỉ thử là kẻ thực nghiệm nghiệp dư.  Với văn chương, đôi khi  Dịch Lý cũng  mang lại những suy nghiệm, những kinh nghiệm , những trắc nghiệm đầy bất ngờ và thú vị. Tôi chưa thâm hậu tới mức có thể dùng Dịch Lý  để đoán được đến khi nào  thì có nhà văn Việt Nam đoạt giải Nobel. Nhưng cho đến bây giờ mà Hội nhà văn Việt Nam  chưa thể có được những gặp gỡ chính thức   với các nhà văn nhà thơ Việt Nam hải ngoại như Viên Linh, Phan Nhật Nam, Nhã Ca, Tô Thùy Yên, Trần Hoài Thư, Thi Vũ, Lê Thị Huệ, Nguyễn Tà Cúc, Cung Trầm Tưởng, LinDa Lê …v…v… ( như với các nhà văn cựu chiến binh Mỹ) và ngược lại có một số  nhà văn ở hải ngoại vẫn tỏ thái độ không thèm đọc các nhà văn ở trong nước thì phải nói cái kích thước tinh thần của một nền văn chương tầm cỡ Nobel vẫn còn đang ở rất  xa với thần trí Việt. Nhưng dù đang ở trong nước hay ngoài nước, vấn đề còn là ở chỗ anh có khắc khoải, có đau đáu khát khao đoạt bằng được giải Nobel văn chương hay không; hay là anh chỉ nô nức hài lòng với những dòng văn  Nôem, Noel, nô bộc… Câu hỏi của anh không phải là lần đầu xuất hiện,  tôi nghĩ đã có không ít  nhà  văn Việt đã và  đang có ước muốn văn chương Việt đoạt được giải Nobel. Muốn là sẽ được. Nhưng phải là một ham muốn duy nhất, một ham muốn tột độ suốt cả cuộc đời chữ nghĩa của mình. Tôi tin là sẽ tới lúc có nhà văn  Việt  hoặc có nhà văn gốc Việt đoạt được giải này. Còn bao giờ thì bây giờ ông Giời vẫn còn đang giấu.

Lê Anh Hoài: Anh có nhận xét gì về hai dòng sáng tác, của các nhà văn trong nước và nhà văn hải ngoại, có sự khác nhau gì ? Theo anh vì sao? Có ý kiến, chỉ có một nền văn học Việt Nam, anh nghĩ sao?
 
Thế Dũng: Câu hỏi này quá lớn. Khó mà thỏa mãn anh  qua một câu trả lời. Vì hai dòng sáng tác này phát sinh từ không chỉ hai nguồn thổ văn khác nhau. Trong nước thì nó được sinh đẻ từ văn nhân của ba miền Bắc Trung Nam. Ngoài nước, dù chỉ lác đác dăm bảy chục thì văn nhân Việt cũng có mặt  ở rất nhiều quốc gia thuộc Tây Âu, Đông Âu, Bắc Mỹ…mà đất nào thì sẽ có cây ấy. Tuy vậy, có thể nói  trong thời đại tin học của thế kỷ 21, dù các nhà văn có khác biệt  nhau về thế hệ, về vùng miền, về  địa văn hóa chính trị nhưng dòng sáng tác của các nhà văn trong nước và dòng sáng tác của các nhà văn hải ngoại  càng ngày càng đa dạng và có khả năng tương sinh tương khắc nhau trong rất nhiều phong cách biểu hiện độc đáo. Bên cạnh đó, do ý thức tự tôn bản ngã  sáng tạo ở  từng nhân cách  nhà văn ngày càng chín mùi, cộng với sự dung dưỡng bởi tốc độ kết nối thông tin  của một sinh thái xã hội đa văn hóa;  cho nên sự khác nhau chủ  yếu của các nhà văn trong nước và các nhà văn hải ngoại bây giờ  chủ yếu biểu  hiện ở sự khác biệt của từng giọng điệu, từng văn cách của từng cá thể sáng tạo ở từng sắc tộc và quốc tịch  thay vì  sự khác nhau về nỗi cô đơn và sự  xung khắc ý  hệ trong  thời kỳ trước năm 1990 . Chúng ta còn có thể đào sâu vào câu chuyện này vào một dịp khác trong quy mô những tiểu luận nghiên cứu. Từ lâu rồi, luôn luôn lấy thần máu văn nhân và  ngôn ngữ văn bản làm tiêu chí, tôi  đã cho rằng chỉ có một nền văn học Việt do các nhà văn Việt ( ở trong nước cũng như ở hải ngoại) viết ra bằng tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ). Ngay cả khi các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại viết văn bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Đức thì các tần số  của Việt điện U  linh, của núi Tản sông Đà, của Trường Sơn hiểm trở, của Cửu long cuộn sóng  vẫn long lanh trĩu nặng  trong tác phẩm được viết bởi ngôn ngữ mẹ kế của những người Việt xa xứ .Và chúng ta vẫn có thể đưa các nhà văn “ngoại ngữ” này vào danh mục đặc biệt của văn chương Việt Nam.
 
Lê Anh Hoài: Nghe anh nói chuyện, ngoài sáng tác cá nhân, tôi nhận thấy những mong muốn đóng góp cho sự phát triển nền văn học Việt Nam nói chung của anh. Xin anh nói rõ thêm
.
Thế Dũng: Lẽ ra cuốn Bên dòng sông tình sử sẽ có dung lượng dày hơn. Cuộc sống phiêu bạt đã làm cho khá nhiều tiểu luận và tùy bút của tôi bị thất lạc và mất tích. Tuy nhiên với sự xắp đặt ngẫu nhiên, dù hữu hạn nhưng  dòng sông tình sử  văn chương trong cuốn sách ( mà tôi là kẻ đi bên) lại tình cờ có một  sự gặp gỡ giữa  đôi bờ, có sự tụ hợp của các nhà văn bên tả, bên hữu. Bên nào là bồi ?Bên nào là lở ? Tôi( cũng như anh ?) đã từng là độc giả vắng mặt của  văn học miền Nam, của văn học hải ngoại. Cũng do định mệnh dân tộc, có nhiều đồng nghiệp của chúng ta là những độc giả vắng mặt của  văn chương miền Bắc, của văn học trong nước. Vấn đề là ở chỗ phải có cả đôi bờ thì dòng sông văn chương Việt ngữ mới bộc lộ được toàn bộ thần khí của nó trongmột sức chảy mãnh liệt đầy sử tính qua đó thân phận bi tráng của người Việt mới có thể hiển hiện một cách tòan tập.  Để đóng góp cho sự phát triển nền văn học VN nói chung ư ?  Chẳng còn cách nào khác là mỗi nhà văn hãy viết cho đã đời, cho bật tung mọi chân tướng  sự thật, cho hiển lộ ra hết những tiếng động tâm linh, những kích thước tâm tình của từng nhân phận. Sự phát triển của nền văn học Việt Nam đang âm thầm thách thức mỗi  nhà văn. Hãy  viết đến kiệt cùng thần trí ngay trên vùng đất chất chứa sự Sống – Chết của đời mình.

Lê Anh Hoài: Vâng cảm ơn  những tâm sự của anh.