Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĂN MŨI THÊM...MŨI, ĂN TAI THÊM...TAI

Bác Cả Phiếm
Chủ nhật ngày 4 tháng 7 năm 2010 2:06 PM
 
Người Việt ta vốn coi trọng chuyện ăn uống. Ăn không chỉ để cung cấp lượng dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu của cơ thể; ăn quan trọng ở chỗ nó là nguồn vui thưởng thức món ngon trong cuộc sống. Cao hơn nữa, việc ăn thể hiện văn hóa ẩm thực, rộng lớn thì của vùng miền, nhỏ hẹp thì trong mỗi cá nhân.
Người Việt coi trọng từ việc ăn cái gì đến ăn như thế nào, ăn với ai, ở đâu, khi nào… mọi “hạng mục” đều có sự quan trọng chẳng kém gì nhau. Lúc cơ hàn nghèo đói ăn uống tuềnh toàng thế nào cũng xong, ăn cho qua ngày đoạn tháng.  Khi khấm khá, miếng ăn phải xem làm trọng, ăn phải ra ăn, ăn cho ngon cho đẹp. Ngon thì ai cũng biết rồi, còn đẹp, không kể chi hình thức, cung cách ăn còn làm sao phải cho lịch duyệt, tao nhã, cao sang…
Cuối năm đầu năm là dịp xôn xao chuyện ăn chuyện uống, của cơ man những tiệc tùng hội nghị, tất niên tổng kết, gặp mặt chia vui… Bác Cả Phiếm tôi cũng theo đà tiến lên của văn hóa ẩm thực mà sa chân vào khắp các nơi ăn chốn uống, thường thường bậc trung thì bia hơi quán nhậu; sang hơn tí thì nhà hàng, khách sạn; cũng có khi được mời đến chỗ tiệc tùng do chính chủ nhân tổ chức nấu mà cỗ bàn cũng sang trọng chả kém gì ở nhà hàng cao cấp, khách sạn năm sao. Càng được mời đi ăn nhiều càng thấy cái “trình” ăn uống của người Việt ta ngày càng được nâng cao. Món mỗi ngày một mới. Bày mỗi ngày một đẹp. Ăn mỗi ngày một ngon. Chuyện mỗi ngày một xôm. Trò mỗi ngày một vui. Mọi lý do đều khiến khắp nơi ngày một xôn xao ăn uống. Nhưng ăn cũng nhiều khi được xem là cái cớ của muôn vàn những chuyện quan trọng khác chỉ có thể bàn trong bữa tiệc…
Sa chân vào chốn ăn uống miết rồi một hôm, Cả Phiếm tôi cũng vớ được một kiểu ăn khá độc đáo. Cả Phiếm chả là khách mời của cuộc liên hoan tổng kết cuối năm tại một cơ quan nọ. Thực khách khoảng hơn trăm người, trong một hội trường không sang trọng nhưng khá rộng thoáng, thoải mái tiếp đón đi lại vào ra. Cơ quan ấy “nghe ồn” không đặt tiệc. Đông phụ nữ, lắm người khéo ăn khéo nói khéo làm nên họ lên thực đơn mua đồ về tự chế biến. Việc này được giải thích không phải vì tiết kiệm, mà trong cái nội hàm văn hóa ẩm thực ngày nay, muốn thể hiện trọn vẹn lòng hiếu khách thì chủ nhà phải tự lăn vào bếp, đảm bảo món ăn vừa hợp vệ sinh vừa ngon vừa thắm đượm tình cảm chủ khách thì mới tỏ dạ chân thành. Và quả cái gã giang hồ ồn ĩ ấy chả sai, tiệc hôm ấy vừa ngon, vừa đẹp, vừa sang, khó tìm ra cái gì để mà bắt lỗi chủ nhân một tí tị tì ti cho được.
Chuyện thế thì cũng chả nói làm gì. Nhưng có một món khiến Cả Phiếm ứa nước miếng ngay từ khi vừa bước vào hội trường. Ấy là món “lợn sữa quay chim chim xôi” – là lợn sữa quay ăn với xôi nắm chim chim ấy!
Cái đặc biệt nó nằm ngay từ chỗ họ bày trí món này. Chú lợn sữa chừng mười lăm hai mươi cân, được quay giòn bóng nhoáng lá bì màu cánh gián, chặt xong rồi xếp miếng thịt lại thành nguyên con, đủ cả đầu đuôi tai mắt và tứ chi không thiếu đi đâu cái nào, với cái đuôi cong vênh vểnh lên trông sinh động như chú lợn ăn no nằm co ủn ỉn mới thật thích chứ. Đã thế, “chú” lại nằm vào giữa cái mẹt xôi đã được những đôi bàn tay xinh khéo của cánh phụ nữ cơ quan nọ chim chim lại đều tăm tắp và cũng mịn mượt chỉ kém “nước da” bóng bẩy của chú lợn sữa đôi phần. Có khác chăng thì chú lợn bóng lên màu nâu cánh gián còn chim chim xôi thì đương nhiên vừa trắng lại vừa tròn, trông cực kỳ ngon mắt mà ăn vào thì thôi, chả biết tả thế nào, thôi thì cứ đơn giản là… hết xảy con mẹ bảy!
Tôi để ý thấy rất nhiều thực khách vây quanh món “lợn sữa quay chim chim xôi”, nhìn thái độ thì thấy không hẳn vì “ham của lạ” mà họ có vẻ “ngon ra mặt”. Ấy thế nhưng lạ có một điều, thực khách chỉ ăn phần thân các chú lợn, còn đầu, tai, đuôi, chân, gần như là “nguyễn y vân”. Tôi nhìn khắp lượt các chú lợn bị “chặt” phần thân, còn lại đầu chân đuôi chỏng chơ trên các mẹt xôi chim chim, tự hỏi tại sao rồi lại tự trả lời: hẳn bởi món ngon quá nhiều, đầu chân tai đuôi ăn lại khó, phải gỡ, phải xé, phải cắt, phải cắn, nên người ta ngại…
Buổi tiệc càng về cuối, khi các thực khách đã khá no nê cả hai khoản uống và ăn, thì càng xôm trò. Chủ nhân quả khéo sáng tạo khi bày biện các màn kể chuyện, thi thố hát hò, bốc thăm trúng thưởng… khiến thực khách vui như đi dự hội, được ăn, được nói được cả phần thưởng mang về. Thông thường tại các buổi gặp gỡ kiểu đối nội đối ngoại như thế, bao giờ cũng là dịp để khách khứa tỏ tình thân hữu với chủ nhà, để cấp dưới vui vẻ chan hòa trong “một phen bình đẳng” với cấp trên… Nhưng có lẽ cũng là dịp để những người hiềm khích tỏ ra vui vẻ và những kẻ nịnh bợ thì có thêm cơ hội nâng cốc cụng ly mà nói lời có cánh.
Cả Phiếm tôi để ý thấy một người có dáng vẻ vừa thâm trầm vừa tự kiêu, từ đầu tiệc đến cuối tiệc, anh chỉ đi đi lại lại, ăn rất ít, nói cũng rất ít, chỉ uống bia và quan sát thực khách ăn uống chúc tụng nhau. Nhìn qua cử chỉ, thái độ, cung cách của anh, có thể đoán anh là người có con mắt tinh quái chứ chẳng vừa. Lúc gật gù, khi lắc đầu chán ngán…, có cảm giác như mọi hành động của đám thực khách được coi là VIP đều không lọt qua cặp mắt tinh quái của anh, và anh đang đau đáu nghĩ về điều gì đó đằng sau cái sự ăn uống linh đình ồn ĩ này.
“Theo dõi” một lát, Cả Phiếm tôi thấy anh tiến đến gần một bàn tiệc, trên đó còn chỏng chơ cái đầu, cái đuôi và bốn chi chú lợn sữa đặt giữa mẹt xôi chỉ còn sót lại vài cái chim chim. Anh cầm con dao nhỏ, đầu tiên cắt lấy đôi cái tai vênh vểnh của chú lợn, anh ăn ngon lành. Sau đó cắt lấy cái mũi hênh hếch của chú lợn, cũng ăn ngon lành. Cuối cùng, cắt lấy cái đuôi cong cong như còn muốn ngoe nguẩy của chú lợn, anh ăn xem chừng cũng chẳng kém ngon lành gì so với việc ăn mũi và ăn tai. Thấy lạ, Cả Phiếm tôi mới ọ ẹ lại gần…
-Thưa anh, xin lỗi tôi hỏi khí không phải anh bỏ quá cho, nãy giờ tôi quan sát thấy anh rất lạ…
-Vâng bác cứ tự nhiên…
-Vâng. Nãy giờ thấy anh cứ đi đi lại lại, chỉ uống và uống, ấy thế nhưng lại vừa thấy anh có một cách “xử lý” chú lợn sữa rất đặc biệt… Nhìn anh ăn ngon lành đến nỗi tôi cũng muốn học theo, nhưng có cảm giác anh ăn mà không hẳn chuyện ăn, liệu tôi có suy diễn không nhỉ?
-Có gì đâu bác. Cũng chỉ là muốn nghịch ngợm tí thôi. Tôi ăn tai để thêm tai mà nghe thanh âm của xã hội; ăn mũi để thêm mũi mà ngửi mùi xã hội…
Nói đến đây, anh dừng lại, đi đến bàn tiệc khác, cầm dao chuẩn bị cắt tai, cắt mũi, cắt đuôi một chú lợn sữa khác…
Cả Phiếm tôi mới chạy theo, kịp khi anh vừa cầm lên một cái đuôi…
-Dạ thưa, thế còn cái đuôi này, anh… để làm gì ạ?
Anh ra chiều ngẫm nghĩ giây lát:
-À… có lẽ chỉ có thể để làm con chó, vẫy đuôi mừng rỡ mỗi khi có khách đến chơi nhà…