Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHI THỨC TANG CHẾ CỦA NGƯỜI VIỆT

Đắc Trung
Thứ tư ngày 7 tháng 7 năm 2010 5:54 PM
 
Tìm hiểu văn hóa Việt

TNc: Kết thúc cuộc đời ai cũng phải về “ Thế giới âm gian”. Bởi vậy nhiều người rất quan tâm đến việc tang chế. Để tìm hiểu vấn đề này xin  giới thiệu bài “ NGHI THỨC TANG  CHẾ CỦA NGƯỜI VIỆT” của Nhà văn  ĐẮC TRUNG  để chúng ta  cùng tham khảo…
         
 
       Việc tang người quê tôi theo tập quán địa táng cải cát. Truyền thống này của người Việt cổ từ thời văn hóa Đông Sơn. Xác người quá cố được đặt trong quan tài bằng gỗ chôn sâu dưới đất. Nơi chôn thi hài gọi là  nghĩa trang. Mãn tang, nghĩa là từ sau ba năm, làm lễ cải táng. Người ta đào lên, thu gom cốt, cọ rửa sạch sẽ, xếp cẩn thận theo hình hài khi còn sống vào tiểu bằng sành, trên phủ giấy trang kim rồi đậy nắp bằng những viên gạch xếp liền nhau đem chôn nơi khác. Nơi đó gọi là  nghĩa địa.
      Trong ba ngày đầu hồn người chết chưa lìa khỏi xác. Tang quyến làm lễ cúng bái tụng xin Đức Phật A-di-đà để cầu mong hồn được siêu thoát. Từ ngày thứ tư đến ngày thứ 49, trước khi làm quen với thế giới mới hồn người đó thường quẩn quanh, quyến luyến với thân thích bạn bè, luôn hiện về trong tưởng tượng và trong chiêm bao của họ. Từ sau 49 ngày đến 100 ngày hồn người quá cố đã được tiếp nhận, đã quen và thực sự hoà nhập vào thế giới âm gian. Nỗi thương nhớ của người thân cũng nguôi ngoai dần.
      Ở làng tôi việc tang bao giờ cũng được coi rất hệ trọng. Định cư đã mấy trăm năm, quan hệ giữa các dòng họ đan cài huyết thống nên mọi người gắn bó nhau sâu nặng nghĩa tình. Nước mắt, nụ cười cảm thông chia sẻ. Một người qua đời cả làng thương tiếc và cùng lo tang lễ.  Đại diện nội, ngoại tộc họp lại phân công người nào việc nấy: lo soạn thảo văn điếu, đáp từ; lo nhờ thày xem giờ khâm liệm, phát tang, nhập quan, hạ huyệt ; lo lễ nghi, kèn trống, cờ phướn, xe đòn ; lo đón tiếp khách ; lo hậu cần ăn uống ; lo che rạp, kê bàn ghế, trầu thuốc, ấm chén ...Tang lễ không chỉ là việc của một nhà, một họ mà của cả làng. Đến chia buồn với thân quyến, phúng viếng, tiễn đưa, vĩnh biệt người quá cố là nghĩa cử đạo lý. Cho đến nay việc tang ở làng tôi vẫn theo nghi thức truyền thống. Khi quan tài còn quàn trong nhà thì đầu quay vào chân hướng ra cửa. Nhưng khi rước đi mai táng thì chân quay vào đầu hướng ra cửa. Trên quan tài có bát cơm, quả trứng chín đã bóc vỏ kẹp giữa đôi đũa tre vót để lại tua bông trên đầu. Hình tượng ấy thể hiện hòa hợp âm – dương và cầu mong sự sinh thành phát triển.  Đám tang đông. Cờ tang màu ngũ sắc hoặc đen trắng, đối trướng đỏ vàng phấp phới dọc hai bên đường. Đoàn nhạc tang đi trước, tiếp đến các tăng già hàng đôi, áo nâu sồng, lần tràng hạt, đội cầu vải vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật. Rồi đến bàn linh sa, trên để ảnh, bài vị, bát hương. Sau đó là linh cữu người quá cố. Ngày xưa linh cữu đặt trên đòn tuần đinh và trai tráng trong làng khênh. Bây giờ đặt trên xe đòn mọi người cùng đẩy. Đến đâu tiền vàng âm phủ rắc theo. Cũng như nhiều nơi khác, tập quán địa táng và tục đốt vàng mã ở quê tôi ảnh hưởng từ Trung Hoa. Triều nhà Thương (1766 trCN-1122 trCN) có tục địa táng. Vua chúa, quan lại còn kèm cả việc tuẫn táng.Thiên tử chết bắt chôn theo hàng trăm người sống. Quan đại phu, tướng lĩnh chết bắt chôn theo hàng chục người để xuống dưới âm hầu hạ. Tục đó duy trì mãi cho đến trước những kỷ nguyên Tây lịch người ta mới dùng tre, nứa đan hình nộm mặc quần áo giấy thay cho những kẻ bị tuẫn táng, hoặc tượng bằng gỗ, bằng đất nung, bằng đá cùng những đồ vàng mã chôn trong đám tang, hoặc đốt trong ngày giỗ. Khi tiễn đưa, con trai người quá cố mặc áo tang xổ gấu bằng vải sô trắng, xoã tóc,đầu đội mũ đai chuối, có quai quàng xuống cằm, ngang bụng cũng thắt dây lưng chuối, tay chống gậy bằng đoạn tre tươi. Chỉ con trai mới được chống gậy. Đó là ảnh hưởng Nho Giáo « nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô », chỉ trai mới được coi là con. Cho nên người nào chưa sinh con trai cũng cố, để sau này « có người chống gậy ». Vật dụng trong tang lễ rất nhiều thứ lấy từ cây chuối : mũ đai chuối, dây lưng chuối, để cắm hương đặt trên nắp quan tài cũng bằng một đoạn cắt từ thân cây chuối, cho tới lọ lộc bình đặt trên bàn linh sa cũng cắm cây chuối con. Bởi chuối là vật « đại hàn chi phẩm » mang âm tính. Người chết là về cõi âm ( lễ đưa tang còn gọi là lễ dẫn âm ). Dùng âm tống tiễn âm là ảnh hưởng từ Đạo Giáo. Mặt khác chuối là loài cây mà khi sống cũng như lúc đã chết thân và lá luôn gắn chặt lấy nhau không nỡ rời nhau. Đó là biểu tượng sự thiêng liêng của tình cốt nhục. Con trai đi sau linh cữu là « đưa tiễn » cha, giật lùi phía trước là « đón biệt » mẹ. Cổ nhân gọi là « Cha đưa, mẹ đón ». Đó là thể hiện quan niệm của người Việt, hiếu đối với cha tính bằng « công », nhưng đối với mẹ phải tính bằng « nghĩa ». « Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ». Núi có thể đo biết to nhỏ, cao thấp. Nhưng nước trong nguồn thì không thể. Công có thể trả được, trả đủ chứ nghĩa thì không bao giờ. Người Việt đánh giá rất cao mẹ của mình, thậm chí hơn cả cha: « Cha sinh chẳng tầy mẹ dưỡng ». Bởi vai trò người mẹ có ý nghĩa sinh tử đối với con « Còn mẹ ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá đầu chợ ». Điều ấy khác hẳn với quan niệm của người Trung Quốc. Tuy nhiên phải hiểu rằng hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên không phải chỉ thể hiện khi các cụ đã chết, mà cái chính là cả khi còn sống. Đừng để người đời bình phẩm rằng : « Lúc sống thì chẳng cho ăn, đến khi chết mới làm văn tế ruồi ». Hoặc « Sống chẳng cho mẹ được tấm bánh đa, đến khi mẹ chết mới khóc rong ra rong vào », thậm chí có những kẻ « tỏ ra » hiếu thảo bỏ tiền thuê người dưng khóc mướn. Đó là bất hiếu chứ không phải hiếu. Khổng Tử dạy:« Việc lễ cốt ở cái Tâm. Việc tang cốt ở cái Tình ». Không phải cứ mâm cao cỗ đầy, giết lợn mổ bò, điếu trướng linh đình, kèn trống ầm ỹ suốt ngày thâu đêm, vật vã gào khóc thảm thiết mới là hiếu. Khổng Tử cũng dạy: « Linh tại ngã, bất linh tại ngã » linh thiêng hay không, hiếu nghĩa hay không là ở chính cái tâm của mình.Trong lễ tang con gái, con dâu cũng mặc áo bằng vải sô trắng, nhưng trên đầu phải trùm mào, cũng màu trắng. Cháu thắt khăn trắng ngang đầu, nút thắt sau gáy. Chắt khăn vàng. Chút khăn đỏ. Nội, ngoại tuỳ quan hệ với người quá cố trong vòng ba đời, họ gần thắt khăn, họ xa vấn khăn. Nhìn qua có thể biết sơ bộ về thân nhân người quá cố. Hạ huyệt xong, tiếp lễ truy điệu, đọc văn điếu. Văn điếu ngắn gọn, súc tích. Tóm lược nét chính tiểu sử, đánh giá đức độ, trách nhiệm người quá cố với xã hội, với gia đình, với họ hàng, với quê hương, với bầu bạn, với bản thân bằng những lời tốt đẹp. Thường đại diện cơ quan hoặc tổ chức xã hội mà người quá cố gắn bó đọc văn điếu. Chôn lấp xong mọi người quây quần quanh mộ. Đại diện tang quyến đáp từ, nói với anh linh người quá cố, cám ơn họ hàng, thân bằng cố hữu, xin được lượng thứ nếu có sơ sót... Sau đó tất cả đi quanh mộ vĩnh biệt lần cuối.
       Thông thường cùng với việc vuốt mắt, buộc hai ngón tay cái và hai ngón chân cái vào nhau, người ta lấy một chiếc đũa đặt ngang miệng người vừa quá cố để răng không cắn vào lưỡi rồi chờ cho tới khi hết hy vọng hồi sinh mới bỏ chút gạo và mấy đồng tiền vào mồm người chết (nhà giầu thì bỏ vàng, bạc ngọc quý), tục đó gọi là « phạn hàm » phạn là cơm, hàm là ngậm ý cầu mong người quá cố xuống âm gian không bị đói nghèo. Xong thủ tục « phạn hàm » thì trải chiếu xuống đất đặt xác người quá cố lên để « vạn vật đồng quy thổ » - tất cả muôn vật đều trở về với đất, một lát lại đặt lên giường, lấy giấy trắng phủ mặt và dùng lá thơm đốt trên chỗ đất ấy để kỵ tà. Mỗi đám tang thường phải nhờ một thày cúng hoặc thày phù thuỷ (pháp sư) lo việc tính ngày, chọn giờ để làm thủ tục khám liệm (khám là vải bọc bên ngoài, liệm là vải bọc bên trong, nhà nghèo dùng vải thường, nhà giầu dùng lụa là vóc nhiễu), nhập quan, phát tang, hạ huyệt...Nếu có « trùng » thì phải yểm bùa, cúng lễ, đuổi ma, trừ tà. Sau khi đã đậy nắp quan tài đặt lên đó bẩy ngọn nến đang cháy nếu là đàn ông và chín ngọn nếu là đàn bà tượng trưng cho thất tinh và cửu tinh ; một bát hương, một bát cơm đầy có quả trứng gà luộc đã bóc vỏ kẹp giữa đôi đũa bông. Đồng thời đặt linh sàng và linh tọa. Linh là vong người quá cố. Sàng là chỗ nằm. Tọa là chỗ ngồi. Bàn linh sàng đặt trong nhà, gần nơi khi sinh thời người quá cố vẫn nằm, có buông rèm bằng vải xô. Bàn linh tọa đặt trước linh cữu có đèn nhang, bài vị hoặc di ảnh người quá cố. Từ lúc đó con cháu phải túc trực quanh linh cữu để làm lễ phát tang, con cháu, họ hàng nội ngoại xa gần cứ theo quy định tang phục mà mặc, mà đội mào, thắt khăn. Tiếp đến đứng thành hai hàng cung kính đáp từ bà con thân hữu tới viếng. Khi kết thúc lễ viếng mới chuyển sang phần lễ hành táng đưa di hài người quá cố ra đồng rồi làm lễ an táng ... Tất cả những nghi thức ấy là ảnh hưởng từ Đạo Lão thuộc trường phái phù thuỷ. Đạo Lão xuất hiện ở Trung Quốc từ rất lâu đời do Lão Tử, nhà triết học lớn thời Tiên Tần lập ra. Ông người nước Sở, họ Lý tên là Nhĩ, sinh năm 570 trCN đời vua Định Vương nhà Chu. Học thuyết cơ bản của Lão Tử được tổng kết qua trước tác « Đạo đức kinh » của ông. Theo Lão Tử vũ trụ, trời, đất, muôn loài được sinh ra từ đạo . Dưới sự chuyển hoá qua lại của  đạo ( đạo hiểu theo nghĩa triết học chứ không phải như nghĩa đạo đức thuộc nhân cách con người ) khiến vạn vật luôn biến động và tồn tại các mặt đối lập, mâu thuẫn nhưng thống nhất phát triển. Lão Tử nhấn mạnh tính thống nhất ấy, ông chủ trương cứ để vạn vật phát triển theo lẽ tự nhiên không lấy dục vọng ham muốn của ta tác động vào, như thế thì vũ trụ sẽ bình yên, thiên hạ không đại loạn. Đó cũng chính là nền tảng vô vi trong học thuyết của ông. Đến thời Trang Tử (369-286 TrCN) Đạo Lão được phát triển thêm một hướng khác. Trang Tử cũng là bậc hiền triết khả kính. Ông người nước Tống thời Chiến Quốc, hàn vi nghèo đói nhưng có chí, học rộng hiểu sâu, không làm quan, khinh ghét kẻ tiểu nhân dựa vào giầu sang quyền thế kiếm lời, sống ẩn dật, thường ngồi câu bên sông Bộc Thuỷ. Biết danh tiếng ông, có lần Sở Uy Vương cử sứ giả tới mời đến Sở làm Tướng quốc, Trang Tử từ chối. Ông nói:  « Thắt dây lưng ngọc giống như sợi thừng trói ngang người. Mặc áo quần Tể tướng không khác quần áo tù. Hàng ngày luôn phải làm việc theo sắc mặt của vua. Đó là thứ ta không muốn ». Ông nghiền ngẫm Lão Tử và cho rằng ai biết được đầy đủ triết lý  đạo của Lão Tử người đó sẽ nắm được thiên cơ trở thành chân nhân. Chân nhân là người xuất thế, thoát tục, chu du đây đó sống cùng với trăng sao, mây trời, sông núi, cỏ cây, hoa lá... có thể luyện được linh đan. Uống linh đan con người sẽ trường sinh bất tử trở thành thần tiên. Trang Tử đã phát triển, mở rộng và sáng tạo từ « Đạo đức kinh » thành «Nam hoa chân kinh ». Thế là từ Đạo Giáo một học thuyết triết học lý giải về sự hình thành vận động phát triển của vũ trụ và vạn vật của Lão Tử, Trang Tử đã biến thành một thứ tín ngưỡng tôn giáo có tên là  Đạo Giáo thần tiên. Cũng trên cơ sở đó Trang Tử giải thích những sức mạnh siêu nhiên, những biến động dữ dội, những con người phi thường... bằng cách thần thánh hoá và chủ trương tôn sùng, thờ phụng những bậc thần thánh ấy như Thần Núi, Thần Sông, Thần Biển, Thần Sấm Sét, Ngọc Hoàng Đế, Lão Tử ... Đạo Giáo thần tiên mang tính xã hội, mưu hạnh phúc và sự bình an cho cả cộng đồng làng xã, hoặc cả quốc gia chứ không chỉ nhằm giải thoát tế độ cho mỗi cá nhân. Rồi cũng xuất phát từ những tư tưởng của Lão Tử, Trang Tử mà đến những thiên niên kỷ trước, sau công lịch trong bối cảnh xã hội đầy rối ren biến loạn đã xuất hiện nhiều đạo sĩ, khởi đầu là Trương Lăng hậu duệ đời thứ chín của Trương Lương ( một công thần từ đời Hán Cao Tổ ).  Họ cho rằng ngoài những chân nhân, thần thánh  trường sinh bất tử và sức mạnh siêu nhiên, trong vạn vật còn có những thế lực khác tác động, quấy nhiễu cuộc sống như ma tà, quỷ quái, bệnh dịch ... Từ đó dần dần xuất hiện tầng lớp thày cúng, thày phù thuỷ hành đạo trong các đền phủ hoặc lập điện thờ tại gia dùng phù phép hô phong, hoán vũ, kêu gọi âm binh, dùng bùa chú trấn yểm, ném muối gạo tống tiễn và dùng roi dâu quất đuổi tà ma, dùng bói toán đoán vận hạn, dùng tàn hương nước thải chữa bệnh, dùng pháp thuật như phun lửa qua miệng, xiên lình qua má...Cúng trong tang lễ, trong trừ tà, trong động mồ động mả, cầu khi hoạn nạn, lúc đau ốm ... Những thuyết lý và nghi lễ ấy gọi là Đạo Giáo phù thuỷ, đầy màu sắc dị đoan nhưng dân chúng theo rất đông, nhất là những thời kỳ thiên tai, loạn lạc, đói khổ, bất công lòng tin khủng hoảng con người mong muốn có một chỗ dựa cho tinh thần. Thế là từ Đạo Giáo mang nội dung triết học của Lão Tử, Trang Tử biến thành Đạo Giáo thần tiên đầy màu sắc tín ngưỡng, rồi các đạo sĩ và thày cúng, thày phù thuỷ lại biến thành Đạo Giáo phù thuỷ, mang nhiều yếu tố mê tín. Đạo Giáo ( gọi là Đạo Lão, hay Lão Giáo cũng thế ) du nhập vào nước ta từ khoảng thế kỷ thứ II, gồm cả hai trường phái : Đạo Giáo thần tiên, Đạo Giáo phù thuỷ đã ảnh hưởng và chi phối sâu sắc tập quán xã hội và đời sống tinh thần người Việt chúng ta, trong đó có dân làng Mai Độ của tôi.
      Sau lễ đưa tang trở về, bàn thờ người quá cố phải lập riêng, thấp hơn bàn thờ gia tiên, có ảnh hoặc linh vị, cùng những đối trướng, đồ lễ như hoa quả, bánh trái ... Từ đó, bữa nào cũng phải cúng cơm, liên tục một trăm ngày, với quan niệm rằng trong thời gian đó linh hồn người quá cố chưa được tiếp nhận chính thức sang thế giới âm gian nên vẫn phải nương dựa vào thân chủ. Ngoài ra phải làm lễ cúng sau ba ngày và sau 49 ngày. Cúng ba ngày gọi là lễ tam tiêu khẳng định âm dương đã đủ để siêu thoát. Cúng 49 ngày khẳng định linh hồn người quá cố đã xong thủ tục để được thế giới âm gian tiếp nhận. Các loại khăn tang của con, cháu và họ hàng thân thích cũng được giặt sạch, vuốt phẳng, gấp gọn cất giữ ở đây để sẽ được lấy ra dùng vào những ngày lễ, ngày giỗ người quá cố trong thời gian còn chịu tang.
      Theo sách « Thọ mai gia lễ” vợ chồng chịu tang nhau và con chịu tang cha mẹ ba năm. Cháu chịu tang ông bà một năm. Anh chị em ruột chịu tang nhau một năm. Anh chị em thúc bá chịu tang nhau chín tháng. Cháu để tang chú, bác năm tháng và để tang cô, dì ba tháng. Chắt chịu tang cụ năm tháng. Chút chịu tang kỵ ba tháng... Ngoài ra tang chế ở quê tôi còn quy định cụ thể tới cả việc các con chịu  tang « tam phụ » và « bát mẫu ». « Tam phụ » gồm: nhạc phụ (bố vợ) tang chế ba năm; dưỡng phụ (bố nuôi), nếu chỉ có công dưỡng dục thì tang chế năm tháng. Nếu cha mẹ đẻ còn sống nhưng vì nhà quá nghèo mọi sinh hoạt do cha nuôi đảm nhận thì tang chế một năm. Nếu cha mẹ đẻ chết sớm phải nhờ cậy cha nuôi từ bé thì tang chế ba năm ; kế phụ (cha ghẻ) nếu ở chung và có công nuôi dạy thì tang chế một năm. Nếu ở riêng, cuộc sống ít lệ thuộc thì tang chế ba tháng. « Bát mẫu » gồm : nhạc mẫu (mẹ vợ), tang chế ba năm ; dưỡng mẫu (mẹ nuôi) tang chế giống như dưỡng phụ ; kế mẫu (mẹ kế có công nuôi dạy con chồng) tang chế giống như kế phụ ; đích mẫu (vợ chính thất của bố) tang chế ba năm ; giá mẫu (cha mất sớm, mẹ tái giá) tang chế một năm ; xuất mẫu (cha mẹ bỏ nhau, mẹ đi bước nữa) tang chế một năm ; thứ mẫu (vợ lẽ của cha ) tang chế một năm ; nhũ mẫu (người nuôi dưỡng) tang chế ba tháng.
      Sau ba năm giỗ đoạn tang, còn gọi là lễ trừ phục, con cháu mới được bỏ khăn tang, áo tang ; mới được cải táng chuyển hài cốt người quá cố từ nghĩa trang về nghĩa địa ; mới được rước chân nhang thờ người quá cố nhập vào bát hương cộng đồng trên ban thờ gia tiên.
      Nghĩa trang làng tôi là Quán. Nghĩa địa là Miễu. Sau này nghĩa trang được dời về Tam Thai, nhưng Miễu vẫn là nghĩa địa. Đó là khu đất đẹp, lưng tựa núi Tiên Sa, mặt nhìn sông Thiên Phái. Tả hữu thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng, gió trời. Địa thế quy tụ đủ âm dương, phong thuỷ. Đến nay ít nhất cũng năm sáu trăm năm lưu giữ hài cốt của biết bao thế hệ người làng Mai Độ chúng tôi. Đó là nơi tích tụ âm linh đã ảnh hưởng sâu sắc và chi phối cuộc sống tinh thần mọi người dân làng tôi thuộc các thế hệ. Dù sinh sống ở quê hay phiêu bạt nơi đâu, khu nghĩa địa ấy vẫn vô cùng thiêng liêng . Bởi đó là nơi hội  tụ  âm linh . Cũng như thờ cúng gia tiên, âm linh lấy hiếu nghĩa làm gốc. Khổng Tử dạy : « Sự tử như sự sinh. Sự vong như sự tồn » - hiếu nghĩa với cha mẹ khi còn sống cũng như hiếu nghĩa với cha mẹ khi đã chết. Cúng bái trong nhà là lo phần hồn, chăm sóc ngoài mộ là lo phần cốt đối với tổ tiên. Hai việc ấy  không thể tách rời. Chuyện cúng lễ tổ tiên cũng như việc chăm sóc mồ mả không chỉ thể hiện đạo hiếu nghĩa, mà còn nhắc nhở chính mình và giáo dục con cháu mình ý thức về cội nguồn. Chim có tổ, người có tông. Không ai tự nhiên mà có. Mỗi dịp lễ, Tết, Thanh minh, giỗ Tổ, giỗ cha mẹ, hoặc người thân con cháu từ khắp thập phương đều hướng lòng mình, tìm về quê hương, về anh em dòng tộc gặp gỡ thăm hỏi nhau, nhận biết nhau, diễn giải cho nhau về vai vế thứ bậc, cùng ôn lại những kỷ niệm, những truyền thống tốt đẹp của quê hương mình, dòng họ mình. Cùng tham gia lễ hội ở đình, ở đền, ở chùa làng mình. Cùng nhau đi tảo mộ, thắp hương khấn vái trước anh linh cha ông và các bậc tổ phụ... Chuyện mồ mả cha ông luôn gắn liền với phúc họa của con cháu. Trong gia đình có chuyện rủi ro bất hạnh gì là thâm tâm người ta liền nghĩ : có lẽ mồ mả các cụ « bị động ».  Dường như giữa âm và dương có mối liên hệ vô hình là có thật từ ngàn xưa mà ngày nay ta vẫn chưa giải thích được, cho nên không ai dám coi thường. Cổ nhân có câu « giữ như giữ mả tổ». Bất hòa, mâu thuẫn đánh chửi nhau, có thể nhẫn nhịn bỏ qua, nhưng xúc phạm đến mồ mả tổ tiên của nhau thì rất khó tha thứ. Với chúng tôi, ngoài những yếu tố về âm linh  nghĩa địa Miễu còn để lại trong ký ức biết bao kỷ niệm từ những ngày thơ ấu.
      Nghĩa địa rộng hàng chục mẫu. Những nấm mồ nối nhau như sóng. Sau Tết, mưa xuân rắc bụi, lộc non mơn mởn. Đàn bò nhẩn nha gặm cỏ. Chim én bay lượn khắp trời. Sáo đen, sáo sậu tìm mồi trên lưng trâu. Bọn con trai lùa chó đi săn chuột. Tiếng hò hét, tiếng chó sủa loạn cả lên. Đám con gái rủ nhau tìm hái rau khúc mọc trên những mảnh ruộng mới gặt, khô nẻ, trơ gốc rạ đem về cho mẹ làm bánh. Mùa hè. Gió nồm lồng lộng thổi. Con trai thả diều, đánh khăng, chia quân tập trận. Con gái ngồi chụm đầu chơi chuyền, chơi tam cúc, chơi ô ăn quan... Mùa đông rét tím da. Kéo nhau vào núi kiếm củi gom lại đốt sưởi. Đào trộm khoai, bẻ trộm ngô nướng chín chia nhau. Vừa thổi vừa nhai. Cười nói quên rét. Hàng năm, dịp Thanh Minh trẻ con nô nức theo người lớn rồng rắn đi thắp hương tảo mộ. Nghe cha chú kể về lai lịch, về thứ bậc trong dòng tộc của người nằm dưới đất để nhớ. Không được quên. Quên mồ mả tổ tiên là tội bất hiếu, bất nghĩa. Để thất lạc mất mồ mả tổ tiên là đại bất hiếu bất nghĩa. Cho nên dù tha phương ở đâu, nhà cửa vườn ruộng có thể bán, nhưng mồ mả cha ông thì không được phép để mất. Không ít người ốm đau vận hạn, gia cảnh lụi bại chỉ vì không biết tôn trọng, giữ gìn để động mồ động mả. Âm linh bất ổn thì dương thế bất yên, thịnh vượng sao được. Không nhớ cội nguồn, quên ơn Tổ phụ là có tội, phải gánh tội.
      Việc dựng nhà, đặt mộ dân quê tôi ảnh hưởng thuyết Phong Thuỷ của người Tầu. Quan niệm Phong Thuỷ có từ thời Tiên Tần tồn tại đến bây giờ, hưng thịnh từ Nam Bắc triều đến nhà Thanh. Qua mỗi triều đại, từ khái niệm được nâng lên thành thuyết Phong Thuỷ và càng mở rộng. Ngày nay nó còn được soi sáng, bổ sung bằng khoa học hiện đại nên không ngừng phát triển thu hút không ít người quan tâm nghiên cứu. Có thể coi Phong Thuỷ là một dòng trong văn hoá truyền thống Trung Hoa, là loại thuật số căn cứ hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên có liên quan đến con người mà chọn lành, tránh dữ. Phong Thuỷ gồm hai phần chính : âm trạch và dương trạch. Dương trạch là nơi người sống hoạt động. Âm trạch là huyệt mộ của người chết. Cốt lõi của Phong Thuỷ là « sinh khí ». Phong là gió. Thuỷ là nước. Khí là khí đất.  « Sinh khí » là thứ tạo ra sự sống và được kết hợp từ các yếu tố ấy. « Sinh khí » bị chi phối bởi hình thế, long mạch, huyệt vị, dòng chảy, phương hướng, ánh sáng...Người sống ở nơi có « sinh khí » thì sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt, phúc lộc đề huề. Người chết chôn cất nơi có « sinh khí » thì linh hồn siêu thoát, sớm được luân hồi và luôn phù hộ độ trì cho người sống. Nặng trong đầu quan niệm ấy nên dân làng tôi rất coi trọng cả dương trạch và âm trạch. Không chỉ ảnh hưởng thuyết Phong Thuỷ, người làng tôi còn vận dụng cả thuyết Trạch Cát cũng của người Tầu. Từ việc chọn đất làm nhà, thuỷ cảnh quanh nhà, kết cấu nhà, hướng nhà, hướng cổng, hướng cửa, hướng bếp, kích thước cửa, ngày giờ động thổ đào móng và cất nóc cho tới việc đặt ban thờ gia tiên, kê giường, tủ, bàn ghế ...Dương trạch thế và âm trạch cũng phải chọn địa thế khu đất nơi đặt mộ, hướng mộ, địa cảnh quanh mộ, kích thước mộ, ngày giờ động thổ, hoàn thổ nơi phần mộ, hoặc xây dựng lăng mộ... đều nhờ thày hoặc tra cứu làm theo sách chứ không ai dám tuỳ tiện.

  ĐẮC TRUNG
  ĐT :  0913236372  -   0437220868